HV100 - Đêm xuân dế hát vui cùng nước non

Đêm biên cương thâm u, huyền ảo biết cơ man nào là tiếng dế từ bốn phương tám hướng rừng rền rĩ, nỉ non. Người dân các bản giáp biên đã “xong mùa làm ăn đến mùa làm khách” - bà con người Mông có phong tục đón Tết, vui xuân thăm chơi nhà nhau tròn một tháng… Đội trưởng Hải nghĩ ngay tới tình huống xấu sẽ xảy ra: lũ “ma rừng” cõng ma túy vượt biên sang đất ta. Hải điều đội đặc nhiệm và tổ dân quân bản Nà Khoa lên đường biên “đón khách”.

Canh khuya, rừng càng tĩnh lặng, mây gió hoang sơ, huyền bí, tiếng dế gáy nỉ non thẳm sâu. Ở vị trí chỉ huy, đội trưởng ngồi sau gốc cây lim. Bên anh là Pu Hừ, tổ trưởng dân quân. Hải và Pu Hừ đều hiểu rằng tiếng dế nỉ non, râm ran ấy như đang đưa đến cho các anh “tín hiệu bình yên”. Tiếng dế từ lâu rồi là “bạn đồng hành” với các anh. Sự nhạy cảm của nó với những rung động ở thảm lá rừng đêm là “tai mắt” giúp các anh. Nó như cùng thức canh rừng với người lính.

***

Cảm ơn các nhà khoa học đã cho lính biên phòng biết nhiều điều kỳ lạ và lý thú về loài dế. Trên hành tinh chúng ta đang sống có đến cả ngàn loài dế khác nhau. Nước ta có các loài dế mèn, dế dũi, dế than, dế nâu… Dế là thành viên của bộ côn trùng cánh thẳng cùng với loài châu chấu. Thân hình con dế lớn nhất cũng chỉ gần bằng hai đốt ngón tay người. Loài dế có thính giác cực kỳ nhạy và thị giác thì đặc biệt tinh tường. Nó có cặp mắt phức hợp (nhiều tế bào cực tốt hợp thành), có thể nhìn được nhiều hướng cùng một lúc. Dế có đôi cánh bóng bẩy, mỡ màng, đẹp. Đôi cánh ấy bay được rất ngắn mà chỉ hỗ trợ đắc lực cho sự vang xa rung nẩy của “tiếng gáy, tiếng hát, tiếng rúc…” của nó. Dế là loài vật được thiên nhiên ban tặng cho lối sống mang nhiều chất “nghệ sĩ”. Dế có cặp râu dài óng mượt, cong vút trên đầu. Lúc thảnh thơi nó thường dùng hai càng vuốt chải râu làm dáng, lúc di chuyển thì nhún nhảy điệu đà như múa, như lượn. Dế dùng cặp râu của mình để giao tiếp với đồng loại và để biểu thị hành vi ứng xử. Khi gặp kẻ xâm lấn thảm rừng, tranh cướp mồi ăn… dế lập tức dương cặp râu lên thể hiện khí phách nghênh ngáo xua đuổi. Nó nhe răng sắc, múa càng giơ gươm đầy răng cưa lên dọa… xung trận. Nhưng khi giao tiếp “hữu hảo” với bầy đàn hoặc đối với bạn tình thì cặp râu ấy ngoe nguẩy hiền lành như mừng rỡ, như vẫy chào. Bộ nghe của con dế nằm ở đốt chày chân trước. Và ít người biết rằng dế đã dùng bộ chân đó cọ, gẩy vào đôi cánh, bật vào hàm, vào các bộ phận cứng trên cơ thể để tạo nên những âm thanh khoan nhặt, những giai điệu tuyệt vời bổng trầm rền rĩ, nỉ non. Trong dân gian có nơi gọi đó là tiếng dế kêu, dế rúc; có nơi gọi nghe văn hoa thơ mộng hơn: dế gáy, dế hát. Con dế đực gáy, hát thường tạo nên âm thanh có giai điệu năn nỉ, giục giã để mời gọi bạn tình; giai điệu nghênh ngáo để hù dọa, khuyến cáo các chú dế lạ chớ xâm phạm vào lãnh địa nó, chớ quyến rũ bạn tình của nó. Con dế cái lại thường tạo nên âm thanh nhỏ nhẹ, giai điệu dịu dàng như để ru nựng dỗ dành con và tâm tình với đồng loại. Mỗi loài dế phát ra một thứ âm thanh “ngôn ngữ” khác nhau.

Đặc tính chung của loài dế là cực kỳ nhạy cảm với thời tiết đất trời, với tiếng động ở thảm rừng nơi nó trú ngụ. Theo các tài liệu khoa học, khi con dế và các loài côn trùng rời bỏ tổ bay chạy nháo nhác là cảnh báo thời tiết có các biến động khôn lường: gió bão, mưa lụt, động đất… Thời tiết ấm ách đổi mùa thì tiếng dế rừng Nà Khoa này nghe bức bối, ảo não như than vãn, nỉ non. Mùa xuân mưa nắng dịu hòa, ấm áp, thảm lá rừng khô ráo, mùa nó “tình tự” thì tiếng dế rộn ràng, có cao trào, có cung bậc trầm bổng nghe như dàn nhạc vui của rừng. Tuổi thọ của loài dế có thể kéo dài hơn một năm nếu môi trường nó sống có nhiều thức ăn. Mùa đông các “nàng” dế tìm hang đất, hốc cây để ẩn mình, đẻ trứng. Dế đẻ từ 200 đến 400 trứng. Trứng dế có hình trụ. Con dế có điều kỳ lạ không giống bất cứ động vật nào là ống đẻ trứng của nó thò dài ra ngoài cơ thể. Mùa xuân ấm áp, trứng dế nở con rồi lột da, lớn dần. Khi đôi cánh chùn chụn, mỏng manh của dế con kín lưng thì dế mẹ dạy cho nó “biết gáy, biết hát” rồi rời tổ. Dế là sinh vật “ăn chay”. Rau, quả, cỏ non, mầm cây… là thức ăn truyền đời của nòi giống nhà dế.

Từ xa xưa ông bà ta đã truyền lại rằng con dế là nguồn thực phẩm lành chế biến được nhiều món ăn ngon, giàu dinh dưỡng, nhiều chất đạm, chất béo, nhiều protein… Ngành đông y đã xác định con dế là vị thuốc nam tốt, chữa được nhiều bệnh. Dế có vị mặn, tính hàn, chữa bệnh đau bàng quang, đại tràng, bí đại, tiểu tiện, chữa cho phụ nữ sau đẻ rau thai chậm ra. Dế còn là vị thuốc tốt chữa bệnh phù thủng, táo bón, sỏi đường tiết niệu, chữa cho người bị đau nhức mình mẩy, trẻ em bị bệnh cam tẩu mã…
Trong lịch sử nước láng giềng - Trung Hoa - còn ghi lại nhiều điều “kỳ diệu” về con dế. Họ xem con dế là “vật báu” trong đời sống “tinh thần” của họ. Tiếng hát du dương của dế trong đêm thanh vắng như tiếng từ cao xanh vọng về quyến rũ được cả vua chúa, quần thần… Đời nhà Đường (618-707), các hoàng đế đã nhốt dế trong những chiếc lồng đúc bằng vàng mười và đặt ngay trên giường để dế hát, dế ru ngủ thâu đêm. Tiếng dế hát trong hộp vàng có âm thanh vang vọng, nẩy rền nghe càng ấm, càng mê. Rồi người dân cũng học đòi thú vui tao nhã ấy nhưng chỉ làm được lồng tre, hộp giấy nhốt dế. Đến đời nhà Minh trở về sau, từ hoàng gia, trí thức đến cả dân quê đã có thời đổ xô đi bắt dế về nuôi để đêm đêm nghe “dế hát”. Họ xem dế là linh vật báo điềm lành. Họ đồn đãi rằng “tiếng ru, tiếng hát” thâu đêm của dế sẽ mang lại niềm vui và sự may mắn cho con người. Họ còn luyện dế chọi nhau rồi mở hội chọi dế, xem đó là môn thể thao thú vị, có thời nhiều nước ở châu Á đã học theo. Người ta cân hai con dế có trọng lượng bằng nhau rồi thả vào chung một hộp, dùng ngọn cỏ kích động chúng “gây chiến”. Cuộc chiến của “võ sĩ” dế kéo dài được 30-45 phút. Chúng dùng hàm cắt cụt chân, cánh của nhau. Chúng nhảy vào cắn đá nhau đến cụt đầu, đến chết. Họ chăn nuôi dế như chăn nuôi các ca sĩ, võ công. Những con dế có cặp đùi khỏe, răng nhọn, các vuốt chân sắc như giáo như gươm, bộ mặt hầm hố, vẻ xấc xược hiếu chiến; những con dế có giọng “vàng” biết chào hoàng hôn, biết đón bình minh, họ “bồi dưỡng” thuốc bổ nhung hươu, canxi, cho ăn cả nhân sâm… Ngày nay có con dế được bán đến giá 200 nhân dân tệ, hoặc hơn 20 USD. Hằng năm từ tháng 7 đến tháng 10, người dân nhiều vùng quanh các đô thị ở Trung Quốc phát triển nghề bắt dế, buôn dế, nuôi luyện dế. Họ cho đó là nghề béo bở, kiếm tới hàng ngàn đôla mỗi vụ. Họ truyền nhau câu nói “Muốn giàu hãy đến mau với vua dế”.

***

… Sang canh, gió đổi chiều, lá cành xào xạc. Thảm rừng lá mục càng ánh lên nhiều đốm sáng lân tinh nhấp nháy, rung rinh trông như sao trên nền trời khuya. Ở đó hằng hà sa số dế nỉ non, rền rĩ càng làm cho vùng rừng đêm biên cương huyền bí. Đội trưởng Hải vẫn nín thở, căng tai để lọc nghe tìm sự bất thường trong “tiếng rừng bình yên” ấy. Và lúc đó, tiếng gáy của con dế như nhắc Hải nhớ về câu chuyện ngày xửa ngày xưa ông nội anh đã kể. Chuyện rằng một ngày giáp Tết có kẻ gian hàng xóm mò vào chôm chỉa nhà phú ông. Quản gia đã nhìn thấy, cầm dao nấp ở cửa bếp chờ. Tên trộm đã bò qua vườn nhưng vào gần đến cửa bếp nó dừng lại rồi bò trở ra, lủi mất. Qua Tết, phú ông hỏi nó: - Sao mày mò vào đến cửa bếp nhà tao rồi lại trở ra? Tên trộm lạy lục phú ông, trả lời: - Con nghe lũ dế vườn nhà ông đang gáy râm ran bỗng im bặt. Biết đã lộ, con lủi nhanh ra…

Anh dân quân người Mông ngồi như khối đá, dán mắt về phía con đường mờ ảo trong đêm vắng. Từ thuở lên mười Pu Hừ đã theo cha đi săn bắt thú ở vùng rừng Nà Khoa này. Anh thuộc tính hết các loài thú, loài chim, loài côn trùng ở đây. Anh phân biệt được tiếng động của con chồn đi tìm mối, tìm giun khác con trút xuyên sơn bới cào hốc cây bắt kiến, bắt dế… Anh càng biết rõ loài dế đêm uống sương, ngày nhấm lá sống ở thảm rừng Nà Khoa này rồi. Nó có tập tính bầy đàn cực kỳ cao. Buổi chiều muộn, con dế cụ cất tiếng gáy là cả bầy, cả ổ nhà dế trong đám rừng đó lên tiếng như để cùng hòa âm hưởng ứng tạo thành một dàn đồng ca. Nhưng sự phản ứng dây chuyền của loài dế cũng cực kỳ nhạy. Thoạt nghe ở thảm rừng có tiếng động, con dế gần nhất câm lặng thì lập tức họ hàng nhà dế im bặt. Sự im bặt ấy cứ kéo dài dài theo tiếng động trong thảm rừng sâu.

Bỗng Pu Hừ quay về phía đội trưởng Hải, anh “tặc lưỡi” giống con thạch sùng chép miệng phát tín hiệu “ma rừng hiện hình”. Phía dốc núi từ đường biên đi vào đất ta, tiếng dế im bặt. Rồi tiếng chân người bước trên thảm lá khô rõ dần. Bốn ánh đèn pin đã che mặt, ánh sáng chỉ còn bằng hạt ngô hiện ra lấp loáng chập chờn. Bốn “con ma” tay cầm súng AK, lưng mang ba lô nặng dò dẫm từng bước như những con thú đi ăn đêm. Đi mấy bước chúng lại dừng để nghe ngóng, hít ngửi mùi lạ trong gió đêm (chúng dò tìm mùi thuốc lá, mùi dầu cao xoa chống lạnh, mùi lương khô).

Vượt qua cây lim, bỏ lại tảng đá ở phía sau, bốn “con ma” không ngờ đã lọt gọn vào giữa hai vòng vây khép chặt…

***

Đêm đầu xuân, dân bản Nà Khoa cùng đội Đặc nhiệm biên phòng mở hội mừng công.

Bên bếp lửa bập bùng trong mây núi, anh dân quân Pu Hừ khai hội bằng điệu múa khèn và bài hát theo làn điệu dân ca Mông:

“Trời không yên, đất không vững

Vì con ma rừng đưa cái chết sang đây

Dế mèn ơi mày hát giữa ngàn cây

Canh con ma dế cùng ta bắt chúng.

Ma chết thì người Mông mới sống

Dế gọi sên đất giăng chỉ vàng

Dế gọi nhện trời đan tơ trắng

Bắt ma rồi dế hát, ta thổi khèn

Tiếng đàn môi bên suối gọi trăng lên

Chú Biên phòng xòe ô hoa

Lấy núi đồi làm thang lên Nà Khoa vui Tết

Bài hát hết mà chưa hết

Đêm vui dài bài hát còn dài…”

TRẦN HỮU TÒNG