Học giả LÊ TRỌNG VĂN: Tiếng nói chống phá ở hải ngoại không còn giá trị với giới trẻ

Học giả Lê Trọng Văn (ảnh), sinh năm 1931, tại Bangkok (Thái Lan), hiện sống ở California (Mỹ). Ông thông thạo nhiều ngoại ngữ: Anh, Pháp, Thái, Lào, Miên và từng là phụ tá chuyên về tình báo của cố vấn Ngô Đình Nhu. Ông đã viết hơn 10 đầu sách liên quan đến chế độ Việt Nam Cộng hòa cũng như lên án tội ác của chế độ Ngô Đình Diệm (Những bí ẩn lịch sử dưới chế độ Diệm, Lột mặt nạ những con thò lò chính trị, Việt Nam: những sự kiện lịch sử thế kỷ 20, Tuyển tập Pétrus Trương Vĩnh Ký v.v… xuất bản tại Hoa Kỳ), và đã viết nhiều bài đề cao Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên các báo trong nước và nước ngoài. Vừa qua, ông đã trả lời phỏng vấn của tạp chí Hồn Việt.

* PV: Thưa ông, chuyến thăm Mỹ vừa qua của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được dư luận rất quan tâm. Theo ông, chuyến đi ấy có ý nghĩa như thế nào?

- Học giả Lê Trọng Văn: Chuyến đi của Tổng bí thư lần này, theo tôi, có giá trị rất cao. Nó không chỉ là thắng lợi về mặt chính trị, mà còn ở nhiều mặt khác nữa. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến ở Mỹ cho rằng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không phải là người đứng đầu quốc gia Việt Nam. Vì vậy, Đảng Cộng hòa đã ra sức phản đối. Nhưng Tổng thống Obama đã kiên quyết giữ vững lập trường của mình (cũng là giữ uy tín Mỹ), ông nói Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu Đảng Cộng sản, mà Đảng là đại diện cho nhân dân Việt Nam. Tiếng nói của Tổng bí thư chính là tiếng nói của nhân dân Việt Nam.

Tuy rằng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không được trải thảm đỏ, nhưng ông đã được đón tiếp ở phía hữu tòa Bạch ốc - nơi thường được tiếp những sứ giả phương Tây. Đó là vinh dự cho Việt Nam.

* Thưa ông, đối với bà con bên Mỹ, việc gặp gỡ giữa Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam với Tổng thống Mỹ có tác động như thế nào?

- Về phía công chúng, ngày đầu tiên đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, có khoảng gần 2.000 người đứng trước tòa Bạch ốc, cầm cờ vàng ba sọc đỏ chống đối và đả đảo. Đây là sự “huy động lực lượng” của những kẻ thường hay chống đối chế độ Việt Nam hiện hữu, lưu niên và chuyên nghiệp ở Mỹ. Ngày thứ nhì chỉ còn vào khoảng 100 người và đến ngày thứ ba chỉ lưa thưa vài chục người. Đó là một thắng lợi của nhà nước Việt Nam. Vì rõ ràng, Tổng thống Mỹ tiếp ta, các anh chống đối, chính là gián tiếp chống đối Mỹ. Hơn nữa, việc Mỹ bắt tay với Việt Nam, là vì Mỹ hiểu rằng, ở châu Á, chỉ đặc biệt riêng có Việt Nam là một nước có thực lực về chính trị và quân sự.

Theo nhận xét của tôi, tiếng nói chống phá của những người có chức có quyền trong chế độ cũ (Việt Nam Cộng hòa) không còn có giá trị đối với giới trẻ nữa. Các thế hệ trẻ thứ hai và thứ ba rất sáng suốt. Họ biết phân tích thế nào là đúng, thế nào là sai nên họ không dễ bị sự lôi cuốn của cha, ông một cách dễ dàng. Hơn nữa, trong bất cứ thư viện nào ở Mỹ cũng đều trưng bày rất nhiều sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là câu trả lời thực tế phản bác những trang mạng, những cuốn sách của các phần tử phản động có mục đích “đánh” vào thần tượng Hồ Chí Minh. Tóm lại, giới trẻ hiện nay rất thức thời, họ không theo nhưng cũng không chống. Họ rất thực tế và hiểu rằng: bây giờ không thể nào lập được chế độ cộng hòa thứ ba nữa (sau chế độ Ngô Đình Diệm và chế độ Nguyễn Văn Thiệu)…

Chúng tôi nghĩ, nếu trong nước bớt tham nhũng, bớt cửa quyền, bớt khắt khe với dân chúng thì mọi việc sẽ được tốt đẹp hơn.

TƯỜNG VY thực hiện