Hình tượng nhân vật lịch sử Võ Duy Dương trên sân khấu

1. Trong thuyền thuyết dân gian, Thiên hộ Dương (Võ Duy Dương) được tả như một nhân vật có trí lực vô song, có thể kéo ngược dòng bè gỗ quý của nhà vua mà chục tên lính lực lưỡng không làm nổi; có thể nâng một đỉnh đồng nặng mấy trăm cân, đi mười bước rồi để xuống nhẹ nhàng, mặt không biến đổi; có thể nâng năm trái linh, mỗi trái nặng 60 cân (hai cắp nách, hai xách tay, một ngậm ở miệng) nên còn có biệt danh là Ngũ Linh Dương…

Truyền thuyết còn nói rằng, ông dùng mưu thu phục và cảm hóa loạn Thạch Bích ở Quảng Ngãi mà trước đó không ai dẹp nổi, nhờ chiến tích đó ông được triều đình phong hàm Chánh bát phẩm Thiên hộ.

Về cái chết của ông cũng có nhiều giả thuyết:

1/ Theo truyền thuyết, sau khi căn cứ Tháp Mười thất thủ, ông tìm đường ra biển để bắt liên lạc với Nguyễn Trung Trực ở Hòn Chông, chẳng may trúng tên của cướp biển. (“Truyền thuyết Thiên hộ Dương & Đốc binh Kiều” của Nguyễn Hữu Hiếu, NXB Tổng hợp Đồng Tháp, 1993).

2/ Sau khi bị mất 8/10 trong tổng số lực lượng, ông Thiên hộ Dương rút lui về Mỹ Tho đánh trả, rồi qua Cai Lậy, Cao Lãnh, Vàm Cỏ Tây, Ba-Thằng-Minh, Gò-Bắc-Chiêng, lập căn cứ địa mới nhưng việc đang dở dang thì ông mất vì bệnh thương hàn. (“Bốn vị anh hùng” của Thái Bạch – 1959).

3/ Trong bài viết của ông Thượng Hồng thì “Thiên hộ Võ Duy Dương có phải đã chết và chôn thây tại Đồng Tháp Mười?”. Giặc Pháp thì cho rằng Võ Duy Dương đã bỏ xác cùng nhiều nghĩa quân khi chiến khu Đồng Tháp Mười thất thủ cuối năm 1866.

Có nguồn tin lại cho rằng họ Võ đã hy sinh khi rời Đồng Tháp đi ra biển ngược về miền Trung. Và qua sự tiếp xúc riêng của ông Thượng Hồng với các nhân chứng sống thì sau 1866, Võ Duy Dương rời Đồng Tháp để tìm đường đấu tranh khác. Đứa con ông lúc đó 4 tuổi từ được gửi từ Bình Thuận ra thẳng Nghệ An.

Trong vở tuồng “Lửa thiêng” (tác giả Phi Hùng, chuyển thể Hữu Danh) của Nhà hát tuồng TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi không đi sâu vào nguồn gốc gia tộc cũng như cái chết thật sự của ông. Chúng tôi chỉ muốn chọn ông là đại diện cho một trong những thủ lãnh kháng chiến của nhân dân, ở giai đoạn khốc liệt nhất, khi Việt Nam bị mất dần từng thước đất, khúc sông bởi ngoại bang, những người yêu nước bắt buộc phải “kháng mệnh triều đình, không nghe thiên tử chiếu”…

Bị chính quyền phản bội bằng hiệp ước “Hoà bình & hữu nghị”, cắt Biên Hòa, Gia Định, Định Tường (1862), dù tổ chức chính quyền của triều đình đã giải thể, lực lượng vũ trang của triều đình đã triệt thoái, phong trào chống Pháp do Trương Định, Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương, Phan Trung đứng đầu vẫn lan ra trên toàn vùng “nhượng địa”…

Tiếp theo đó là Lãnh binh Nguyễn Văn Cẩn, Lê Văn Duy ở Tây Ninh, Trảng Bàng, Cai Lậy; Thống binh Nguyễn Văn Linh, Lãnh binh Trương Tấn Minh, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, Phòng vệ Nguyễn Văn Biểu, Lãnh binh Nguyễn Văn Khả ở dọc sông Tiền.

Những người yêu nước còn tổ chức chính quyền kháng chiến để quản lý xã hội của mình, đồng thời kêu gọi nhân dân, chiêu mộ quân đội, trang bị vũ khí, huy động lương thực, xây dựng căn cứ…


Thiên hộ Dương (Võ Duy Dương).

Cuối năm 1865, họ thu thuế, lấy quân, rồi tập kích táo bạo vào các đồn Pháp, phát hịch văn kêu gọi nhân dân chống Pháp.

Giao hòa thuở mới vừa ban,

Võ Duy Dương

lén dọc ngang biên thùy.

Kheo khu chỗ rất dị kỳ

Tứ bề bưng thấp, giữa thì tháp xây.

Ông Dương võ nghệ cao tay.

Chiêu quy binh chúng,

chiếm ngay xưng hùng.

Cùng một thế hệ, chí hướng nhưng mỗi thủ lĩnh của mỗi vùng có mỗi tâm cảnh riêng. Theo Nhà nghiên cứu (NNC) Cao Tự Thanh trong tập “Nghiên bút mười năm” thì “…trong phong trào vũ trang chống Pháp nửa sau thế kỷ 19, nhân dân vừa là lực lượng vừa là động lực… thì Nguyễn Trung Trực tỏ ra ít chịu ảnh hưởng của tư tưởng trung quân nhất. Ông khẳng định: “Chừng nào hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam yêu nước đánh Tây”.

Trong lúc Nguyễn Hữu Huân khẳng khái: “Việc lớn không thành, báo chúa cũng đành liều một chết” và Nguyễn Đình Chiểu ngậm ngùi “Mấy ai giữ khéo Xuân Thu rạch ròi”.

Trong bài viết về Phan Trung, người phó tướng của Trương Định, trong tập sách đã nêu, NNC Cao Tự Thanh đã cho thấy tư thế đặc biệt của Võ Duy Dương và Phan Trung trong thời gian trước Hòa ước 1862:

“Họ không như các tướng lĩnh triều đình chỉ huy quân đội chính quy ở quân thứ Định Biên mà phải tự chiêu mộ quân đội, trang bị vũ khí để chiến đấu; song mặt khác cũng không giống với phần đông các thủ lãnh yêu nước ở Nam Kỳ buổi ấy, vì là người của triều đình biệt phái theo Đỗ Thúc Tịnh vào Nam tổ chức phong trào chiến tranh du kích hỗ trợ cho quân đội chính quy.

Đang hoạt động theo quy chế đặc biệt dành cho Tùy phái Khâm phái Quân vụ, phải liên hệ với Đỗ Thúc Tịnh theo hệ thống riêng, sau Hòa ước 1862, hai ông đã bước vào một quãng đời khác.

Đang thuộc biên chế cán bộ của triều đình ở ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, hai ông vẫn không theo các quan lại và tướng lĩnh nhà Nguyễn về kinh mà vẫn ở lại tiếp tục phong trào vũ trang chống Pháp, chẳng nghe thiên tử chiếu trên vùng nhượng địa và trở thành hai trong bốn thủ lĩnh tối cao của phong trào”.

Để nêu bật được kịch tính trong ông, chúng tôi mở đầu vở diễn bằng cuộc rước tượng ông Thiên hộ Dương, chuyển bài múa “Tứ đại thiên vương” thành cuộc rước “Tứ đại nam tướng” để xưng tụng bốn thủ lĩnh đó. Và khi tất cả chiên trống đã lặng xuống, là lời tự sự của người đại diện cho bốn vị là Võ Duy Dương.

Chúa sáng tôi hiền chẳng xót dân.

Non sông ly loạn kể gì thân

Trăm năm dốc hết lòng trung ái

Chín suối cười khan

tiếng “nghịch thần”.

2. Điểm nhấn thứ hai của chúng tôi là sức mạnh đoàn kết nhân dân của Võ Duy Dương như đã nói, họ vừa là động lực và cũng là lực lượng của phong trào chống Pháp.

Vì họ và cùng với họ, Võ Duy Dương cũng như các thủ lĩnh khác tạo niềm tin lẫn nhau trong một hoàn cảnh khắc nghiệt, tương quan lực lượng không cân bằng về lương thực, vũ khí… Người thủ lĩnh ở đây phải đủ tâm, tài, trí, dũng để đẩy kẻ xâm lăng trở vào thế trận của Đất, Nước và Người… Đến đây, họ không chỉ đối phó với một cộng đồng mà còn với cả một truyền thống.

 

Dưới sự điều hành tài ba của Võ Duy Dương, ông đã khéo léo tổng hợp được nhiều tướng giỏi của các căn cứ khác về Tháp Mười sau khi các nơi đó thất thủ.

Nhiều tài liệu cho thấy vị tư lệnh của chiến khu Đồng Tháp còn tham gia tổ chức chỉ huy lực lượng kháng chiến ở nhiều nơi khác, và không ít đạn dược, vũ khí được chuyển từ Rạch Giá, Hà Tiên tới Châu Đốc, An Giang rồi về Đồng Tháp Mười qua ngả Hồng Ngự (“Les premières années”, trang 39, Paulin Vial).

Chiến khu của ông là chiến khu duy nhất tiếp nhận những người lính phản chiến như Linguet. Khi bị bắt ngày 3/5/1866, chính Linguet đã tiếc rằng nếu có đạn dược tốt hơn, anh có thể hạ thêm nhiều lính Pháp.

Giữ vững thế bất khả xâm phạm trong vòng bốn năm trời là do bản lĩnh đoàn kết, hội tụ của Võ Duy Dương mà ở cảnh đầu chúng tôi đã ghi lại chuyện ông giảng hòa để tụ nghĩa các tướng giỏi có nguy cơ chia rẽ.

3. Dù chết thế nào, Võ Duy Dương cũng đã chết. Căn cứ Gò Tháp cũng không còn sau cuộc tấn công vào mùa khô tháng 4/1866 của bọn Pháp cùng đám tay sai như Phạm Văn Khanh…

Và ngày nay, ôn lại chuyện ông, rõ ràng không phải chúng tôi đầu tư vào một công trình – một tác phẩm sân khấu truyền thống – chỉ để “mua vui” hay vì những lợi ích riêng tư.

Một số người lớn tuổi ở Đồng Tháp hiện nay vẫn còn truyền khẩu về việc quân Pháp đã giết tất cả những ai chúng bắt gặp tại Mỹ An và các rừng tràm lân cận khi họ tiến vào Tổng hành dinh của Võ Duy Dương vì họ đều là nghĩa quân, lúc bấy giờ về cơ bản khu vực này không có dân sinh sống.

Dồn hết nhân lực, trí lực, vật lực vào cuộc chiến đấu chống xâm lăng nên lịch sử chống xâm lược ở nơi đây vẫn do nhân dân tổng kết.

Văn chương yêu nước nửa sau thế kỷ 19 ở vùng này chủ yếu là thơ ca, truyện kể dân gian. Ngay trong khi thất bại trước ưu thế của quân đội phương Tây, những người yêu nước ở đây vẫn chứng tỏ được sức mạnh văn hóa của mình, từ đó truyền thống lao động và sáng tạo của họ đã trực tiếp chuyển hóa thành truyền thống yêu nước chống xâm lăng.

Kết vở, chúng tôi đưa ra những bức tượng sống động của các nghĩa quân quanh tượng đài Võ Duy Dương, với bài văn tế trận vong chiến sĩ của Nguyễn Đình Chiểu được xướng lên bởi những người đời nay.

Đó là những cái chết lưu danh sử sách và làm giàu có hơn cuộc sống tinh thần của chúng ta thời nay; nếu chúng ta còn chịu khó ôn lại những bài học viết bằng máu của tiền nhân. Từ Võ Duy Dương và những nghĩa quân có danh lẫn vô danh quanh ông, mong sao những bài học này vẫn còn được nhớ. Ví dụ bài học “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” (Hồ Chí Minh) mà chúng ta vẫn được nghe nhắc lại nhiều lần.


Bài viết có sử dụng tư liệu:
  • “Nghiên bút mười năm”, Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh, NXB Văn học, 1999.
  • “Truyền thuyết Thiên hộ Dương & Đốc binh Kiều”, Nguyễn Hữu Hiếu, NXB Tổng hợp Đồng Tháp, 1993.
  • “Bốn vị anh hùng” , Thái Bạch, 1959.
NGUYỄN THỊ MINH NGỌC