Sau khi kết thúc và bằng sự kiện lịch sử đặc biệt là Hội thề Đông Quan, mở đường cho sự rút lui có trật tự của đoàn quân xâm lược. Vào tháng 9 Âm lịch cuối năm 1427, đoàn viện binh 10 vạn quân Minh vừa vượt biên sang nước ta đã bị thua, tổn thất nặng nề trong trận phục kích ở Chi Lăng của Nghĩa quân. Tướng chỉ huy là Liễu Thăng bị chém chết, Vương Thông là tổng chỉ huy đoàn quân xâm lược đã thấy rõ sự thất bại không thể tránh khỏi và xin hòa, để được rút quân về nước. Vì trước đây, quân Minh đã có lần xin được hòa, sau lại thất ước, nên ta đã yêu cầu có cuộc gặp nhau, hai bên cùng thề quyết thực hiện các điều đã cam kết.
Cuộc thề đã được tổ chức ngày 22 tháng 11 Âm lịch năm 1427. Văn bản ghi rõ lời thề nguyện hiện còn lưu lại trong di cảo của Nguyễn Trãi (xem Nguyễn Trãi toàn tập - NXB Văn Hóa, tập I, 2001, tr.78). Sau câu đầu ghi thời gian là danh sách hai bên tham dự. Danh sách bên ta đứng đầu là Lê Lợi với danh vị là Đại đầu mục An Nam, tiếp theo sau là 14 vị. Danh sách quân Minh gồm 17 người, đứng đầu là Vương Thông đặt sau chức tước, nguyên văn: “Tổng binh của Thiên triều, Thái tử, Thái bảo Thạch Sơn hầu”, sau là 15 người, ghi rõ họ tên, kèm đầy đủ chức tước, khác với đoàn tùy tùng Nghĩa quân, chỉ ghi tên họ. Sau danh sách các thành viên, là lời thề:
Về phía Nghĩa quân: Nếu có còn ôm ấp lòng làm hại, không thực hiện lời hứa, bảo đảm việc rút quân được an toàn, có việc tác hại lại đổ lỗi cho người khác thì trời đất thần linh xét xử sẽ giáng họa tới bản thân người cầm đầu cùng con cháu thân thuộc, và toàn dân cả nước giết chết hết cả, không còn một ai. Về phía quân xâm lược: Vương Thông cam kết đưa quân hoàn hương, không kéo dài năm tháng chờ đợi viện binh, về nước sẽ hành xử theo đúng lời trong bản tâu trước đây, như đã thỏa thuận với Nghĩa quân chấm dứt mọi sự gây biến. Trên đường về, nếu cho quân cưỡng hại dân chúng thì trời đất danh sơn đại xuyên cùng thần kỳ các xứ tất đem bọn Tổng binh quan Thạch Sơn hầu Vương Thông cùng cả nhà và thân thuộc giết chết hết, quan quân cũng không ai về được nhà.
Nếu hai bên đều chính tâm đích thực, trời đất thần linh sẽ ban giáng giúp đỡ, khiến bản thân được an khang hạnh phúc, trong nhà vẻ vang hưng thịnh, cùng hưởng tước lộc mọi mặt an lành.
Trước đây, Vương Thông từng xin hòa, nhưng nhằm lợi dụng thời gian thương thuyết để kéo dài sự chiếm đóng, chờ đợi viện binh. Lần này, Nghĩa quân đã tổ chức hội thề, tận dụng tín ngưỡng về uy quyền của thần linh chứng giám điều cam kết và trừng phạt mọi hành động trái điều đã cam đoan. Lịch sử cho thấy hội thề đã phát huy tác dụng. Vương Thông đã giữ đúng chữ tín. Nước Việt đã lấy lại chủ quyền, việc giao dịch với phương Bắc đã giữ vững thuận hòa hơn 300 năm, cho đến ngày tên vua hèn nhát Lê Chiêu Thống cầu viện nhà Mãn Thanh năm 1788.
2. Về từ “Hội thề”, từ này xuất hiện ở Đại Việt sử ký toàn thư (viết tắt là Toàn thư), bản dịch Viện Sử học, tập 3 (1968), tr. 47 nói về hội thề ghi Vua (tức Lê Lợi) cùng Vương Thông với đoàn tùy tùng hai bên ghi “họp thề ở phía Nam thành, hẹn đến ngày 12 tháng 12 thì đem quân về nước”.
“Họp thề ở phía Nam thành” dịch từ bản chữ Hán Đại Việt sử ký toàn thư (quyển 10, 44a), “Hội minh vu thành chi nam”, như vậy “Hội minh” được dịch là “Họp thề”. Trong Nguyễn Trãi toàn tập, tập I (Sđd) “Hội minh văn” (chữ Hán tr. 132) được dịch là “Bài văn hội thề” (tr. 786). Về mặt từ ngữ, “Hội minh” dịch là “Họp thề” đúng hơn là “Hội thề”, “Hội” tiếng Việt không cùng nghĩa với “Hội” chữ Hán.
Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, nhà xuất bản KHXH (1988) định nghĩa: “Hội: cuộc vui tổ chức đông người dự”, không có nghĩa “họp”. Nói “Hội thề” không nên coi là một từ kép dịch từ “Hội minh” mà chỉ là một từ độc lập, một “cuộc vui thề nguyền”. Dùng “Hội thề” hơn “Họp thề” vì trang trọng hơn và gợi ý “niềm vui”: Vui ở cả hai phía, chấm dứt được cuộc phá hoại tàn sát. Ở phía giặc Minh là được rút về nước, hội họp gia đình với hành trình an toàn được sự đảm bảo của Nghĩa quân, không có chuyện bị bạo lực trả thù hay xâm phạm tài sản. Về phía Nghĩa quân, niềm vui càng lớn: giành lại chủ quyền đất nước là mục tiêu cao cả của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Về địa điểm của hội thề, như hội nghị ở trên- lịch sử cho là ở phía Nam thành Đông Quan, tên gọi Hà Nội thời đó. Đã từng có ý kiến khẳng định đó là chùa Chân Tiên ở phố Bà Triệu. Song đã sớm bị bác bỏ. Gần đây có giả thuyết đặt vị trí trong vùng My Động tên cổ của Mai Động ngày nay. Việc này đáng được làm sáng tỏ thêm.

Nhà bia Vĩnh Lăng. Nguồn: photobucket/cavanghl.
Ngoài tư liệu với Toàn thư, còn 10 tập tư liệu văn tự khác là văn bia Vĩnh lăng của Nguyễn Trãi như được ghi trong bài Hội thề Đông Quan của Lan Châu trên báo Hà Nội Mới (27/6/2010) trong mấy dòng cuối bài: “Xem vào bia ngày càng rõ ràng” hay trong Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, tập 1, NXB Văn Học (2001), trang 83 bản chữ Hán và trang 166 bản tiếng Việt có đoạn nói là hai đoàn viện binh: đoàn Liễu Thăng theo đường Quảng Tây vừa sang tới Lạng Sơn đã bị đánh bại ở Chi Lăng. Liễu Thăng bị chém chết, đoàn Mộc Thạnh nhập cảnh theo con đường Vân Nam sau khi được tin Liễu Thăng bị tiêu diệt, đã vội vàng rút lui, bị quân ta đuổi đánh, chém chết và bắt sống không kể xiết.
Bài văn viết: “Lúc đó bọn Thành Sơn hầu Vương Thông trấn thủ Đông Quan, trước đây cùng quân ta giảng hòa nhưng chưa quyết định. Đến lúc này xin thề ở trên sông Nhị” (chỉ thị thỉnh thệ vu Nhị thủy chi thượng). Văn khắc trên bia ghi: “… vu Nhị hà chi thượng”. Ngoài văn bia còn có bức thư cuối cùng trong Quân trung từ mệnh tập (Sđd, tập 1, trang 777 chữ Hán, trang 780 bản dịch) với đầu đề An Nam quốc đầu mục Lê Lợi, không ghi gì thêm, nhưng xem nội dung thì rõ ràng là gửi cho Vương Thông, mở đầu có câu: “Tôi nhận được bức thư thấy lòng chí thành của đại nhân có thể rung động cả trời đất, truyền cảm tới quỷ thần. Đại nhân khiến Sơn đại nhân qua sông để có thể hòa ước được vững chắc” (nguyên văn: “Đại nhân sử Sơn đại nhân quá giang dĩ kiên kỳ ước”). Liền đó còn thêm: “vả lại để xem động tĩnh của tôi có thực chân thành hay giả dối”.
Hai tư liệu văn tự trên, một khắc trên bia đá, một in trên sách, đều là của Nguyễn Trãi, nhân vật chủ chốt trong khởi nghĩa Lam Sơn, người duy nhất sát gần Bình Định vương Lê Lợi cùng ở trên chòi cao dựng tại Đại bản doanh Bồ Đề, trên bờ phía Đông sông Nhị để vừa điều khiển toàn diện cuộc kháng chiến, vừa quan sát tình hình của địch trong thành, vừa thảo những bức thư dụ hàng.
Có thể khẳng định, Hội thề đã diễn ra trên sông Nhị, khoảng giáp giới phía Nam thành Đông Quan. Vị trí này thích đáng hơn trên đất liền, không mất nhiều thời gian chuẩn bị để có một địa điểm có thể đáp ứng yêu cầu buổi họp. Nhất là không đảm bảo được sự an toàn cho những nhân vật trọng yếu của cả hai phía, có cả hai lãnh tụ cao nhất, khi không gạt bỏ được những đột kích của những phần tử hiếu chiến trong thành.
Theo Việt sử thông giám, mùa xuân năm đó, Bình Định vương sai đóng chiến thuyền, còn cho phép có đợt tập trận trên sông vào tháng 3. Như vậy, không có gì khó khăn trong việc huy động một chiếc thuyền cỡ lớn cho một buổi họp gồm 40 thành viên của Hội thề, nếu có thêm người phục dịch cũng chỉ là số rất ít người đã được chọn kỹ. Chắc để bảo vệ chiến thuyền làm nơi diễn ra Hội thề, còn có cả lực lượng quân đóng hai bên bờ ở những nơi cần thiết. Còn ở dưới nước có nhiều chiến thuyền thực hiện bảo vệ khi có nhu cầu.
Dù sao thì Hội thề Đông Quan đã diễn ra thành công tốt đẹp. Ở cả hai phía, lời thề đã được thực hiện nghiêm chỉnh và mở ra một chân trời mới: Một là, quân xâm lược được an toàn trên đường khi rút về với gia đình; hai là, đất nước bị thống trị hơn mười năm giành lại chủ quyền về mặt chính trị và tự tổ chức cuộc sống.
Có thể nói, Hội thề Đông Quan là cuộc chiến thắng của cả hai phía, riêng đối với dân Việt cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã thực hiện một việc hiếm thấy trong lịch sử chiến tranh: Chiến thắng không có thương vong. Người đời sau có câu ca ngợi: “Dự Hội thề, cùng nhất tâm chấm dứt chiến tranh, quyết giữ bền nền hòa hiếu. Nêu chính nghĩa, cả hai phía loại trừ thù hận, vui xây dựng hội thăng bình”.