Có lẽ, hình ảnh thường gặp trên khắp nẻo đường ở đất nước ta trong ngày Tết, từ nông thôn cho đến thành phố, đặc biệt vào sáng mồng một. Đó chính là những hình ảnh đẹp nhất, xuân nhất, truyền thống nhất khi những cặp vợ chồng cùng con cái trong những bộ quần áo mới nhất, dù là đi xe đạp hay xe gắn máy. Chắc chắn các gia đình ấy đang trên đường đi chúc Tết hai bên gia đình nội ngoại, theo tục lệ “Mồng một nhà cha, mồng hai nhà vợ…”.
Người chồng chỉnh tề, lịch lãm cùng người vợ thướt tha trong chiếc áo dài màu tươi thắm. Các con nếu còn nhỏ thì đứa ngồi trong lòng cha, đứa ngồi trong lòng mẹ, quần áo mới toanh, nét mặt hớn hở, tinh khôi “vui như Tết” của con trẻ khó mà giấu được.

Nhìn cảnh ríu rít, xúng xính, sum vầy ấy khiến không ít du khách nước ngoài ngây ra đứng nhìn và cả chúng ta, người trong cuộc thì “chỉ số hạnh phúc” trong lòng cũng đột nhiên tăng vọt. Người ta thường nói hạnh phúc hay.. lây là vậy.
Có mấy ai biết được rằng, để có được cái cảnh sum họp ngày xuân, cùng nhau sóng bước trên đường làng hay đường phố, đường cao tốc, ngồi chung trên những chiếc xe hai bánh hay bốn bánh ấy, thì cách đó một vài hôm, hay ngay trước phút giao thừa không ít cặp vợ chồng đã vượt qua những cơn sóng to, sóng nhỏ để hàn gắn những rạn vỡ, hóa giải những hờn ghen, hiểu lầm để cùng nhau vui xuân đón Tết.
Có ông chồng trẻ ham vui, một ngày cuối năm cô vợ phát hiện ra ông xã mình… ăn vụng, anh ta lại “chùi mép” không khéo khi anh bảo rằng chủ nhật ấy đi Củ Chi ăn giỗ cùng với một người bạn thân. Không ngờ điện thoại di động của anh ta liên tục “nằm ngoài vùng phủ sóng”, nên người bạn thân ấy bèn gọi đến số điện thoại ở nhà rủ anh đi nhậu, người vợ trẻ bắt điện thoại và phát hiện ra chồng mình lạc… đường, điều chị nghi ngờ lâu nay.
Quá giận chồng, chị ôm con nhỏ, gấp quần áo về nhà cha mẹ ruột ở, chỉ để lại mảnh giấy “đoạn tình”: Từ nay anh lo liệu lấy, đừng quan tâm đến mẹ con tôi.
Người chồng về thấy ngay “tổ lạnh” và đọc mảnh giấy là biết rằng mình bị lộ và sai. Anh gọi điện thoại, nhắn tin thăm dò vợ khi hạ hỏa sẽ qua rước mẹ con nàng về. Nhưng người vợ cắt hết mọi liên lạc.
Chồng tìm đến nhà, chị ôm con đi nơi khác. Thấy vợ cố chấp, anh ta cũng muốn “thi gan” cùng vợ! Nhưng kẹt nỗi ngày Tết gần kề, anh ta bắt đầu hoảng. Chẳng lẽ ăn Tết một mình? Nhà cửa lạnh tanh khách khứa đến làm sao đây? Bao nhiêu năm độc thân xa nhà ăn Tết một mình không sao. Nhưng giờ có một gia đình rồi Tết thiếu vợ con là điều không thể, không chịu nổi.
Đến 27 tháng Chạp vợ anh vẫn không chịu “ngưng chiến” để về nhà lo Tết. Anh bối rối cầu cứu cha mẹ vợ, không ngờ họ trở thành “đồng minh” của anh và rầy con gái.
Bà mẹ bảo: “Làm đàn bà, con gái giận chồng thì giận cũng phải về lo Tết chứ, mặt mày nhăn nhó, nhà cửa lạnh tanh là xui xẻo quanh năm!”.
Còn cha vợ thì điềm tĩnh hơn - “Tụi bây không biết chớ hồi đất nước mình còn chiến tranh, vậy mà khi Tết đến, cấp trên của hai bên đối địch còn ra lệnh hưu chiến, không có tiếng súng để mọi người được ăn một cái Tết hòa bình, dù tạm thời. Còn với người ngoài, dù không quen biết hay có trách móc, giận hờn gì nhau thì ngày Tết cũng bỏ qua để nói với nhau những lời chúc tốt đẹp… “Tử tế như ba ngày Tết” chính là điểm nhân văn, điều ý nghĩa nhất trong ngày Tết. Tết đến rồi mà tụi bây không làm hòa được với nhau, cứ mặt sưng mày sỉa thì dù có mâm cao cỗ đầy cũng không có Tết!”.
Nghe lời cha mẹ nói chí lý, cô vợ líu ríu thu xếp theo chồng về nhà lo dọn dẹp, đón Tết. Chiều Ba mươi vợ lo nấu nướng, mùi thức ăn tỏa ra thơm lừng, chồng lo chưng dọn bàn thờ ông bà, thắp hương trầm cúng vái, đứa con nhỏ hai tuổi bi bô hớn hở quấn chân cha mẹ.
Và sáng mồng Một Tết, họ chưng diện đẹp, rạng rỡ đưa con về chúc Tết cha mẹ, như chưa có chuyện gì xảy ra. Cô em vợ thấy vậy nói nhỏ vào tai anh rể: “Anh phải cám ơn ngày Tết đó, chứ tính chị ấy giận dai lắm!”.
Người Việt chúng ta có thói quen là dọn dẹp nhà cửa thật sạch để đón Tết, nhất là không chỉ tống khứ mọi thứ rác rưởi ra khỏi nhà mà còn tìm cách tống tiễn những điều buồn bực, sân si ra khỏi tâm trí để tâm hồn thanh sạch mà thưởng xuân và đón một năm mới nguyên vẹn, tinh khôi đang mở ra trước mắt.
Vì thế, người ta cũng không muốn “làm khó” người bạn đời khi họ mắc một cái lỗi nào đó. Đây là dịp thuận lợi nhất để vợ chồng làm hòa với nhau và làm mới cuộc sống lứa đôi. Bởi ba ngày Tết chính là khát vọng cao nhất về sống đẹp, sống hạnh phúc của tất cả chúng ta, là mô hình về một xã hội sung túc, độ lượng, tử tế… mà con người không ngừng vươn tới.