HV101 - Nụ cười Xuân Thủy

Sau Hiệp định Paris ký ngày 27-1-1973, đồng chí Xuân Thủy, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại hội nghị Paris, trở về Hà Nội và sau đó đến thăm một số cán bộ điện ảnh tại trụ sở Cục Điện ảnh (62 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội). Vốn là một nhà thơ tính tình vui vẻ cởi mở, nhân hậu nên đồng chí Xuân Thủy được anh em nghệ sĩ điện ảnh rất yêu mến ngưỡng mộ.

Tiếp đồng chí Xuân Thủy tại phòng khách văn phòng Cục có đạo diễn, biên kịch khoảng chục người, tôi có may mắn được dự. Trong số này có đạo diễn Phạm Văn Khoa, nguyên là thư ký cho Bác Hồ từ năm 1945 đến 1953, khi Bác ký sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh thì đồng chí được cử sang phụ trách đầu tiên. Vốn là bạn thân lâu năm với Bộ trưởng Xuân Thủy, Phạm Văn Khoa vui vẻ lên tiếng trước:

- Xin giới thiệu với anh Năm, anh em có mặt ở đây đều là đảng viên cả, nên anh Năm không phải ngại, cứ nói thẳng ra Hiệp định Paris ta ký vừa rồi thắng lợi đến cỡ nào mà ở trên cứ bảo đừng có tư tưởng “hòa bình hưởng lạc”, mà thật ra chỉ có ăn toàn lạc rang hoài khổ bỏ mẹ, chứ có vui sướng gì đâu!

Anh em phá lên cười sau câu nói tếu táo của anh Khoa, từng nổi tiếng với biệt danh “Khoa tếu”. Đồng chí Xuân Thủy cũng cười theo rồi vui vẻ nói:

- Các đồng chí ở đây đều biết xem đá bóng cả chứ?

Anh em gật đầu đáp: - Có ạ!

- Vậy tôi dùng thuật ngữ bóng đá để nói với các đồng chí: Hiệp định Paris ta ký ngày 27-1-1973 là bàn thắng tuyệt đẹp rồi, không thể đòi hỏi gì hơn được nữa, bởi sau lưng chúng ta đã có lưỡi dao găm rồi. Các đồng chí hiểu điều tôi nói cả chứ?

Anh em chúng tôi đều hiểu lời đồng chí Bộ trưởng. “Lưỡi dao găm sau lưng chúng ta” là ý muốn nói đến bản Thông cáo chung Thượng Hải tháng 5 năm 1972 ký giữa Tổng thống Mỹ R. Nixon và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, sau chuyến thăm bí mật của R. Nixon đến Trung Quốc.

Đồng chí Xuân Thủy vui vẻ nói tiếp:

- Bản Hiệp định Paris do chúng ta dự thảo, đưa ra cuộc họp không sửa đổi một điều gì, chắc các đồng chí có xem rồi. Trong đó ở bản tiếng Việt, Hoa Kỳ đều bị nhiều chữ “phải”, ví như Hoa Kỳ phải rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ phải tôn trọng chủ quyền độc lập thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam v.v… chứ Việt Nam ta không bị một chữ “phải” nào hết. À quên, - đồng chí Xuân Thủy mỉm cười - còn có vấn đề này, bản dự thảo Hiệp định gồm ba thứ tiếng: Pháp, Anh và Việt có giá trị như nhau. Ông Trần Văn Lắm, đại diện chánh quyền Sài Gòn dự hội nghị Paris, sau khi xem đã đề nghị: chức danh chánh thức của tôi là “Tổng trưởng Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa”, chứ không phải là Bộ trưởng Ngoại giao như dự thảo đã ghi, đề nghị cho sửa đổi chữ này.

Thấy vấn đề không có gì quan trọng nên chúng tôi đồng ý sửa chữ “Bộ trưởng Ngoại giao” thành “Tổng trưởng Ngoại giao” theo đề nghị của ông Lắm trên bản tiếng Việt, chứ còn hai bản tiếng Pháp, tiếng Anh là “ministre”, “minister” thì không phải sửa gì cả như đã ký chính thức sau đó.

- Trong thời gian năm năm đàm phán (1968-1973) có thể nói là “kỷ lục marathon” của một cuộc hội nghị, có gì đặc biệt anh Năm có thể kể cho anh em nghe được không?- anh Phạm Văn Khoa nhìn đồng chí Xuân Thủy với ánh mắt vui vẻ, hỏi.

- Có thể nói trong đời tôi - đồng chí Xuân Thủy mỉm cười nói - đây là một cuộc đấu tranh ngoại giao dài ngày nhất với đủ mọi cung bậc khác nhau nhất. Các anh ở bên nhà tuy vẫn đấu tranh hết sức gian khổ, nhưng có một điều đơn giản là kẻ thù bên kia chiến tuyến lộ rõ như ban ngày, xử lý theo cách nào cũng được, còn chúng tôi ở Paris luôn phải nở nụ cười với kẻ thù trước khi bước vào phòng họp, dù trong lòng chúng tôi đang dâng mối căm thù do được biết tin bên nhà giặc đã càn quét bắn giết đồng bào đồng chí mình. Phải cười với kẻ thù trước mỗi phiên họp là nỗi đau không nói nên lời của chúng tôi, không phải ai cũng hiểu, và điều này đã kéo dài suốt năm năm đàm phán ở “thủ đô ánh sáng”, nhớ lại quả là một điều khủng khiếp! - đồng chí Xuân Thủy nheo mắt cười hóm hỉnh - Nhưng có một lần duy nhất đoàn Mỹ cười chào ta trước khi bước vào phòng họp, còn đoàn ta thì cười không nổi! Đó là cuộc đảo chính lật đổ Quốc trưởng Campuchia Norodom Sihanouk của tướng Lon Non diễn ra vào tháng 3-1970, sau đó là Mỹ mở hai cuộc hành quân lớn Chen La I và Chen La II đánh vào căn cứ hậu cần của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đóng tạm trên vùng đất đông bắc Campuchia gây cho ta nhiều thiệt hại nặng về dự trữ hậu cần. Riêng Lon Non sau hai cuộc hành quân này - theo tin tức báo chí của địch - được Mỹ tặng cho 6.000 khẩu AK47, chiến lợi phẩm lấy được của ta.

Ngừng một lúc, đồng chí Xuân Thủy nói tiếp:

- Cũng cần phải nói thêm là trong suốt quá trình đàm phán, nhiều lúc thảo luận căng thẳng cao độ vì mỗi bên đều quyết bảo vệ quan điểm của mình, tưởng chừng như hội nghị đi vào bế tắc, tan vỡ. Đúng lúc ấy, đoàn ta phá lên cười thật to, thật thoải mái, khiến đoàn Mỹ hết sức ngỡ ngàng ngạc nhiên không hiểu vì sao đoàn Việt Nam lại cười trong không khí như vậy, và rồi như bị lôi cuốn giọng cười cởi mở, nhiệt tình thoải mái của ta, đoàn Mỹ cũng gượng gạo cười theo. Thế là không khí cuộc họp đang căng bỗng dịu hẳn xuống và hai bên bắt đầu thảo luận tiếp coi như không có chuyện gì xảy ra.

Những trận cười liên tiếp xảy ra trong suốt cuộc đàm phán dài ngày nhất trong lịch sử ngoại giao giữa hai nước, và có lẽ Mỹ chưa bao giờ gặp một đối thủ có tầm cỡ và bản lĩnh sắc sảo đến như vậy.

Còn có một chuyện nữa về đồng chí Xuân Thủy cũng xin được kể ra đây. Đó là những ngày dự hội nghị Paris năm 1970, đồng chí có đi xem trích đoạn vở cải lương Phụng Nghi Đình của đoàn nghệ sĩ cải lương Sài Gòn sang Pháp diễn, mà cô Bảy Phùng Há đóng vai Lữ Bố, còn nghệ sĩ Kim Cương đóng vai Điêu Thuyền. Trích đoạn này được người xem - cả ta lẫn Tây - hoan nghênh nhiệt liệt.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng tháng 4-1975, đồng chí Xuân Thủy có dịp vào Sài Gòn lại được xem nguyên vở cải lương Phụng Nghi Đình vẫn do cô Bảy Phùng Há đóng vai Lữ Bố, Kim Cương vai Điêu Thuyền, Ba Vân vai Vương Tư Đồ, Ngọc Giàu vai Đổng Trác. Khi vở diễn kết thúc, đồng chí Xuân Thủy tươi cười bước lên sân khấu bắt tay các nghệ sĩ chúc mừng buổi biểu diễn thành công, riêng với cô Bảy Phùng Há, đồng chí ứng khẩu đọc bốn câu thơ tặng “cánh chim đầu đàn ngành cải lương Nam Bộ”:

“Ấy mới tài, ấy mới duyên

Vui sao Lữ Bố hí Điêu Thuyền

Ai hay Lữ Bố là con gái

Hội ngộ tao phùng há dám quên!”

Cô Bảy hết sức xúc động nắm chặt tay đồng chí Xuân Thủy. Và xin mượn 4 câu thơ của nhà thơ, nhà ngoại giao dễ mến này thay cho lời kết bài viết.

DƯƠNG LINH