Học làm nhà chỉ huy

Trước hết, đừng hiểu “Làm nhà chỉ huy” là phải có chức vụ như Tổng thống, Thủ tướng, Bộ trưởng, chí ít cũng là Tổng giám đốc, Giám đốc… mà chỉ cần được giao điều hành một nhóm người để thực hiện một công trình lớn hoặc nhỏ, thì một kỹ sư, một nhân viên được giao trách nhiệm chính đó đã trở thành nhà chỉ huy.

Người chỉ huy tức là làm nhà lãnh đạo, phải biết tổ chức, điều hành công việc để công trình đó thành công. Sự nghiệp ấy có ý nghĩa, công trình mang lại lợi ích lớn mà không có người chỉ huy giỏi thì chẳng khác gì con rắn không đầu. Vì vậy, cần nghiêm túc và xem trọng học điều này. Học ở đâu? Trường học đó là trường đời, là rút kinh nghiệm từ người khác, từ chính bản thân mình qua từng việc cụ thể, từng sự kiện cụ thể, thậm chí từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Tất nhiên, học từ nghiên cứu sách vở là điều không thể thiếu. Bố gợi ý cho con mấy kinh nghiệm của bố:

1. Học sử dụng người: Dù điều hành số lượng người nhỏ thì cũng phải biết sử dụng người. Phải nắm vững khả năng, tính cách, ưu nhược điểm của họ để tận dụng, trong công việc phải đặt họ đúng chỗ. Phải thể hiện sự tôn trọng, lắng nghe và quan tâm đến quyền lợi chính đáng của họ, nhưng tuyệt đối không mị dân, không theo đuổi những điều xấu, những đòi hỏi vô lý. Công bằng, chân thành, không bè cánh là thái độ của người trí thức có văn hóa.

2. Phải có kế hoạch, bước đi cụ thể và biện pháp chu đáo, có lường trước khó khăn thuận lợi để có giải pháp xử lý khi gặp những tình huống khác nhau. Thói quen đó, con có thể rèn luyện ngay từ việc nhỏ khi còn đi học. Hôm nay làm gì, học và làm bài gì, phân bổ thời gian ra sao, mưa hay nắng, đem theo cái gì để không thừa, không thiếu… Tham gia công tác xã hội cũng cần thể hiện thói quen đó.

3. Bản thân luôn là người biết gương mẫu: Bố đã nói với con về việc “Rèn Đức”, nên thể hiện sự gương mẫu rất tự nhiên của mình như buổi sáng ắt mặt trời phải mọc… Nhưng khi đã là người chỉ huy thì ý thức đó phải luôn thường trực. Có câu “Ngôn xứng kỳ đức” khi yêu cầu người khác sống ra sao thì bản thân mình phải làm tốt điều đó. Tấm gương của mình sẽ là động lực thúc đẩy công việc đạt kết quả.

4. Phải có phương pháp công tác: phải biết vận động người người hưởng ứng, phải xây dựng thí nghiệm điển hình trước khi làm đại trà, phải khen thưởng và xử phạt nghiêm minh.

Con có kể với bố, con đã tham gia Ban chấp hành Hội Sinh viên Việt Nam của trường, đã đi làm thêm ở Thư viện Trường và có đề án về tổ chức Thư viện được đánh giá cao, đã tham gia Câu lạc bộ ghi-ta và được cử là Phó chủ nhiệm. Bố rất mừng. Trường Đại học Nanyang (Singapore) khuyến khích sinh viên tham ra công tác xã hội, tham ra các Câu lạc bộ Hùng biện, Âm nhạc, Khiêu vũ, Giúp đỡ người khuyết tật… với sự chấm điểm rất cụ thể và nghiêm chỉnh, chính là để sinh viên thực tập và làm Nhà chỉ huy. Con kể với bố, nếu tham gia CLB thì được 7 điểm, nếu ở trong Ban chấp hành thì được 15 điểm, và điểm số đó quyết định xem có được ở Ký túc xá hay không, thậm chí còn cho ở một mình một phòng nếu điểm cao. Điểm số đó còn là thành tích khi tìm việc làm sau này. Thật là một nền giáo dục toàn diện và khôn ngoan.

Trong điều kiện thuận lợi đó, bố mong con sẽ làm người chỉ huy giỏi.


Bài liên quan:
LÊ MẠNH ĐỨC