Cách đây gần một năm, cuối tháng 6 năm 2015, tôi và Xuân Quang, nhà nhiếp ảnh của Đất Quảng, ghé thăm Nguyễn Chơn. Anh già yếu đi nhiều. Khoác trên người bộ quần áo ngủ màu nâu, rộng rinh, anh nói với chúng tôi: “Tuổi này hay trở chứng, bị đau luôn. Anh không đi viện mà chữa bệnh tại nhà”. Lúc chúng tôi đến, một y sĩ đang bấm huyệt cho anh. Thường cái giờ này, anh không tiếp khách nhưng nghe có mấy người trước cùng ở sư đoàn đến thăm, thế là anh bảo người nhà: “Cứ mời vào”. Cô y sĩ xin lỗi được làm tiếp ít phút nữa. Chúng tôi ngồi cạnh đó nói chuyện với anh. Vẫn như xưa, thủ trưởng Nguyễn Chơn của chúng tôi rất khiêm nhường, lặng lẽ, ít nói. Xuân Quang tha thiết xin chụp ảnh anh. Nguyễn Chơn không lạ gì Xuân Quang. Anh là phóng viên ảnh chiến trường, chụp rất nhiều ảnh cho Sư đoàn 2. Riêng Nguyễn Chơn cũng đôi lần Quang được bấm máy. Và lúc này, hơn bất cứ lúc nào, anh muốn có một bức ảnh của thủ trưởng mình. Nguyễn Chơn cười mỉm, nói nhẹ nhàng: “Quang ơi! để dịp khác đi”. Chúng tôi biết anh đã nói vậy là không thay đổi nữa. Anh là người không thích khuyếch trương. Chụp ảnh, quay phim, hoặc giới thiệu trên báo với anh rất hạn chế. Hồi chiến tranh đã vậy, hòa bình rồi, càng như vậy. Lần khác ư? Buồn thay! Đó lại là lần chúng tôi nghe báo tin buồn về anh.
Chiến trường Khu 5, đặc biệt mặt trận Quảng Nam những năm chiến tranh không mấy ai không biết đến người chỉ huy quân sự đức độ và tài ba Nguyễn Chơn. Hòa Minh - Hòa Vang - Quảng Nam-Đà Nẵng còn nhớ mãi chàng thanh niên Nguyễn Chơn trước ngày lên đường nhập ngũ. Người bố muốn giữ Nguyễn Chơn ở nhà thêm một thời gian. Nguyễn Chơn cầm chiếc đục chàng và nói với bố: “Nếu bố không cho đi con sẽ chặt một ngón chân”. Ông bố ngỡ con chỉ dọa nên không ngăn, ngay lập tức Nguyễn Chơn dùng chiếc đục xắn luôn ngón chân út của mình. Thấy máu đỏ lòm lênh láng và một ngón chân đứt rời, người bố hốt hoảng chấp nhận nguyện vọng của con. Năm ấy, 1946, Nguyễn Chơn nhập ngũ. Tính cách quyết liệt ấy còn biểu hiện khi đã là một vị chỉ huy tài ba. Bị đạn địch bắn vào bắp tay, Nguyễn Chơn đã bảo y sĩ mổ lấy mảnh đạn ra, không cần thuốc tê. Ông muốn dành phần thuốc ấy cho cán bộ chiến sĩ khác. Từ một người lính cho đến khi là một thượng tướng với các chức danh Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, những chiến công của Nguyễn Chơn vang lừng cả nước. Ông được đánh giá là một trong 3 sư đoàn trưởng giỏi nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Hàng trăm trận đánh với cương vị người chỉ huy, Nguyễn Chơn chưa chịu thua trận nào. Ông được coi là người bất khả chiến bại. Hiện nay, Sư đoàn bộ binh 2 vinh dự mang tên Sư đoàn Nguyễn Chơn. Ông được hai lần phong tặng danh hiệu: Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Ông là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, khóa VII. Là đại biểu Quốc hội khóa VIII. Từng là Tư lệnh Quân đoàn 2, Tư lệnh Quân khu 5. Những trận đánh lớn lừng danh một thời gắn liền với tên tuổi Nguyễn Chơn. Đó là các trận: Ba Gia, Vạn Tường, Đường 9 Nam Lào, Đắc Tô, Tân Cảnh, Căn cứ 547 của giặc Pôn Pốt…
Tôi biết Nguyễn Chơn thời kỳ anh là Sư trưởng Sư đoàn 2, sư đoàn được tôn vinh là sư đoàn thép. Mới chỉ nghe tên sư đoàn, địch đã bạt vía kinh hồn. Nguyễn Chơn là người đặc biệt có năng khiếu quân sự. Lần đó, tôi và nữ nhà văn Bắc Hà cùng sư đoàn ông hành quân đánh địch ở Liệt Kiểm. Trên đường băng qua một cánh đồng, máy bay địch rà lượn sát rạt. Kiểu này chúng sẽ cho nã pháo hoặc bỏ bom đến nơi. Ai nấy cuống cuồng chạy khỏi cánh đồng. Nguyễn Chơn không chạy. Ông hơi nghiêng đầu nhìn máy bay và đi nhanh hơn một chút. Đến chỗ nghỉ chân, mọi người thở phào, ông lại bảo: “Chỉ nghỉ chốc lát, rồi đi ngay, mười lăm, hai mươi phút nữa, pháo địch sẽ dội vào khu vực này. Mình đi trước đây”. Thế rồi ông và cậu công vụ bươn bả đi ngay. Thiếu tướng Trịnh Hoàng Lâm lúc đó là người chỉ huy hành quân nói với tôi và Bắc Hà: “Hai người không vướng bận gì nên đi trước với sư trưởng”. Thông thường Sư trưởng ra trận có cả bộ sậu đi theo. Công binh, trinh sát v.v… Nguyễn Chơn không như vậy. Ông bảo đi nhiều người dễ lộ. Nguyễn Chơn và cậu công vụ đi nhanh quá chừng. Đường ông đi cắt ngang cắt dọc không biết đâu mà lần. Tôi bị tụt quai dép, loay hoay vài phút, thế là không theo được ông. Lạc. May, đã vượt qua tọa độ pháo địch. Ông là người phán đoán rất tài tình, cũng là người có linh cảm lạ lùng về những diễn biến sẽ xảy ra. Gặp tình huống hiểm nguy, ông xử trí nhanh và rất thông minh. Nhờ đó, ông và đơn vị nhiều phen thoát nạn. Trong khi pháo địch còn nổ đì đùng phía sau thì ông và cậu công vụ đã giăng lưới bắt cá ở một con suối. Ông diễu Bắc Hà: “Thấy đồng đội không theo kịp, phải đợi chứ mà không cũng phải quay lại tìm chứ?”. Bắc Hà cũng chẳng vừa: “Thủ trưởng cứ xui dại. Pháo bắn sau lưng. Đằng trước, thủ trưởng đi như gió, còn biết đường nào với đường nào mà tìm với đợi”. Lần đó, ông chọn sở chỉ huy Sư đoàn rất gần chân núi Liệt Kiểm. Nơi đây dễ quan sát bộ đội bao vây tấn công địch nhưng khá nguy hiểm. Tôi và Bắc Hà đào hầm cạnh sở chỉ huy. Mấy anh bảo vệ đề nghị chúng tôi lui về sau. Chỗ này không được an toàn. Nguyễn Chơn cười mỉm: “Thế các cậu bảo cứ xa thằng địch là an toàn ư?”. Rồi ông ra hiệu cho mấy anh bảo vệ cứ để mặc chúng tôi. Lần đầu tôi tham gia một trận đánh gần Nguyễn Chơn và gần địch đến thế. Nguyễn Chơn chỉ huy một trận đánh thật ung dung. Sở chỉ huy lặng phắc. Ông ít gọi điện thoại. Mọi người ở đây không quá hồi hộp, căng thẳng như tôi hình dung. Khi trên cứ điểm Liệt Kiểm báo về, ta đã làm chủ trận địa, nỗi mừng vui cũng không quá lộ trên gương mặt sư trưởng. Có cảm giác ông coi đó là việc đương nhiên. Ông cầm ống nghe, nói ngắn gọn: “Khẩn trương thu dọn chiến trường. Giải quyết tốt chính sách thương binh liệt sĩ. Xong đào công sự tránh pháo tránh bom và chuẩn bị đánh địch phản kích”. Rồi ông ra khỏi hầm nói với mọi người: “Ta cũng rút thôi. Bây giờ, chỗ này không yên ổn nữa đâu”.
Sau trận đánh ở Liệt Kiểm, tôi và Bắc Hà lại theo Sư đoàn 2 tấn công vào sào huyệt địch ở Cấm Dơi, Quế Sơn. Năm 1972 mở ra một thời kỳ mới: “Đánh thẳng vào các căn cứ lớn bố phòng chặt chẽ của địch”. Cấm Dơi nằm gọn trong một thung lũng. Kế bên là dân Quế Sơn được địch dồn tới, làm thành một hàng rào che chắn. Một trung đoàn địch đóng ở đây. Bàn phương án tác chiến, nhiều người e ngại. Địa thế hiểm trở, trận đánh khó bảo vệ tính mạng cho dân. Nguyễn Chơn nói: “Chỉ huy Trung đoàn địch đóng phía trong mấy hòn đá lớn kia. B72 điều khiển làm sao rót trúng vào bên trong mấy hòn đá đó là xong”. Mọi lo toan trên gương mặt những người tham chiến bỗng dưng bừng sáng. Họ tin vào lời nói của Nguyễn Chơn. Ông có nói sai bao giờ đâu. Quả nhiên, trận đánh đã diễn ra không ngoài dự kiến. B72, vũ khí hiện đại lần đầu đến chiến trường Khu 5 đã hoàn thành nhiệm vụ ngay từ những quả đạn đầu. Rơi đúng vào đầu não địch. Chỉ huy tê liệt, binh lính rối loạn. Trận đánh kết thúc chóng vánh.
Xin kể thêm trận Nguyễn Chơn chỉ huy tiến công cứ điểm Nông Sơn trong chiến dịch Thượng Đức năm 1974. Địch gồm một tiểu đoàn, bố phòng trên một đỉnh núi cao hiểm trở. Tướng Chu Huy Mân, chỉ huy chiến dịch, nói với Nguyễn Chơn: “Trận này của Sư 2 quan trọng lắm. Đây là trận mở màn. Không thắng, sư 304 đánh Thượng Đức sẽ gặp khó khăn” - “Thủ trưởng yên tâm”, Nguyễn Chơn chỉ nói vậy. Lần đó, tôi đi với Trung đoàn 6 - trung đoàn chủ công giải phóng Thượng Đức. Trung đoàn trưởng chỉ tay về cứ điểm Nông Sơn nói: “Chính cái Nông Sơn kia mới khó gặm. Không biết Sư đoàn 2 sẽ xoay xở thế nào. Chứ thằng Thượng Đức này sức mấy chịu nổi”. Tôi đã tham gia với Sư đoàn 2 vài trận. Nghe nói vậy, tôi cười thầm trong bụng: “Ấy là anh chưa biết tài chỉ huy của sư trưởng Nguyễn Chơn thôi. Khó thật đấy, nhưng thắng là cầm chắc”. Trước giờ ta nổ súng, một tình huống không lường đã xảy ra, địch điều thêm một tiểu đoàn lên Nông Sơn. Tướng Hai Mạnh gọi gấp Nguyễn Chơn về sở chỉ huy chiến dịch. Ông hỏi: “Tình hình này nên thế nào?”. Nguyễn Chơn quả quyết: “Trên đỉnh Nông Sơn từ trước đến nay chỉ một tiểu đoàn đóng quân. Nay nó điều thêm một tiểu đoàn, rõ ràng với mục đích thay chân nhau. Như vậy, việc này chỉ tạo thời cơ để ta diệt địch nhiều hơn. “Nhưng phương án chỉ đánh với một tiểu đoàn?”. “Hai tiểu đoàn, quân tăng nhưng sức mạnh không tăng. Vả lại tư tưởng thay nhau kẻ ở người đi nên thiếu cảnh giác, lộn xộn nhốn nháo là không tránh khỏi. Chính chúng đã tạo ra yếu tố bất ngờ để ta tấn công”. “Đồng ý, cơ hội để Sư 2 diệt 2 tiểu đoàn địch cùng một lúc đó”. Như mọi lần, ở những trận đánh lớn, Nguyễn Chơn cho pháo lên cao bắn thẳng vào từng mục tiêu. Địch không cách gì chịu nổi. Nông Sơn, một cứ điểm được coi là khó đánh nhất đã tan tành mây khói ngay từ những phút đầu trận. Kinh nghiệm dùng pháo bắn thẳng ở Nông Sơn được áp dụng vào lần cuối, khi bộ đội 304 tấn công dứt điểm Thượng Đức.
Cái lần tôi và Xuân Quang đến thăm Nguyễn Chơn, chúng tôi vừa ở Thượng Đức về. Xuân Quang đưa cho anh xem bức ảnh Tượng đài Thượng Đức vừa được khánh thành. Tôi nói với anh: “Hồi Sư 304 đánh Chi khu quận lỵ này, vất vả quá. Bộ đội hy sinh nhiều, trầy da tróc vẩy mới thắng”. Nguyễn Chơn nói ngay: “Khó là do mình thôi. Chủ quan đã đành nhưng cách đánh không phù hợp”. Xuân Quang hỏi: “Hồi đó, khi trận đánh trục trặc nghe nói có phương án đưa Sư đoàn 2 vào thay Sư 304, đúng không thủ trưởng?”. Nguyễn Chơn có vẻ miễn cưỡng: “Sự thay thế chỉ là việc bất đắc dĩ. Chỉ huy chiến dịch có bàn về chuyện đó thật. Nếu cấp trên quyết thì bọn mình sẵn sàng thôi. Nhưng thủ trưởng Chu Huy Mân không đồng ý. Ông nói: “Đúng là Sư đoàn 2 có nhiều kinh nghiệm đánh địch ở chiến trường Khu 5 nhưng cũng vừa mới dứt điểm trận Nông Sơn. Với lại làm thế cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 304 sẽ nghĩ thế nào?”. Ông chỉ thị cho Sư 304 rút ra, củng cố lực lượng, rút kinh nghiệm. Khi nào thấy chắc thắng, đánh tiếp. Còn Sư đoàn 2 tổ chức đánh địch ở một vài điểm khác, làm tiêu hao lực lượng địch, chặn không cho địch chi viện cho Thượng Đức. “Chỉ đạo của ông Mân là đúng. Thượng Đức cho ta nhiều bài học quý. Qua đó ta đã đứng vững khi lính dù dốc sức âm mưu lấy lại Thượng Đức”. “Lâu nay thủ trưởng có theo dõi tình hình không?”, Quang lại hỏi. “Mình vẫn đọc báo đều đều”. “Thủ trưởng thấy tình hình thế nào? Dư luận đồn đoán nhiều chuyện phức tạp”. “Phức tạp cũng do mấy ông thôi. Mấy ông quậy phá, sinh chuyện ấy mà. Phải tin Đảng, tin dân chứ!”. “Còn vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, thưa thủ trưởng?”. “Việc đó cũng đã có chủ trương rồi. Phải bình tĩnh tự tin, kiên trì nhẫn nại. Giống như thời chiến tranh thôi. Sai một ly đi một dặm. Hoang mang giao động là thua thằng địch đấy. Nóng vội cũng vậy thôi. Thua. Thua đấy”.
Quang điện cho tôi: “Đám tang thủ trưởng Nguyễn Chơn ở Đà Nẵng đông lắm, xúc động lắm. Mình có chụp cho ảnh bức chân dung hồi năm 2000. Ảnh dặn gia đình dùng tấm ảnh này đặt trên ban thờ. Lạ kỳ, lúc ảnh đi, gương mặt thanh thản như tấm ảnh đã chụp hồi nào”. Phải thôi, không thanh thản sao được khi người chiến sĩ ấy đã hoàn thành sứ mệnh với quân đội, với dân tộc một cách vinh quang. Ông là người lặng lẽ mà thật phi thường.
Hà Nội, 18-1-2016