
Lễ hội văn hóa Cồng Chiêng – của đồng bào Tây Nguyên
Cồng – chiêng là loại nhạc khí làm bằng hợp kim đồng có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Cồng là loại có núm phồng ở giữa, còn chiêng thì không có núm. Cồng – chiêng có thể dùng đơn lẻ hoặc theo dàn từ 10 đến 20 chiếc. Cồng – chiêng gắn bó với người Tây Nguyên từ thuở ấu thơ. Chúng theo sát mọi thành viên của cộng đồng trong mọi sự kiện trọng đại lúc vui cũng như lúc buồn. Có thể nói, cồng – chiêng là loại nhạc cụ thiêng, chủ yếu dùng cho các nghi lễ, cưới xin, mừng năm mới, lễ mừng chiến thắng, đưa đón chiến binh…
Cơ ngơi của già làng Đinh Lui ở ven bìa rừng của một làng Bắc Tây Nguyên. Ngôi nhà sàn có từ lâu đời, những phiến gỗ ám khói đen màu hạt huyền, những dụng cụ dùng trong sinh hoạt quá đơn sơ và giản dị. Thoạt nhìn ai cũng nghĩ già làng nghèo lắm.
Vậy mà Đinh Lui lại là một trong số triệu phú của núi rừng Tây Nguyên đó! Những cổ vật vô giá của già làng thu gom được nhiều năm là 11 bộ cồng – chiêng chứa đầy huyền tích xa mờ.
Già Đinh Lui chẳng biết rõ cồng – chiêng của người Ba–Na có tự bao giờ. Ngay từ thuở ấu thơ, tiếng cồng – chiêng của dòng họ lưu truyền đã là hồn thiêng dội vào tâm hồn Đinh Lui. Những cồng – chiêng sẵn có của dòng họ được cất giữ ở nơi linh thiêng nhất của ngôi nhà sàn. Khi những người già khuất núi. Đinh Lui kế thừa những cổ vật và cũng để tâm sưu tầm và dồn hết gia sản để mua thêm cồng – chiêng. Trong 11 bộ cồng – chiêng hiện có, Đinh Lui đã đặt tên nào là chiêng Arap, chiêng Tram, chiêng Avong…
Mỗi loại chiêng có một âm thanh kỳ diệu và đó chính là phần hồn của những lễ hội ở Tây Nguyên như: lễ mừng lúa mới, lễ trao vòng, lễ Pơ thi… Linh thiêng nhất là bộ chiêng Vang, tục truyền có từ thời Pơ–Tau–tui mà người Ba–Na gọi là “Vua lửa”.

Để cảm nhận được tiếng của Yàng (trời), tiếng hồn của sông núi, người Ba – Na thường đánh cồng – chiêng.
Cũng gần đó, già làng Đinh Nhui với căn nhà đơn điệu thì gia sản đáng giá nhất của già Đinh Nhui chỉ là những chiếc ché đựng rượu thờ. Ché được cột giữ xếp thành hàng bên bếp lửa. Những chiếc ché có gần trăm năm tuổi cũng là hồn thiêng của người Ba–Na. Những chiếc ché màu da lươn có hoa văn và những cái tai gán lên lưng ché; ché nào có nhiều tai hơn thì có giá trị hơn, cái ché Lơ–vong có cả 8 tai dùng để đựng rượu cúng Yàng. Các chiếc ché khác có tên là Sơ–roăn, Stok, Rol… Tất cả những chiếc ché được Đinh Nhui lưu giữ là của họ tộc từ xa xưa. Ngày nay, ché là linh vật, tinh thần của dân tộc Ba–Na.
Theo sự đánh giá của dân tộc Ba–Na, hiện nay thì một chiếc chiêng cổ có giá trị bằng 20 con trâu, một chiếc ché thờ tính theo mỗi tai ché có giá trị bằng ba con trâu.
Có nhiều đại gia, kể cả người nước ngoài đã đến Tây Nguyên ngỏ lời mua chiêng, ché với giá hàng trăm triệu đồng. Với số tiền quá lớn đó, đối với người Ba–Na, có thể xây dựng một ngôi nhà sàn đẹp nhất có đầy đủ tiện nghi hiện đại.
Tuy nhà nghèo, nhưng già làng Đinh Lui, Đinh Nhui chẳng tham tiền, nếu chỉ vì tiền mà bán cổ vật đi sẽ không còn là con cháu của người Ba–Na nữa.
Cho đến bây giờ, dù vật đổi sao dời thì chiêng, ché của người Ba–Na vẫn còn nguyên vẹn!
Đêm ở Tây Nguyên vời vợi trăng sao, bập bùng chút lửa hồng, cứ nghe tiếng cồng – chiêng trong lễ hội và uống một hơi rượu nồng từ ché cổ, con người sẽ được thăng hoa với hồn nước, hồn người, hồn của núi rừng, sông suối.. Ơi Tây Nguyên! Tây Nguyên!
(Viết tại làng Tpé I, xã Chơ Long, huyện Kon–Ch’ro, tỉnh Gia Lai)