Hơn một nỗi thương hoa

Vãn cảnh là tên một bài thơ tứ tuyệt, đánh số 114, được trích trong cuốn Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh, trang 239, do NXB Chính trị Quốc gia ấn hành tháng 7 năm 2007. Bài thơ được phiên âm như sau:

Mai khôi hoa khai hoa hựu tạ,
Hoa khai hoa tạ lưỡng vô tình;
Hoa hương thấu nhập lung môn lí
Hướng tại lung nhân tố bất bình.

(Cảnh chiều hôm)

Vãn cảnh là tên một bài thơ tứ tuyệt, đánh số 114, được trích trong cuốn Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh, trang 239, do NXB Chính trị Quốc gia ấn hành tháng 7 năm 2007. Bài thơ được phiên âm như sau:

Mai khôi hoa khai hoa hựu tạ,
Hoa khai hoa tạ lưỡng vô tình;
Hoa hương thấu nhập lung môn lí
Hướng tại lung nhân tố bất bình.

(Cảnh chiều hôm)

Hoa hồng nở, hoa hồng lại rụng
Hoa tàn hoa nở cũng vô tình
Hương hoa bay thấu vào trong ngục
Kể với tù nhân nỗi bất bình
(*)

Từ xưa, hoa nở hoa tàn là lẽ tự nhiên. Ở thế kỷ XII, Mãn Giác thiền sư đã dạy đệ tử:

Xuân qua trăm hoa rụng
Xuân tới trăm hoa tươi

Nhận thức tất yếu thế rồi, nhưng bài kệ của Mãn Giác thiền sư vẫn dành cho con người một niềm hy vọng, từ việc quan sát và suy tư trên cái không – thời gian biến đổi, trên cái phần vĩ thanh tươi sáng, tự do và ưu ái của thiên nhiên:

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai!

Nhưng trong Vãn cảnh, hoa nở hoa tàn được diễn tả như một thực tại cảm nhận, từ khoảnh khắc của một thời gian hiện hữu; để nói nên rằng tạo hóa vẫn là tạo hóa, khắc nghiệt, lạnh lùng, không thay đổi.

Tại sao như vậy? Bởi Hồ Chí Minh – Nguyễn Ái Quốc, người tù bị giam cầm trong nhà lao Tưởng Giới Thạch lúc ấy đã quan sát và suy tư trên cái nền của không gian và thời gian hiện thực – cái nền của một nhà tù Trung Hoa nửa trung cổ, và chưa biết đến một vừng hồng chiếu sáng đang lấp ló ở phía chân trời.

Hoa hồng nở hoa hồng lại rụng là một lẽ tự nhiên. Biết thế nhưng vẫn đầy thương cảm. Và chính sự thương cảm này đã khiến ý thơ, tứ thơ phải được vận động một cách khác hẳn, mặc dầu sự nhận thức vẫn được mang một phẩm cách truyền thống.

Thương cảm là một bản tính thi sĩ trời phú, có lẽ để thương hoa; trước tạo hoá vô tình không cho hoa sống thêm. Cách Hồ Chí Minh 200 năm, Nguyễn Du từng than: Hoa trôi man mác biết là về đâu!, khóc thương cho những kiếp lênh đênh. Và trước cả Nguyễn Du, các nghệ sỹ dân gian cũng từng than tiếc, không chỉ cho hoa, mà cho cả những cánh bèo trôi dạt trên mặt nước, đến những đoá mây vô định trên bầu trời.

Giống như những thi sĩ phương Đông đa cảm, tình thương của nhà thơ Hồ Chí Minh hướng tới linh hồn của những đoá hoa mỏng manh, nhưng để cảm nhận rằng hoa phải chết, nhưng hương hoa – linh hồn hoa nhất định không chịu chết. Và nhà thơ cảm thấy cái linh hồn bé bỏng ấy bay vào ngục tối để kể với nhà thơ nỗi phẫn uất vì sự vô tình của tạo hoá. Và đó cũng là một cách không chấp nhận tạo hoá, không chấp nhận thực tại, cho dù điều đó có là một định mệnh.

Ta có thể phục sinh được hình ảnh của nhà tù và hình ảnh của người tù không ngủ: thức trong bóng tối, ngửi thấy mùi hương hoa hồng có lẽ từ những khu vườn ở bên ngoài cửa sổ, lắng nghe tiếng thì thầm của những hồn hoa và cảm nhận được cuộc đấu tranh chống lại tạo hóa vô tình.

Vĩ đại thay tâm hồn Hồ Chủ tịch. Trong những ngày gian khổ ấy, trong ngục tối bị giam cầm, Người vẫn lắng nghe những lời thì thầm than thở, những nguyện vọng thiết tha của tạo vật dù là vô cùng bé nhỏ. Ở đây ta có thể tìm thấy triết học của tự nhiên - cuộc đấu tranh không ngừng để chống lại sự khắc nghiệt của tự nhiên, để thoát khỏi định mệnh, và để đạt tới tự do và sự bất tử.

Con người cũng giống như những bông hoa, và cuộc nổi loạn không ngừng của nó chính là sự nổi loạn tinh thần chống lại giới hạn của tự nhiên để khẳng định sức sống mới, tạo lập một định mệnh mới.

Trí tuệ của Hồ Chí Minh vượt lên tất cả những trí tuệ, những triết lý thông thường, vượt lên sự thương tiếc của một thi sĩ để đạt tới trí tuệ minh triết, tới sự giải phóng tinh thần.

Bài thơ cao hơn một nỗi thương hoa; ẩn chứa nét cao quý của một hiền triết có trái tim bao dung rộng lớn và hé lộ thân phận thật sự của Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ của tương lai, người hiệp sĩ đấu tranh không mệt mỏi để giải phóng mọi kiếp người thoát khỏi định mệnh khắc nghiệt cũng như thoát khỏi hiện thực chốn lao tù.


(*)

Bản dịch của Nam Trân

HOÀNG THỦY HƯƠNG