Sở dĩ tôi đồng ý ngày cưới sớm như vậy là vì tôi là con gái yếu ớt đi theo ba mẹ chỉ thêm vướng chân ông bà trong thời ly loạn. Hơn nữa ba mẹ tôi ngoài anh Phan, anh Đà có thể tự lập còn 4 đứa con nhỏ phải lo nuôi dưỡng giáo dục. Tôi nghĩ mình phải lo phần mình để ba mẹ nhẹ bớt gánh nặng. Còn anh Tế Hanh ngày nào cũng rỉ tai: “Nếu đã yêu nhau thì nên sống bên nhau lo lắng cho nhau… lỡ có biến cố gì xảy ra mà lạc nhau thì khổ bao nhiêu”.
Lần đầu tiên tôi yêu và cũng toại nguyện được thành hôn với người mình yêu không một cản trở gì cả. Có phải là một diễm phúc, một ân sủng của trời đất? Các bạn tôi nghe tin đều mừng cho tôi và còn nói: “Trai tài gái sắc” là tuyệt vời.
Ngày cưới, bên nhà trai cho dâu mới một cây kiềng, một đôi bông và một tờ trích lục năm mẫu ruộng. Tôi không quan tâm vì đối với tôi vật chất rất nhỏ so với mối tình đầu đắm đuối, chân thành tôi đã dành cho người yêu. Thật vậy đã có lần anh Tế Hanh thư cho tôi có câu: “Anh không ngờ em viết hay đến thế… Anh có cảm tưởng như anh không thể nào mang nổi tình yêu to lớn, đẹp đẽ mà em dành cho anh”.
Không biết câu thư anh viết cho tôi báo hiệu một điều gì không tốt sẽ xảy ra chăng? Và sau này, khi được biết anh đã phản bội tôi, có lẽ phản bội cả chính anh thì câu “Thà người ta phụ mình hơn là mình phụ người ta” lởn vởn trong đầu óc, tôi không khỏi mỉm cười đến ứa nước mắt.
Thật tình tôi là người trọng nghĩa trọng tình từ tuổi ấu thơ đến tuổi bạc đầu thì tôi chả tiếc thương gì con người bội bạc, nhưng tôi khóc cho mối tình đầu trong sáng, đẹp đẽ lại đắm đuối say mê của tôi bị rạn vỡ một sớm một chiều!Lục Hà an ủi tôi “Hồng nhan bạc phận, Phụng ạ”.
Tại sao cuộc tình duyên giữa anh và tôi, được 11 vòng dây tình ái siết chặt lại chết yểu như vậy! Chỉ có 3 năm từ 1947 đám cưới tại Lakham đến mùa thu 1949 tôi được phép về thành phố chữa bệnh… Thế là xong một cuộc tình! Bản thân anh tự hủy diệt mình, tự hủy diệt quan điểm về tình yêu mà anh đã môt lần khẳng định với tôi ngày tôi chớm yêu anh.
Đã mấy chục năm rồi anh đã không còn là gì đối với tôi. Nhưng, trọng nghĩa trọng tình tôi không bao giờ, thật thế, không bao giờ quên được ông bà Phố, cha mẹ anh. Lòng tôi nghĩ đến hai ông bà như hai người thân yêu mà tôi vô cùng thương mến và quý trọng. Vì sao? Vì hai ông bà chơn chất, hiền lành, đã thương tôi như con gái của hai ông bà, nhất là khi tôi đau yếu hai ông bà tỏ vẻ rất lo âu, tận tình săn sóc, hỏi han thường xuyên…
Mùa thu 1949, khi chia tay với chồng để về Đà Nẵng chữa bệnh, tôi vô cùng vui với ý nghĩ sẽ gặp lại mẹ, gặp lại các em nhỏ rồi sau 6 tháng chữa bệnh sẽ về Quảng Ngãi với chồng và cũng là người tôi yêu với mối tình đầu trong trắng và say đắm như bản chất của tôi.
Anh Lập và Lục Hà mang xe điện đến chở tôi đến bác sĩ Raoul để khám bệnh gan. Vì biết tiếng Pháp nên tôi trình bày tất cả triệu chứng rõ ràng và những thuốc đã dùng từ khi mắc bệnh đến giờ. Bác sĩ Raoul khám tôi rất kỹ, sau cùng ông mời anh Lập, Lục Hà và tôi ngồi bình tĩnh và nói: “Bà có đau gan nhưng nhẹ chữa lành, không đáng lo. Nhưng bà đã có một tin vui: ấy là bà đã có thai, có thai đã trên 3 tháng rưỡi”.
Tôi ngơ ngác vì quá sức bất ngờ… Mới nghe tôi vui lắm, vui vì nghĩ rằng độ 5 tháng nữa là tôi sẽ có con để bồng bế, hôn hít. Nhưng bất chợt nghĩ đến anh Tế Hanh… tôi không còn bụng dạ mà để vui nữa vì làm sao vào kịp như đã hứa?
Còn dưỡng thai, còn sanh đẻ, còn nuôi con cho mạnh mới vào được. Tại sao số tôi lại gặp cảnh éo le thế này? Khi ao ước có con thì không có, khi về chữa bệnh thì lại phát hiện mình có thai. Vợ chồng sống chỉ cách nhau trên một trăm cây số mà lại là hai thế giới xa cách nhau vời vợi…
Thế là mồng 7 tháng giêng năm Canh Dần đúng vào ngày dương lịch 22/2/1950, một bé gái ra đời tại nhà hộ sinh cô mụ Đóa vào lúc 3 giờ sáng, cân nặng 2,9kg. Lần đầu tiên nằm trên bàn sinh tôi mới thấu hiểu “một mình vượt cạn” là thế nào. Tuy nhiên khi nghe tiếng oe oe chào đời của con mình, nỗi đau ghê gớm bỗng tan biến như có phép lạ… Và lòng cũng dìu dịu khi nhìn núm ruột của mình, da dẻ nhăn nhúm, chân tay gầy giơ xương, một sinh vật chỉ bằng con mèo ướt.
Ngày đầy tháng Ý Nhi, tôi gửi thư và ảnh vào cho anh Tế Hanh, anh khuyên tôi ráng giữ gìn sức khỏe. Chỉ một tờ giấy nhỏ thôi nhưng tôi đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần. Đúng là “Con sinh chưa biết mặt cha/ Sinh con chưa biết con ra thế nào”.
Khi Ý Nhi được hai tuổi, anh Tế Hanh thúc giục tôi vào. Thật tình tôi cũng muốn vào lắm và cũng vì lẽ đó mà tôi từ chối vào dạy trường công lập… nhưng làm sao vào được khi Ý Nhi đau ốm liên miên, có thể nói cứ hai tháng sốt một lần. Tôi đã sống ở vùng tự do thuốc men thiếu thốn, lỡ mang nó vào nó đau thì làm sao, còn gởi lại cho mẹ tôi thì tội cho bà mà tôi làm sao chịu nổi.
Ruột gan như mối tơ vò, tôi trả lời ý như sau: “Vợ chồng là chuyện trăm năm sá gì đôi ba năm xa cách”. Hơn nữa, như trên đã nói lòng tôi tin tưởng tuyệt đối vào ngày chấm dứt chiến tranh gần kề, khi ấy gia đình được sum họp vui vẻ và từ đây đến đó tôi sẽ làm việc nhiều để có một số tiền dự trữ nuôi con và phòng khi gia đình gặp khó khăn… Tất cả lý lẽ của tôi đã thuyết phục được anh, anh viết: “Nếu con hay đau yếu thì thôi chúng ta đành xa nhau một thời gian, nhưng em hãy kể về con cho anh nghe”.
*
Hiệp định Genève tháng 7/1954. Ôi sung sướng bao nhiêu với viễn cảnh vợ gặp chồng, con gặp cha. Mẹ tôi cũng đồng ý để tôi theo chồng, dầu ở đâu. Chị Nghi chuẩn bị ra Hà Nội tìm anh Kỉnh, chồng chị. Tôi dự định sẽ mang Ý Nhi đi với chị cho có bạn và nhờ chị đan cho tôi ba áo len vì biết ở Hà Nội trời rất lạnh. Hai chị em vui vẻ, hồ hởi biết bao nhiêu!
Rồi một hôm tôi đến hỏi chị ba áo len đã xong chưa thì chị ái ngại nhìn tôi và nói: “Phụng ơi, bình tĩnh chị nói cái này nghe”. Tôi ngơ ngác nhìn lên thì chị bảo: “Chị nghe nói Tế Hanh đã có vợ rồi!”. Tôi cười ngặt nghẽo: “Không có đâu chị, em hiểu ảnh lắm mà. Nghệ sĩ thì hay bị mang tiếng, em biết mà”. Chị nhìn tôi: “Lạ thật, thôi thế này, hôm nay chị đóng cửa sớm, không cần bán nữa để hai chị em mình đến chị Lan, vợ anh Phan Thao hỏi thử”.
Sau vài câu chào hỏi giới thiệu xã giao, chị Nghi mở đầu: “Chị Lan ơi, tôi dẫn Phụng đến để cho nó biết sự thật. Tôi nói mà nó không tin đó”. Chị Lan quay lại tôi: “Đúng đó, chị Phụng ơi”. Tôi ngơ ngác: “Đúng gì chị?”. Chị điềm tĩnh: “Sự thật là anh Tế Hanh đã có vợ, chị bình tĩnh nhé”. “Có vợ? Bao giờ chị? Mà ai đi cưới?” - Tôi hỏi mơ mơ màng màng như trong mơ vậy - “Sao em là vợ ảnh mà em không hay biết gì hết? Vô lý, quá sức vô lý!”. Tôi cứng người ngồi như phỗng đá, không khóc, không than vì nỗi đau đến bất ngờ quá lớn. Nỗi đau cứ vậy ngấm vào người…
Ngày chị Lan trở về với anh Phan Thao, tôi có viết cho anh Tế Hanh vài dòng xin anh cho biết sự thật thì anh cũng vài dòng:
“Anh đã có vợ là sự thật với hai lý do:
- Vì Phụng không vào
- Vì gia đình Phụng”
Xem xong tôi buồn cười mà nước mắt trào dâng… vì hai lý lẽ yếu ớt, mơ hồ…
Thế là kết thúc mối tình đầu của tôi dệt bằng thơ bằng mộng, bằng tình bằng nghĩa, một mối tình mỗi ngày mỗi thắt chặt bằng 11 vòng dây tình ái như trên tôi đã kể.
*
… Tôi nhớ mãi một chiều cuối tháng 9/1955 tôi đến trường Phan Thanh Giản để nhận thời khóa biểu môn mình dạy… Vừa bước chân vào phòng giáo sư thì một vị đứng dậy đón tôi và đưa tôi vào phòng hiệu trưởng. Vị đón tôi người cao dong dỏng, nước da trắng, mặt xương xương, điệu bộ lịch sự, lớn tuổi làm tôi nghĩ đến anh Phan tôi.
Vì còn phải nhận làm hiệu trưởng trường Trần Quốc Toản, công việc khá bề bộn nên niên khóa đầu tiên 1955-1956 tôi chỉ nhận dạy 6 giờ dạy Toán 2 lớp sáu trường Phan Thanh Giản. Mỗi tuần tôi đến dạy tại đó 3 buổi, vào giờ ra chơi ngồi tại phòng giáo sư chỉ có tôi là nữ còn nam đồng nghiệp rất đông, vị nào cũng tìm đến nói chuyện với tôi…
Trong số các anh thường chuyện trò với tôi, tôi thấy có hai người hay quan tâm đến tôi: anh cao dong dỏng đón tôi ngày tôi mới đến trường và anh da ngăm thường đến nhà tôi mượn sách về đọc… Một sáng mùa đông anh cao nói: “Tối qua, các cháu tôi ho suốt đêm, thật tội”. Tôi hỏi: “Xin lỗi, anh được mấy cháu?”. Anh ta đỏ mặt không trả lời thì một người bạn ngồi cạnh vội lên tiếng: “Anh Dung đã có gia đình đâu mà có con, đó là cháu gọi anh bằng chú”. Tôi giật mình: “Xin lỗi anh”.
Một chiều nọ, dạy xong, đạp xe về nhà, tôi thấy anh Trần Thành Dung đang đứng đợi tôi trước hiên nhà 19 Trần Bình Trọng. Thấy anh đứng chờ, tôi hơi ngạc nhiên. Nhưng phép lịch sự buộc tôi chào mời anh vào nhà. Sau khi nói chuyện về sự dạy dỗ, sách vở, học sinh, anh nói như tâm sự về đám hỏi giữa anh và cô Duyên ở Hội An gần đây đã không thành vì nhà gái có của hợm mình, nên anh và đa số bà con anh phẫn nộ đồng ý hủy bỏ hôn ước…
Từ ngày ấy tôi cố ý tránh mặt anh, nghĩ không nên xen vào chuyện này và tự hỏi không biết có phải vì mình mà anh ta cương quyết như vậy không. Một tối nọ anh Thúy và anh Dung đến nhà mời tôi đi ăn kem, tôi không thể từ chối với anh Thúy vì anh Thúy là em trai Nguyễn Thị Lộc, bạn học với tôi.
|
Bà Hà Phụng, hai con gái Ý Nhi, Cẩm Hoa và các cháu ngoại |
Từ đó về sau, anh Dung viết cho tôi những bức thư dài, lời lẽ chân thành thắm thiết muốn cùng tôi kết bạn trăm năm. Thật tình, qua thư từ, qua thái độ thiệt thà, chân tình của anh tôi cũng cảm động. Thế thôi. Đã qua rồi cái thời hai mươi tuổi yêu lãng mạn, yêu say đắm… Chỉ có 10 năm thôi mà tôi có cảm tưởng tôi già đi nhiều, tâm hồn cũng cằn cỗi…
Thâm tâm tôi không muốn lập đời nữa không phải vì tưởng nhớ người xưa. Vậy không muốn bước thêm một bước nữa vì tôi đã đánh mất lòng tin, ngao ngán sự đời trăm hình vạn trạng… lòng người cũng thay đổi theo gió… Có một điều làm tôi suy nghĩ là Ý Nhi tha thiết có cha, cứ bảo “sao con Mai có ba dẫn đi chơi, con Tuyết có ba dạy học…”.
Suy đi nghĩ lại tôi hỏi ý kiến mẹ, anh Đà, Đoán, Nhạn, ba tôi, Lục Hà, Nhì, Thúy Vân… Đã sáng suốt nên tôi thấy khuyết điểm lẫn ưu điểm của anh Trần Thành Dung và kể lại cho người thân.
Sau khi tìm hiểu anh Trần Thanh Dung một thời gian, tôi nhận thấy anh là một con người khí khái, trung trực, rộng rãi, trọng nghĩa trọng tình nhất là rất hiếu thảo với cha mẹ, có lòng nhân hậu bằng cách này hay cách khác giúp đỡ học bổng cho học sinh nghèo hiếu học. Về chuyên môn là một người học rộng, có tinh thần trách nhiệm, có khả năng truyền đạt kiến thức, được đồng nghiệp và học sinh quý mến.
Thế là vào ngày 12 tháng 7 năm Bính Thân (ngày 18/8/1956) một lễ cưới được tổ chức khá long trọng: lễ hỏi, lễ cưới được tổ chức tại nhà 19 Trần Bình Trọng.
*
Năm 1975, sau ngày thống nhất đất nước, anh Tế Hanh về Đà Nẵng đi cùng anh Hoàng Châu Ký ghé lại nhà chúng tôi và chân thành cảm ơn anh Dung đã nuôi dưỡng dạy dỗ Ý Nhi, con anh, trong 20 năm trời và còn lo xây dựng lập đời cho Ý Nhi nữa. Nghe vậy, anh Dung vui vẻ cười xòa và đáp lại: “Không biết anh nên cám ơn tôi hay tôi nên cám ơn anh”.
Sau này, các bạn thân của tôi nghe tôi kể lại đều phục anh Dung lắm.
|
Ông bà Trần Thanh Dung - Bùi Đặng Hà Phụng với hai con gái, hai con rể và năm cháu ngoại trong một lễ thượng thọ của hai ông bà |
Có một việc này tôi nghĩ cũng nên ghi lại để con cháu tôi hiểu về cha, ông chúng khoan dung, nhân hậu như thế nào. Hôm anh Tế Hanh cùng anh Hoàng Châu Ký đến nhà thăm chúng tôi, tôi cho Ý Nhi và Cẩm Hoa(2) cùng ba đón tiếp hai bác với bia, bánh ngọt, trà. Còn tôi, tôi ngồi ở nhà dưới để các ông trò chuyện tự nhiên.
Thâm tâm tôi, tôi không còn muốn gặp mặt người xưa, người đã giáng cho tôi một đòn chí mạng năm nào. Độ 15 phút sau, anh Dung bước xuống đến bên tôi nói nhỏ: “Em lên trên một tí, anh thấy anh Hanh cứ nhìn xuống bếp, vẻ mặt buồn buồn”. Tôi lắc đầu, anh liền tiếp: “Lên một tí đi em, Phụng”.
Tôi miễn cưỡng bước lên, cúi chào hai anh và lặng lẽ ngồi vào ghế bỏ trống. Bỗng như có một luồng khí lạnh tràn ngập căn phòng: một sự im lặng nặng nề, khó thở, hình như không ai dám bắt đầu trước và có lẽ không biết bắt đầu gì chăng?
Có phải định mệnh an bài để tôi luôn luôn đối đầu với những tình huống khó khăn? Và cũng nhờ tình yêu đã chết nên tôi rất bình tĩnh, bình tĩnh một cách lạ kỳ và tôi là người đầu tiên đã lên tiếng thong thả, rõ ràng, chững chạc: “Thưa anh, tôi nghe Sâm có nói với tôi anh muốn đến thăm chúng tôi mà e ngại. Anh yên tâm. Chuyện cũ chúng ta nên bỏ qua, giờ đây anh và chúng tôi, chúng ta có thể xem nhau như là bạn bè…”.
Tôi nói xong thì nhìn thấy anh rơm rớm nước mắt. Cả anh Dung và anh Ký cũng tỏ vẻ cảm động. Để phá tan không khí nặng nề, anh Ký tiếp theo: “Phải đấy, chị nói chí lý, bây giờ chúng ta đều là bạn của nhau. Ta nên uống mừng ngày gặp mặt vui vẻ này”…
Sau này mỗi lần về Đà Nẵng đến thăm gia đình Ý Nhi, anh Hanh thường nhờ Đặng Cường, chồng Ý Nhi, đưa đến thăm chúng tôi. Tôi để cho anh Dung tiếp và tôi tránh mặt. Từ 1949 về Đà Nẵng đến bây giờ 1997 tôi chỉ gặp anh Tế Hanh duy nhất một lần đó thôi. Thế là quá đủ và thật lòng tôi không muốn gặp anh nữa.
Đối với tôi, anh Tế Hanh đã chết rồi, chết hẳn rồi, chết từ năm 1953…