HV101 - Thơ chữ Hán Nguyễn Du (tiếp theo và hết)

Ta hãy xét qua chủ nghĩa nhân văn của Nguyễn Du trong thơ chữ Hán. Từ chỗ nhìn cuộc đời thấy nó tàn lụi, buồn chán, vô nghĩa, chỉ còn cách đi ở ẩn là trong sạch; dần dần, do lịch duyệt cuộc đời, do sách vở, nhất là do Đỗ Phủ, Nguyễn Du đã nhìn đời một cách khác. Đó là một bước chuyển biến lớn. Lúc này Nguyễn Du vẫn buồn đau - thơ ca luôn luôn nhạy cảm với nỗi đau khổ của con người, huống nữa thời đại Nguyễn Du là một thời đại bi kịch. Nhưng cái nhìn ấy, so với trước, đã mạnh khỏe hơn và chứa đầy những ý tưởng lớn. Long Thành cầm giả ca là một bài thơ tiêu biểu cho một loạt bài về số phận bi kịch của người phụ nữ. Nó được viết trên một câu chuyện có thực, theo truyền thống Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị. Nhưng nó khác với Tỳ bà hành. Người phụ nữ gảy đàn trong Tỳ bà hành già đi theo năm tháng, rồi bị chồng ruồng rẫy, cuộc đời lận đận. Bạch Cư Dị gặp nàng trong lúc mình bị giáng chức, khóc rất nhiều. Những giọt nước mắt của Bạch Cư Dị nghìn năm sau còn làm người ta cảm thương, và chủ đề “kỹ nữ” đã trở thành một chủ đề của mọi thời đại. Nguyễn Du chắc chắn là đã tiếp nhận tiếng vang của những rung cảm lớn đó trong Tỳ bà hành, nhưng Nguyễn Du đã đem lại cho Long Thành cầm giả ca một âm điệu khác. Số phận của người đánh đàn được Nguyễn Du đặt vào trong những biến động mãnh liệt của thời đại. Tây Sơn nổi lên ghê gớm như thế, hào hùng, hào hoa như thế, cuối cùng tiêu vong, và nàng Cầm là cái nhân chứng duy nhất của triều đại ấy còn sót lại:

Tây Sơn cơ nghiệp tận tiêu vong,

Ca vũ không di nhất nhân tại.

Trăm năm chớp mắt! Một nỗi buồn thật lớn và thấm thía. Nguyễn đã già, người giai nhân có tiếng đàn kỳ diệu bậc nhất kinh thành cũng đã già, đã tiều tụy, vàng võ. Cảm hứng nhân đạo chủ nghĩa của Nguyễn Du không phải chỉ là cảm hứng về một số phận riêng biệt, nó đồng thời cũng là cảm hứng về thời đại, về nhân loại.

Người ta nói Nguyễn Du trân trọng người phụ nữ. Đó là nét nổi trội của chủ nghĩa nhân đạo của mọi thời, từ Đông sang Tây, từ Phục hưng đến thế kỷ XIX. Nguyễn Du cảm thương vô hạn trước những số phận phụ nữ. Chưa có ai đã viết hay về những Tiểu Thanh, Dương phi, người ca kỹ Long Thành... như Nguyễn Du. Chưa có ai nói mình là người cùng hội cùng thuyền với nỗi oan của Tiểu Thanh... như Nguyễn. Những mạch nguồn nhân đạo ấy đã tích tụ lại và đã thành Kiều, đại dương mênh mông của chủ nghĩa nhân đạo. Nàng Kiều dù trong nhơ đục vẫn trong trắng, vẫn vươn lên trên kiếp người của mình, đứng cao hơn nó, và có lúc Nguyễn Du đã đi tới đầu mút của chủ nghĩa nhân đạo: “Đục trong thân cũng là thân”. Cái quý nhất đối với con người là chính bản thân con người vậy: “con người là thực thể cao nhất”, “con người là Thượng đế của bản thân con người”. Chủ nghĩa nhân đạo trong chủ nghĩa hiện thực đó đã được thể hiện trong nhiều kiệt tác khác như Thái Bình mại ca giả, Sở kiến hành, Trở binh hành... Ta bắt gặp trong các bài thơ ấy một chủ nghĩa nhân đạo làm rạng sáng toàn bộ nền văn học Việt Nam.

Thơ chữ Hán Nguyễn Du là đỉnh cao của thơ chữ Hán Việt Nam trong mười thế kỷ. Đó là một nguồn phong phú để ta tìm hiểu một vấn đề đặc thù: vấn đề thi pháp thơ chữ Hán Việt Nam. Đây là vấn đề khó trong khi khảo sát về thơ chữ Hán. Làm thơ chữ Hán, ông cha ta về cơ bản tuân thủ nghiêm ngặt những quy ước của thơ luật Đường Trung Hoa. Thơ Đường là một trong những đỉnh cao, nếu không nói là đỉnh cao nhất của thơ ca nhân loại. Truyền thống thơ ca từ Kinh Thi, Sở từ, Hán Ngụy, Lục triều đã dồn chảy về thời Đường và bắt gặp ở đó những nhân tố thuận lợi cho sự phát triển ngàn năm có một: về kinh tế, về văn hóa, về triết học, Thiền tông. Thơ Đường xuất hiện trên cơ sở đó, đã trở thành một mẫu mực, vượt qua thời gian, sống mãi cùng với nhân loại. Các thi pháp có thể đổi thay, nhưng con người với những khát vọng, đau khổ, suy tư... của nó còn mãi, và chừng nào còn con người, thơ vẫn làm con người xúc động.

Nói về thi pháp thơ chữ Hán Nguyễn Du, chúng ta có thể nói về ý thú, về thanh vận, về các phong cách (theo nghĩa hẹp), về cách luật (khởi, thừa, chuyển, hợp...), về đối ngẫu, cú pháp, tự pháp... Tất cả những cái đó là những phương diện quan trọng của thi pháp theo nghĩa cổ điển, và sự khảo sát nó một cách tỉ mỉ sẽ đưa lại những phát hiện thú vị. Ở đây, chúng tôi chỉ xin phác họa một vài nét của thi pháp hiểu theo nghĩa những phương diện hình thức mang một ý niệm nghệ thuật, một quan niệm về cuộc sống.

Chữ Hán là một thứ chữ tạo hình, bản thân nó mang những ký hiệu tượng trưng gợi nghĩa, bài thơ là một không gian mang tính hội họa, tính ấn tượng và gợi mở về thế giới hiện thực - cảm xúc. Cấu trúc thơ Đường nặng về đối xứng, tạo sự hài hòa, cân đối - thể hiện khát vọng của thời đại đi tìm sự hài hòa với vũ trụ, với cái Nhất như. Nhưng đằng sau sự hài hòa cân đối của cấu trúc bên ngoài đó, một cấu trúc chiều sâu tiềm ẩn lại thể hiện sự đối nghịch, đặc trưng vĩnh cửu của nghệ thuật và chính sự đối nghịch này mới làm nên đặc sắc nghệ thuật của Đường thi. Thơ chữ Hán Nguyễn Du không đi ra ngoài đường biên đó. Ông đã tìm đến những đối nghịch, những “nghịch phách” hiệu quả nhất:

- Cộng tiễn thi danh sư bách thế,

Độc bi dị vực ký cô phần.

- Kiến thuyết giá nhân dĩ tam tử,

Khả liên do trước khứ thời y.

- Yên chi bất tẩy sinh tiền chướng,

Phong nguyệt không lưu tử hậu danh.

- Tương thức mỹ nhân khan bão tử,

Đồng du hiệp thiếu tẫn thành ông.

- Tự thị cử triều không lập trượng,

Uổng giao thiên cổ tội khuynh thành.

- Trắc thân bất xuất hữu hình ngoại,

Thiên tuế trường ưu vị tử tiền...

Hàng trăm câu như thế, hàng trăm đối nghịch tài hoa mà sâu sắc như thế, làm nên tư tưởng nghệ thuật, làm nên thế giới nghệ thuật của Nguyễn Du, một thế giới tràn ngập những suy tư bạc tóc về nhân thế. Để đi đến những khái quát rạng rỡ, thuần thục như trên, Nguyễn Du đã trải qua một quãng đường rèn luyện, dù ông là người “nhất thế tài hoa”. Dù ngày xưa chữ Hán thấm vào cốt tủy các cụ, nó vẫn là một thứ chữ ngoại lai, vì vậy bước đầu làm thơ phải theo các khuôn mẫu đúc sẵn. Đi thi ngày xưa phải thuộc lòng ít nhất “thi thiên, phú bách, văn sách ngũ thập” (nghìn bài thơ, trăm bài phú, năm mươi bài văn sách (của trường thi)). Đối với bậc đại gia như Nguyễn Du, chuyện thuộc lòng như thế là chuyện của thời tóc còn để trái đào. Nguyễn Du tài hoa rất mực, và rất có bản lĩnh. Nguyễn Du không như các cụ khác gò gọt làm thơ cả khi không có hứng, khi không có gì để gởi gắm. Nhưng ta có thể nhận thấy rằng, trong bước đầu làm thơ chữ Hán - lúc ấy Nguyễn Du chừng gần hai mươi, Người vẫn phải theo khuôn thước cổ nhân. Lúc đó, Nguyễn Du chưa thể đạt tới cái bình đạm và nồng hậu, giản dị mà hàm súc, từ thiển mà ý thâm, lời hết mà ý vô cùng... như sau này lúc đã nếm đủ vị đời. Như một cậu học trò đang hướng theo các vị thầy lớn, Nguyễn Du lúc ấy còn tỏ ra thích thú kiểu cú pháp đảo trang hiểm hóc, kỳ lạ, kiểu như câu:

Mục túc thu kiêu kim lặc mã,

Bồ đào xuân túy ngọc lâu nhân.

(Đại nhân hý bút)

Cách đặt câu như thế không phải là không thú vị. Nó cũng có cái đẹp của cú pháp thơ chữ Hán mà ở đó mỗi chữ là một ký hiệu tự do bất cần cú pháp thông thường vẫn tạo cú và tạo nghĩa. Đó là kiểu chơi chữ của đại thi hào Đỗ Phủ mà câu sau đây nghìn sau vẫn lấy làm mẫu mực:

Hương đạo trác dư anh vũ lạp,

Bích ngô thê lão phượng hoàng chi.

Lúc này Nguyễn Du mới đến với Đỗ Phủ ở cái phần hình thức của “bậc thầy thơ nghìn đời”, người muốn làm cho từ ngữ của mình phải làm cho mọi người kinh động (“Ngữ bất kinh nhân tử bất hưu”). Nhưng càng về sau, Đỗ Phủ càng biết rõ muốn làm “kinh nhân”, cần phải làm cho từ ngữ cân đo được cuộc đời, xúc động được lòng người.

Hai câu thơ sau đây của Nguyễn Du, đứng về phương diện cổ văn, thì là cực hay, các cụ xưa đọc đến có lẽ cứ phải khuyên son liên tiếp:

Đoản soa ngư chẩm cô chu nguyệt,

Trường địch đồng xuy cổ kính phong

(Hoàng Mai kiều vãn diểu)

hay:

Cổ độ tà dương khan ẩm mã,

Hoang giao tĩnh dạ loạn phi huỳnh.

(Vị Hoàng doanh)

Nhưng cầu kỳ biết bao và cũng ước lệ biết bao! Về mặt chơi chữ chơi câu, hay thì có hay, thú thì có thú, nhưng nếu chỉ viết những câu như thế thôi, đâu có thành Nguyễn Du được. Vượt qua thời làm học trò giỏi, Nguyễn Du đã nhanh chóng đạt đến sự thành thục sâu sắc trong việc viết những câu thơ chữ Hán của chính mình. Vì vậy, thơ Nguyễn Du vẫn tuân thủ luật Đường, vẫn mang tất cả những đặc điểm của thơ Đường như sự tiết kiệm tối đa các phương tiện biểu đạt nhưng lại tạo ra một trường liên tưởng đầy đủ (sự tĩnh lược đại danh từ, giới từ, trạng từ, những từ so sánh và động từ... và sự vận dụng những điệu, vần, đối vị, điệu thức và hiệu quả âm nhạc...) nhưng mặt khác Nguyễn Du cũng không giống bất cứ một nhà thơ đời Đường nào khác, kể cả bậc thầy Đỗ Phủ. Có lẽ đó là nhờ Nguyễn Du đã biết rằng “linh văn bất tại ngôn ngữ khoa” (văn thiêng không phải ở ngôn ngữ); cần hướng tới “không lời” (vô ngôn) mầu nhiệm, tức là hướng tới chính bản ngã của mình và bản thể vũ trụ…

(Trích từ "Lời nói đầu", Nguyễn Du toàn tập, tập II, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, NXB Văn Học, 2015)

MAI QUỐC LIÊN