Nếu đã giác ngộ việc rèn luyện đạo đức là việc suốt đời để mình luôn sống có đức độ; đã hiểu việc rèn tài cũng là việc thường xuyên để mình sống có ích cho đời, có lợi cho mình và gia đình mình, thì việc học để giao tiếp với mọi người cho thật tốt là việc hết sức hệ trọng, đôi khi trở thành quyết định cho sự nghiệp của mỗi người.
Học giao tiếp, nói khác đi là học làm nhà ngoại giao là học những gì? Theo bố, có mấy điểm cần chú ý:
1. HỌC ĂN NÓI
Người ta có câu: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Trong lúc nói chuyện với bất kể là đông người, ít người, thậm chí chỉ một người, trước khi nói cần biết chắc vấn đề mình nói và nói để thuyết phục người nghe theo lẽ phải mình nghĩ. Muốn thế, cần khúc chiết, súc tích và có trọng tâm. Từ trọng tâm đó, tìm các ý phụ, các ví dụ dẫn giải để tùy theo trình độ người nghe có thể hiểu được ý của mình.
Phải nhìn thẳng người đối thoại, để tỏ rõ sự thẳng thắn, sự truyền cảm, làm cho người nghe tiếp nhận được thông điệp mình muốn gửi qua từng dấu chấm, phẩy của lời nói, qua sự ngừng lời lâu, mau, qua giọng lên xuống… Khi bố nói chuyện trước đông người, bố còn chuẩn bị ý tứ và tập nói một mình để không làm khổ người nghe. Câu chuyện hấp dẫn là gây được sự xúc động người nghe, tạo được tiếng cười, có khi cả nước mắt. Muốn thế, cần chọn hình ảnh, chọn lời nói (tất nhiên là của mình, không “sến”, không ăn cắp lời người khác), chọn ví dụ và những điều đó gắn liền với hoàn cảnh cụ thể, không gian cụ thể, con người cụ thể.
Sẽ đến lúc con thấy rõ sự nguy hiểm của khả năng diễn tả kém. Khi đối thoại, con cần chuẩn bị các ý kiến đối lập để không lúng túng khi có ý kiến khác thì sẽ biện luận trở lại. Một điều cần nhớ là nói chuyện cũng như đánh võ, các miếng ta còn sư, chứ không dốc hết vốn. Với niềm tự tin, sự chuẩn bị chu đáo, ta không lắp bắp, luống cuống trong mọi trường hợp. Trong tranh luận, cần tỏ ra thông minh, thực sự cầu thị, biết tiếp thu ý đúng cũng là cách nói chuyện thuyết phục (tất nhiên phải bảo vệ ý kiến khi thấy mình là lẽ phải). Thái độ mạnh mẽ tự tin sẽ thuyết phục người nghe.
2. HỌC LỊCH SỰ
Người biết lịch sự là người có văn hóa, luôn biết tôn trọng người khác, bất kể họ ở vị trí nào (sang, hèn). Biểu hiện sự lịch sự từ thái độ, cách ăn mặc… Thái độ bình tĩnh, hòa nhã, và giọng nói dịu dàng dễ nghe khi nói với người thân, đanh thép khi nói với kẻ không tốt sẽ tôn trọng lịch sự của mình. Người lịch sự cần có nụ cười tươi, biết khôi hài, biết lắng nghe. Chớ cướp lời khi người khác đang nói. Chớ để râu tóc quá dài, chớ gây khó chịu với người nghe. Chớ bắt tay quá chặt gây khó chịu, nhưng không bắt tay lỏng lẻo sẽ biểu lộ sự lạnh nhạt. Học lịch sự, trước hết học gia đình mình, học bạn bè, và điều dễ thấy là học người biết lịch sự mà khi ta tiếp xúc thấy dễ chịu (không bắt người khác chịu cái ta không muốn!).
3. HỌC LÀM NHÀ NGOẠI GIAO CHÍNH LÀ HỌC LÀM NGƯỜI, vì chỉ khi nào lòng người luôn chân thành, luôn thiện chí thì mới chinh phục được người khác. Cũng có khi nói dối, nhưng sự nói dối không gây hại ai, trái lại tạo sự tế nhị trong cuộc sống. Hãy biết khen đúng mức nhiều hơn sự chê bai lố bịch. Gặp bạn gái, hãy khen cô ta xinh đẹp, tránh chê hồi này già xấu, vì thế mới “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Biết phân biệt lợi hại, tác dụng tốt xấu khi nói là sự tế nhị cần thiết trong giao tiếp.
Cuối cùng sự giữ vững lời hứa, tạo niềm tin với mọi người cũng là yếu tố cần trong giao tiếp. Hãy giữ gìn tư cách để khi nói đến mình thì ai cũng có thể tin “anh ta là người nói thật, là người tốt”. Làm được như vậy thì làm ngoại giao với bất kể dù một người hay nhiều người, cũng sẽ có kết quả tốt.
4. Muốn củng cố vốn ngôn ngữ, vốn văn hóa thì việc không thể thiếu là phải đọc nhiều, suy ngẫm nhiều, để kiến thức văn học, lịch sử, địa lý, triết học, khoa học tự nhiên tổng quát luôn bắt nhịp với thời đại. Gắn bó mật thiết với cuộc đời làm vốn sống, luôn nâng cao, trí tuệ và tầm nhìn giúp nhà ngoại giao trở nên có tài.
Bài liên quan: