HV101 - Học văn ở Chicago

Tôi đến Chicago (Mỹ) để học âm nhạc. Chuyện học nhạc ở xứ người thực sự có nhiều điều hay và đẹp đối với tôi. Nhưng tôi sẽ viết về hành trình học nhạc của tôi vào một dịp khác. Ngay lúc này, tôi lại thích viết về trải nghiệm của tôi về cách dạy và học văn ở Mỹ. Vì một lẽ, trải nghiệm này đã khiến tôi cảm thấy bản thân mình được mở mang rất nhiều.

Trước tiên, tôi muốn giải thích vì sao một sinh viên khoa nhạc lại phải đi học văn. Hầu hết các đại học của Mỹ quan niệm rằng tuy các ngành nghề có yêu cầu về chuyên môn khác nhau, nhưng nhìn chung vẫn phải có một nền tảng căn bản. Do đó, sinh viên tất cả các khoa đều phải hoàn thành những lớp trong danh sách “Core Curriculum”, bao gồm nhiều lĩnh vực như sức khỏe, nghệ thuật, văn hóa, xã hội, toán, lý, hóa v.v… Đặc biệt là các khóa “Cornerstone” (Cơ bản) mà sinh viên năm nhất thường phải hoàn thành. Các khóa này chuyên về đọc, viết và tư duy. Có nhiều lớp “Cornerstone” với chủ đề khác nhau để sinh viên tự do lựa chọn, như Tình yêu và công lý, Tận cùng của thế giới v.v… Tôi chọn khóa “Cornerstone” Bản sắc dân nhập cư, một phần vì giờ học của lớp này không trùng với những môn khác. Hơn nữa, một du học sinh như tôi đối với nước Mỹ cũng là một kiểu dân nhập cư. Lần đầu đặt chân đến xứ cờ hoa, tôi cũng háo hức muốn biết xã hội Mỹ nhìn nhận người nhập cư như thế nào.

Ngay tuần đầu tiên, tôi đã bị choáng. Hồi còn ở Việt Nam, tôi cũng thuộc dạng ham đọc và đọc nhiều, nhưng số lượng các trang cần đọc mà giáo sư ở đây giao cho tôi quả thật ngoài sức tưởng tượng. Thời gian đầu, trung bình một ngày tập đàn được ba tiếng là nhiều, thứ bảy và chủ nhật có thể tranh thủ tập nhiều hơn. Thời gian còn lại chủ yếu là đọc và đọc, không chỉ cho lớp “Cornerstone” mà còn cho vài lớp khác. Sau mỗi ngày học, giáo sư sẽ quy định số trang cần đọc tiếp theo, để buổi học sau làm bài “Reading quiz” (luyện tập vấn đáp), thường là những câu hỏi ngắn để kiểm tra sinh viên đọc tới đâu và đọc có kỹ không. Tính sơ sơ, sau một học kỳ tôi đã đọc xong một cuốn luận văn về vấn đề di cư và quyền cư trú, hai cuốn tiểu thuyết về những người vượt biên sang Mỹ, một tiểu thuyết về người Nhật và Hoa ở Mỹ trong thế chiến thứ hai, một cuốn novella(1), một cuốn tự truyện. Chưa kể, trong lớp “Giới thiệu về Kinh thánh” tôi phải đọc ba phần tư cuốn kinh trải đều từ Sáng thế đến Khải huyền, ngoài ra còn hơn chục sách tự đọc thêm để làm bài tập. Vì phải đọc nhiều, thư viện là nơi không thể nào không biết. Ngay từ những ngày đầu nhập học, trường đã tổ chức những buổi hướng dẫn về cách tìm sách trong thư viện bằng số ký hiệu và website để sinh viên có thể tự tìm những sách cần đọc trong một biển sách mênh mông.