Hồn thơ lớn nói lên lời giản dị

Năm 2000, nhà thơ Tố Hữu viết:

Không biết thực hay mơ/ Tôi vẫn sống làm thơ/ Chào năm 2000 đến/ Tám mươi tuổi, giữa bạn đời yêu mến/ Lòng tôi thanh thản, ung dung/ Bão giật, gió rung/ Vẫn xanh lá/ Như cây tùng/ Trên núi đá/ Bởi tin yêu là sức mạnh vô cùng…

Năm 2002, nhà thơ viết tiếp:

Cảm ơn Đời đã cho ta tám mươi hai tuổi, bạc đầu/ Được vui sống một thời đáng sống, dài lâu/ Với đồng chí anh em, bè bạn/ Với chân lý sáng ngời và niềm tin ở chân trời xán lạn…

Cuối năm ấy, ngày 9/12/2002, nhà thơ ra đi, để lại mấy câu thơ như mấy lời di chúc: Tạm biệt đời ta yêu quý nhất/ Còn mấy dòng thơ, một nắm tro/ Thơ gửi bạn đường, tro bón đất/ Sống là cho. Chết cũng là cho…

Tám năm rồi, vắng Tố Hữu trên thi đàn, trong cõi nhân gian, song những bài thơ cho đến cuối đời của Anh vẫn còn văng vẳng, “như chưa hề có cuộc chia ly”… Những năm tháng cuối đời, Anh chỉ mong tiếp tục “Được làm cây lúa vàng thơm hạt/ Làm tiếng chim thanh hót sớm chiều/ Làm hàng gạch lót đường thôn mát/ Tri kỷ, tri âm chẳng đợi nhiều…”.

Trở về thăm Huế, Anh viết: Mẹ ơi, đời đã bảy mươi lăm/ Con vẫn còn đi, chẳng chịu nằm/ Dù không nên núi thì nên đá/ Lót dặm đường xa, đỡ bụi lầm…

Sự thật: vắng Anh rồi, sự nghiệp Anh để lại, chỉ riêng về thơ, đã hùng vĩ như một tòa núi lớn, sừng sững trên đường biên của hai thế kỷ XX và XXI. Đúng hơn, có thể so sánh Anh với một tòa lâu đài pha lê, sáng long lanh, lấp lánh với những đường nét kiến trúc hài hòa, cân đối tuyệt vời, với chất liệu trong sáng, một khối thủy tinh, in lồng lộng hình bóng của lịch sử, của đất nước, của thời đại chúng ta, qua những chặng đường, những sự kiện vĩ đại, với những con người từ cuộc đời nô lệ lầm than, được giải phóng, cầm ngọn cờ độc lập, tự do, cách mạng, tiến lên thành những anh hùng. Tòa lâu đài ấy được xây dựng giữa khu vườn ngày xưa, bừng sáng ánh mặt trời mùa hạ, đầy hoa lá, đậm hương thơm và rộn tiếng chim ca.

Đời thơ Tố Hữu hơn nửa thế kỷ khởi đầu với bài thơ rất đẹp. Từ ấy, một bài thơ như một sự xuất thần trong “ánh chớp của thiên tài”. Chế Lan Viên, người bạn thơ rất hiểu và rất yêu Tố Hữu, đã có nhận xét rất tinh và sâu sắc: Tất cả Tố Hữu, thi pháp, tuyên ngôn, những yếu tố làm ra thơ Anh có thể tìm thấy trong tế bào đầu tiên này.

Chính Tố Hữu trong một lần tâm sự cũng nói rằng: đó là bài thơ trời cho. Quả thực, đó là hạt nhân đầu tiên sinh ra thế giới, nụ mầm đầu tiên lớn lên thành rừng cây, rừng hoa, tế bào đầu tiên sinh ra một cá thể cường tráng, thông minh, đầy sức sống. Đó là bài thơ khai sáng một đời thơ thủy chung, cao đẹp, bước chân đầu tiên của một con đường thơ “Nước non ngàn dặm”. Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa… rồi đến Một tiếng đờn, Ta với ta…

Qua các tập thơ đó, với tất cả ý nghĩa của nó, thơ Tố Hữu đồng hành với lịch sử đất nước, lịch sử cách mạng, đồng hành với dân tộc và cả thế giới trên những chặng đường lớn của thế kỷ XX. Đó là điều hiển nhiên không cần gì phải chứng minh nữa. Đó cũng chính là điều người đọc Tố Hữu còn tiếp tục khám phá, phát hiện mãi từ nay về sau.

Như đã nói, di sản thơ của Tố Hữu là cả một tòa núi lớn hay một tòa lâu đài nguy nga, nhìn bao quát đã khó, đi vào bên trong dường như vô tận. Tuy nhiên, nhìn chung hay xét riêng, thơ Anh bao giờ cũng trong sáng như pha lê, giản dị như cơm ăn, áo mặc, nước uống của con người trong cuộc sống hàng ngày, một cuộc sống luôn luôn bình dị của mọi con người. Thơ Anh suốt đời như vậy, thơ Anh cuối đời càng như vậy.

Đi vào cuộc chiến đấu long trời lở đất hay đi vào cuộc sống làm lụng lo toan, xây dựng đất nước, xây dựng con người, Tố Hữu luôn luôn như muốn tâm tình, tâm sự với mọi người bằng những lời giản dị. Người đọc thơ với Tố Hữu luôn luôn là những “bạn đời yêu mến”, những người anh chị em cùng cất bước trên đường, cùng chung một đội hình chiến đấu, một đội ngũ lao động. Giản dị và trong sáng, đó là đặc điểm, là phong cách thơ Tố Hữu...

Suốt đời, Tố Hữu là nhà thơ chiến đấu và lao động. Dễ thấy anh là nhà thơ - chiến sĩ khi làm thơ trong lao tù đế quốc, trên đường công tác, trên đường ra trận, dưới bom rơi đạn nổ của quân thù. Trong hai lần chiến tranh cứu nước không lúc nào, không nơi nào vắng tiếng thơ Anh ca ngợi, cổ vũ cuộc chiến đấu của nhân dân.


Từ trái qua: đồng chí Tố Hữu với các đồng chí Lê Văn Lương, Lê Thanh Nghị,
Võ Nguyên Giáp. Ảnh: TL.

Từ khi nước nhà hòa bình, thống nhất lại thấy anh là nhà thơ lao động có mặt khắp nơi trên ba miền đất nước, ở công trường, xưởng máy, trường học, nhà thương, đường phố, nông thôn, trên dàn khoan dầu khí, trên công trường thủy lợi, bên các ruộng lúa, vườn cây, bên cạnh đồng chí, đồng bào, chia sẻ lo toan, gian khổ, buồn vui với họ, thơ Anh như những lời cảm thông, an ủi và động viên. Và Anh cũng dành nhiều thời gian và tâm huyết cho gia đình, quê hương cho những đồng bào, đồng chí đã khuất, những người, những nơi ân nghĩa sâu nặng ngày xưa, ngày qua.

Cuộc sống hậu chiến và đổi mới tuy ít bom đạn song còn phức tạp, khó khăn, nhiều lo lắng, nhiều nỗi niềm, thơ Anh đi vào đó như một sự tháo gỡ cho mình, cho bạn, khôi phục và khơi dậy tình yêu, niềm tin. Sau chiến tranh, trong hòa bình, có thể thấy nhiều hơn ở Anh nhà thơ - lao động. Tuổi ngày càng cao, song Anh không hề buông bút, vẫn kiên trì, cần mẫn làm thơ như con ong làm mật, con tằm nhả tơ cho đến hơi thở cuối cùng. Cuộc đời Anh cùng với sự nghiệp thơ Anh là tấm gương đẹp của một nhà thơ chân chính, nhà thơ dân tộc, nhà thơ nhân dân, mãi mãi kiên trinh, nhất quán với mình.

Tố Hữu là nhà thơ Việt Nam của thế kỷ XX. Từ nội dung đến hình thức, từ tư tưởng đến nghệ thuật, thơ Tố Hữu là thơ dân tộc và thơ nhân dân. Về thi pháp và ngôn ngữ là hai nhân tố cơ bản nhất của nghệ thuật thi ca, thơ Tố Hữu, như Anh thừa nhận, là thơ truyền thống đồng thời là thơ đổi mới, thường xuyên đổi mới trên cơ sở truyền thống, đồng thời luôn luôn là thơ với hai đặc điểm: tính tạo hình và tính nhạc điệu, ý luôn đi đôi với tình, tình cảm nào cũng mang tư tưởng và tư tưởng nào cũng là tình cảm, lời thơ nào cũng là ngôn ngữ Việt Nam, có nhịp điệu và vần điệu của thơ Việt Nam. Dù ngắn hay dài, dù cách luật hay tự do, câu thơ nào, bài thơ nào cũng là ý tình từ cuộc sống, con người phổ vào hình tượng và âm điệu.

Trong các bài thơ cuối đời của Anh, có những bài thơ triết lý mang tính tổng hợp rất cao đồng thời tính nghệ thuật rất cao. Lấy ví dụ bài thơ Mới:

Thế nào là mới, hỡi em / Có bao giờ cũ, ngày đêm, đất trời/ Bao giờ chẳng mới, dòng đời/ Từ nơi vô tận đến nơi vô cùng.

Và bài Con người:

Con người, hai tiếng đơn sơ/ Từ bao giờ đến bây giờ, mai sau/ Thuở hồng hoang, giữa rừng sâu/ Một loài con biết ngẩng đầu, đứng lên…

Những ý tưởng sâu sắc, phức tạp được diễn tả trong những vần thơ cực kỳ giản dị, không thể nào giản dị hơn. Những tư tưởng trọng đại cũng được diễn tả giản dị như thế. Dễ dàng thấy Anh đang nói đến điều gì trong những câu thơ sau:

Nước non càng đẹp càng tươi/ Sức xuân như tuổi hai mươi, mặn nồng/ Dù ai thay hướng, đổi dòng/ Con thuyền ta với cờ hồng, cứ đi…/ Bốn nghìn năm, bước trường chinh/ Vẫn ung dung, cuộc hành trình hôm nay/ Mặc ai lòng dạ đổi thay/ Việt Nam vẫn trái tim này, nguyên trinh.

Giản dị trong nghệ thuật là đỉnh cao mà mọi nghệ thuật, mọi nghệ sĩ luôn mong đạt tới, song thường vô cùng khó đạt tới.

Tóm lại một lời, thơ Tố Hữu, suốt một đời thơ cho đến những bài thơ cuối đời, là thơ của một hồn thơ lớn nói lên thành những lời giản dị.

Đã có thành ngữ: Giản dị như chân lý. Có thể thêm thành ngữ mới: Giản dị như Hồ Chí Minh.

Tháng 10/2010


Bài liên quan:
GS.NGND TRẦN THANH ĐẠM