Hiến pháp mới cần xác lập cho trí thức một tổ chức đại diện trong hệ thống chính trị

Cả thế giới đều khẳng định trí thức đóng vai trò quyết định cho sự phát triển và tiến bộ của các quốc gia, vì thế tất cả các quốc gia đều đặt trí thức vào vị thế xứng đáng: Là một lực lượng xây dựng và quyết định chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Ở nước ta, Hiến pháp năm 1992, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng (2011) và Bản dự thảo Hiến pháp mới đều khẳng định: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.

Những người am hiểu chính trị đều biết rằng: Ở Việt Nam, một nhóm xã hội nào đó muốn tham gia vào quá trình xây dựng và quyết định chủ trương, chính sách của Nhà nước thì phải có tổ chức đại diện trong hệ thống chính trị. Hiện nay, hệ thống chính trị Việt Nam gồm có các thành viên: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước CHXHCN Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 5 đoàn thể chính trị - xã hội là: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (đại diện cho giai cấp công nhân), Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ chí Minh (đại diện cho thanh niên), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (đại diện cho phụ nữ), Hội Cựu chiến binh (đại diện cho cựu chiến binh), Hội Nông dân Việt Nam (đại diện cho giai cấp nông dân). Như vậy, trí thức không có tổ chức đại diện trong hệ thống chính trị nước ta.

Thành phần của hệ thống chính trị nước ta hiện nay làm cho tôi có nhiều băn khoăn, muốn góp ý kiến về Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

- Băn khoăn thứ nhất: Đội ngũ trí thức cùng với giai cấp công nhân và giai cấp nông dân hợp thành nền tảng xã hội Việt Nam nhưng đội ngũ trí thức không có tổ chức đại diện trong hệ thống chính trị. Thực tế này có đảm bảo cho đội ngũ trí thức được bình đẳng về chính trị với giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, thanh niên, phụ nữ và cựu chiến binh không? (Dĩ nhiên quyền lợi chính trị liên quan chặt chẽ với tất cả những quyền lợi khác).

- Băn khoăn thứ hai (quan trọng hơn): Đội ngũ trí thức có trình độ học vấn cao nhất trong xã hội, am hiểu quy luật vận động và phát triển thế giới (tự nhiên, xã hội và con người), có năng lực tốt nhất đảm bảo cho chủ trương, chính sách của Nhà nước phù hợp khoa học, thực tiễn và hợp lòng dân lại không có tổ chức đại diện trong hệ thống chính trị để tham gia xây dựng và quyết định những vấn đề “quốc gia đại sự”.

- Băn khoăn thứ ba: Trong các các văn kiện của Đảng và Nhà nước đều dùng từ “đội ngũ trí thức”. Khái niệm “đội ngũ trí thức” có nghĩa là trí thức Việt Nam đã có một tổ chức thống nhất trong cả nước; nhưng trong thực tế, đội ngũ trí thức nước ta không có tổ chức thống nhất trong cả nước. Điều đó chứng tỏ đã có sự không thống nhất giữa khái niệm dùng trong văn kiện Đảng và Nhà nước với thực tế đời sống xã hội.

- Băn khoăn thứ tư: Vì không có chân trong hệ thống chính trị nên chỉ có một số rất ít trí thức có chức vụ cao trong hệ thống chính trị được trực tiếp tham gia xây dựng và quyết định chủ trương, chính sách của Nhà nước còn đa số trí thức chỉ có thể tác động đến chủ trương, chính sách của Nhà nước bằng cách góp ý kiến. Với vị thế là “đội ngũ góp ý kiến” (hay là “đội ngũ giúp việc” cho hệ thống chính trị) thì những ý kiến đúng đắn của đội ngũ trí thức có được tiếp thu đầy đủ không? Thêm nữa, muốn góp ý kiến thì phải chờ khi hội nghị kết thúc, văn kiện hội nghị được công bố mới biết nội dung cụ thể và đầy đủ để góp ý kiến. Vậy là, đội ngũ trí thức chỉ có thể góp ý kiến khi “việc đã rồi”. Cũng cần thấy rằng trí thức chỉ được góp ý kiến với tư cách cá nhân hoặc nhóm ít người chứ không được góp ý kiến với tư cách là “đội ngũ trí thức”. Vì như đã nói ở trên, trí thức Việt Nam không có một tổ chức thống nhất trong cả nước nên chưa thành “đội ngũ trí thức”.

Có người lập luận rằng: Trí thức không cần có tổ chức riêng trong hệ thống chính trị vì đã có mặt trong 5 đoàn thể chính trị - xã hội của hệ thống chính trị rồi. Lập luận này không có sức thuyết phục; vì giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh cũng đã có mặt trong tất cả các thành viên của hệ thống chính trị mà vẫn có tổ chức riêng của mình.

Đúng, trí thức đã có mặt trong 5 đoàn thể chính trị - xã hội nhưng là có mặt một cách phân tán trong 5 đoàn thể đó. Trong xã hội có quy luật: Tập trung thì mạnh, phân tán thì yếu. Sự phân tán này làm cho trí thức không thể phát triển mạnh mẽ và đóng góp hết khả năng của mình cho sự phát triển đất nước, gây lãng phí lớn sức mạnh của trí thức Việt Nam; đồng thời cũng gây khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng đội ngũ trí thức. Sự phân tán này làm cho tiếng nói của trí thức có “trọng lượng nhỏ” (đến mức có thể bị bỏ qua) khi góp ý kiến về những vấn đề “quốc gia đại sự”. Cần thấy rằng, trong mỗi đoàn thể chính trị - xã hội, trí thức có số lượng rất ít và những vấn đề mà họ quan tâm là những vấn đề lớn, quan trọng và phức tạp của Đảng, quốc gia, dân tộc và thế giới nên khó hiểu đối với đa số; vì vậy ý kiến của họ thường trở thành tiếng nói của “thiểu số”. Trong khi đó, nguyên tắc làm việc của tổ chức Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội là “thiểu số phục tùng đa số” thì tiếng nói đúng quy luật và hợp thực tiễn của trí thức (nhưng khác với tiếng nói của đa số trong đoàn thể) có được đoàn thể chấp nhận không? Tóm lại, vì không có tổ chức thống nhất trong cả nước và không có tổ chức đại diện trong hệ thống chính trị nên thay vì ở vị thế “tham gia xây dựng và quyết định chủ trương, chính sách của Nhà nước” thì trí thức bị hạ thấp xuống vị thế “góp ý kiến”. Vị thế này đã gây ra lãng phí to lớn về tiềm năng của trí thức Việt Nam, là thiệt thòi to lớn cho nhân dân, dân tộc và Đảng. Việc trí thức không có tổ chức thống nhất và không nằm trong hệ thống chính trị là một nguyên nhân quan trọng của những yếu kém trong mọi lĩnh vực của xã hội Việt Nam hiện nay, đồng thời cũng là một nguyên nhân quan trọng làm chậm tốc độ phát triển và thành quả đạt được không tương xứng với tiềm năng (tự nhiên, con người) của Việt Nam.

Lâu nay, trọng dụng trí thức là một quan điểm nhất quán của Đảng. Muốn quan điểm đúng đắn này trở thành hiện thực, muốn trí thức đóng góp hết khả năng của mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước thì phải có cơ chế kèm theo. Hiện nay, cơ chế đó là: Bằng Hiến pháp, xác định đội ngũ trí thức có một tổ chức thống nhất trong cả nước và là một thành viên trong hệ thống chính trị như giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, thanh niên, phụ nữ và cựu chiến binh. Cơ chế này được vận hành thì trí thức Việt Nam mới thật sự trở thành “đội ngũ trí thức”, có vị thế tham gia xây dựng và quyết định chủ trương, chính sách của Nhà nước. Cơ chế này sẽ tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức phát triển mạnh mẽ, có sức mạnh to lớn, hoàn thành xuất sắc trọng trách do nhân dân và Đảng giao phó, Việt Nam sẽ nhanh chóng có những chuyển biến mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

Thực hiện cơ chế đó không phải do trí thức đòi hỏi mà do quy luật khách quan quyết định; do sự nghiệp dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và sánh vai với cường quốc năm châu quyết định. Nghĩa là, chính thực tế Việt Nam và quy luật khách quan yêu cầu phải có cơ chế đó. Làm được như vậy là thực hiện đúng một bài học kinh nghiệm quan trọng và quý báu do Đại hội Đảng toàn quốc lần VI (12/1986) tổng kết: “Đảng phải luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan”.

Từ sự phân tích đã trình bày ở trên, là một công dân, tôi xin đề nghị: Trong Bản dự thảo Hiến pháp mới cần xác định rõ: Đội ngũ trí thức có tổ chức thống nhất trong cả nước và là một thành viên của hệ thống chính trị Việt Nam.

TH.S Lê Thưởng (Khoa Lý luận Chính trị Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng)