HV100 - Khỉ trong văn hóa ứng xử của người Việt

Nhờ bản tính thông minh, vui nhộn, ngộ nghĩnh,độc đáo và hay quậy phá nên loài khỉ từ lâu đã được người xưa dùng làm hình tượng ẩn dụ trong những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao, hò vè rất thâm thúy trong giao tiếp hằng ngày của mình. Nhân dịp năm con Khỉ sắp đến, tác giả xin được mượn lời của người xưa để tản mạn cái sự… khỉ của con người...

Trong thành ngữ dân gian, nói về việc thấy người khác làm cũng làm theo một cách rập khuôn, không phân biệt hay dở, phải trái, tốt xấu… có câu Bắt chước như khỉ. Câu này xuất phát từ chuyện có một người mang mũ ra chợ bán, giữa đường mệt quá nên dừng lại ngồi nghỉ dưới gốc cây, lấy chiếc mũ chụp lên mặt cho khỏi chói mắt rồi thiu thiu ngủ. Một bầy khỉ trên cây gần đó kéo xuống, mỗi con lượm một chiếc mũ, đội lên đầu rồi hò nhau leo lên cây cao. Anh bán mũ tỉnh dậy thấy mất mũ nên la chửi lũ khỉ, anh nhặt đá ném, bị chúng “chửi” và chụp hòn đá ném lại. Anh ta tức tối vứt chiếc mũ đang đội xuống đất rồi ngồi khóc, lũ khỉ thấy thế cũng bắt chước, giật chiếc mũ đang đội quẳng xuống đất rồi đồng loạt rên la và đưa tay dụi mắt. Nhờ vậy mà anh bán mũ thu nhặt lại được toàn bộ số mũ của mình.

Trong ngôn ngữ dân gian, con khỉ được người Việt vận dụng thành các biện pháp tu từ để diễn đạt thái độ, tình cảm, cách ứng xử của mình:

Cha hươu mẹ khỉ: Câu nói mỉa mai, ám chỉ một người nào đó cứ nhận ẩu người ngoài trong hoàn cảnh nhất thời nào đó để làm cha, làm mẹ (hoặc làm con cái) của mình.

Chai như đít khỉ: Nghĩa là da bị chai cứng từng mảng, nghĩa bóng ý nói một người nào đó phải ngồi chờ chực quá lâu.

Chỉ hươu chỉ vượn: Chỉ bừa, chỉ không đúng chỗ người ta muốn hỏi.

Chuột chù chê khỉ rằng hôi, khỉ rằng ba họ tám đời mày thơm: Chế diễu những kẻ chẳng hay ho gì lại đi chê bai người khác.

Cóc đi guốc, khỉ đeo hoa: Xấu xí, hèn kém nhưng hợm hĩnh, thích đua đòi, không tự biết thân phận; nghĩa bóng là chuyện ngược đời, không có thực.

Dạy khỉ leo cây: Chỉ trích việc dạy bảo một người đã thực sự thông thạo, sành sỏi hơn mình.

Đánh đu với khỉ: Người có khả năng hèn kém lại muốn đọ sức với người giỏi hơn mình nhiều lần; ý nói đừng dại dột, chơi bời, kết bạn với kẻ xảo trá, xấu xa.

Đầu trâu trán khỉ: Ám chỉ bọn côn đồ hung dữ, hoặc ám chỉ nơi có môi trường bất lợi, nhiều thú hoang thường qua lại hoặc đến quấy phá.

Đuôi nai cái, dái khỉ già: Chỉ những món ăn quý hiếm và bổ dưỡng, những vị thuốc quý, chữa được nhiều bệnh.

Đười ươi giữ ống: Ý nói kẻ ngu ngốc thường bị mắc lừa, tưởng thắng lớn nhưng thực tế chẳng được gì.

Gần rừng lại không biết khỉ đỏ đít: Ở gần kẻ xấu mà không biết rõ bản chất xấu xa của họ.

Hứa hươu hứa vượn: Hứa liều mà không thực hiện được, hứa rất nhiều điều nhưng không làm.

Khỉ bắt chước: Sự học đòi lố bịch, không phải lối.

Khỉ chê khỉ đỏ đít: Không biết điều, mình cũng xấu xa, chẳng ra gì mà còn chê bai người khác.

Khỉ dính mắm tôm: Cau có, tức giận, khiếp sợ vì gặp thứ mình không hợp.

Khỉ già còn đôi khi rơi vách đá: Dù thành thạo, tài giỏi mấy cũng không thể tránh khỏi có lúc sai sót, nhầm lẫn.

Khỉ gió: Tiếng chế giễu, chê bai thân mật hoặc khi bực tức, coi thường.

Khỉ ho cò gáy: Nơi hẻo lánh, vắng vẻ, xa lạ, rất ít người qua lại.

Khỉ lại là khỉ, mèo vẫn hoàn mèo: Bản chất xấu xa thế nào vẫn cứ bị lộ ra, chẳng thể che giấu được.

Khinh khỉ lại mắng độc già: Coi thường, chê bai thứ gì thì lại gặp phải thứ khác cũng lĩnh vực ấy nhưng còn xấu xa, tồi tệ, tiêu cực hơn nhiều.

Mặt khỉ: Trạng thái nhăn nhó, khó chịu.

Nhăn như khỉ ăn ớt: Mặt mũi nhăn nhó, trông khổ sở ví như mặt khỉ khi ăn những thức không hợp khẩu vị.

Nuôi khỉ giữ nhà: Làm việc ngược đời, trái khoáy; nuôi dưỡng, giúp đỡ kẻ xấu, phản chủ, rắp tâm hại mình mà không biết.

Rung cây nhát khỉ: Làm việc tốn công vô ích, dọa giẫm không đúng đối tượng.

Tán hươu tán vượn: Tán gẫu, nói với nhau những chuyện linh tinh, bâng quơ, không bổ ích gì.

Trò khỉ: Hành động bỉ ổi, đê tiện, thiếu đứng đắn.

Ve kêu vượn hú: Nói đến cảnh núi rừng u buồn, vắng vẻ.

Voi đú, khỉ đú, lợn sề cũng hộc: Ý chỉ sự đua đòi, bắt chước một cách lố bịch, kệch cỡm của ai đó.

Vượn lìa cây có ngày vượn rũ: Có nghĩa tách rời môi trường tốt thì khó tồn tại…

Loài khỉ đã góp phần ảnh hưởng không nhỏ đến ngôn ngữ cũng như văn hóa ứng xử của loài người nói chung và ngôn ngữ, đời sống của dân ta từ hàng ngàn năm nay.

NGUYỄN TẤN TUẤN sưu tầm