Hàn Cán - một họa sĩ Trung Quốc nổi tiếng về vẽ ngựa

Trong lịch sử hội họa Trung Quốc, chúng ta thấy có nhiều họa sĩ nổi tiếng về vẽ ngựa như Tào Bá, Hàn Cán (đời Đường), Lý Công Lân (đời Tống), Triệu Mạnh Phủ (đời Nguyên), và gần đây có Từ Bi Hồng, Lương Đỉnh Minh, Diệp Túy Bạch và Thi Khánh. Nhưng trong các nhà danh họa ấy, Hàn Cán là người nổi tiếng nhất.

Hàn Cán là người Tràng An, sinh năm 720 và mất năm 780 đời Đường, nhà nghèo, hồi nhỏ phải đi làm thuê cho một cửa hàng bán rượu, nơi Vương Duy vẫn thường mua chịu. Một hôm, Hàn Cán đến nhà Vương Duy để thu tiền và trong lúc chờ đợi đã nghịch ngợm vẽ những hình con ngựa trên mặt đất. Vương Duy khi ra cửa nhìn thấy lấy làm ngạc nhiên cho là một kẻ có thiên tài nên mới chu cấp cho đi học vẽ.

Đến niên hiệu Thiên Bảo thứ nhất, khi ấy Hàn Cán đã có chút tiếng tăm thì vua Đường Minh Hoàng cho lệnh triệu vào nội đình. Nhà vua truyền cho Hàn Cán chịu khó theo học Trần Hoành, một họa sĩ của cung đình, chuyên vẽ hình những con ngựa quý do các chư hầu dâng cống để lưu vào tàng viện. Nhưng thấy chàng ta không chú tâm gì vào việc học tập cả, nhà vua mới hỏi vì sao lại chểnh mảng như vậy. Hàn Cán bèn tâu lên rằng: “Thần đã có những thầy riêng để theo học, không nhất thiết phải theo học Trần Hoành. Hiện tại, các thầy học của thần chính là những con ngựa quý của bệ hạ nuôi ở trong các chuồng ngựa”.

Nhà vua cho là phải. Nhưng thực ra Hàn Cán đã học được rất nhiều ở Tào Bá, một danh họa chuyên vẽ về ngựa rất nổi tiếng thời bấy giờ và Đỗ Phủ đã phải hết lời ca tụng trong bài Đan thanh dẫn-丹 青 引(*) mà có đoạn kể rằng: “…Con ngựa Ngọc hoa của đức tiên đế/ Biết bao thợ vẽ đã chẳng giống hình nó/ Hôm đó được dắt đến dưới thềm son/ Nó đứng sững lại, cửa cung bỗng như nổi cơn bão táp/ Vua xuống lệnh cho tướng quân trải tấm lụa trắng/ Ông tập trung tinh thần như người thợ chăm chú dụng công/ Bỗng giữa chốn cửu trùng con long mã thật xuất hiện/ Gạt hết mọi loài ngựa tầm thường xưa nay/ Con Ngọc hoa bỗng đứng lên trên sập nhà vua/ Nhìn ngựa trên sập giống hệt ngựa trước sân/ Đức vua mỉm cười giục thưởng vàng cho ông…” (…Tiên đế thiên mã Ngọc hoa thông/ Họa công như sơn mạo bất đồng/ Thị nhật khiên lai xích trì hạ/ Quýnh lập xương hạp sinh trường phong/ Chiếu vị tướng quân phất quyên tố/ Ý tượng thảm đạm kinh doanh trung/ Tư tu cửu trùng chân long xuất/ Nhất tiển vạn cổ phàm mã không/ Ngọc hoa khước tại ngự tháp thượng/ Tháp thượng đình tiền ngật tương hướng/ Chí tôn hàm tiếu thôi tứ kim… 先 帝 天 馬 玉 花 驄/ 畫 工 如 山 貌 不 同/ 是 日 牽 來 赤 墀 下/ 迥 立 閶 闔 生 長 風/ 詔 謂 將 軍 拂 絹 素/ 意 匠 惨 淡 經 營 中/ 斯 須 九 重 眞 龍 出/ 一 洗 萬 古 凡 馬 空/ 玉 花 卻 在 御 榻 上/ 榻 上 庭 前 屹 相 向/ 至 尊 含 笑 催 賜 金...).

Đỗ Phủ còn cho biết, Hàn Cán về sau tuy vẽ ngựa giống hệt như in nhưng không làm nổi bật được cái khí thế của con thần mã mà chỉ có tướng quân Tào Bá vẽ mới thật có tinh thần.

Không biết tướng quân Tào Bá đã vẽ con ngựa có tinh thần đến thế nào mà nó đứng dậy được trên sập của nhà vua. Chuyện này cũng không khác gì chuyện của Hàn Cán cưỡi ngựa vượt ra khỏi bức tranh để phi mất. Đó chẳng qua là những lời ngoa truyền để đề cao thiên tài của Tào Bá và Hàn Cán mà mọi người đều thán phục. Tiếc rằng, các bức tranh vẽ ngựa của Tào Bá đã không còn giữ được, chỉ có mấy bức được truyền là của Hàn Cán như bức tranh trong bộ sưu tập của Sir Percival và Lady David ở Luân Đôn bên nước Anh. (Tranh số 1)