HV100 - Ngoảnh lại ba mươi năm

Ba mươi năm chưa bằng nửa đời người. Ba mươi năm trong lịch sử chỉ là nháy mắt. Nhưng ba mươi năm qua, ba mươi năm đổi mới, nước Việt Nam có bước phát triển khá. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Nhận định trên được đại đa số đồng tình, căn cứ vào trải nghiệm của mỗi người và cảnh quan thời cuộc. Muốn thấy đúng tầm cỡ và thấm thía ý nghĩa thành tựu của một quá trình, từ đó suy ngẫm về những tồn tại, bất cập, cần thấy điểm khởi hành. Một nhà thơ có dịp đi thăm nhiều nơi sau khi đất nước vừa liền một dải, viết: Phải chi có một người bừng tỉnh sau giấc ngủ ba mươi năm, người ấy hẳn bàng hoàng choáng váng đến đâu trước những cảnh tượng này. Hiện nay 57,5% dân số nước ta tuổi đời dưới 35. Có nghĩa cứ 100 người dân thì gần 60 người đánh giá thành tựu đổi mới thông qua trí tuệ, bằng kiến thức là chính chứ không có cơ hội nhìn thấy bối cảnh đất nước khởi hành từ tình trạng kiệt quệ do hậu quả chiến tranh, suy thoái kinh tế đi lên đổi mới, chỉ có khoảng 40 người cảm nhận thành tựu đổi mới vừa bằng trí tuệ vừa với tâm hồn.

Nói như trên không có nghĩa mỗi lần nêu thành tích lại ôn nghèo kể khổ. Dù sao đánh giá một trang sử chói ngời của dân tộc bằng trí tuệ thôi, e có khi chưa lượng hết tầm cỡ những việc đã làm được cũng như đủ xót xa trước phần bất cập, tồn tại. Với cảm nhận đó, tôi thử nhìn lại ba mươi năm đổi mới báo chí, nửa đời nghề nghiệp của bản thân.

* * *

Đề cập thông tin đại chúng, Dự thảo Báo cáo chính trị Ban chấp hành Trung ương chuẩn bị trình Đại hội lần thứ XII của Đảng khẳng định: Truyền thông đại chúng phát triển nhanh cả về loại hình, quy mô, lực lượng, phương tiện kỹ thuật và ảnh hưởng xã hội.

Trong lịch sử báo chí Việt Nam tính từ ngày xuất bản số đầu tờ Gia Định Báo năm 1865, đặc biệt từ khi xuất hiện nền báo chí cách mạng Việt Nam với báo Thanh Niên năm 1925 do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, đến cuối năm 1986 năm Đại hội VI của Đảng, chưa bao giờ báo chí ta có bước phát triển vượt bậc, toàn diện như ba mươi năm qua cả về loại hình, quy mô, đội ngũ người làm báo, số lượng người dân hưởng thụ thông tin và thực hành quyền thông tin, cơ sở hạ tầng và kỹ thuật truyền thông. Chúng ta tiếp cận, rút ngắn khoảng cách công nghệ và kỹ năng tác nghiệp giữa báo chí ta với các nước phát triển. Về chỉ số kinh tế, Việt Nam thuộc lớp cuối các nước phát triển trung bình, nhưng vị thế và tác động của truyền thông đại chúng nước ta vượt không ít quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao hơn ta. Thực trạng đó là gì, do đâu mà có, nếu không phải là thành tựu đổi mới và trong đó, có vai trò của báo chí ba mươi năm qua phục vụ đổi mới, phát triển, hội nhập, tăng cường nội lực, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế?

Chưa bao giờ ảnh hưởng của báo chí, truyền thông nước ta tác động đến dư luận xã hội nhanh chóng, kịp thời, rộng khắp, có hiệu lực mạnh và lan tỏa nhanh, cả thuận tình và phản biện, như hiện nay. Chưa bao giờ báo chí chủ động tham gia quá trình xây dựng đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, cả thuận tình và phản biện, như ngày nay. Thông tin đại chúng trở thành một kênh thông tin trực tuyến, đa chiều, tham gia công việc của toàn bộ hệ thống chính trị, từ cơ quan dân cử các cấp, bộ máy công quyền và dịch vụ công ích đến hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp từ trung ương đến cơ sở, góp phần minh bạch hóa những thứ người dân có quyền được biết theo như luật định, để chung cuộc người giám sát, phán xét, quyết định cuối cùng là nhân dân. Đảng và Nhà nước ta coi trọng những thông tin từ báo chí, truyền thông. Đó là biểu hiện một nền dân chủ đích thực, do dân vì dân dù còn nhiều bất cập, trong đó báo chí có góp phần không nhỏ.

* * *

Nói đi cần nói lại. Đến đây tự dưng hiện lên câu hỏi: Vậy thì ảnh hưởng xã hội của báo chí ta trước đây biểu hiện ra sao và tác động đến mức độ nào vào lịch sử dân tộc? Chúng ta khẳng định vai trò của báo Thanh Niên năm 1925 trong việc chuẩn bị cơ sở, tạo lập Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng hình như chưa nhìn thấy hết ảnh hưởng toàn diện của báo Thanh Niên đối với cả một giai đoạn lịch sử; chưa nghiên cứu đầy đủ vai trò và ảnh hưởng xã hội của báo chí Việt Nam lưu hành hạn chế thời tiền khởi nghĩa, như báo Việt Nam Độc Lập viết bằng tay, in qua bảng đá, phát hành tại các gốc cây điểm hẹn dọc các nẻo đường rừng, các báo Cứu Quốc, Cờ Giải Phóng, Giải Phóng ở trung ương, đến mạng lưới báo chí trực thuộc các cấp ủy địa phương khi mất khi còn do phải đối mặt với sự đàn áp của địch. Chúng ta chưa biết nhiều về ảnh hưởng của báo chí những năm 1944-1945 tại Nam bộ, địa bàn xuất hiện và là nơi có nhiều tờ báo nhất buổi nguyên sơ. Thời tiền khởi nghĩa, mỗi bài báo cách mạng là một tờ hịch tác động mãnh liệt hơn nhiều chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi. Quần chúng tập trung lại một nơi, nghe cán bộ đọc báo. Nghe chưa hết bài, khẩu hiệu đã hô vang. Rồi ai sẵn thứ gì cầm theo thứ ấy, gậy gộc, dao cuốc, hăm hở cùng nhau đi giành lại chính quyền từ tay thực dân, phong kiến. Chiếc trống thiêng liêng treo giữa đình làng được gỡ xuống mang theo, và thùng thùng tiếng trống ngũ liên... Tổng khởi nghĩa cả nước hoàn tất trong vòng 15 ngày, từ giữa tháng đến cuối tháng 8-1945.

Gần gũi hơn và mãnh liệt hơn nữa là ảnh hưởng xã hội của báo chí thời chống Mỹ, cứu nước. Người người hăm hở lên đường cứu nước lâm nguy. “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Đạp bằng sông núi ta đi/ Máu xương chẳng tiếc, tiếc gì tuổi xuân”, “Như chưa hề có cuộc chia ly”… Ngoảnh lại, mới thấy hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức của Đảng, trong đó báo chí là lực lượng đi đầu, những thời kỳ ấy hùng hậu dường nào.

* * *

Ảnh hưởng xã hội của báo chí, truyền thông không phải chuyện hôm nay mà đã có từ lâu. Cái khác biệt, cái làm ta buồn là ở chỗ: Trước đây, nói đến tác động xã hội của báo chí, mọi người nghĩ đến chiều tích cực, ngày nay nói đến tác động xã hội của báo chí, bên cạnh mặt tích cực là chính, lẩn vào không ít hiện tượng tiêu cực. Một bộ phận nhỏ truyền thông có vẻ hăng hái đi đầu trong việc du nhập nếp nghĩ, lối sống ngoại lai, phổ cập không ít dạng văn hóa phi văn hóa, phá vỡ truyền thống dân tộc, góp phần làm giảm sút đạo đức, coi nhẹ phẩm giá con người, dẫn tới nguy cơ tan rã gia đình. Và đến lượt nó, sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức tác động xấu trở lại đến một bộ phận báo chí và đội ngũ người làm báo. Một số cơ quan báo chí chưa làm tròn chức năng cao quý. Đạo đức báo chí có phần sa sút. Đồng tiền chi phối nhiều thứ… Lẩn quẩn cái vòng con gà đẻ quả trứng hay quả trứng nở con gà. Nói ảnh hưởng xã hội của truyền thông đại chúng ngày nay là nói cả hai chiều tích cực và tiêu cực - và hiện tượng này không phải chỉ có ở nước ta.

Do đâu dẫn tới cảnh không vui? Thông tin đại chúng phát triển thiếu quy hoạch. Công tác quản lý không theo kịp. Một số cơ quan truyền thông có biểu hiện thương mại hóa v.v... Khắc phục khuyết điểm chủ quan sẽ hạn chế tác động xấu của khách quan. Khách quan tồn tại bất chấp ý muốn con người, nhưng con người đủ sức phòng ngừa, hạn chế tác hại khách quan bằng những giải pháp chủ quan.

Chúng ta quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Quản lý các loại hình thông tin trên Internet bằng luật pháp quốc gia và theo thông lệ quốc tế. Nâng cao tính tư tưởng, nhân văn và khoa học của truyền thông. Đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của báo chí và người làm báo. Góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam. Độc lập, tự do, lợi ích dân tộc là tối thượng.

Nói sắp xếp lại, lẽ tất nhiên là làm theo phương án đã vạch, có định hướng, quy cách, lộ trình... Đến đây cộm lên vấn đề đáng suy ngẫm. Quy hoạch làm con đường cao tốc từ Nam ra Bắc thì yêu cầu về thiết kế, công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy cách chất lượng, vật liệu, lối rẽ, cầu vượt, đường thoát nước, thậm chí các biển báo giao thông thảy thảy đâu cũng như đâu. Trong báo chí, văn chương nghệ thuật, nói rộng ra trong văn hóa, khó có định mức đồng loạt dàn đều, đâu cũng bằng đâu. Làm sao giao định mức di sản văn hóa cho mỗi vùng miền? Tìm đâu ra quy cách cụ thể khi bảo tồn từng cổ vật giữa kho tàng vật quý cách nhau cả ngàn năm? Một chủ trương thực tiễn, thực hành rộng khắp là xây dựng gia đình văn hóa, phường xã văn hóa, tiêu chí rõ ràng, vậy mà sau bao năm đạt nhiều lợi ích, vẫn còn không ít nơi chưa đi vào thực chất. Trong quá trình sắp xếp lại báo chí hiện nay, các cơ quan chức năng thận trọng hẳn vì vậy. Cơ quan chủ quản báo chí đề xuất phương án, qua bàn bạc nhất trí, trình Chính phủ quyết định cuối cùng.

Sắp xếp lại, lẽ đương nhiên phải dẹp bớt những thứ vô bổ hoặc mang mầm độc hại, tiếp tay cho cái xấu, nhưng rốt cuộc sắp xếp là tạo điều kiện phát huy thế mạnh, phát triển vững bền, kịp bước thời đại. Nâng cao tính tư tưởng, nhân văn và khoa học của truyền thông. Đề cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân người làm báo. Xây dựng văn hóa và con người Việt Nam. Nói như sách, nhưng chung quy không có gì ngoài mấy điểm ấy, từ đó vận dụng linh hoạt vào mỗi địa bàn, lĩnh vực, cấp độ báo chí, xuất phát từ nhu cầu chính đáng của người dân, có tính đến thực tế về nhân lực, cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển, tác động của thị trường mỗi nơi, trên cơ sở quy hoạch chung sẽ hiện lên bức tranh thống nhất trong đa dạng.

Ba mươi năm nữa, nếu có một người bừng tỉnh sau giấc ngủ ba mươi năm, người ấy rồi sẽ choáng váng trước toàn cảnh phong phú của báo chí ta, dù hôm nay không còn là điểm khởi hành mà là một cái mốc nối tiếp thành tựu trên con đường dài.

PHAN QUANG