Nhà văn Thanh Giang, tên thật là Lê Mai Sơn (sinh năm 1930, quê ở huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre) đã từ trần ngày 16-12-2015 tại TP.Hồ Chí Minh, an táng tại quê nhà Bến Tre.
Thanh Giang là cây bút đa năng, sáng tác, xuất bản tác phẩm từ thời chiến tranh đến hòa bình: tiểu thuyết, truyện ký, thơ, kịch bản phim… Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn TP.HCM, Hội Điện ảnh TP.HCM, Hội Nhà báo Việt Nam, từng được tặng Giải Nguyễn Đình Chiểu, tặng thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (2002), giải thưởng về truyện ngắn, bút ký của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, báo Sài Gòn Giải Phóng, báo Văn Nghệ…
Tôi quen và cùng tham gia nhiều chiến dịch với nhóm điện ảnh, nhà văn Quân Giải phóng như Nguyễn Quế, Trần Trung Nhàn, Minh Khoa, Thanh Giang, Võ Trần Nhã từ chiến khu rừng Tây Ninh. Nhiều người trong số họ đã được phong tướng tá, riêng Thanh Giang vẫn cứ là đại úy dù anh tham gia bộ đội Vệ quốc đoàn từ năm 1947, tập kết ra miền Bắc chuyển sang báo Văn Nghệ Quân Đội, năm 1961 vượt Trường Sơn vào Nam. Sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước, gia đình Thanh Giang sống trên tầng lầu thượng chung cư không có thang máy. Những ngày cúp điện phải xuống tầng trệt xách từng xô nước. Khi cộng tác với nhà văn Võ Trần Nhã viết kịch bản phim Lê Thị Hồng Gấm (Huy Thành đạo diễn), Thanh Giang dẫn tôi lên tầng thượng giới thiệu vườn rau xanh trong những ngày cả nước ăn độn bo bo, mì gói, cười xuề xòa: “Nhờ nó mà cũng cải thiện sinh hoạt chút đỉnh, đỡ ăn đói”. Dáng hiền hòa, giọng nhỏ nhẹ, bình lặng, thủ thỉ thù thì như tâm tình, không hề to tiếng với bất cứ ai. Ấy vậy mà thời chiến anh luôn có mặt ở các chiến trường máu lửa, ác liệt, xung yếu nhất như chiến dịch Đồng Xoài, Tết Mậu Thân 1968, viết dưới tầm đạn pháo Pôn Pốt ở chiến trường Campuchia 1979... Khi về Sài Gòn, bao giờ Thanh Giang cũng có mặt trong các kỳ hội họp của Hội Nhà văn, Hội Điện ảnh. Là trưởng trại Bồi dưỡng và sáng tác lực lượng viết văn trẻ cùng Trần Thanh Giao, Thanh Giang đã góp phần đào tạo các nhà thơ, nhà văn trẻ. Thanh Giang làm thơ như Khúc hát về một dòng sông, Âm điệu bờ tre; viết tiểu thuyết Vùng tranh chấp, Dòng sông nước mắt, Khúc chuông chùa, Trăng lên vườn bồ đề. Anh còn viết kịch bản phim truyện Cư xá màu xanh, Khúc chuông chùa, Đêm Bến Tre.
Nhớ hồi kịch bản phim Cư xá màu xanh của Thanh Giang - (đạo diễn Huy Thành) - được duyệt, Thanh Giang đến Hãng phim Tổng hợp lãnh tiền nhuận bút, hai anh em chúng tôi ra quán cà phê vỉa hè. Gần lúc chia tay Thanh Giang bỗng thì thầm:
- Duy nè, mình muốn hỏi chuyện này.
- Chuyện gì?
- Mình có phải chia tiền cho đạo diễn không?
- Không.
- Sao vậy?
- Đây là tiền nhuận bút biên kịch. Đạo diễn có tiền nhuận bút riêng.
Thanh Giang bần thần ngồi im.
- Bộ có chuyện gì sao hả anh? - Tôi hỏi.
- Có chút xíu. Nhưng mình ngại nói quá.
Thì ra cậu trợ lý Chủ nhiệm có đề nghị anh trích tiền nhuận bút cho đạo diễn do phải sửa kịch bản phim theo Cục Điện ảnh yêu cầu. Tôi thấy nóng bừng lỗ tai.
- Anh hãy mang tiền về cho vợ. Trong bản duyệt kịch bản có ghi vài chi tiết sửa trong kịch bản phân cảnh. Thế thôi.
Một nhà văn Nam bộ thiệt thà hết mực!
Tình cờ bạn Adam Ho - Việt kiều Mỹ, cựu sĩ quan quân đội Sài Gòn, nay là họa sĩ - nhắn tin tôi trên trang Facebook, nhờ tìm ông sĩ quan Quân Giải phóng mang quân hàm đại úy ghi hình và phỏng vấn anh ấy. Adam Ho viết: “Ông ấy nhân hậu, hiền hòa, giữ bản sắc miền Nam nhẹ nhàng, trầm ngâm trong im lặng kể cả khi bị người khác hiểu sai những hành động không cố ý. Tôi cám ơn ông giúp tôi giữ bảng tên tù trên ngực trái khi đóng phim Trường tôi tại K4, Long Khánh”. Adam Ho đã nhờ tôi tìm nhà đạo diễn ấy, nói nguyện vọng Adam Ho muốn mua bản sao đoạn phim ấy làm kỷ niệm. Tôi nghĩ chỉ có thể là Thanh Giang thôi. Nhưng lúc đó tôi không có số điện thoại Thanh Giang, lại đang làm phim ở An Giang. Vậy rồi hôm gặp Thanh Giang tại Đại hội Nhà văn TP.HCM, tôi nhắc chuyện này. Thanh Giang xác nhận đúng là phim anh đạo diễn. Tôi biết phim không thuộc về tác giả; đạo diễn và biên kịch chỉ đứng tên trong phim thôi, nên phải chờ Thanh Giang liên hệ. Vậy rồi anh bỗng ghé tai tôi nói nhỏ: “Duy nè, con trai mình là quay phim đó nha. Nhớ có lần nó hỏi về ngôn ngữ điện ảnh vì thấy mình có nhiều kịch bản làm phim. Mình là nhà văn, dân tay ngang bước vào làng điện ảnh chuyên nghiệp. Mình nhớ câu nói của Lê Văn Duy: “Anh quan sát và viết sao như anh đang gắn máy quay phim đàng sau ót”. Mình rất cám ơn Lê Văn Duy về bài học điện ảnh đầu tiên”. Trước sau Thanh Giang vẫn chân thành, thủy chung và khiêm cung.