HỒI KÝ Một chặng đường bút mực (trích)

Năm 1965, khi Hoa Kỳ chuẩn bị đổ quân ào ạt vào miền Nam, ở trên nhận định rằng sự kiện này sẽ làm tổn thương đến tinh thần dân tộc chúng ta, do đó khuyên tôi nên viết những gì đề cao tinh thần dân tộc để mà gián tiếp đánh Mỹ. Đồng thời, trong những điều kiện đặc biệt như thế, ở trên cho phép tôi được “sô vanh” ít nhiều, mặc dầu quan điểm vị chủng vốn xa lạ với cách mạng. Trong một tuần lễ, tôi viết xong quyển Người Việt cao quý, lấy tên tác giả là A.Pazzi, người Ý để dễ kiểm duyệt, và mượn tên người ngoại quốc cho sự ca ngợi chúng ta được dễ nghe hơn. Thoạt đầu, tôi viết thử một chương ngắn ca ngợi “đôi mắt và nụ cười người Việt”, đăng trên nhật báo Đất Tổ để xem phản ứng ra sao, và tác động đã ngoài sự chờ đợi. Người ta vồ vập, bàn tán, thích thú, vì có được người nước ngoài ca ngợi quá cỡ như thế, rồi tự ngẫm lại thấy rằng mình cũng đáng… ca ngợi thật! Thế là chỉ mấy ngày sau, quyển sách gần 100 trang ấy – thật chỉ có nghĩa như tờ truyền đơn dông dài – đã được hoàn tất, cho đem in ngay vừa làm thủ tục để xin giấy phép. Chỉ sau hai tuần, sách đã in xong thì cũng đúng hạn giấy phép được cấp, kịp thời in vào ở cuối trang chót. Tác phẩm đáp đúng tâm lý đông đảo quần chúng bấy giờ nên được tái bản liên tục, chỉ trong vài năm đã in lại trên mười lần. Ngay ở trong tù, sách cũng được các anh em chuyền đọc. Dĩ nhiên, bấy giờ chẳng mấy ai biết tôi là tác giả.

 

Cuốn Người Việt cao quý - Vũ Hạnh


Có lẽ, nên kể thêm vài sự kiện trong nhiều sự kiện mà quyển Người Việt cao quý là nguyên nhân chính. Sau ngày Giải phóng không lâu, tôi gặp học giả Trần Văn Giàu trên một đường phố, ông cười bảo tôi: “Cậu đá giò lái mình nhé!”. Tôi đáp: “Tôi đâu vô lễ như thế, sao anh Sáu lại nói vậy?”. Ông bèn trả lời: “Thì mình có viết một bài, trích dẫn lời A. Pazzy, gởi ra tờ báo Văn Nghệ. Ở đó gởi vào cho biết A. Pazzy chính là cậu”. Bấy giờ, theo đồng chí Trần Trọng Tân – Trưởng ban Tuyên huấn thành phố – kể lại, đồng chí Lê Duẩn ghé vào TP.Hồ Chí Minh nói với đồng chí như sau: “Quyển Người Việt cao quý của tay Pazzy nào đó viết khá quá”. Đồng chí Trần Trọng Tân trả lời: “Tay Pazzy ấy là cơ sở nội thành”. Và đề nghị tôi gởi tặng đồng chí Lê Duẩn hai quyển sách ấy.

Khoảng năm 80, anh Viễn Phương và tôi đi dự họp văn nghệ ở Huế, lúc về có ghé thăm Hội Văn nghệ Quảng Nam Đà Nẵng. Chủ tịch hội là nhà văn Phan Tứ, trong khi tiếp chuyện có nói:
- Mình tìm hiểu A. Pazzy của quyển Người Việt cao quý đã lâu mà vẫn chưa biết cụ thể. Gần đây, đi họp quốc tế có nhờ đồng chí Enzo Roscani, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Ý, về nước tìm hộ gốc gác ông này, nhưng đồng chí đã trả lời là tìm không ra. Vậy ở TP.Hồ Chí Minh có ai biết được ông ta rõ không?

Anh Viễn Phương đã cười đáp:
- Hôm nay tôi đưa ông ấy đến gặp ông đây.

Thực ra, khi đặt cái tên Pazzy tôi không ngờ đó là tên có thật. Mãi sau 1975, khi Bộ Văn hóa nhờ các anh em văn nghệ sắp xếp, phân loại các sách lưu trữ, tình cờ lật tờ Historia (tôi không còn nhớ số mấy) có bài nghiên cứu lịch sử, nhan đề: Cuộc âm mưu khởi loạn của dòng họ Pazzy (La conjuration des Pazzy), Pazzy là một dòng dõi quý tộc thế lực ở Ý, vào khoảng thế kỷ XV. Tưởng tượng nhiều khi vẫn không vượt khỏi sự thực khiến tôi xúc động và suy nghĩ nhiều về việc sáng tác. Sau ngày Giải phóng, anh Mai Văn Tạo – nhà văn – rủ tôi đi về Châu Đốc để anh thăm viếng gia đình người chị. Trời gần tối thì chúng tôi đến nơi, đó là một ngôi nhà tranh đơn sơ dựng tạm bên đường ở một quãng vắng bên ngoài thị xã, có lẽ đã phải di dời ra đây để tránh đạn bom. Một người đàn bà cao tuổi, đen đúa hẳn vì tháng ngày dang nắng dầm mưa, với bộ quần áo sờn mòn ra đón chúng tôi. Anh Tạo giới thiệu:
- Bà chị tui đó. Chị Huỳnh Thị Liễu.

Anh Mai Văn Tạo vốn là họ Huỳnh, nhưng vì hoạt động cách mạng đã phải thay tên đổi họ nhiều lần.
Chị Liễu vui vẻ:
- Tụi bây chắc chưa ăn tối. Ở đây cơm mắm không thiếu, để tao đi vo thêm vài lon gạo.
Anh Tạo tiếp lời, vừa chỉ vào tôi:
- À, giới thiệu cho chị biết… Anh bạn này là Vũ Hạnh.
Lập tức, người chị mở to đôi mắt kêu lên:
- Có phải Vũ Hạnh viết quyển Người Việt cao quý đó không?
Anh Tạo cười đáp:
- Đúng đó.
Chị Liễu không giấu được vẻ mừng rỡ, tiến đến đưa tay nắm chặt vai tôi:
- Mừng lắm! Mày ghé thăm vợ chồng tao, là mừng lắm đó.
Rồi chị vội quay về phía sau nhà, gọi to:
- Ông ơi! Bỏ công việc đó, đi vô trong xóm kiếm gấp cho con cá lóc bự bự đem về nướng trui đãi thằng Vũ Hạnh! Mau lên!

Tôi rất cảm động, đứng lặng, không ngờ một người phụ nữ nông dân lam lũ ở giữa đồng vắng nơi một vùng đất xa xôi cận kề biên giới, đã đọc quyển sách tôi viết và bày tỏ niềm yêu thích như vậy. Tôi cảm thấy rõ quyển sách chưa xứng với sự tiếp nhận nhiệt thành đến thế. Về sau, tôi được nghe biết chị Liễu còn là một người phụ nữ dũng cảm lạ thường.

Lại vài năm sau, anh Mai Văn Tạo rủ tôi cùng về Châu Đốc thăm gia đình chị. Anh vẫn muốn đi cùng tôi, có lẽ vì mối cảm tình sâu sắc nối kết giữa những con người văn nghệ, vì từ ngày trước Giải phóng khi anh còn ở trong rừng U Minh và tôi sống giữa đô thành bị chiếm, mặc dù chưa gặp mặt nhau lần nào nhưng anh đã làm sẵn một bài thơ để ca ngợi tôi và cất sẵn đó, đợi ngày gặp gỡ, sau năm 75 mới đem trao tặng. Xin phép ghi lại bài thơ như một kỷ niệm tuyệt vời giữa những con người cầm bút, một thời chinh chiến: