Huyền thoại và giai thoại xung quanh Lý Công Uẩn - vị vua khai sáng Thăng Long

Trước hết là tài liệu thần tích Ngọc phả cổ lục ở xã Tam Tảo, tổng Ân Phú, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, cho biết mẹ Lý Công Uẩn là Phạm Thị Trinh, đến làm việc ở chùa Tiêu Sơn, đêm nằm mơ thấy thần Chó Đá, rồi có mang mà sinh ra Lý Công Uẩn.

Còn cuốn sử ca dân gian Việt sử diễn âm được soạn bằng chữ Nôm khoảng giữa thế kỷ XVI, khi kể về lai lịch Lý Công Uẩn không nói rõ tên bà mẹ:

Trời cho họ Lý nối đời,
Tên là Công Uẩn quê người Bắc Giang.
Cổ Pháp chùa ấy là hương,
Vốn xưa mẹ thường ở đấy hôm mai.
Cha thác những ngày còn thai,
Đến sinh ra ngoài vốn chẳng có cha
Thuở ấy tuổi vừa lên ba
Phải năm mất mùa mẹ ẵm xin ăn…
 

Đến khi hai mẹ con đến nhà Lý Khánh Văn thì bỗng thấy:

Chó đồng trong cửa cắn ra,
Khánh Văn mới hỏi này là sự duyên.
Lão nhân ngày xưa đã truyền,
Chó đồng hễ cắn thánh nhân đến nhà… 

Trong nguyên văn chữ Nôm, chữ đồng được ghi rõ bộ kim bên chữ đồng, tức đồng kim loại, chỉ con chó đúc bằng đồng, chứ không phải là con chó ngoài cánh đồng. Vậy đây là một tình tiết huyền thoại. Lý Khánh Văn được ông cha để lại cho một vật quý gia truyền, đó là con chó bằng đồng, một linh vật, và dặn rằng khi nào chó đồng sủa ắt là có thánh nhân đến nhà.

Bấy giờ Khánh Văn thấy ứng nghiệm, nên đã “ba bảy chạy ra” ẵm đứa trẻ vào nhà. Rồi đến khi thằng bé ngủ, Khánh Văn lại quan sát thấy: “Nơi nằm thấy hiện Hoàng long/ Khánh Văn xem thấy trong lòng mừng thay”. Rõ ràng đó là dấu hiệu của bậc đế vương rồi. Tiếp đến khi Công Uẩn dời đô cũng lại gặp rồng:

Lập đô ở đất Long Biên,
Vua về dưới đền thấy có Rồng bay.
Vua rằng điềm ấy tốt thay,
Mới đặt hiệu rày là đền Thăng Long…
 

Nhưng thú vị hơn vẫn là chuyện liên quan đến chó:

Lại nghiệm chó cái lội sông,
Bơi Ứng Thiên tự mà sang Long Thành.
Cắn lau làm tổ mới hòa,
Sinh con thấy có hiện hình lạ song.
Nên chữ Thiên Tử dòng dòng
Thái Tổ gẫm được trong lòng mừng thay.
Bèn mới lập làm thành trì,
Quốc hiệu Nam Việt kẻo khi tiếp chầy…
 

Đoạn diễn ca cho biết nhiều điềm lành đến với ông vua khai sáng ra triều Lý, khai sáng ra kinh đô Thăng Long. Nào rồng chầu/phủ khi ngủ, nào rồng bay khi lập kinh đô. Nhưng điềm chó cái bơi từ quê vua, đúng hơn là nơi cư ngụ thuở hàn vi – chùa Ứng Đại Thiên Tâm bên xứ Kinh Bắc – qua sông Cái sang Long Thành nơi vua định đô càng khiến cho nhà vua mừng lòng hơn.

Sau cuốn sử ca dân gian thời Mạc, cuốn sử ca Nôm đồ sộ được soạn vào nửa cuối thế kỷ XVII, đó là Thiên Nam ngữ lục, khi kể chuyện Lý Công Uẩn ngoài những tình tiết có tính chất thế tục, thì chuyện liên quan đến chó cũng là nét tương đồng:

Có thầy là Lý Khánh Văn,
Gia truyền bảo bối một con muông đồng.
Sấm truyền từ nẻo cha ông,
Hễ thiên tử đến muông mừng sủa lên. 

Và đúng như lời sấm truyền, khi nàng họ Phạm (Thiên Nam ngữ lục không ghi tên) ẵm con đến chùa, thì:

Bước vào vừa đến ngoài sân,
Muông đồng bèn sủa tiếng rân dậy trời.
Rùng mình thầy ngó ra ngoài,
Thấy nàng ẵm trẻ đến ngồi xin ăn… 

Ở bản kể này, không có chuyện chó mẹ bơi qua sông Nhĩ Hà sang lót ổ đẻ bên Long Thành, mà là có chó mẹ vào lót ổ đẻ ở ngay gầm bàn thờ trong chùa nơi Lý Khánh Văn trụ trì:

Thấy liền có sự lạ sao,
Dưới tĩnh muông vào đẻ được một con.
Phau phau trắng tựa bột non,
Chữ Tuất thiên tử lưng còn chẳng sai… 

Đáng chú ý là ở bản kể Thiên Nam ngữ lục, chúng ta cũng bắt gặp hai chữ muông đồng viết giống như văn bản Việt sử diễn âm thời Mạc, nghĩa là chữ đồng cũng viết bộ kim chỉ kim loại, tức con chó bằng đồng. Bản kể Thiên Nam ngữ lục cũng cho biết, sau khi gặp sư Lý Khánh Văn, nhà sư đã nhận đứa bé làm con nuôi cho tiện việc chăm nom. Chính nhà sư Lý Khánh Văn là người đặt tên cho cậu bé là Lý Công Uẩn.

Khi Công Uẩn gần 10 tuổi, nhà sư Khánh Văn đã gửi cho bạn là sư Vạn Hạnh ở chùa Lục Tổ dạy học hành: “Học một kịp người năm ba/ Thánh hiền tâm lượng người ta khôn bì…”.

Qua ba tài liệu vừa dẫn, có rất nhiều vấn đề đáng bàn. Chẳng hạn, Lý Công Uẩn rõ ràng là được sinh ra từ cửa chùa, và Phật giáo thời Lý rõ ràng là cái nôi sinh thành của vị vua này. Ngay cái tên bà mẹ họ Phạm thì cũng chỉ là cái tên phiếm chỉ của truyện dân gian, huyền thoại, huyền tích. Phạm hay Phạn đều có nghĩa là Phật/thế giới nhà Phật…

Tuy nhiên, vấn đề mà chúng tôi muốn bàn ở đây chỉ xin khoanh lại ở chủ đề biểu tượng chó mẹ/chó con với ông vua khai sáng ra triều Lý và kinh đô Thăng Long.

Ngoài huyền sử Lý Công Uẩn, chúng ta còn có lai lịch di tích đền Cẩu Nhi được ghi chép trong sách Tây Hồ chí (1). Sách này cho biết, miếu thờ Thần Cẩu Nhi (Chó Con) vốn nằm ở góc tây bắc bến Châu (Ngọc Trai). Nơi đây, đời Trần vẫn gọi là bến Thần Cẩu.

Đến đời Hậu Lê, phần hồ này mới gọi theo tên thôn Trúc Bạch (Trúc là cây trúc trồng để làm mành, còn Bạch là lụa dệt từ tơ tằm) là hồ Trúc Bạch. Sách cũng ghi rằng, khi nhà Lý còn ở châu Bắc Giang, tại chùa Ứng Thiên Tâm trên núi Ba Tiêu (Chuối Tiêu), bấy giờ có một con chó trắng đang có mang, bỗng bơi qua sông Nhĩ Hà lên núi Khán Sơn mà ở.

Sau nó đẻ ra một con chó con, mọi người đều lấy làm lạ. (Huyền tích này có phần là ghi theo truyền thuyết dân gian truyền miệng, và đoạn thơ được ghi trong sách Việt sử diễn âm như đã dẫn ở trên).

Đến năm Canh Tuất khi vua Lý Thái Tổ dời đô đến Thăng Long thì hai con chó mẹ, chó con đều biến mất. Chuyện đến tai nhà vua. Vua phán đó là Chó Thần đấy. Rồi lập tức hạ chiếu xây đền Chó Mẹ trên núi Khán; đồng thời xây đền Chó Con trong hồ để thờ cúng, nay đền vẫn còn, thuộc địa phận thôn Trúc Yên.

Tượng đài vua Lý Thái Tổ.

Cũng theo ghi chép của Tây Hồ chí thì từ thời Trần đến thời lê, đền Cẩu Mẫu (Chó Mẹ) phía tây bắc hoàng thành Thăng Long thời Lê vẫn còn. Khoảng niên hiệu Hồng Đức (1470-1497), vua Lê Thánh Tông vẫn thường tới thăm đền này trên núi Khán.

Đến thời Hậu Lê, khoảng niên hiệu Vĩnh Tộ (1619-1629) đời Lê Thần Tông, kèo cột của đền Cẩu Mẫu đã hư hỏng. Nhân đó, người ta làm ngôi chùa trên nền cũ của đền này, vì chùa ở trên núi Khán, nên gọi luôn là chùa Khán Sơn… Núi và chùa đến thời điểm biên soạn Tây Hồ chí vẫn còn ở góc mé tây trong tỉnh thành.

Chúng ta cần lưu ý, không chỉ có hai bộ sử ca Nôm có ghi chép truyền thuyết về Chó trên lưng có chữ “Thiên tử”, mà cả hai bộ chính sử như Việt sử lượcĐại Việt sử ký toàn thư cũng đều có những ghi chép tương tự.

Như vậy, không chỉ lai lịch Lý Công Uẩn liên quan đến biểu tượng Chó, mà cả việc dời đô/định đô cũng liên quan đến biểu tượng Chó.

Ngược dòng lịch sử, theo tài liệu điều tra điền dã của nhóm Trần Quốc Vượng – Vũ Tuân Sán, thì việc dời đô của vua An Dương Vương cũng liên quan đến Chó. Vua Thục ban đầu đóng đô ở Tó (Uy Nỗ), nhưng đàn chó của vua cứ chạy sang Cổ Loa và con chó quý của vua đã sang gò Cổ Loa để lót ổ đẻ con. Vì vậy mà vua đã dời đô sang Cổ Loa. Và cũng vì vậy mà ngày trước dân Cổ Loa vẫn có tục làm nhà trên đất chó đẻ con theo tín ngưỡng dân gian “Đất chó đẻ là đất quý”(2).

Đôi điều ghi nhận bước đầu

Tiếp cận từ góc nhìn nghiên cứu liên ngành - nhân loại học văn hóa, folklore, văn bản học Hán Nôm về các thần tích thần phả… kết hợp với điều tra thực địa tại các nơi có di sản văn hóa vật thể và phi vật thể: Bệ thờ Chó đá cùng các hành vi tín ngưỡng và thực hành tín ngưỡng chó đá ở khắp nơi vẫn đang tồn tại một cách sống động, cho thấy tín ngưỡng chó đá, biểu hiện thực tiễn của tục thờ Chó của người Việt là một tín ngưỡng dân gian vốn đã có từ xa xưa trong lịch sử dân tộc. Và hiện tượng Chó đá thấy ở nhiều nơi “trông cũng quen mắt như cái bình vôi ở treo ở đám rễ si rễ đa vậy”(3).

Cuối cùng, chúng tôi muốn nói thêm rằng, tục thờ chó không phải chỉ có ở Việt Nam. Theo Trécxơnốp cho biết thì tục thờ Chó là khá phổ biến ở nhiều dân tộc trên thế giới(4). Ngay ở Trung Quốc, khi đào khảo cổ kinh đô nhà Ân và các mộ quý tộc Ân, đều thấy có chôn theo chó.

Theo nhà sử học Trần Quốc Vượng, điều này là có liên quan đến nghi lễ trừ tà. Chó trấn mộ, chó trấn cổng nhà, cổng làng và trấn cả kinh thành là để xua đuổi tà ma quỷ quái, bảo vệ lãnh địa(5). Với huyền thoại về Chó đã dẫn, ta có thể nghĩ rằng: vua Lý Thái Tổ sinh năm Tuất (Chó), năm dời đô cũng là năm Tuất (1010)… nên đã tổ chức nghi lễ trừ tà, giết và chôn Chó trên gò núi Khán để yểm, rồi lập đền thờ Chó, rồi đời sau dời đền ra gò đảo ở hồ Trúc Bạch hiện nay, để bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của dân tộc đó là kinh đô Thăng Long.

Đó cũng là điều dễ hiểu theo tâm thức văn hóa phương Đông.


(1)

Tây Hồ chí không ghi tên người biên soạn, cũng không ghi rõ niên đại biên soạn. Nhưng qua lời Dẫn đầu sách, có ghi lấy nguồn từ Hoàng Việt địa dư – hiện có hai bản, Minh Mệnh thứ 14 (1833) và Thành Thái thứ 9 (1897), cùng một số tên người tên đất và cách xưng hô “bản triều Gia Long”… thì cũng có thể sơ bộ nhận định Tây Hồ chí là sách được biên soạn vào đầu thời Nguyễn, từ khoảng Đồng Khánh (1886) đến Thành Thái (1889-1907).

(2)

Hà Nội nghìn xưa, 1975, tr.142.

(3)

Tô Hoài, Chuyện cũ Hà Nội, NXB Hà Nội, 1998, mục “Con chó đá”.

(4)

Trécxơnốp, Dân tộc học lịch sử các nước Đông Dương (tài liệu dịch của khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội).

(5)

Trần Quốc Vượng – Vũ Tuân Sán, Sđd.

GS-TS Kiều Thu Hoạch