Hồn Việt

Thế là sau 20 năm, Cảnh mới trở về Hà Nội… Đã biết Hà Nội qua phim ảnh, qua truyền hình, mà một Hà Nội rất xưa, trước năm 1945, vẫn là những ấn tượng khó quên nhất.

Từ sân bay Nội Bài, qua mấy chục ki-lô-mét đường bê-tông, những làng, những phố, những cánh đồng mang những đường nét hiện hữu, cảnh vẫn mường tượng đến những mái tranh nghèo ven làng, những đống rơm đống rạ, những con đường đất xuyên qua làng, những hồ ao thân thuộc thuở nào.

Ồ mình đã chẳng từng là cậu bé nhà quê như trong bài văn của nhà văn Từ Ngọc Khoảng đầu thế kỷ XX đó ư… Mình cũng từng đi chăn trâu giống hệt cậu Chàng trong Quốc văn giáo khoa thư lớp Đồng Ấu: “Đầu tôi đội nón mê như lọng che, tay tôi cầm cành tre như roi ngựa, ngất nghểu ngồi trên mình trâu. Tai nghe chim hót trong vòm cây, mắt trông bướm lượn trên hoa cỏ… Ai bảo chăn trâu là khổ… Không, chăn trâu sướng lắm chứ!”

Cầu Long Biên kia rồi. Cảnh thầm reo… Tên cũ của cầu là Paul Doumer, gọi tắt là cầu Đu-me. Cầu có một hệ thống chân cầu xây bằng đá và gạch. Từ mực nước lúc thấp nhất đến gầm cầu, cao tới 30 mét, đủ sức cho các tàu bè qua lại, kể cả trong mùa nước lớn. Những dầm thép, nhịp thép lớn, sải từ bờ nam sang bờ bắc, nhìn xa như một công trình mỹ thuật hài hòa với không gian sông nước… Cây cầu vẫn như xưa. Sông Hồng vẫn đang cuộn sóng. Chỉ hơi khác là các bãi nổi to hơn, dài hơn… Các cụ xưa truyền lại, cứ ba mươi năm, đôi bờ sông lại bên lở bên bồi, thay đổi nhau…

Cảnh thở dài. Có lẽ con người đương đại thay đổi nhanh hơn. Thế sự, thời cuộc bây giờ mười năm thay đổi một lần, con người cũng theo thời gian thế sự mà đổi thay... Vậy là, khi trở về với Hà Nội, mình đã trải qua hai đoạn đời thay đổi rồi đấy...

Khi đi là chàng trai hai mươi tuổi, khi về đã là gã trung niên bốn mươi...

Xe chạy đến chân cầu Long Biên bên này, Cảnh vỗ vào cửa kính xin dừng xe. Anh chào mọi người, xuống đi bộ...

Men theo con lộ dài, anh tìm về lối Ô Quan Chưởng, ngoặt theo hàng Chiếu rồi đi vào phố Hàng Buồm.

Những quán ăn giờ ít đi, các loại cửa hiệu khác nhiều hơn... Vẫn còn hai hiệu chè Chính Thái và Phú Thái... Và kìa, cả hàng cao lâu Mỹ Kinh nữa...

Những hàng thịt quay treo chào hàng những tảng thịt lợn quay, những con gà quay, ai háu đói, nhìn thấy hẳn chảy nước miếng...

Đi hết hàng Buồm, Cảnh rẽ sang hàng Đường rồi sang chợ Đồng Xuân... Ái chà, có tiếng nhị của đám hát xẩm đã vang lên rồi... Xuýt nữa thì Cảnh ràn nước mắt. Thứ hát xẩm này quả là thứ hàng thuần Việt. Ở Mỹ, ngay tại thành phố Ca-li cũng bói không thấy... Người hát là một phụ nữ đã luống tuổi, giọng hơi khàn. Tiếng hát nương theo làn điệu của cây đàn nhị:

Chị em ai lận đận bên (thì) trời
Non cao nước chảy (ấy) ai người tri âm
Lúc đêm trăng ngồi dậy (cô) ôm cầm
Lòng tơ tơ tưởng âm thanh tiếng tơ.
Khúc đàn này vẫn khúc đàn xưa
Mà người đoái khúc bây giờ đâu xa?
Nhớ đầu xanh còn đương độ mười ba
Cười trăng bóng xế thương hoa thu tàn…
Thế mà cái phận hồng nhan!

Đó là bài Ôm cầm của Tản Đà trong tác phẩm Giấc mộng con… Cảnh nán lại nghe thêm một bài xẩm chợ, rồi một bài hát văn nữa… Vẫn còn cái lệ “thưởng” cho xẩm. Trước mặt đám hát xẩm là chiếc mũ phở, vành quăn queo. Những đồng hai đồng, năm đồng được bỏ vào đó. Cảnh rút túi ra. Anh lấy 10 đô-la bỏ vào thưởng. Hình như chú bé, con người hát xẩm chưa từng thấy đồng tiền này bao giờ. Nó giơ lên hỏi người đàn bà luống tuổi:

- Tiền gì đây hở u?

Người đàn bà còn đang nhìn thì người đàn ông kéo nhị giật lấy, đút ngay vào túi áo ngực. Tự nhiên, Cảnh thấy cay cay sống mũi:

- Họ nghèo quá!

Giây phút chạnh lòng qua đi, Cảnh quay về ngắm phố… Phố cổ vẫn nguyên dạng cũ, dù đã điểm xuyết những thay đổi. Những ngôi nhà hai tầng, mặt tiền mới mẻ hơn… Ở đây không ai có ý nghĩ xây nhà nhiều tầng, bởi như thế chẳng khác gì một người cao quá khổ đứng giữa những người bình thường. Cảnh mừng thầm: Hà Nội vẫn lưu giữ được nét duyên dáng, cổ kính xưa, dù hàng hóa, cảnh sắp đặt, kiểu ngồi bán hàng hoặc chào mời đã khác.

Cảnh đặt chiếc túi xách xuống đường mở ra lấy chiếc caméra quay cái lòng phố xá quanh mình…

Tiếp tục đi tới Hồ Gươm, Cảnh dừng lại bên bờ hồ, bên một cây liễu, ngắm Tháp Rùa. Đền Ngọc Sơn phía bên, thấy rõ chiếc cầu Thê Húc, sơn đỏ, như hình mặt trời hồng vừa ló ra trên nước…

Trời ơi, Hà Nội của ta! Hà Nội của ta thật đây rồi... Bao nhiêu ngày xa Hà Nội mới gặp lại những hình ảnh thân quen quá đỗi đã in vào tiềm thức từ hàng chục năm trước... Cảnh đi dần về phía Hồ Gươm, tạt ngang sang đền Bà Kiệu. Khi ngẩng lên thì đã gặp mùi dùng phở thơm ngập lan ra: Phở Thìn…

Cảnh tạt vào… người giúp việc đến hỏi:

- Ông dùng chín hay tái ạ?

- Chín đi!

- Chín nầm hay chín nạm!

- Nạm…

Bát phở đã bưng lên… nghẹn đến chảy nước miếng!

Ờ, cái rảnh hành trần vắt trên bát phở, cọng xanh củ trắng mới đẹp làm sao. Những miếng thịt bò chín màu nâu hằn những thớ trông đẹp như vỏ những quả vải chín mùa tu hú kêu… Hơi nóng bốc lên! Đã đến lúc phải thưởng thức cái vị phở chính hiệu, gốc gác từ Nam Định mang lên thủ đô ra sao…

Chanh ớt đã vừa đủ vị, Cảnh nếm những miếng ngon hàng đầu của Hà Nội… Vài đũa kèm thêm vài thìa nước dùng, vị ngon đã lan trong miệng. Tiên tiên là vị mát của bánh, vị đạm ngậy của thịt bò, sau đó là vị ngọt của nước dùng. Hơn phở Ca-li là cái chắc. Tự dưng Cảnh như thấy mình không phải là đứa con xa xứ trở về nữa, mà chính là người đã từng sinh sống ở đây! Vượt hàng vạn cây số để về ăn một bát phở ngay trung tâm thủ đô, nói như kiểu Thánh Thán bên Trung Hoa: Há chẳng sướng sao!

Ăn xong, Cảnh ra đầu phố, gặp một quán nước liền ngồi xuống, gọi một cốc chè tươi. Bà hàng rót nước, đặt trước mặt khách, mắt vẫn đăm đăm nhìn Cảnh. Cái ông khách này phải vào loại khách sạn bốn, năm sao chứ, sao lại thích ngồi quán bên lề đường thế này. Cảnh cười hỏi bà:

- Bác thấy cháu lạ lắm hả?

- Ông mới từ nước ngoài về?

- Dạ, vâng!

- Thảo nào!

Ra mình vẫn chưa trút được vẻ người xa xứ bên ngoài. Vậy mà cứ tưởng…

Cảnh không về khách sạn vội. Anh tìm về con phố nhỏ, gần đường Nguyễn Du, nơi xưa kia, thời nhỏ, gia đình anh ở đó… Con phố con, ngắn không đầy 200 mét, đầu kia chạm vào một phố có mùa hoa sữa, nhiều người đã từng có những năm tháng yêu đương thường nhớ đến… Một hồ nước xanh trong nằm giữa phố! Khu phố Tây với những nhà hai tầng khá đẹp…

Từ con phố nhỏ ấy, Cảnh đã học qua bậc tiểu học, sau đó học trung học ở trường Nguyễn Trãi…

Cảnh hỏi thăm bà chủ nhà cho thuê xưa. Bà cụ hiền lành, già đã tới ngót trăm tuổi, lẫn rồi, quên quên nhớ nhớ…, xưng tên hoài mà không nhớ Cảnh là ai… Hàng xóm toàn những người lạ hoắc. Bà cụ là vợ một vị công chức, xuất thân nhà binh. Cái thời Cảnh trọ, nhà bà có cái kèn hát quay tay, chạy bằng đĩa nhựa, hát những bài hát nổi tiếng một thời như: Mơ khúc tương phùng, Nhạc tuổi xanh… Đêm Trung Hoa…

Ngày khai mạc Liên hoan phim Quốc tế không còn xa nữa… Trước khai mạc còn mấy cuộc gặp gỡ trao đổi. Những bài tham luận Cảnh chuẩn bị khá kỹ càng. Dù sao, thì mình cũng là người có chút ít tiếng tăm… Và sau những ngày hội họp, Cảnh dự định về một làng cổ trung du, thăm thú một vùng núi đồi quanh quất, ôn một thời từng sơ tán…

Liên hoan phim Quốc tế tụ hội khá nhiều minh tinh màn bạc khắp nơi. Những diễn viên nổi tiếng của Pháp, Ý, Đức, Nga, Mỹ…; những hoa khôi, những hoa hậu của những năm 2008, 2009… Nhìn thật đã mắt. Những giai nhân phương Tây giai nhân phương Đông. Vẻ đẹp phương Tây rực rỡ, vẻ đẹp phương Đông dịu mát, lan tỏa mỗi người là một bông hoa đẹp góp vào ngày hội người đẹp thế giới…

Cảnh đứng trong những hàng người dọc bên thảm đỏ, chụp ảnh những người đẹp mà anh cho là có những nét riêng độc đáo…

Những nhà điện ảnh nổi tiếng tóc bạc phơ, tây, ta, tàu đủ cả… những vai diễn trẻ măng, mơn mởn.

Các giải được trao, người đoạt giải lên nhận. Những loạt vỗ tay ngắn dài… những lời khen bốc giời, những lời đáp khiêm nhường, từ tốn.

Thế giới thu gọn trên một sân khấu nhỏ…

Đèn màu lung linh. Vinh quang và hoa hồng… Nghệ thuật muôn năm!

Cảnh đứng trên một quả đồi trung du, phóng mắt nhìn làng mạc, thung lũng lúa, những con đường hằn nghiêng từ chân lên đến tận đỉnh đồi… Những mái tranh, mái ngói ẩn hiện sau những ngọn tre đung đưa trong gió…

Hồn Việt lưu trên từng tán cây, ngọn cỏ.

Cảnh đứng im như pho tượng trên đồi, sống mũi cay cay, xúc động.

Xa xứ bao nhiêu năm, giờ mới được đắm trong đất trời, cảnh sắc, ao đầm, núi sông thuần Việt. Chợt nhớ câu thơ của Chế Lan Viên:

Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn..
.

Cảnh đứng lặng, dạt dào, nước mắt đã chảy dài trên má...