Nhà văn Trần Thanh Giao (còn có bút danh Song Thanh, Song Văn) sinh năm 1932 tại Cần Thơ, là một trong những tác giả tiêu biểu của dòng văn học kháng chiến; nguyên Phó tổng biên tập tạp chí Văn, Phó ban kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam, Thường trực cơ quan đại diện phía Nam Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM. Ông đã từ trần ngày 19-1-2016 tại TP.Hồ Chí Minh.
Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và tạp chí Hồn Việt xin gửi lời chia buồn chân thành đến gia quyến nhà văn.
* * *
Anh Trần Thanh Giao là một cộng tác viên nhiệt thành của Hồn Việt. Những số đầu Hồn Việt, đăng truyện Ông chủ tịch hãy bóp vú tôi đi - một chuyện có thật thời kháng chiến 9 năm, rất vui. Rồi anh viết dẫn nhập về Quốc âm thi tập của Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, rất tâm đắc. Hai cuộc hội thảo gần đây của Trung tâm, anh tham gia với các tham luận uyên bác, giá trị, một về Nguyễn An Ninh, một về bản Kiều dịch ra tiếng Anh.
Trần Thanh Giao học Collège Cần Thơ rồi đi kháng chiến, ra Bắc làm báo Thống Nhất, báo Nhân Dân, viết truyện và đã in nhiều truyện. Nhưng tôi bảo anh: Ông là một nhà văn - học giả. Anh sử dụng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga… tất cả đều là do tự học từ một cái vốn của nhà trường Pháp. Ít có nhà văn nào tự học và có vốn văn hóa rộng như vậy.
Con người ấy ra đi đột ngột, để lại bao tiếc thương trong lòng bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp. Từ nay vắng bóng anh trong các cuộc họp Ban chấp hành, trong các cuộc hội thảo. Người nhỏ mà chí lớn, đã đi suốt cả cuộc trường chinh của dân tộc, đã cống hiến biết bao tâm huyết, tài năng cho đất nước…
Anh hãy yên nghỉ, anh Trần Thanh Giao! Vĩnh biệt anh!
M.Q.L.
Nhà văn Trần Thanh Giao sinh ngày 19-5-1932 tại Ô Môn - thành phố Cần Thơ. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 1946, đến năm 1954 tập kết ra miền Bắc. Nguyên phóng viên báo Nhân Dân, báo Thống Nhất, báo Giải Phóng, báo Đại Đoàn Kết, Phó tổng biên tập tạp chí Văn. Ông cùng nhà văn Thanh Giang thành lập Trại sáng tác trực thuộc Hội Nhà văn TP.HCM. Tác phẩm: bút ký, truyện ngắn: Sao mai gần gũi, Thị trấn giữa rừng Sác, Bầu trời thềm lục địa, Câu chuyện một chiều thứ bảy, Ai vượt Cửu Long Giang, Ai tri âm đó...; tiểu thuyết: Dòng sữa, Cầu sáng, Đất mới vỡ, Một thời dang dở, Thời áo trắng...; kịch bản phim: Giữa hai làn nước.
Tôi quen anh Trần Thanh Giao sau năm 1975 khi anh còn là phóng viên báo Giải Phóng, báo Đại Đoàn Kết. Dạo đó tôi thường leo lên tầng lầu thượng chung cư đường Đồng Khởi, khu trung tâm quận 1, nhậu lai rai cùng các bạn Nguyễn Hồ, Trần Thanh Phương. Biết Trần Thanh Giao từng phụ trách chuyên san về người thợ nên khi Xưởng phim Tổng Hợp (nay là Hãng phim Giải Phóng) tổ chức Trại sáng tác kịch bản phim lần đầu tiên ở miền Nam tại thành phố Long Xuyên, chúng tôi mời anh tham gia cùng các nhà văn nổi tiếng như Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Mai Văn Tạo, Nguyễn Trọng Tín... Dáng không cao to nhưng Trần Thanh Giao thích đi xe gắn máy phân khối lớn, thích thể thao, thích leo núi và tắm biển; một người ham chuộng thể dục thể thao, luôn tự hào về sức dẻo dai, bền bỉ, thích bôn ba. Kết quả, kịch bản phim truyện Giữa hai làn nước của Trần Thanh Giao đã ra đời - với chủ đề sự chọn lựa của giới trí thức Sài Gòn giữa đi và ở lại phục vụ đất nước Việt Nam - cùng với nhiều truyện phim khác được chọn đưa vào làm phim.
Năm đó, đạo diễn Hồng Sến vừa đi tu nghiệp khóa đạo diễn phim truyện ở Bulgaria mới về, đăng ký làm đạo diễn phim theo kịch bản Giữa hai làn nước của Trần Thanh Giao. Trong khi đó đạo diễn Vũ Sơn đã nhận làm đạo diễn kịch bản Mùa gió chướng của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Thế nhưng sau đó đạo diễn Vũ Sơn mất đột ngột. Sống chung trong rừng, hiểu rõ vốn sống thực tế của anh Hồng Sến, với tư cách biên tập phim, tôi gởi kịch bản Mùa gió chướng cho anh Hồng Sến đọc, đồng thời đề nghị Hồng Sến làm đạo diễn phim Mùa gió chướng. Bởi lẽ Hồng Sến chưa có vốn sống thực tế về Sài Gòn xưa. Thế là kịch bản phim Giữa hai làn nước của anh Trần Thanh Giao được chuyển cho đạo diễn Bùi Sơn Duân thực hiện. Bộ phim Giữa hai làn nước nhận được giải thưởng trong Liên hoan phim Việt Nam thập niên 1980. Nhờ vậy mà thời gian sau tôi khá thân quen anh Trần Thanh Giao, thi thoảng anh gọi điện thoại thân tình rủ tôi tham dự Trại sáng tác của Hội Nhà văn TP.HCM.
Những ngày ấy nhà văn Trần Thanh Giao tâm sự với tôi rằng có lẽ chúng tôi nên hợp soạn, viết chung kịch bản phim về biên niên sử vùng đất quê hương anh. Chúng tôi xuất thân từ nhà báo (anh viết báo chữ, tôi ghi báo hình) - những người năng động, xông xáo, thích bôn ba đó đây. Riêng anh Trần Thanh Giao còn xông xáo từ Nam ra Bắc, ưa đến vùng sâu vùng xa hẻo lánh và các hải đảo xa. Anh viết nhanh, vốn sống nhiều, mỗi khi có mặt nơi nào là ngay sau đó anh có những bài bút ký đăng rải rác các báo đài cả nước. Theo tôi, sở trường của nhà văn Trần Thanh Giao giống như nhà văn Mai Văn Tạo là người chuyên viết bút ký, tuy anh cũng có nhiều tiểu thuyết đã xuất bản. Trong những cuộc hội thảo văn học nghệ thuật anh thường đăng đàn phát biểu ý kiến về nghề. Anh Trần Thanh Giao vốn thẳng tính, không ngại va chạm, thích xông pha trên con đường anh đi từ thời làm báo Kèn Gọi Lính. Có thể khẳng định Trần Thanh Giao là nhà văn yêu nước, yêu tổ quốc. Với anh, điều cốt yếu quan trọng của tác phẩm không chỉ ở tính nghệ thuật cao mà cần có thêm tính tư tưởng cao. Anh thường nói: “Một nhà văn lớn khi trái tim, tâm hồn họ có tư tưởng lớn”.
Tỉnh Cần Thơ là thủ phủ miền Tây Nam bộ với tên gọi Tây Đô. Thời tôi còn trẻ, phải thuê nhà trọ ở ngoại ô Cái Khế - Ô Môn, sinh quán nhà văn Trần Thanh Giao, dự thi lấy bằng Trung học đệ nhất cấp (bằng tốt nghiệp lớp 10 thời nay). Dạo đó các chuyến xe đò từ Sài Gòn về Lục tỉnh, Long Xuyên - An Giang phải qua phà Cần Thơ, qua thị trấn Ô Môn. Tôi từng về quê hương anh làm đạo diễn nhiều bộ phim như Nàng Hương, Khoảng vượt (kịch bản Lê Điệp), Người không nhận chức... Nhà văn Trần Thanh Giao là em ông Trần Bửu Kiếm mà tôi quen từ trong rừng miền Đông, nên khi gặp nhau trong các trại sáng tác, chúng tôi thường tâm sự, hàn huyên chuyện xưa và nay với những ấp ủ, dự định sáng tác mới về vùng đất có quá nhiều kỳ tích này. Nhớ hôm gặp anh tại Đại hội Hội Nhà văn TP.HCM vào tháng 6-2015, tôi kể anh nghe tôi đang viết kịch bản phim nhiều tập về quê hương anh và hẹn gặp anh hỏi chuyện xưa nay đất Cần Thơ. Nhà văn Trần Thanh Giao háo hức nhận lời. Nào ngờ anh đã vội đi xa...