Nhà thơ Huy Cận đã học ở Huế 9 năm (1928 – 1939), đậu tú tài ở Huế. Chính ở Huế, Huy Cận gặp gỡ Xuân Diệu và trở thành đôi bạn thơ thân thiết trong phong trào thơ mới. Ông giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Chính phủ và hoạt động bền bỉ trong ngành Văn hóa. Tháng 8 năm 1945, Huy Cận cùng Nguyễn Lương Bằng ở trong đoàn Chính phủ lâm thời do ông Trần Huy Liệu làm trưởng đoàn vào Huế nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại. Ông đã được tặng thưởng huân chương Hồ Chí Minh (1990), huân chương Sao Vàng (2005), giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996).
Tháng 4 năm 2001, nhà thơ thêm một niềm vui lớn góp phần vào niềm tự hào thơ ca Việt Nam hiện đại: được bầu làm Viện sĩ của Viện Hàn Lâm thế giới về thơ – académie mondiale de la posésie.
Năm 1950 – 1954, lúc học ở trường Trung học Khải Định (Quốc học Huế), chúng tôi thường nhắc đến các thế hệ đàn anh, tự hào về các nhà thơ của phong trào thơ mới trong đó có Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Xuân Sanh… là học sinh cũ của trường.
Chúng tôi sung sướng đọc những lời của nhà thơ Xuân Diệu, cựu học sinh Quốc học năm 1937 gửi lại cho thế hệ đàn em:
“Anh giao cho em trường học thân yêu, tổ ấm của hồn ta lấy sức; anh giao cho em phòng học sáng sủa, hiên trường có tiếng guốc vang… bụi chuối sau hè, hàng cửa xanh trước mắt bóng rót mát như tóc chảy… và giao cho em cả gió trăng…”.
Các anh Tường Phong Nguyễn Đình Niên, Hoài Chi Nguyễn Đình Tùng cùng vài bạn khác và tôi đóng những tập giấy pơ-luya màu chép các tập thơ Thơ Thơ, Gửi hương cho gió của Xuân Diệu, Lửa Thiêng của Huy Cận, Mấy vần thơ của Thế Lữ, Điêu tàn của Chế Lan Viên, Tiếng thu của Lưu Trọng Lư…
Những ngày ấy tôi đâu có ngờ từ năm 1961 được về làm biên tập viên Tiếng thơ Đài Tiếng nói Việt Nam và được dịp gần gũi nhiều nhà thơ mà trước đây mình ngưỡng mộ.
Sau chuyến đi thực tế ở mỏ, Huy Cận xuất bản tập thơ Trời mỗi ngày lại sáng năm 1959. Tiếp đó là Đất nở hoa. Thơ Huy Cận nở rộ. Ông cộng tác chặt chẽ với chương trình Tiếng thơ và nhiều chương trình khác của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Từ ngày 2/9/1945 đến 3/1946, Huy Cận là Bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời, hằng ngày đến làm việc ở Bắc bộ phủ như là một thư kí riêng của Hồ Chủ tịch. Có những lệnh mới của Chính phủ thì Hồ Chủ tịch giao cho Huy Cận ra đọc ở Đài Tiếng nói Việt Nam hồi đó ở phố Phạm Ngũ Lão sau nhà hát lớn Hà Nội để chuyển xuống Đài Bạch Mai.
Ngày 23/9/1945, Pháp gây hấn ở Sài Gòn thì đồng bào trong đó chờ lệnh Hồ Chủ tịch. Đêm hôm đó, về khuya mới có lời Bác Hồ kêu gọi đồng bào Nam Bộ đứng lên kháng chiến chống Pháp.
Nhà thơ Huy Cận đã đọc nhiều lần lời kêu gọi lịch sử ấy của Hồ Chủ tịch. Huy Cận còn đọc nhiều chỉ thị của Chính phủ lâm thời, của Hồ Chủ tịch. Cũng như Xuân Diệu, Huy Cận mang những bài thơ mới sáng tác cho biên tập viên chúng tôi để kịp thời dàn dựng.
Nhiều lúc chúng tôi mời các nhà thơ tự trình bày tác phẩm của mình. Chúng tôi đã thu cả những buổi nói chuyện thơ của Huy Cận ở Thư viện Quốc gia. Khi ban tổ chức giới thiệu Huy Cận là nhà thơ lớn, ông cười và nói:
- Người ta là nhà thơ lớn còn tôi là nhà thơ béo…
Sau này cùng ở trong ban liên lạc của cựu học sinh Quốc học Huế mà ông là trưởng ban, tôi có nhiều dịp làm việc với ông. Gặp ông, tôi đọc câu thơ cũ của ông:
“Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm Gió trăng ơi! Nay còn nhớ người chăng?” |
Ông bắt tay tôi rồi nói đùa:
- Ông là Trần Nguyên Vấn, con cháu Trần Nguyên Hãn. Còn nguyên một câu hỏi trên cõi trần này!
Tôi nói: - Dạ, còn nguyên một câu hỏi như thơ anh viết:
“Một câu hỏi lớn không lời đáp Cho đến bây giờ mặt vẫn chau” |
Nhà thơ Huy Cận cười:
- Ông thuộc thơ mình à?
- Em biên tập, thu thanh, dàn dựng bao nhiêu bài thơ của anh làm sao mà không thuộc…
- Cảm ơn.
Ông gọi anh thư kí đi mua hai cốc nước chanh đá đem đến chiếc ghế đá ở sân Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật 51 Trần Hưng Đạo để ngồi nói chuyện lâu hơn.
Về dự kỷ niệm 1000 năm thành lập trường Quốc học Huế, ông rủ tôi lên xem kĩ phòng truyền thống của trường. Tôi chụp một tấm ảnh ông đứng bên cạnh ảnh Huy Cận, Xuân Diệu… và lần khác, trong tuần lễ văn hóa huế, tôi lại mời ông chụp tấm ảnh khác.
Huy Cận viết trong Đặc san kỷ niệm 100 năm thành lập trường Quốc học Huế (1896-1996): “Danh hiệu” học sinh cũ của trường Quốc học Huế vẫn là niềm vinh dự lớn của mỗi chúng ta, bất cứ thời nào, bất cứ đi nơi đâu. “Đồng môn Quốc học Huế”, đẹp thay cái tên thân yêu!
Dù đi đâu, sống đâu ở các phương trời đất nước, dù sống ở quê nhà hay sống xa quê hương, thì cái tên “Đồng môn Quốc học Huế”, như một tiếng chim gọi đàn, lại tập hợp chúng ta trong tình cảm thầy xưa, bạn cũ, trong một nỗi niềm chung: tình trường, nghĩa nước.
Tự hào là học sinh Quốc học Huế, nhà thơ đã ghi và đề nghị các bạn đồng môn ghi danh thiếp của mình, cạnh các chức danh khác dòng chữ: “Cựu học sinh trường Quốc học Huế”.
Trong một tập thơ tặng tôi, ông ghi: “Thân tình tặng bạn đồng môn Trần Nguyên Vấn (Trần Phương Trà) Huy Cận – Thăng Long Hà Nội 10.2001. Quốc học trường ta, Quốc học ơi!”.
Tháng 10 năm 2001, nhà thơ Huy Cận cùng nhạc sĩ Trần Hoàn, trưởng ban liên lạc cựu học sinh trường Quốc học Huế và tôi đi ô tô vào Huế dự lễ kỷ niệm 105 năm ngày thành lập trường Quốc học Huế. Dọc đường, nhà thơ Huy Cận với trí nhớ tuyệt vời kể lại nhiều kỷ niệm thời kì đi học ở Huế.
Xin kể lại mẫu chuyện sau đây:
Giáo sư Bửu Cân dạy ở trường Quốc học Huế, nhà dòng dõi nhà vua nên ở Huế người ta hay gọi là “Mệ Cân”. Những lần gọi học sinh lên trả bài, giáo sư Bửu Cân thường chậm rãi đọc họ của học sinh, dừng một chốc đọc chữ lót, lại dừng một chốc mới gọi đến tên.
Mở sổ điểm danh ra, thầy Bửu Cân chĩa cây bút lên cao rồi đột ngột hạ thẳng đứng xuống chấm vào sổ, dõng dạc gọi:
- Cù!
Cả lớp vẫn yên lặng. Thầy hắng giọng rồi gọi:
- Huy!
Vẫn không có ai đứng lên. Thầy xướng to:
- Cận!
Cù Huy Cận đứng dậy: -Thưa thầy, có!
Cù Huy Cận đi lên cạnh bảng, đứng quay mặt xuống các bạn. Thầy bảo:
- Ở lớp này chỉ có một mình anh họ Cù, sao tôi gọi anh không xưng?
- Thưa thầy, chưa có tên ạ!
- Sao tôi gọi Cù Huy anh cũng chưa xưng?
- Dạ thưa thầy, chưa có tên ạ!
Rồi thầy Bửu Cân cười:
- Nay tôi gọi anh là Cù Huy Cận, nhưng mai sau anh làm Thượng thư thì người ta không dám gọi tên anh mà gọi là “Cụ Thượng Cù”, “Cụ Cù”, “Cụ Cù” đó!
Cả lớp cùng vui vẻ cười theo thầy Bửu Cân.
Những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhà thơ Huy Cận được gặp lại thầy Bửu Cân ở Nghệ Tĩnh. Huy Cận vui mừng chào thầy. Thầy Bửu Cân bắt tay Huy Cận và lại cười to:
- Chào cụ Thượng Cù, chào cụ Cù, chào cụ Cù. Anh thấy không, hồi anh đi học tôi đã nói rứa, chừ đã đúng chưa?
Hai thầy trò sung sướng ôm nhau.
Nhà thơ Huy Cận kể tiếp:
- Thầy Bửu Cân dạy vật lý, giảng bằng tiếng Pháp. Thầy bảo: người ta cho rằng vật chất ở ba dạng: dạng rắn, dạng nước và dạng khí. Tôi bổ sung thêm một dạng là sền sệt ví như kẹo mè xửng và cứt gà sáp. Thầy nhấn mạnh: “le mè xửng et le cứt gà sáp”.
Cả lớp cười vang.
Nhạc sĩ Trần Hoàn nói thêm:
- Mệ Bửu Cân hai tay cầm hai viên phấn, cùng một lúc viết lên bảng đen mà chữ vẫn đẹp. Mệ hay hắt xì hơi. Vào lớp mệ đứng hắt xì hơi mấy chục cái liền. Xong rút mùi soa lau mũi, mệ quay xuống chỉ một học sinh:
- Trò ni… mấy cái?
- Dạ thưa thầy, mười chín!
Mệ Cân tỉnh bơ:
- Sai! Hai mươi!
Đêm đó, nghỉ lại bên bờ sông Nhật Lệ, nhà thơ Huy Cận không chịu ở một phòng riêng, ông đề nghị sếp tôi cùng ở với ông đề phòng tuổi già có bất trắc.
Tôi cũng đã đưa nhà thơ Huy Cận đến thăm nhà điêu khắc, Viện sĩ Điềm Phùng Thị tức bà Phùng Thị Cúc, sinh năm 1920. Bà bị tai biến mạch máu não, ngồi trên xe lăn, rất vui khi được Huy Cận đến thăm.
Huy Cận hôn lên má người bạn Quốc học năm xưa, ân cần hỏi thăm sức khỏe của bạn. Tôi đứng bên thực sự xúc động trước cuộc gặp gỡ của hai người bạn, hai nghệ sĩ lớn, hai Viện sĩ.
Tôi cũng đưa nhà thơ về thăm lại trường tiểu học Thanh Long. Ban giám hiệu và ban phụ huynh học sinh nhà trường đang họp chuẩn bị kỷ niệm 80 năm thành lập trường vào năm 2002.
Nhà thơ Huy Cận thăm các thầy giáo, cô giáo và kể lại những năm đi học bậc tiểu học cùng với nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương ở trường, nhắc đến những hàng cây, lớp học và các thầy giáo hồi đó…
Là một người có nhiều gắn bó với Huế, nhà thơ Huy Cận xem Huế như quê hương thứ hai của mình. Ông dự nhiều cuộc họp Hội đồng Hương Thừa Thiên Huế, làm cố vấn cho Tuần văn hóa Huế tại Hà Nội (4-1999), tham gia câu lạc bộ văn hóa Huế tại Hà Nội và nói chuyện “Huế thơ và thơ Huế” với hội viên câu lạc bộ…
Nhà thơ đã đi xa nhưng những vần thơ của Huy Cận vẫn còn mãi mãi với đất nước, với nhân dân Thừa Thiên - Huế và đồng môn Quốc học Huế:
“Tuổi nhỏ đời ta Huế giữ không? Cho ta xin lại những năm hồng Cho ta sống lại ngày xưa cũ Mới hái mùa thơ giữa độ bông Tình bạn, tình yêu Huế khéo ương Hoa xuân trái đậu tháng năm trường Bâng Khuâng nay nhện chiều giăng lưới Bảng lảng lòng ai Huế vấn vương…” |