Những ngọn đồi đá ong cằn khô cau có. Rà tay vào đây cũng đã thấy một cảm giác hầm hập như người lên cơn sốt. Nắng hanh tưởng lớp đất bong ra và bay lên. Xối lên một chậu nước, chỉ nghe tiếng rin rít xèo xèo như miếng bánh rán hút mỡ. Người trung du xứ Đoài xắn ra từng mảnh đá ong thành những viên gạch xây tường. Đường lên ngõ xóm trung du ngoằn ngoèo khấp khểnh, chẳng ngõ nào giống ngõ nào, dẫn ta vào những sân nhà thoáng nhìn một màu khô bạc, không khéo chẳng có chất sống nào hiện lên được! Ấy thế mà, Tết đến, những cây hải đường cổ thụ tán to như hồng xiêm đem sắc màu của nó xua đi cái cảm giác ban đầu kia.
Nhà trên đỉnh đồi kia, xuân đến đậu một loài hoa đặc biệt: Hải đường. Tôi đã đọc mấy sách chuyên bàn về hoa, có một nhận xét rằng: đây mới là hải đường thực sự chứ không phải loại “Hải đường lả ngọn đông lân” hay “Đóa hải đường thức ngủ xuân tiêu” như các cụ ta tả trong sách thơ xưa. Hải đường thơ xưa là hải đường Trung Quốc lá mềm, hoa dịu. Cũng không phải là loại hải đường dịch theo chữ camélia của Pháp (hải đường, sơn trà). Sơn trà trắng cây cũng mọc vùng đồi, thân cũng to. Cây hải đường Việt Nam này khoác một vẻ khắc khổ. Cây đứng im như chết khô, tưởng như không còn biết “thức ngủ”, giương ra những cành như củi khô tưởng xòe ra một que diêm có thể bốc cháy đùng đùng.
Hồi còn nhỏ, có một hôm ông tôi bỗng cho học trò xếp bút nghiên về sớm. Tiết thu, trầm mặc nhìn trời, ông tôi bấm đốt ngón tay, bấm “kỳ môn độn giáp” ngắm những đám mây vàng lảng vảng trên đỉnh núi Ba Vì. Cụ mỉm cười, thở phào lẩm bẩm “Con mộc này trao quả, nhưng bất tận, bất kiệt”. Tôi tò mò hỏi, cụ bảo: “Mùa kim này (thu) đang sinh thủy. Thủy dâng lên thì cây hải đường nhà mình lại lộc phát, hoa khai”. Còn tôi thì cứ thấp thỏm không khéo nó sẽ bỏ, bỏ sân nhà tôi mà đi vào lụi tàn, tan vào trong lửa đất. Ông tôi xoa đầu để tôi yên tâm: “Trời đất có kỳ của nó, đâu vào đấy, cháu ạ”. Thế mà đúng, khi cái nắng thu vừa nhạt, mấy giọt mưa lạ về bất ngờ. Ông tôi mặc áo cẩn thận, chít khăn, rót mấy chén thanh thủy để bên gốc cây hải đường, thắp mấy nén nhang, lầm rầm khấn khứa câu gì. Người lại cắm thêm ba nén nữa dưới gốc cây hải đường, lại xuýt xoa khấn vái, rồi vỗ vỗ vào thân cây lúc này bong ra một lớp vỏ như vỏ ổi. Mắt người sáng lên một niềm tin kỳ lạ, khiến tôi cảm thấy như có một luồng khí lạ váng vất sau gáy. Lặng im đợi chờ…
Thời gian đối với tuổi thơ tôi trôi đi rất nhanh. Mải miết vui chơi, một sáng mở cửa ra nhìn lên cây hải đường, tôi thấy những chòm lá óng mượt một màu xanh lục diệp đậm đặc, có lốm đốm hồng, ấy là ngày 15 tháng 9. Một thời gian sau những đốm hồng ấy trở thành những nụ to bằng đốt ngón tay. Tôi kêu lên sung sướng và ríu rít gọi ông. Ông tôi chớp chớp mắt nhìn. Ông như thấy được trong cái vũ trụ mênh mông này, đâu đó vẫn luôn luôn chuyển lưu những cái đẹp. Rồi bất thần cái đẹp đó lộ ra ở chỗ nọ, chỗ kia đậu lên những cành cây hay hồn người. Chỉ cần con người biết ngưỡng vọng và khao khát. Tôi nắm chặt tay ông và hỏi bao giờ hoa nở. Ông bảo: “Đến Tết!”. Chao ôi! Cái cây hải đường thật lạ, thật là chậm chạp, nụ hoa thế mà phải trải qua bốn tháng trời mới nở thành hoa để đón Tết. Cứ thong thả, đâu mà vội! Tôi chắc rằng con người vùng quê làng đồi của tôi cũng đều có cảm giác như ông cháu tôi. Từ lúc hải đường ra hoa, cảm giác như những ngày khô héo, đợi mãi giờ mới được uống một gáo nước mát lạnh từ giếng khơi.
Từ cái ngõ dốc trung du, ngày 27 Tết , người làng tôi gánh từng sọt đầy hoa hải đường chuyển xuống chợ Nghệ Sơn Tây, góp vào chợ hoa hoặc chuyển về các nơi xa. Trong các gia đình cùng với đào, mai ngày tết, thì trên lọ lộc bình bao giờ người Việt mình cũng ưa cắm hải đường, hoa của mình, hoa Việt Nam chính chủng bền vững. Đến bây giờ, người bạn tôi, anh Tường, người biết nhiều loại hoa, từ hoa Nghi Tàm, Quảng Bá, tới hoa Đà Lạt, Huế, người ưa sưu tầm các loại hoa Tây, Tàu, Nhật nhưng Tết đến nhất định anh vẫn phải cắm một lọ hải đường. Lộc bình men Bát Tràng, cắm một tán hải đường ta cảm giác phảng phất quanh đây một hồn xa xưa bền vững dân tộc. Anh Tường vẫn giữ được nếp chăm hoa từ cha ông. Hoa mua về, lấy bông nhẹ thấm nước mưa, anh lau từng chiếc lá cho đến khi bóng loáng, màu lục diệp quánh lại lóng lánh tưởng đến soi gương được. Lá cứng khỏe tưởng có thể trẻ mãi không biết héo là gì. Sức sống đến khó hiểu của cây hải đường, suốt bốn mùa, ở một vùng đồi khô cằn đến thế mà màu xanh sống mãi. Có phải khái niệm chết rất xa với hải đường? Xuân đến hải đường bày ra trên cành cây một lễ âm dương: một xanh lá và một đỏ thẫm của hoa đan cài vào nhau thở hít. Người ta có thể hỏi và trách những chùm nhị vàng của hoa sao lại chẳng có hương. Đấy lại là phận của nó, giống con người ta vậy, cũng như chùm dạ hương sao lại không có sắc. Nhưng có điều chắc chắn những ngày xuân như thế này, cả vùng Ba Vì chúng tôi ngào ngạt mùi thơm, bao nhiêu hương của hải đường chắc đã rời hoa tỏa hương khắp cuộc vui chung. Có lẽ chính người khó tính nên nhiều khi hoa cũng khó tính. Anh Tường bạn tôi nói thế, anh bảo cả một vùng Tam Đảo Phú Thọ, hải đường rất nhiều, gần như hoang dại. Anh mang về trồng mà không sống được. Nhà ông Khoát, thôn Vân Gia, mỗi năm để được vài hạt hải đường làm giống. Mấy ông ở đại học nông nghiệp chiết cành cũng không đậu. Ông Khoát đem gieo. Cây mọc. Đem biếu bạn tâm tri. Về trồng, chết! Hỏi, cụ Khoát bảo: “Ôi dào! đấy là tính hoa”. Sau bao thuở lang bạt, ai tính được thời gian, bây giờ hoa ngại ngùng xê dịch. Đã chọn được chỗ nào là cắm ở đấy mà ngẫm nghĩ từng viên sỏi quanh mình để tìm ra lẽ tử sinh, để đưa ra một phép ứng xử chân chính nhất. Hãy thừa nhận lẫn nhau trong sự tồn tại. Hãy thoải mái thì thầm bên tai nhau: mỗi hoa có cách của hoa, một đất mà sống… Nhưng, gần đây, tôi lại thấy những cây hải đường được chở từ vùng Tây Thiên, Tam Đảo, được bứng vào các chậu đại mang về Hà Nội và đi khắp vùng châu thổ sông Hồng, mở rộng tươi tốt một phong vị Việt Nam. Hoa hải đường, hoa của chính mình.