Hoạt hình Việt Nam: Mong đợi... ngậm ngùi

Vài năm gần đây, vào dịp mừng Quốc tế Thiếu nhi 1/6 hay rằm Trung thu, bên cạnh đồ chơi và trò chơi cho con trẻ thì không ít gia đình ở thành phố cho trẻ đi xem phim, kịch hay các chương trình tạp kỹ dành cho thiếu nhi.

Mà chẳng đợi vào dịp này, mỗi khi rạp chiếu phim hoạt hình nổi tiếng, các ông bố, bà mẹ yêu phim ảnh thưởng cho con trẻ bằng tấm vé đi xem phim vào ngày cuối tuần, nhân thể bố mẹ ngồi xem luôn cũng thích.

Vậy nên Kungfu Panda phần 1 rồi đến phần 2 đều thu hút đông đảo khán giả khi công chiếu ở Việt Nam. Trong khi đó, phim hoạt hình Việt Nam chẳng những vắng tanh ngoài rạp mà còn thưa thớt trên sóng truyền hình.

Các nhân vật dễ thương trong phim hoạt hình Kungfu Panda.

Bộ phim hoạt hình Khu đầm có cánh (20 phút, Hãng phim Giải phóng) được coi là sản phẩm 3D nhựa “made in Vietnam” đầu tiên thì vẫn chưa biết khi nào xuất xưởng dù đã bắt đầu sản xuất từ hai năm nay.

Cảnh trong phim Khu đầm có cánh.

Ít, lại còn dễ “đụng hàng”

Hãng Phim hoạt hình Việt Nam cùng với Xưởng Hoạt hình thuộc Trung tâm Sản xuất phim hoạt hình - Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) là hai đơn vị duy nhất duy trì được sản lượng phim sản xuất hàng năm, với chưa đầy 400 phút/năm.

Hãng Phim hoạt hình Việt Nam, “anh cả” trong lĩnh vực sản xuất phim hoạt hình trong nước, với đề án “Giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa và tinh thần yêu nước cho thiếu niên nhi đồng qua phim hoạt hình” trong vòng 10 năm, được phê duyệt từ cuối năm ngoái.

Theo đó, mỗi năm hãng sản xuất khoảng 5-6 phim hoạt hình về đề tài lịch sử (6-10 phút/phim), bên cạnh kế hoạch sản xuất hàng năm khoảng 10 phim (10 phút/phim). Hãng đã và đang triển khai một số phim về đề tài lịch sử, chẳng hạn Giấc mơ Loa Thành (đạo diễn Phạm Ngọc Tuấn).

Cảnh trong phim Giấc mơ Loa Thành.

Tuy nhiên, từ thực tế các đề tài được phim hoạt hình lịch sử khai thác thời gian qua đã nảy sinh không ít băn khoăn. Câu chuyện lịch sử khai sinh ra nước Việt Nam rồi quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông nhuốm màu huyền thoại đã được VFC khai thác với dự án Giáo dục lịch sử bằng phim hoạt hình, gồm 100 tập phim, triển khai từ mấy năm nay.

Với các nhân vật quen thuộc Âu Cơ, Lạc Long Quân, Sơn Tinh, Thủy Tinh, An Dương Vương… hay những câu chuyện Bánh chưng - bánh dày, Thánh Gióng,... đậm màu huyền sử, ngót nửa số tập phim của dự án đã lên sóng. Dù mỗi phim có thể có cách khai thác riêng và trong thế giới phim hoạt hình thì sức tưởng tượng phong phú của mỗi ê kíp góp phần thổi các yếu tố mới vào câu chuyện cũ, nhưng bám vào lịch sử với những mô típ nhân vật và câu chuyện quen thuộc đang khiến phim hoạt hình VN vốn đã ít ỏi lại càng dễ… đụng hàng.

Sức hấp dẫn giảm sút

Chẳng so sánh đâu xa, sức hấp dẫn của loạt phim hoạt hình lịch sử đang phát sóng khó bằng với các phim hoạt hình trước đó đều do VFC sản xuất, như Cuộc phiêu lưu của ong vàng, Tít và Mít, Hiệp sĩ trán dô… Khi những bộ phim này lên sóng, các nhà làm phim vui mừng cho biết, không ít khán giả nhí đã gửi thư hay gọi điện về VTV đề nghị phát sóng lại hay hỏi về bài hát trong phim, về các nhân vật, về lịch phát sóng các tập tiếp theo…

Cảnh trong phim Tít và Mít.

Đi gần hết chặng đường, dẫu không được chăm chút như các xê ri phim trước đây về lịch phát sóng, quảng bá… nhưng có thể thấy rõ các câu chuyện phim lịch sử lần này không đem lại nhiều bất ngờ và hấp dẫn bằng những phim trước, dù các nhà làm phim đã có cố gắng tái tạo nhân vật, bối cảnh… trong điều kiện cơ sở dữ liệu về lịch sử hầu như không có.

Mong muốn giáo dục các em về lịch sử nước nhà bằng phim hoạt hình là ý tưởng tốt nhưng việc phim hoạt hình thể hiện các nhân vật lịch sử cũng phần nào giới hạn sự sáng tạo ở chừng mực nhất định.

Trong khi đó, với các em thiếu nhi, nếu phim không bất ngờ, không đẩy nhanh tiết tấu… thì có chuyển tải thông điệp quý giá đến mấy mà không hấp dẫn các em, liệu hiệu quả giáo dục đến đâu, dù không ai phủ nhận hoạt hình là món “khoái khẩu” của các em? Phải chăng cứ bám vào những câu chuyện lịch sử với những mô típ quen thuộc đã khai thác dày đặc từ sách đến phim mới giáo dục được lòng yêu nước và hiểu biết dân tộc?

Từ thực tế nhiều loạt phim hoạt hình nước ngoài cho thấy, có khi chỉ mượn hình ảnh một anh hùng tài giỏi, sáng tạo thế giới riêng đầy kịch tính và bí ẩn lại có sức hút mãnh liệt hơn. Đó có thể là một nhân vật xuyên suốt, gần gũi và đủ sức hấp dẫn các em, lôi cuốn trí tưởng tượng trẻ thơ đi hết tập phim này đến tập phim khác, hết chiến công này đến kỳ tích kia…

Với sức tưởng tượng và sự sáng tạo của các nhà làm phim thể hiện trong các tập phim lịch sử vừa qua, dù rằng đây là ê kíp thu hút nhiều người làm phim tên tuổi, từ các tác giả kịch bản cho đến các họa sĩ, thì… khó hy vọng nhiều loạt phim khác cùng đề tài này có thể… bay xa hơn.

Vậy nên nếu vẫn tiếp tục sản xuất phim hoạt hình bám vào những câu chuyện lịch sử quen thuộc, không những “đụng hàng” mà có thể thấy trước kết quả không mấy khả quan khi đến với người xem.

Cảnh trong phim Dưới bóng cây.

“Ngủ đông” đến bao giờ?

Dự án phim lịch sử của VFC dường như tạo nên sự hẫng hụt đầy tiếc nuối, sau những hiệu ứng tốt từ các bộ phim trước mang lại. Thời kỳ đầu khi VFC mới thành lập Xưởng Phim hoạt hình và triển khai dự án Cuộc phiêu lưu của ong vàng, tuy mọi việc còn bỡ ngỡ và đội ngũ họa sĩ còn thưa thớt nhưng đã ghi được một ấn tượng đẹp.

Sau thành công của bộ phim này, số lượng họa sĩ đầu quân về VFC ngày càng nhiều hơn, tiếp sức cho các dự án tiếp theo. Nhưng tình trạng phát triển của phim hoạt hình ở đây diễn ra giống nhiều chương trình khác: sau màn mở đầu ấn tượng thì càng ngày càng đuối dần.

Đến giờ bộ phim đầu tiên Cuộc phiêu lưu của ong vàng vẫn được coi là sản phẩm có sự chăm sóc kỹ lưỡng nhất về hình họa. Về nhân lực, số người gắn bó thường xuyên ở Xưởng Phim hoạt hình nay chỉ còn thưa thớt.

Cảnh trong phim Cuộc phiêu lưu của ong vàng.

Nếu như VFC có đầu ra là các kênh sóng của VTV thì các phim của Hãng Phim hoạt hình vẫn chưa tìm được lời giải đáp cho vấn đề này. Không sản xuất theo quy cách của phim màn ảnh rộng để chiếu rạp thì ngay cả khi ra rạp vẫn không đảm bảo chất lượng hay chiếu vài hôm rồi bỏ kho, là nỗi lo không chỉ riêng phim hoạt hình của hãng này.

Phim hoạt hình vẫn chưa thoát khỏi những bó buộc của các hãng phim nhà nước hiện nay khi khâu phát hành vẫn còn mảng yếu. Trong khi đó, công tác phát hành phim hoạt hình không còn đơn thuần dừng lại ở việc mua bán bản quyền với các rạp và hãng băng đĩa mà bao gồm cả việc khai thác bản quyền tạo hình nhân vật trong phim bằng các logo gắn trên sản phẩm thương mại cho trẻ em, như đồ chơi, quần áo, dụng cụ học tập, bao bì thực phẩm…

Dụng cụ học tập có in hình nhân vật hoạt hình được trẻ em yêu thích. Ảnh minh họa.

Giấc ngủ đông không có hồi kết có thể được coi là hình ảnh cho hoạt hình Việt Nam hiện tại”, đạo diễn Huỳnh Vĩnh Sơn thốt lên như vậy. Anh cho rằng, hiện tại nếu nhìn vào phim sản xuất ra ta dễ dàng nhận thấy đa số là của các hãng phim nhà nước, nhưng thực chất các hãng phim tư nhân lại đang có bước thay đổi mạnh mẽ hơn để phù hợp với đòi hỏi của cuộc sống. Họ đang manh nha những bước đi lớn dẫu rằng đa số đều phải mệt mỏi với vấn đề kinh phí hoạt động.

Những bước chuyển mình trong những năm gần đây có lẽ vẫn chưa đủ sức tạo nên được một diện mạo tươi mới hơn cho phim hoạt hình. Vậy nên mỗi khi trông thấy cảnh các khán giả nhí nước mình lũ lượt xếp hàng xem phim hoạt hình ngoại, chưa nói đến mỗi khi mở các kênh truyền hình thiếu nhi đều thấy phim hoạt hình nước ngoài phát sóng tràn lan, lại thấy buồn và mong sao phim hoạt hình Việt Nam sẽ sớm… cất cánh.

Chi Mai