"Hôm nay vui đến, ngỡ trong mơ"

Khao khát trăm năm, mãi đợi chờ

Hôm nay vui đến, ngỡ trong mơ  

Đó là hai câu thơ mở đầu bài Việt Nam máu và hoa mà nhà thơ Tố Hữu viết tại Hà Nội ngày 29-1-1973 khi hay tin Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký tại Paris hai ngày trước đó. Niềm vui không sao tả xiết khi đất nước sạch bóng quân ngoại xâm lần đầu tiên sau 115 năm.

pic

Thế giới chào mừng hòa bình ở Việt Nam

Nhớ lại mấy năm trước, hội đàm giữa đại diện hai Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa [VNDCCH] và Mỹ để tìm một giải pháp cho vấn đề Việt Nam bắt đầu từ ngày 13/5/1968, được mở rộng thành hội nghị bốn bên (có thêm đại diện Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam [CPCMLT] và Chính phủ Việt Nam Cộng hòa [VNCH]) từ 25/1/1969. Tại bàn đàm phán, các bên đưa ra những yêu sách trái ngược nhau. Phía VNDCCH và CPCMLT đòi quân Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ (như Hàn Quốc, Thái Lan…) phải rút về nước, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức, nhường chỗ cho một chính phủ hòa hợp dân tộc… Trong khi đó, phía Mỹ và VNCH nhất định duy trì chính quyền Thiệu, đòi VNDCCH rút quân về miền Bắc và không đưa thêm người và vũ khí vào miền Nam… Do lập trường của các bên quá cách biệt nên những phiên họp công khai cũng như các buổi gặp riêng bí mật đều không mang lại kết quả nào đáng kể. Ba, bốn năm trôi qua nhưng Hội nghị Paris vẫn giẫm chân tại chỗ.

Đầu tháng 10-1972, lãnh đạo VNDCCH chủ trương “cần tranh thủ khả năng chấm dứt chiến tranh trước bầu cử tổng thống Mỹ (ngày 7-11-1972)”. Để thực hiện chủ trương này, cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao được chia thành hai bước: giành thắng lợi bước 1 “đánh cho Mỹ cút” trước khi tiến lên giành thắng lợi bước 2 “đánh cho ngụy nhào”.

Trong cuộc gặp riêng chiều 8/10, cố vấn Lê Đức Thọ trao cho cố vấn Henry Kissinger bản dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Bản dự thảo tập trung giải quyết một số vấn đề như: các bên cùng ngưng bắn, Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ rút hết quân về nước, VNDCCH thả hết tù binh của Mỹ… Đối với các vấn đề chính trị và quân sự của miền Nam Việt Nam (MNVN), bản dự thảo chỉ nêu ra những nguyên tắc chính và để hai bên MNVN - tức CPCMLT và VNCH - giải quyết sau khi ngưng bắn. Bản dự thảo không đòi lật đổ chế độ VNCH, không đòi Thiệu từ chức.

Sau khi tiếp nhận bản dự thảo, Kissinger tỏ ý hoan nghênh: “Đây là văn kiện mở ra bước ngoặt trong đàm phán. Đây là văn kiện rất cơ bản, rất quan trọng. Các ông đã mở ra một trang sử mới trong thương lượng và có khả năng chúng ta có thể giải quyết sớm”. Trong hồi ký, Kissinger viết: “Tôi chưa bao giờ cảm động bằng buổi quá trưa mát mẻ của ngày chủ nhật mùa thu ấy. Chúng ta sẽ đạt được điều mà chúng ta tìm kiếm: một nền hòa bình phù hợp với danh dự và trách nhiệm quốc tế của chúng ta”.

Trong các ngày sau đó, hai bên gặp nhau để giải quyết dứt điểm những vấn đề còn bất đồng. Sau phiên họp kéo dài 16 tiếng đồng hồ liên tục, từ 9g30 ngày 11 đến 2g sáng 12/10, hai bên thỏa thuận lịch như sau:

18/10: Mỹ chấm dứt ném bom và thả mìn ở miền Bắc

18/10: Kissinger đến Sài Gòn trao đổi với Nguyễn Văn Thiệu

19/10: Kissinger đến Hà Nội để cùng Lê Đức Thọ ký tắt Hiệp định

26/10: Hai bộ trưởng VNDCCH và Mỹ ký chính thức Hiệp định ở Paris

27/10: Ngưng bắn bắt đầu.

Tối 12/10, Kissinger và trợ lý là tướng Alexander Haig bay về Mỹ, đến ngay Nhà Trắng để báo cáo với Tổng thống Nixon. Theo Kissinger, “chúng ta đã đạt được nhiều hơn những gì mong muốn”.

Cảm nghĩ của Nixon về bản dự thảo Hiệp định được ông ta ghi trong hồi ký:

“Những đề nghị mà Lê Đức Thọ đưa ra (…) đáp ứng hầu như tất cả những yêu cầu chủ yếu của chúng ta (…). Tất cả những điều khoản [của bản dự thảo] tương đương với một sự đầu hàng hoàn toàn của đối phương: họ chấp nhận cách giải quyết theo những điều kiện của chúng ta”. Ông hài lòng việc “Bắc Việt Nam đã từ bỏ lời yêu cầu Thiệu từ chức”. Ông chấp nhận việc “Bắc Việt Nam không chấp nhận rút bộ đội của họ khỏi miền Nam, vì họ vẫn giữ giả tưởng rằng Việt Nam là một quốc gia duy nhất, do đó bộ đội của họ không phải là quân nước ngoài như quân đội của chúng ta. Cách chơi chữ này đặc biệt xúc phạm tới Thiệu. Nhưng Kissinger báo cáo những điều kiện đảm bảo các mục tiêu của chúng ta và của Thiệu trong khi cho phép Bắc Việt Nam vẫn giữ thể diện: [đó là] không đòi hỏi họ rút quân nhưng những điều khoản của Hiệp định về việc thay quân và đóng cửa biên giới với Lào và Campuchia sẽ cắt đứt những lực lượng của họ khỏi căn cứ tiếp tế và sẽ buộc họ hoặc phải rút về miền Bắc, hoặc sẽ yếu mòn dần dần trong Nam”.

Suy nghĩ như vậy nên Nixon tán thành thời khóa biểu mà hai bên đã nhất trí.

Nixon mời mọi người sang phòng bên cạnh, bảo người phục vụ: “Mang rượu ngon ra đây, cái chai Château Lafite Rothschild ấy, rồi rót mời mọi người”. Thông thường, chỉ có ông mới uống thứ rượu này, còn khách thì được mời uống rượu vang do Beaulieu Vineyards ở California sản xuất. Tham mưu trưởng Nhà Trắng H. R. Haldeman nhận xét: “Cử chỉ của Nixon cho thấy ông ta đang phấn khởi” (20, 608).

Ngày 20/10, Nixon gửi công hàm cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: “Bây giờ có thể xem Hiệp định như đã hoàn tất” và đề nghị lui ngày ký chính thức Hiệp định tới 31/10.

Trước đó, ngày 18/10, Kissinger và trợ lý Winston Lord bay sang Sài Gòn, mang theo bức thư đề ngày 16/10 của Nixon gửi Thiệu trong đó Nixon viết: “Tôi tin chắc rằng đây là giải pháp tốt nhất chúng ta có thể đạt được (…). Riêng đối với tôi thì điều khoản quan trọng nhất của Hiệp định, ngoài những khía cạnh quân sự của nó, là chính phủ của Ngài, quân lực và những định chế chính trị của VNCH sẽ còn nguyên vẹn sau khi cuộc ngưng bắn được tôn trọng”.

Theo Lord, “chúng tôi thực sự nghĩ rằng chúng tôi đã hoàn thành một nền hòa bình trong danh dự, chỉ còn một ít chi tiết về câu chữ còn phải giải quyết. Chúng tôi nghĩ rằng Thiệu và [chính quyền] Nam Việt Nam sẽ rất sung sướng về việc Bắc Việt Nam sau nhiều năm cuối cùng đã thôi không khăng khăng đòi một chính phủ liên hiệp nữa và đồng ý để chúng ta tiếp tục cung cấp thiết bị quân sự cho [quân đội] Nam Việt Nam sau khi ngừng bắn”.

Nhưng Thiệu lại nghĩ khác. Đọc bản dự thảo Hiệp định (do Kissinger đưa), ông ta kinh hoàng khi biết Mỹ sẽ rút hết quân về nước, cam kết không tiếp tục dính líu quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam, bỏ ông ta một mình đối phó với lực lượng cách mạng. Ông nói: “Chuyện sống chết của Nam Việt Nam dựa vào 2 điểm: một là bộ đội miền Bắc được phép ở lại mãi mãi; hai là có một chính phủ liên hiệp nghi trang dưới hình thức Hội đồng quốc gia [Hòa giải và Hòa hợp dân tộc]”.

Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn Ellsworth Bunker đồng tình với Thiệu: “Tôi không ngạc nhiên trước việc Thiệu không sẵn lòng nhượng bộ vấn đề quân đội Bắc Việt Nam ở lại Miền Nam; sự có mặt của họ sẽ gây khó khăn cho việc tổ chức một cuộc tuyển cử thẳng thắn và tự do” (21, 419). Tướng Haig cũng suy nghĩ tương tự: “Chúng ta đang đòi hỏi Thiệu phải chấp nhận vài nguy cơ khá nghiêm trọng” (21, 419). Cuối cùng, “chính Nixon đã tỏ ra do dự” (4, 456). Trong bức điện gửi cho Kissinger (đang có mặt ở Sài Gòn), ông nhấn mạnh “Điều cốt yếu là phải được sự tán thành hoàn toàn của Thiệu” (18, 1434). Sau đó, ông ta đích thân “gửi công hàm trấn an Thiệu, hứa sẽ cố thương thuyết Hiệp định trở lại theo đúng những điều phản đối của [chính quyền] Sài Gòn” (27,  277).

Ngày 23/10, Kissinger điện cho Hà Nội biết phía Mỹ ngưng thực hiện thời khóa biểu mà hai bên đã thỏa thuận: Kissinger sẽ hoãn chuyến đi Hà Nội để ký tắt Hiệp định với Lê Đức Thọ, mặt khác Mỹ vẫn tiếp tục ném bom xuống “vùng cán chảo” (the panhandle) của miền Bắc (từ Thanh Hóa xuống Vĩnh Linh). Trước đó, như Nixon viết trong hồi ký, từ ngày 20/10, Mỹ “bắt đầu chiến dịch “Tăng thêm” (Enhance plus) chở bằng máy bay một lượng khổng lồ trang bị quân sự và hàng cung cấp cho Nam Việt Nam”. Trong vòng 6 tuần, Mỹ trao cho Thiệu 260.000 tấn vũ khí, gồm máy bay chiến đấu, trực thăng, xe bọc thép, xe tăng, xe tải, pháo 105mm và 155mm, pháo cho Hải quân… trị giá khoảng 2 tỉ đô la. Để tiết kiệm thời gian, Mỹ mượn hàng mà Mỹ đã viện trợ cho Đài Loan, Hàn Quốc, Philippines rồi sau đó sẽ trả lại cho những nước này. Theo bản dự thảo Hiệp định, các căn cứ quân sự của Mỹ phải bị tháo dỡ mang về Mỹ, nhưng Mỹ lén lút giao lại cho Thiệu. Với việc chuyển giao cấp tốc vũ khí và trang bị quân sự này, Không quân của Thiệu bỗng chốc trở thành “không lực lớn thứ tư trên thế giới”. Nhà nghiên cứu Gabriel Kolko nhận định: “Mọi thứ được thực hiện nhằm chuẩn bị cho Thiệu một cuộc chiến tranh kéo dài trong thời kỳ sau Hiệp định”.

Ngày 23/10, Nixon gửi công hàm cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng đòi thương thuyết lại vấn đề bộ đội miền Bắc ở miền Nam và một số vấn đề quan trọng khác.

Trong công hàm ngày 23/10, Chính phủ VNDCCH viết: “Nếu phía Hoa Kỳ cứ viện cớ này cớ khác để kéo dài đàm phán, trì hoãn việc ký kết, thì nhất định chiến tranh Việt Nam sẽ tiếp tục và phía Hoa Kỳ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm”.

Theo John Negroponte, thành viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, “phản ứng của Hà Nội là có thể hiểu được. Hà Nội sợ mình trở thành nạn nhân của vụ lừa gạt lớn nhất trong lịch sử, sợ rằng Mỹ hứa hoàn thành một hiệp định hòa bình chỉ nhằm những mục đích chính trị trong nước Mỹ, và sợ rằng một khi bầu cử [tổng thống] xong, sẽ có nguy hiểm là Mỹ có thể nuốt lời hứa”.

Ngày 26/10, Chính phủ VNDCCH công khai hóa mọi chuyện trước dư luận thế giới: quá trình đàm phán ở Paris, những điều hai bên đã thỏa thuận, nội dung dự thảo Hiệp định, lịch ký kết và cả một số công hàm của Mỹ. VNDCCH khẳng định sẽ giữ đúng những lời cam kết của mình, đồng thời yêu cầu Mỹ cũng phải làm như vậy, đòi hai bên ký Hiệp định vào ngày 31/10 như đã thỏa thuận. Trong cuộc họp báo ngày hôm sau, Kissinger thừa nhận: “Văn bản [Hiệp định] mà Hà Nội công bố cơ bản là chính xác”. Giới báo chí chất vấn: “Tại sao bây giờ phải mở lại cuộc thương thuyết sau khi đã hoàn tất với một văn bản và ngày ký được hai bên nhất trí ?”. Dư luận thế giới đồng tình với Hà Nội, phê phán Mỹ bội ước, lật lọng. Hãng thông tấn Pháp AFP bình luận: “Nixon bị dồn vào chân tường”. Ngày 27/10, Mỹ chống chế: “Hoa Kỳ hiểu sự không hài lòng do sự không thực hiện được thời gian biểu gây ra” nhưng tiếp tục không chịu thi hành những gì đã cam kết. Ngược lại, để đánh lừa dư luận, nhất là đánh lừa cử tri Mỹ khi ngày bầu cử đang tới gần, phía Mỹ đưa ra những tuyên bố lạc quan giả tạo. Ngày 26/10, Kissinger giải thích: “Còn những câu chữ không rõ ràng, những vấn đề kỹ thuật… Không có vấn đề nào lớn” rồi khẳng định: “Chúng tôi tin rằng hòa bình đang ở trong tầm tay. Chúng tôi tin rằng đã nhìn thấy một hiệp định rồi”. Ba ngày sau, Phó tổng thống Spiro Agnew thông báo: “Chỉ còn vài câu chữ cần nói rõ thêm, chứ không thêm gì về thực chất”. Người ta cho rằng chính quyền Nixon “vừa gieo rắc ảo tưởng về một nền hòa bình, vừa tiếp tục chiến tranh trong thực tế”. Trò chơi “lá mặt - lá trái” đó là một trong những nguyên nhân giúp Nixon ngồi lại Nhà Trắng thêm bốn năm nữa. “Sau khi tái thắng cử một cách an toàn, Nixon chẳng phải lo lắng gì về dân chúng Mỹ nữa”.

Ngày 19/11, “Kissinger trở lại Paris, mang theo danh sách 69 điều phản đối của [chính quyền] Sài Gòn (mà [sau này] trong hồi ký, chính ông ta cũng đã nhận xét là “phi lý” (preposterous)”. Khi các cuộc họp riêng nối lại từ ngày hôm sau, “Mỹ đòi sửa lại hầu hết các chương trong Hiệp định” trong đó có 16 vấn đề về thực chất. Không những thế, Mỹ còn ngang ngược đe dọa “tăng cường tấn công” nếu VNDCCH không chịu nhượng bộ trước những đòi hỏi của Mỹ. Ngày 4/12, Lê Đức Thọ nói thẳng với Kissinger: “Có thể các ông sẽ sử dụng các trận cường kích ném bom ồ ạt bằng B-52 có lẽ đến mức độ san phẳng Hà Nội và Hải Phòng. Chúng tôi cũng đôi khi nghĩ rằng các ông cũng có thể sử dụng vũ khí nguyên tử, bởi vì trong cuộc kháng chiến chống Pháp, [Nixon lúc đó làm] phó tổng thống [dưới thời Eisenhower] đã đề nghị sử dụng vũ khí nguyên tử [tại chiến trường Điện Biên Phủ]… Chúng tôi đã bị hàng chục triệu quả bom và đạn pháo [của Mỹ] tương đương với 500 và 600 bom nguyên tử… Nhưng chúng tôi đã không hoảng sợ vì chúng và đã chống lại… Chúng tôi sẽ không khuất phục và không cam chịu làm nô lệ”. Phản ứng của VNDCCH vừa linh hoạt vừa giữ nguyên tắc. Chẳng hạn, trong phiên họp ngày 9/12, ta đồng ý bỏ cụm từ cơ cấu chính quyền (administrative structure) khi nói về Hội đồng quốc gia Hòa giải và Hòa hợp dân tộc. Nhưng ta cương quyết bác bỏ việc Mỹ đòi rút bộ đội miền Bắc. “Khẳng định quyền chống xâm lược của nhân dân Việt Nam”, Lê Đức Thọ nói thẳng với Kissinger ngày 21/11 rằng “Mỹ xâm lược Việt Nam thì nhân dân cả nước Việt Nam đứng lên chiến đấu”, không phân biệt người dân ở miền Bắc hay ở miền Nam.

Đến giữa tháng 12-1972, hai bên “đã thỏa thuận được mấy chục điểm lớn nhỏ” nhưng vẫn “còn một số vấn đề lớn chưa thỏa thuận được” (9, 171). Vào cuối phiên họp ngày 13-12, Lê Đức Thọ phát biểu: “Những vấn đề đó, chúng tôi tin rằng, nếu chúng ta cùng có thiện chí, thì sẽ thảo luận với nhau và sẽ giải quyết được” (9, 169). Kissinger cũng thừa nhận: Cuộc thương thuyết “đã hoàn thành đến 99 %” (17, 652). Hai bên đồng ý tạm ngưng các cuộc họp để hai cố vấn về nước xin chỉ thị của lãnh đạo mỗi bên.

Trong khi Hội nghị Paris đang họp, thì “từ ngày 5/12, Nixon và Kissinger vẫn luận bàn liệu khi nàolàm thế nào để cắt đứt các cuộc đàm phán trong lúc vẫn làm cho có vẻ như phía bên kia là kẻ phải chịu trách nhiệm”. Thay vì thương thuyết để tìm ra giải pháp chấm dứt chiến tranh, Nixon muốn tiến hành một chiến dịch quân sự diễn ra trong thời gian tương đối ngắn nhưng với cường độ mạnh nhất để gây sức ép buộc VNDCCH phải nhượng bộ, chấp nhận các yêu sách của Mỹ, qua đó Mỹ có thể bước ra khỏi cuộc chiến Việt Nam trong tư thế người chiến thắng. Trong thư gửi cho Nguyễn Văn Thiệu, Nixon cho biết mục đích của chiến dịch đó “nhằm truyền đạt cho kẻ thù biết sự kiên quyết của tôi muốn chấm dứt nhanh chóng cuộc xung đột”. Một mục đích khác là muốn gây thiệt hại nặng về kinh tế và quân sự cho miền Bắc để, sau khi có ngưng bắn, miền Bắc phải mất nhiều thời gian (theo tính toán của đô đốc Moorer, hơn 1 năm) mới có thể phục hồi khả năng chi viện cho cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam. 

Ngày 14/12, tại Nhà Trắng, Nixon báo cho Kissinger và tướng Haig biết: “Chúng ta sẽ phải có một quyết định lớn là đánh Hà Nội - Hải Phòng bằng B-52. Bất cứ cái gì ít hơn chỉ khiến đối phương trở nên cà khịa”. Trận đánh sẽ bắt đầu ngày thứ hai 18/12, vì ông không muốn máy bay Mỹ ném bom trong ngày chủ nhật giữa lúc mọi người cầu kinh trong nhà thờ!

Kissinger và tướng Haig ủng hộ quyết định của ông chủ Nhà Trắng, nhưng bộ ba ở Lầu Năm Góc - gồm Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird, Thứ trưởng Quốc phòng Kenneth Rush và Đô đốc chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Thomas Moorer - lại không đồng tình. Trong bản ghi nhớ gửi Nixon ngày 13/12, ba ông khuyến nghị Nixon “tránh tăng cường hành động quân sự vào thời gian này, ký Hiệp định bây giờ” vì “chín điểm chứa đựng trong bản Hiệp định đề nghị hiện nay như đã được người Bắc Việt chấp nhận là một thỏa thuận tốt hơn nhiều cho Hoa Kỳ và Nam Việt Nam”. Nixon bỏ ngoài tai khuyến nghị đó. Ngày 19/12, Nixon ra lệnh cho Thomas Moorer: “Đây là cơ hội cho ông dùng sức mạnh quân sự để thắng cuộc chiến tranh này. Và nếu ông không làm được, tôi sẽ xem ông là người chịu trách nhiệm”. Vì nhiều người không biết quá trình thảo luận trong vòng bí mật giữa Nixon và một vài cộng sự thân cận (như Kissinger, Haig…) nên nghĩ rằng “quyết định của Nixon quả là đột ngột, làm cho dư luận Hoa Kỳ và thế giới sửng sốt, thật xứng với biệt danh mà nhiều người đã đặt cho ông ta “con người không thể lường” (the unpredictable Nixon)”.

Từ 19g45 ngày 18/12/1972, các máy bay B-52 bắt đầu trút bom xuống thủ đô VNDCCH, mở màn chiến dịch tập kích chiến lược vào Hà Nội - Hải Phòng (được biết dưới mật danh “Chiến dịch Linebacker II”).

Kéo dài trong 11 ngày đêm (bắt đầu từ 19g45 tối 18/12 đến 7g sáng 30/12/1972, tạm ngưng 36 tiếng nhân lễ Giáng sinh), cuộc ném bom này được các nhà nghiên cứu đánh giá là “mạnh nhất”, “nặng nề nhất”, “dữ dội nhất”, “tập trung nhất”, “có mức tàn phá nhất”… trong lịch sử chiến tranh trên không của Mỹ ở Việt Nam.

Ngày 29/12, Nixon quyết định chấm dứt Chiến dịch Linebacker II từ 19g ngày 29/12 (theo giờ Mỹ) tức 7g sáng 30/12 (theo giờ Việt Nam).

Sau một chiến dịch ném bom dữ dội như vậy, khi các buổi họp riêng được nối lại từ ngày 8/1/1973, một điều nghịch lý diễn ra: chính kẻ ném bom - chứ không phải người bị ném bom - “ở trong vị thế tương đối yếu hơn nhiều... Nixon hoàn toàn muốn chấp nhận bản dự thảo hồi tháng 10”!

Trong các phiên họp riêng (được nối lại từ 8/1/1973), phía Mỹ không còn đòi bộ đội miền Bắc rút khỏi miền Nam nữa. Trong hồi ký No More Vietnams, Nixon giải thích: “Nếu chúng ta nhất quyết đòi Bắc Việt Nam rút quân thì sẽ không có hiệp định hòa bình”. Còn Kissinger cho rằng việc đòi bộ đội miền Bắc rút“là không thể đạt được sau 10 năm chiến tranh. Chúng ta không thể lấy điều đó làm một điều kiện cho việc dàn xếp cuối cùng”. Thiệu cử cựu Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ, tân và cựu Đại sứ tại Mỹ Trần Kim Phượng và Bùi Diễm đến Nhà Trắng gặp Kissinger, nhấn mạnh ý “sự có mặt của quân đội Bắc Việt trên lãnh thổ miền Nam là một vấn đề sinh tử đối với chúng tôi”, nhưng Kissinger tìm cách tránh né. Ba sứ giả của Thiệu nhận ra rằng “rõ ràng Hoa Kỳ không muốn thảo luận trở lại những nét chính của bản dự thảo thỏa hiệp đã được thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt hồi tháng 10”. Biết vậy, nhưng khi gặp Kissinger ở Paris ngày 12/1, Trần Văn Đỗ nêu lại vấn đề đó. Kissinger trả lời chẳng ăn nhập đâu vào đâu: “Theo tôi hiểu thì Bắc Việt chưa hề đòi hỏi chúng ta điều đó và trong bản thỏa hiệp cũng không có điều khoản nào cho phép họ đóng quân ở miền Nam”. Nghe Kissinger nói, Bùi Diễm nghĩ thầm trong bụng: Bắc Việt Nam “không mong muốn gì hơn là bản thỏa hiệp đừng đả động hay nhắc nhở đến sự có mặt của họ, còn trên giấy tờ cho phép hay không cho phép, họ không cần biết”!

Vì Mỹ rút lại những đòi hỏi vô lý nên các bên nhanh chóng nhất trí với nhau. Qua ngày hôm sau, “ngày 9/1, Kissinger và Lê Đức Thọ đạt được một Hiệp định hầu như giống hệt với bản Hiệp định mà Thiệu đã bác bỏ hồi tháng 11”.

pic

Lễ ký Hiệp định Parris (ngày 27/01/1973)

Ngày 16/1, Nixon cử tướng Haig sang Sài Gòn để thông báo cho Nguyễn Văn Thiệu biết. Thấy Hiệp định chẳng khác gì bản dự thảo của 3 tháng trước, 69 điều Thiệu đòi sửa bị gạt bỏ, Thiệu không muốn ký. Nixon liên tiếp gửi các tối hậu thư: “Tôi nhất quyết cho phê chuẩn bản Hiệp định vào ngày 23/1 và sẽ ký vào ngày 27/1/1973 tại Paris. Tôi sẽ làm việc này, dù phải làm một mình [nếu VNCH không chịu ký]... Kết quả không tránh khỏi sẽ là việc cắt viện trợ quân sự và kinh tế ngay lập tức” (Thư 14/1/1973); “Tôi cả quyết rằng việc từ chối ký bản Hiệp định này sẽ đưa đến việc cắt đứt mọi viện trợ cho VNCH” (Thư 17/1/1973) v.v... Trong một buổi họp các quan chức cao cấp, “Thiệu ví việc ký Hiệp định với việc uống thuốc độc [khiến cho chế độ VNCH chết ngay lập tức], còn nếu không ký thì sẽ chết từ từ vì ngạt thở do Mỹ sẽ chấm dứt viện trợ”. Có lần Nixon ví Thiệu với cái đuôi của con chó và nói: “Cái đuôi không thể vẫy con chó”, ý muốn nói Thiệu không thể làm cho Nixon thay đổi quyết định. Ngày21/1, “cái đuôi” phải nằm im.

Ngày 23/1, tại Paris, hai cố vấn Lê Đức Thọ và Kissinger ký tắt Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Bốn ngày sau, Hiệp định được các ngoại trưởng Chính phủ VNDCCH, CPCMLT Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chính phủ VNCH và Chính phủ Mỹ ký chính thức.

pic

Bộ tư lệnh Quân đội Mỹ ở miền Nam (MACV) làm lễ cuốn cờ

Phía Mỹ luôn cho rằng Chiến dịch Linebacker II “thành công” vì đã buộc VNDCCH phải trở lại bàn Hội nghị Paris trong thế yếu, phải nhượng bộ trước những yêu sách của Mỹ và VNCH. Trong hồi ký No more Vietnams, Nixon viết: “Trận ném bom của chúng ta đã thực hiện được các mục đích của nó. Về quân sự, chúng ta đã đập tan khả năng tiến hành chiến tranh của Bắc Việt Nam. Về chính trị, chúng ta đã đập tan ý chí tiếp tục chiến tranh của Hà Nội… Chúng ta đã buộc Hà Nội trở lại bàn đàm phán để chấm dứt chiến tranh thông qua một sự giải quyết công bằng. Ngày 8/1, khi các cuộc đàm phán cấp cao nhóm họp trở lại, Bắc Việt Nam đã đồng ý những điều khoản cơ bản của chúng ta trong vòng 48 giờ”. Trong bản ghi nhớ gửi Nixon ngày 9/1 (đúng vào ngày Nixon tròn 60 tuổi), Kissinger thông báo “một thỏa thuận đã đạt được với người Bắc Việt Nam để dẫn đến một cuộc ngưng bắn”.

Tuy nhiên nhiều nhà sử học không tin như vậy. “Ném bom không đem lại một cách giải quyết khác rõ rệt so với cách mà trước đó Mỹ đã bác bỏ” (George C. Herring), “Chiến dịch ném bom sôi động của Nixon là thừa” (Stanley Karnow)… Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird cũng đồng ý với các nhà sử học: “Tôi không nghĩ rằng nó là cần thiết”. Thậm chí, một chính khách khác của Mỹ John Negroponte còn kết luận: “Chúng ta ném bom miền Bắc Việt Nam để buộc họ chấp nhận những nhượng bộ của chúng ta” [người trích dẫn nhấn mạnh]. Câu nói thoạt nghe có vẻ nghịch lý, nhưng đã trả lời được câu hỏi “ai nhượng bộ ai, ai chịu thua ai?”.

Trong bức điện ngày 16/1 gửi sang Paris, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam đưa ra nhận định:

* “Do ta giành thắng lợi quân sự, chính trị, có thế thuận lợi trên trường quốc tế, nên trong đàm phán đã buộc Mỹ đi vào giải quyết trên cơ sở văn bản Hiệp định 20/10/1972”.

* “Trong tình hình so sánh lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường và trong hoàn cảnh quốc tế phức tạp, đạt được một hiệp định như vậy là một thắng lợi lớn của ta, một thất bại lớn của Mỹ - ngụy”.

Hầu hết những nhà sử học Mỹ đều thống nhất với nhận định trên của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Chúng tôi xin trích dẫn vài tác giả:

“Cuộc ném bom Hà Nội và Hải Phòng thất bại cả về chính trị lẫn về quân sự khiến cho có được Hiệp định Paris. Vì sự thất bại đó buộc Nixon và Kissinger phải chấp nhận chính những điều khoản mà họ đã bác bỏ hồi tháng 10, 11 và 12” (Gareth Porter).

“Hiệp định cuối cùng được Kissinger và Lê Đức Thọ ký tắt ở Paris trưa 23/1/1973 giống như bản mà hai bên đã đồng ý hồi tháng 10” (Michael Maclear).

SÁCH BÁO THAM KHẢO

Tiếng Việt:

1. Nguyễn Thị Bình và các tác giả khác, Mặt trận Dân tộc Giải phóng - Chính phủ Cách mạng Lâm thời tại Hội nghị Paris về Việt Nam, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2001

2. Bùi Diễm, Gọng kìm lịch sử, NXB Phạm Quang Khai, Mỹ, 2000

3. Nguyễn Phú Đức, Tại sao Mỹ thua ở Việt Nam, bản dịch của Nguyễn Mạnh Hùng, NXB Lao Động, Hà Nội, 2009

4. Ilya V. Gaiduk, Liên bang Xô-viết và chiến tranh Việt Nam, bản dịch của Trần Quy Thắng và Trần Văn Liên, NXB Công An Nhân Dân, Hà Nội, 1998

5. Phan Văn Hoàng, Chúng ta ném bom miền Bắc Việt Nam để buộc họ chấp nhận những nhượng bộ của chúng ta, tạp chí Hồn Việt, số 65, tháng 12/2012

6. Nguyễn Tiến Hưng, Khi đồng minh tháo chạy, Cơ sở xuất bản Hứa Chấn Minh, California, 2005

7. Lê Xuân Khoa, Việt Nam 1945-1995, NXB Tiên Rồng, Maryland, 2004, tập I

8. Jeffrey Kimball, Hồ sơ chiến tranh Việt Nam, NXB Công An Nhân Dân, Hà Nội, 2007

9. Nguyễn Thành Lê, Cuộc đàm phán Paris về Việt Nam (1968-1973),NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 1998

10. Lưu Văn Lợi – Nguyễn Anh Vũ, Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris, NXB Công An Nhân Dân, Hà Nội, 1996

11. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2007, tập VII

Tiếng Anh, Pháp:

12. Thomas L. Ahern, Jr. CIA and the Generals, Center for the Study of Intelligence

13. Stephen E. Ambrose, The Christmas Bombingtrong The Cold War: A Military History (Robert Cowley chủ biên), NXB Random House, New York, 2005

14. Phillip B. Davidson, Vietnam at War – The History 1946-1975, Oxford University Press, New York, 1988

15. Mai Elliott, RAND in Southeast Asia – A History of the Vietnam War Era, RAND Corporation xuất bản, California, 2010

16. George C. Herring, America’s Longest War,  NXB McGraw-Hill, New York, 1996

17. Stanley Karnow, Vietnam - A History, NXB Penguin Books, New York, 1987

18. Henry Kissinger, À la Maison Blanche 1968-1973, NXB Fayard, Paris, 1978

19. Gabriel Kolko, Anatomy of a War, NXB Pantheon Books, New York, 1985

20. A. J. Langguth, Our Vietnam, NXB Simon & Schuster, New York, 2000

21. Michael Maclear, Vietnam: The Ten Thousand Day War, NXB Thames Methuen, London, 1984

22. Richard Nixon, Mémoires, NXB Stanké, Paris, 1978

23. Richard Nixon, No More Vietnams, NXB Avon Books, New York, 1985

24. John Prados, Vietnam – The History of an Unwinnable War 1945-1975, University Press of Kansas, 2009

25. Robert D. Schulzinger, A Time for War – The United States and Vietnam, Oxford University Press xuất bản, New York, 1997

26. Spencer C. Tucker (chủ biên), Encyclopedia of the Vietnam War, NXB ABC-CLIO, California, 1998, tập II

27. Marilyn B. Young, The Vietnam Wars 1945-1990,NXB Harper Perennial, 199128. Nancy Zaroulis và Gerald Sullivan, Who Spoke Up?,NXB Doubleday & Company, New York, 1984

29. Gareth Porter, A Peace Denied – The United States, Vietnam, and the Paris Agreement, Indiana University Press xuất bản, Bloomington, 1975
TS Phan Văn Hoàng