Hành trình đi tìm nơi yên nghỉ của nhà văn hóa lớn Nguyễn Thuyên

Vào những năm đầu thế kỷ XXI, những lần đi khảo sát để viết về cứ địa Lưu Đồn trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông Nguyên ở thế kỷ XIII, tôi đã nghe nói đến Nguyễn Thuyên (còn gọi Hàn Thuyên) mộ táng tại Lưu Đồn nhưng đều bỏ qua vì không tin ông chết ở Thái Bình, lại e người đời cho rằng: “Thấy người sang bắt quàng làm họ”.

Năm 2009, trong một lần nói chuyện với một cán bộ giảng dạy văn học ở một trường đại học, anh cho biết rất thiếu tư liệu về Nguyễn Thuyên và động viên tôi hãy tìm hiểu và viết về nhân vật này, lời gợi ý đó đã thôi thúc tôi.

Tháng chạp năm Kỷ Sửu (2009), mặc dầu đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, tôi vẫn đi xe máy 40 km trở lại Lưu Đồn gặp bác Nguyễn Duy Cuông, 79 tuổi, người am hiểu và rất tâm huyết với việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử và việc giáo dục truyền thống ở địa phương. Bác Cuông dẫn tôi đi thăm mộ thượng tổ họ Nguyễn, thăm mộ các danh thần thời Trần, trong đó có mộ Nguyễn Thuyên, là tổ họ Nguyễn Văn, rồi về làng thăm các từ đường họ Nguyễn.

Trở lại nhà, bác đưa cho tôi tập gia phả họ Nguyễn Lưu Đồn (cả chữ Hán và dịch nghĩa) các đại tự, câu đối thờ trong từ đường họ Nguyễn và Nguyễn Thuyên, tập tư liệu về bốn vị quan tứ trụ của triều vua Trần Nhân Tông (trong đó có Nguyễn Thuyên). Có những tư liệu mới trong tay, tôi lại tìm đọc các sách viết về Nguyễn Thuyên của các tác giả xưa nay rồi quyết định viết bài này trong dịp khai bút đầu xuân Canh Dần (2010), và nghĩ rằng nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cũng nên nhắc đến và làm rõ về ông.

1. NGUYỄN THUYÊN TRONG SỬ SÁCH

Theo Đại Việt sử ký toàn thư (tập II, tr. 47, Nxb KHXH, năm 1998) thì: “Năm Nhâm Ngọ, Thiệu Bảo năm thứ 4 (1282) mùa thu tháng 8. Bấy giờ có cá sấu đến sông Lô, vua sai Hình bộ Thượng thư Nguyễn Thuyên làm bài văn ném xuống sông, cá sấu bỏ đi. Vua cho việc này giống như việc của Hàn Dũ, bèn ban gọi là Hàn Thuyên. Thuyên lại giỏi làm thơ phú Quốc ngữ. Thơ phú nước ta dùng nhiều Quốc ngữ, thực bắt đầu từ đấy”.

Lược truyện các tác gia Việt Nam do Trần Văn Giáp chủ biên, Nxb Văn hóa, tái bản năm 2000 viết: “Nguyễn Thuyên người làng Vu Cầu, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ (theo Cương mục chính biên quyển 7 tờ 2 ông người làng Thanh Lâm, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Không rõ ông sinh và mất năm nào). Đời Trần Thái Tông (1226-1258) niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 (1247) ông đậu Thái học sinh và làm quan đến chức Công bộ Thượng thư.

Đời Trần Nhân Tông (1278-1293), năm 1282 (niên hiệu Thiệu Bảo thứ 4) tục truyền có cá sấu vào sông Lô vua sai ông làm bài Văn tế cá sấu ném xuống sông, cá sấu bỏ đi. Việc đuổi cá sấu giống việc làm của Hàn Dũ đời Đường nên vua khen thưởng và cho ông theo họ Hàn. Ông là người có tài làm văn, thơ Nôm và là người đầu tiên dùng luật thơ Đường vào thơ Nôm nên đời sau gọi thơ Nôm theo Đường luật là Hàn luật. Cũng vì thế có nhiều người hiểu lầm cho chữ Nôm của ta có từ Hàn Thuyên.

Tác phẩm của ông có: Thi xa tập (Văn) 1 quyển. Theo Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí - trong tập này có nhiều thơ Nôm. Sách này đã bị quân nhà Minh lấy mất”.

Sách Từ điển nhân vật lịch sử của Nguyễn Quang Thắng và Nguyễn Bá Thế - Nxb KHXH, 1992. Mục từ Nguyễn Thuyên ghi nhận: “Nguyễn Thuyên - Văn thần. Văn sĩ đời Trần Thái Tông, không rõ năm sinh, năm mất, quê làng Lai Hạ, huyện Thanh Lâm, tỉnh Hải Dương.

Năm Bính Thìn 1256, ông đỗ Thái học sinh làm quan đến Thượng thư Bộ Hình. Sử thường gọi ông là Hàn Thuyên vì theo sử chép: Mùa thu năm Nhâm Ngọ, có cá sấu đến sông Phú Lương hoành hành. Ông vâng lệnh triều đình, lo đuổi loài cá dữ. Ông thảo một bài thơ đọc ở bờ sông rồi ném xuống. Sau đó loài cá sấu đi mất. Vua cho việc ấy giống như Hàn Dũ ở Trung Quốc đã làm, nên gọi ông theo họ Hàn.

Ông là sĩ phu đầu tiên đem chữ Nôm dùng vào văn học, có Nguyễn Sĩ Cố và một vài người khác phụ họa. Ông có để lại bộ Thi xa tập (do câu Thi xa giản kim: đãi cát tìm vàng), trong đó có nhiều thơ quốc âm…”. Các tác giả còn sưu tầm, giới thiệu bài thơ Đuổi cá sấu của ông và thơ khen ông của vua Tự Đức (1847-1883):

Quốc ngữ văn chương mới nhúng tay
Chẳng quên tiếng mẹ khá khen thay
Sông Lô
(*) đuổi sấu in Hàn Dũ
Nên được nhà vua đổi họ ngay.

(Lời dịch)

Những ghi chép của sử sách có điểm chung, thống nhất là Nguyễn Thuyên sống vào thế kỷ XIII, đỗ Thái học sinh, làm quan đến Thượng thư, ông là người đầu tiên làm thơ chữ Nôm, đã làm thơ đuổi cá sấu, cá sấu bỏ đi, vua ban cho ông họ Hàn vì việc làm của ông giống với Hàn Dũ đời Đường Trung Quốc. Nguyễn Thuyên cũng là người đầu tiên dùng luật thơ Đường vào thơ Nôm, nên người đời sau gọi thơ Nôm theo Đường luật là Hàn Luật.

Điểm không thống nhất: có sách ghi ông là Thượng thư Bộ Công, có sách ghi Thượng thư Bộ Hình, có sách ghi ông quê ở Hạ Hòa, Phú Thọ, có sách ghi ông ở Nam Sách, Hải Dương.

2. NGUYỄN THUYÊN TRONG GIA PHẢ HỌ NGUYỄN TRONG TỪ ĐƯỜNG, TRONG ĐÌNH LÀNG LƯU ĐỒN

Gia phả họ Nguyễn làng Lưu Đồn được viết vào triều Nguyễn qua tên các địa danh như: “Đại Nam quốc, Sơn Nam hạ trấn, Thái Bình phủ, Thụy Anh huyện, Quảng Nạp tổng, Lưu Đồn xã…”, thì gia phả được viết vào thời vua Minh Mệnh (1820-1840) và viết đến đời thứ 27.


Sông Lục Đầu. Ảnh: Viethavvh.

Cao tổ Nguyễn Thuyên húy là Thùy, mộ táng ở núi Thiên Tôn, Gia Miêu, Tống Sơn (Thanh Hóa), Thượng Tổ là Nguyễn Quý Công tự Lưu Phúc làm trưởng binh Long Thành thời Lý Huệ Tông (1210-1224), Lưu Phúc sinh được 4 người con: 1. Nguyễn Liêu Công tự Trung Chính (Công Thành); 2. Nguyễn Quý Công tự Bản Thân; 3. Nguyễn Quý Công tự Bản Ngộ (Nguyễn Thuyên); 4. Nguyễn Quý Công tự Sùng Trọng. Các ông đều là thủy tổ của bốn chi họ Nguyễn làng Lưu Đồn. Gia phả còn ghi rõ chức tước khi các ông còn sống, nơi chôn cất các ông sau khi mất, duệ hiệu phong thần cho các ông. Ngành cả còn ghi tiếp con cháu các đời sau:

Đệ nhất Thủy tổ Nguyễn Quý Công tự Trung Chính (Liêu Công) bà hiệu Từ Tâm sinh ra bảy người con: Ngay Lành tướng quân, Lưu Đức tướng quân, Mãnh Do tướng quân (Nguyễn Khoái) Mãnh Thịnh tướng quân, Mãnh Đột tướng quân (Nguyễn Địa Nô) Phúc Hiền tướng quân, Phúc Thiện tướng quân.

Nguyễn Liêu Công cùng Bùi Công Bình, Dương Mãnh Đại được vua Trần Thái Tông cử về xây dựng ấp Vạn An và Cung Trần Vương Lưu Đồn (còn gọi Cung Trần Vương dã ngoại) làm căn cứ trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai, thứ ba (1285-1288). Do có công nên Bùi Công Bình được phong tới chức Thái Bảo, Nguyễn Liêu Công Trưởng binh, Dương Mãnh Đại phó binh Long thành, cả hai ông đều được ban tước công. Khi chết được ban tước Đại vương. Hùng Thắng đại vương, Hùng Cảnh đại vương, Hùng Xuyên đại vương. Mộ Nguyễn Liêu Công táng tại cửa Đông cung Trần Vương, giỗ ngày mồng 8 tháng Giêng.

Đệ nhị thuỷ tổ: Nguyễn Quý Công tự Bản Thân, Thái học sinh, Thượng thư Lễ bộ triều Trần Nhân Tông, tục danh Nguyễn Thân mộ táng tại Gồ Voi.

Đệ tam thủy tổ: Nguyễn Quý Công tự Bản Ngộ tục danh Nguyễn Thuyên, Thái học sinh, Thượng thư Hình bộ triều Trần Nhân Tông, người dùng chữ Nôm làm văn đuổi cá sấu ở sông Phú Lương (sông Nhị Hà). Mộ phần ký táng tại Gồ Phượng, bà Bùi thị táng ở Diêm Tỉnh xã (nay thuộc xã Thụy Dũng cùng huyện).

Đệ tứ thủy tổ: Nguyễn Quý Công tự Sùng Trọng, Thái học sinh Thượng thư Hộ bộ, triều Trần Nhân Tông. Mộ táng tại Gồ Phượng.

Về công lao của 4 thủy tổ được ghi:

Chư tiên công bồi trúc đê ngạn, dụng thủy triều, hạ khai đông hạp, dụng tính điền pháp, thiên đắc nhân chủng, ký phú cốc, diệp trùng quang, đẳng sơn hà nhị tịnh nghiệp, cổ đồng nhật nguyệt, thiên nhiên cố chấp... Chư tiên công kiến lập kho binh lương bát đồn trang dã, tiên tổ thị hoàng thần...

(Nghĩa là: Các ông đã có công trong việc khơi sâu, đắp đê sông Hóa, lợi dụng thủy triều đưa nước vào đồng, tập hợp dân chúng vỡ đất làm ruộng, xây dựng kho lương ở Bát Đồn trang… sau khi chết được phong thần (dân lập đền thờ, thường gọi “Tiền thần hậu tổ”…)

Nguyễn Thuyên là con thứ ba của Nguyễn Liêu Phúc, là em Nguyễn Liêu Công, Nguyễn Bản Thân, là anh Nguyễn Sùng Trọng. Theo cụ Nguyễn Duy Cuông, một hậu duệ ngành trưởng thì từ đường thờ Nguyễn Thuyên được xây dựng từ sớm, nhưng năm 1943 làng bị hỏa hoạn, cháy cả làng, từ đường cũng bị cháy, năm 1993 họ Nguyễn Văn xây lại, vẫn giữ được đôi câu đối thờ:

Phú quý phong lưu nguyên dã viễn
Y quan Hình bộ, thế kỳ xương.

(Tạm dịch là: Phú quý phong lưu nhờ tài cao, học rộng. Dòng dõi thượng thư đời nối đời hưng thịnh). Đại tự ở từ đường có 3 chữ “Địa Trường Xuân” (đất này mãi mãi xanh tươi).

Làng Lưu Đồn xưa có chùa Nam Triều (Nam Triều tự) tương truyền khi ở căn cứ Lưu Đồn thượng hoàng Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông đã từng ở và họp triều thần. Sau chiến tranh chống Mông Nguyên thắng lợi, nhất là sau ngày Thượng hoàng, vua Trần Nhân Tông và các tướng soái mất đều được thờ ở đây và ở đình làng. Trong đó có 4 anh em Nguyễn Thuyên, chùa đã bị phá vào thời Hồ nay nhân dân đang xây dựng lại. Câu đối thờ ở đình ghi:

Bất mãn thiên, tứ trụ, tứ linh, đài các hương phiêu, hưởng thần hữu sở.
Trường xuân địa, thất tinh thất tỉnh, anh hào thế xuất, dữ quốc đồng hưu.. 

(Nghĩa là: Mặc dù đài các ngát hương chẳng đầy trời, song bốn cột đủ long ly quy phượng, đã có nơi thờ thần hưởng lộc. Đất này mãi mãi xuân, có đủ bảy gò, bảy giếng, bậc anh hào xuất hiện ra tay bảo vệ quốc gia).

Trong bài văn tế ở đình làng có đoạn viết:

- Bản cảnh thành hoàng…

- Cửu thiên vũ đế tổng nguyên soái Trần Quốc Tuấn Hưng Đạo Đại Vương.

- Hùng Cảnh đại vương, Hùng Thắng đại vương, Nghĩa Xuyên đại vương, Tứ Trụ tứ linh đại vương.

- Cung duy liệt vị đại vương! Khai chi tiên thác, chi thủy mộc, chi bản thủy, chi nguyên uyên, ư kiến ấp.

- Triệu thủy phương, khởi thủy phương, thủy dực di mưu, đắc bình Nguyên Mông, kiên thứ sơn hà, xã tắc, vĩ đại hậu thế khắc xương…

Những tư liệu trên cho ta biết: Cao tổ Nguyễn Thuyên ở Thanh Hóa. Thượng tổ đã rời Thanh Hóa ra làm quan ở kinh thành Thăng Long. Nguyễn Thuyên sinh ra ở kinh thành, lớn lên học hành thi đỗ ra làm quan, chiến tranh chống Mông Nguyên lần thứ hai, thứ ba (1285-1288) ông cùng triều đình “sơ tán” về Lưu Đồn (Thái Bình) vì có anh cả Nguyễn Liêu Công mở đất này nên cả 4 anh em ông khi trí sĩ đều về đây, chết chôn ở đây là thủy tổ các chi họ Nguyễn Lưu Đồn, phần mộ đền thờ các ông vẫn được các thế hệ sau trông nom, chăm sóc.

Vậy Lưu Đồn ở đâu? Theo ghi chép của phả ký Lưu Đồn (bắt nguồn từ cầu Lưu quân, đồn trú) thì “Chốn ấy gần cửa sông, biển, lợi thế quản được quân thủy, quân bộ, mọi quân hợp được đường lối đánh, đánh thủy, đánh tấn công, rút, giữ” vùng đất Lưu Đồn phả ký miêu tả chính là vùng Đông Bắc huyện Thái Thụy, Đông Nam huyện Vĩnh Bảo, hạ lưu sông Hóa và sông Thái Bình, vùng biển Đại Bàng (mà trung tâm là làng Lưu Đồn, xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy ngày nay).

Với địa thế ấy, từ sau cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Cổ lần thứ nhất (1258), vua Trần Thái Tông đã cử các tướng giỏi về đây xây dựng cứ địa và đến cuộc kháng chiến lần thứ hai, thứ ba (1285-1288) triều đình nhà Trần đã sơ tán về đây để bảo toàn lực lượng, chờ thời cơ phản công đánh bại quân xâm lược Mông - Nguyên.

Cứ địa Lưu Đồn xưa không được viết trong sử sách, ít được người đời biết đến vì có lời căn dặn rằng: “Bí mật cẩn tích, ngôn thế tiền nhân” (Cha ông xưa đã thề phải tuyệt đối giữ bí mật), bởi thế nhà văn hóa lớn Nguyễn Thuyên cũng nằm trong bí mật đó.


(*)

Tức sông Hồng.

PHẠM MINH ĐỨC