HV102 - Nói chuyện với người đã khuất

LTS: Giáo sư Lý Chánh Trung là một nhân sĩ trí thức yêu nước từng du học ở Bỉ với hai bằng cử nhân Tâm lý học và Chính trị học trong những năm 50 của thế kỷ trước. Trước giải phóng, ông từng là Đổng lý văn phòng Bộ Giáo dục, giáo sư triết học ở các trường đại học, và viết rất nhiều bài báo chính luận sắc bén đăng trên các tờ báo đối lập như Tin Sáng, Đất Nước, Đối Diện… Sau năm 1975, ông là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Hồ Chí Minh và đại biểu Quốc hội ba khóa VI, VII, VIII.

Rạng sáng ngày 13-3-2016 ông đã qua đời tại nhà riêng ở TP.Hồ Chí Minh, hưởng thọ 89 tuổi. Chúng tôi xin trích bài viết của giáo sư Lý Chánh Trung đăng trên tạp chí Đất Nước số 14, tháng 10-1969 (số đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh - xuất bản tại Sài Gòn). Đây là một bài viết có tác động rất lớn đối với nhân sĩ, trí thức và đồng bào miền Nam trong thời điểm lúc bấy giờ.

“...Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chánh Pháp, Hoàng đế Bảo Ðại tuyên bố Việt Nam độc lập, Chánh phủ Trần Trọng Kim ra đời. Cái hậu quả duy nhứt của những biến cố trọng đại ấy, đối với tôi, là được rời bỏ trường Thiên Hựu ở Huế, quảy hòm xiểng về quê với cái viễn tượng thích thú của một mùa bãi trường bất tận. Ở tỉnh Trà Vinh nhỏ bé hiền lành của tôi, điều thay đổi duy nhứt sau ngày độc lập, là có một ông Tỉnh trưởng An-nam ngự trong dinh ông Chánh Tây, một ông Cò An-nam ngồi ở bót ông Cò Tây, và lá cờ vàng quẻ ly đã thay cờ tam sắc tại hai nơi đó. Ông Tỉnh vẫn ở rút trong dinh như ông Chánh Tây, ông Cò vẫn đi rảo chợ hằng ngày như ông Cò Tây, có điều người ta ít ngán mấy ổng hơn mấy ông Tây, cho nên phố xá chợ búa không còn sạch sẽ ngăn nắp như xưa. Ngoài ra, cuộc sống vẫn quay đều: nhà nghèo tiếp tục làm ăn, nhà giàu tiếp tục ăn chơi và học sinh chúng tôi tiếp tục những thú vui triền miên của mùa bãi trường. Chúng tôi cũng hiểu lờ mờ rằng đất nước đang chuyển mình sang một giai đoạn mới và nhiều biến cố quan trọng đang xảy ra. Nhưng đó là việc của người lớn, của mấy ông lớn, chẳng có liên hệ gì đến đám con nít chúng tôi. Vả chăng, không ai thèm nói gì với chúng tôi, không ai chịu khó bảo chúng tôi phải làm gì. Tôi còn nhớ một buổi sáng, đi chơi ngang qua chợ, thấy lính tráng rộn rịp, cờ xí phất phơ, bèn tò mò đứng lại xem: một cái bàn thờ lớn khói hương nghi ngút được đặt trước cửa chợ, trên một giàn cao; phía dưới ngài Tỉnh trưởng, các quan cùng “thân hào nhân sĩ”, khăn đóng áo dài chỉnh tề, đang xì xụp lạy giữa tiếng chuông trống lùng tùng xà. Khều chú lính đứng gác, mới hay mấy ông đang làm lễ trước “bàn thờ Tổ quốc”! Mấy bà già đi chợ, vì không dám hỏi lính, nên xầm xì bàn tán với nhau, bà thì cho là mấy ông tế Trời, bà thì nói là tống gió theo kiểu mới. Lạy xong, các quan ra về mà không nói gì với ai, vì hình như chẳng có ai được mời đến dự lễ! Tôi có cảm tưởng Tổ quốc là của riêng họ, không phải của dân, càng không phải của con nít. Cuộc đổi mới chỉ bắt đầu với sự thành lập Thanh niên Tiền phong. Lần đầu tiên có một số người lớn kêu gọi đến chúng tôi, và không cần biết họ là ai, cũng không ai bảo ai, chúng tôi đã ùn ùn đáp lại. Chẳng có ai thật sự đứng ra tổ chức nhưng chỉ một sớm một chiều, cờ xí biểu ngữ phù hiệu, tầm vông vạt nhọn đã sẵn sàng, hàng ngàn thanh niên tản mác đã biến thành đội ngũ, tập luyện, canh gác, tuần hành, truyền bá quốc ngữ... Lần đầu tiên, chúng tôi cảm thấy có một trách nhiệm đối với cái tỉnh nhỏ bé này và xa hơn, đối với đất nước. Nhưng Thanh niên Tiền phong không do mấy ông lớn nói trên lập ra. Chính trong giai đoạn thức tỉnh đó, chúng tôi nghe nói tới một tổ chức gọi là “Việt Minh” được phe Ðồng Minh ủng hộ và một nhà Cách mạng tên Nguyễn Ái Quốc, đã bôn ba mấy chục năm qua để tranh đấu cho nước Việt Nam độc lập. Việt Minh chưa có gì hấp dẫn, nhưng Nguyễn Ái Quốc thì thật là hấp dẫn. Chỉ cái tên thôi cũng đã đưa chúng tôi trở về nguồn cội, đã làm bừng sáng cả một chân trời. Rồi Cách mạng tháng 8 bùng nổ. Trong một đêm, tất cả đều thay đổi: ngọn cờ đỏ thay ngọn cờ vàng, ông Tỉnh trưởng nhường chỗ cho một Ủy ban Hành chánh do một sinh viên trường Thuốc làm Chủ tịch, chúng tôi biến thành Thanh niên Cứu quốc và lần đầu tiên, tên tuổi và hình ảnh Hồ Chí Minh xuất hiện. Không đứa nào trong chúng tôi biết Cụ là ai, nhưng mọi người đều nghĩ Cụ chỉ có thể là Nguyễn Ái Quốc. Cũng không đứa nào biết Nguyễn Ái Quốc là ai, nhưng mọi người đều nghĩ “Ái Quốc” chỉ có thể là yêu nước. Và chúng tôi đã chấp nhận Cụ tức khắc, không phải vì bộ máy tuyên truyền lúc ấy còn rất thô sơ, mà bởi vì chúng tôi đang khao khát sự đổi mới, khao khát một cách lờ mờ nhưng dữ dội, mà Cụ là hiện thân của sự đổi mới; bởi vì chúng tôi đang tìm thần tượng, mà Cụ hiện ra như bức tượng đúng với những kích thước mà chúng tôi mơ ước; bởi vì chúng tôi đang cần lãnh tụ mà ngay từ lúc ấy, ngay trong bức chân dung đầu tiên, những lời nói và hành động đầu tiên, Cụ đã vượt xa những người có thể làm lãnh tụ. Và quả thật Cụ đã đem lại sự đổi mới. Từ Cách mạng tháng 8 cho đến khi quân Pháp tái chiếm thị xã Trà Vinh, chỉ vỏn vẹn có ba tháng, ba tháng thật đẹp và thật đầy. Mọi sự đã biến đổi thật nhanh, từ cách xưng hô, đối xử giữa người với người, đến nếp sống và ý thức của từng người. Ðồng lứa với nhau thì tất cả là anh chị, lớn hơn là chú bác cô dì, nhỏ hơn là em cháu; mấy chữ “quan, ông, thầy, thằng” đột nhiên biến mất trong ngữ vựng, tỉnh tôi biến thành một gia đình lớn. Các quan lục tục kéo nhau về vườn, vài người ở lại làm việc với Chánh quyền cách mạng, mấy ông nhà giàu hết ăn chơi, dân nghèo vẫn làm ăn nhưng không còn bị khinh bỉ. Cán bộ thì ít, công việc thì nhiều, nhưng mọi người đều “xung phong” kể cả mấy ông nhà giàu, ai biết cái gì làm cái nấy, sáng kiến nẩy nở như hoa mùa xuân, và tất cả các cố gắng đều dồn về một mục tiêu: chuẩn bị cuộc kháng chiến. Lúc đó chưa có phân biệt người Việt này với người Việt nọ, chỉ có những người Việt Nam vừa bừng tỉnh sau một giấc mơ dài, mở mắt nhìn nhau và cùng nhìn đến tương lai, một tương lai còn nhiều giông tố nhưng chắc chắn sẽ huy hoàng. Tất cả còn trinh nguyên, vẹn sạch, trong suốt, như thuở càn khôn mới dựng lên, như ngày tình yêu vừa chớm nở. Tôi đã tận hưởng những ngày hội lớn của dân tộc: tận hưởng những buổi mít tinh tuần hành vĩ đại, những bước chân rầm rập, những tiếng “một hai”, những bài hát Lên đàng vang lên từ sáng sớm, những công tác thâu đêm, những trách nhiệm mà người lớn dám giao cho con nít chúng tôi; tận hưởng cái cảm giác thật say sưa: chúng tôi là một và đất nước nầy là của chúng tôi, một đất nước trải dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Tất nhiên, mọi sự đã không lý tưởng như vậy, nhưng đối với riêng tôi và trong lúc ấy, đó là những ngày đẹp nhất mà tôi đã sống và vì thế, sẽ mãi mãi không quên. Có lẽ những gì tôi làm, những gì tôi nghĩ và viết bây giờ đã bắt nguồn từ những ngày ấy. Mà những ngày ấy đã trải qua dưới bức chân dung của Cụ Hồ, trên đó viết: “Hồ Chí Minh, anh hùng dân tộc”. Lần đầu tiên tôi nghe nói tới hai chữ dân tộc, ý thức cái thực tại dân tộc như một tình thương bao la đùm bọc mọi người Việt Nam, như một ý chí bất khuất chống bọn cướp nước, đó là dưới hình ảnh Cụ Hồ chứ không của ai khác, lịch sử đã định như vậy. Cho nên tôi sẽ không bao giờ quên vừng trán cao, đôi mắt sáng, cặp má hóp, chòm râu thưa, bộ đồ kaki bạc màu và đôi săng-đan cũ kỹ, không bao giờ quên hình ảnh Cụ Hồ…

… Trong một bài báo viết năm 1968, Linh mục Trương Bá Cần đã giải đáp rõ ràng câu hỏi: “Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm một giải pháp cho quê hương, nhưng không còn giải pháp nào khác ngoài giải pháp Ðệ tam Quốc tế. Chúng ta đã thấy sự tin tưởng của Phan Bội Châu và các đồng chí ở sự giúp đỡ của Trung Hoa và Nhật Bản bị phản bội.

Ở Âu châu, không một quốc gia, không một đảng phái nào có chủ trương chống thực dân, ngoài Nga sô và Cộng sản Ðệ tam Quốc tế. Vì thế mà ở Ðại hội của đảng Xã hội Pháp năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu cho việc sát nhập đảng Xã hội Pháp vào Ðệ tam Quốc tế... Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn Mác Lênin bởi vì không còn một sự lựa chọn nào khác”. Chính Cụ Hồ đã giải thích vì sao Nguyễn Ái Quốc đã trở thành Cộng sản, trong một bài báo đăng trên tờ L’Echo du Vietnam năm 1960: “Liền sau thế chiến thứ nhứt, tôi làm công tại Paris cho một xưởng đồ cổ Trung Hoa. Hồi đó, tôi thường phát truyền đơn tố cáo tội ác của thực dân. Tôi ủng hộ Cách mạng tháng 10 chỉ vì thiện cảm tự nhiên. Tôi thích và kính Lênin chỉ vì ông là một người yêu nước đã giải phóng quê hương. Cho tới lúc đó tôi chưa đọc một tác phẩm nào của ông. Tôi đã gia nhập đảng Xã hội Pháp chỉ vì “các ông các bà” ấy đã tỏ rõ thiện cảm với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức. Tôi chưa hiểu rõ thế nào là đảng phái, là nghiệp đoàn, là xã hội chủ nghĩa, là cộng sản chủ nghĩa. Hồi đó trong các phân bộ của Ðảng Xã hội, người ta thảo luận quyết liệt để biết nên tiếp tục Ðệ nhị Quốc tế hay lập một thứ Quốc tế ở giữa Ðệ nhị và Ðệ tam, hoặc gia nhập Ðệ tam Quốc tế của Lênin. Tôi tham dự đều đặn các buổi họp đó hai ba lần trong một tuần. Tôi chăm chỉ nghe tất cả những lời phát biểu ấy. Lúc đầu tôi không hiểu gì về nội dung của nó. Tôi không hiểu tại sao phải tranh luận quyết liệt như thế... Vấn đề mà tôi nóng lòng muốn biết, mà người ta không bàn tới, là: Quốc tế nào là Quốc tế ủng hộ cuộc tranh đấu của các dân tộc bị áp bức? Trong một phiên họp, tôi đã đặt vấn đề quan trọng hơn cả đối với tôi đó, một vài đồng chí trả lời: đó là Ðệ tam Quốc tế chứ không phải Ðệ nhị Quốc tế!”. Nguyễn Ái Quốc đã trở thành Cộng sản chỉ vì, vào cái thời vàng son của chủ nghĩa thực dân, khi các cường quốc Tây phương còn có thể công khai mang quân đi cướp nước người và chia năm xẻ bảy thế giới này theo ý họ muốn, chỉ có Ðệ tam Quốc tế là đã chủ trương giải phóng các dân tộc bị áp bức như một chặng đường cần thiết trong cuộc giải phóng toàn thể loài người. Chủ trương ấy có thành thật hay không, đó là một vấn đề khác: thực tế là lúc ấy, họ đã đơn độc chủ trương như vậy, họ đã đơn độc tố cáo những tội ác của thực dân và Nguyễn Ái Quốc đã chọn họ. Ðiều chua xót, đối với tôi, là Nguyễn Ái Quốc đã trở thành cộng sản không phải tại Liên Xô mà tại nước Pháp, “con đầu lòng” của Giáo hội Công giáo, giáo hội của tôi. Mà giáo hội của tôi cũng là một thứ “Quốc tế”, còn mạnh gấp mười lần cái Quốc tế vừa mới khai sanh của Lênin, cũng có sứ mạng giải phóng toàn thể loài người bằng cách gieo rắc tình yêu Thiên Chúa như chất hồ để xây tình nhân loại. Tôi thường tưởng tượng cuộc đời cô độc, bấp bênh, chật vật của một thanh niên Việt Nam như Nguyễn Ái Quốc tại Paris, cuộc đời mà chính tôi cũng đã kinh nghiệm ít nhiều dầu là trong những điều kiện tốt đẹp hơn. Và tôi thường tự hỏi: tại sao không có một người Công giáo Pháp nào đã đến tiếp xúc với người anh em xa lạ và cô đơn ấy, mà chỉ có những người Mác-xít? Nhưng một người Công giáo Pháp lúc ấy có thể nói cái gì với một thanh niên nhiệt thành yêu nước đang tìm cách đánh đuổi thực dân, khi chính Giáo hội đã công khai ban phép lành cho chế độ thực dân? Cho nên điều chua xót là Giáo hội của tôi, lúc ấy, không thể nói gì với Nguyễn Ái Quốc, không thể nói gì với các lãnh tụ tương lai khác của Châu Á như Chu Ân Lai, Nehru khi những người ấy đang tìm một con đường dưới bóng những lầu chuông cổ kính của Giáo hội. Giáo hội không thể nói gì với các dân tộc bị áp bức đang khao khát được giải phóng, với những tầng lớp bị bóc lột đang đòi hỏi sự công bằng, bởi vì Giáo hội của tôi, lúc ấy, chỉ còn là Giáo hội của những nước giàu và của những người giàu. Suốt mấy thế kỷ Chúa Giê-su đã bị đóng đinh nơi các dân tộc da đỏ, da đen, da vàng, nơi các tầng lớp nông dân thợ thuyền đói rách: họ chính là Chúa Giê-su trên cây thập giá đó, nhưng dưới chân thập giá, không có mặt Giáo hội hay đúng hơn nữa, Giáo hội đã chúc lành cho bọn quân dữ đang canh gác dưới chân Thập giá. Giáo hội đã vắng mặt vào giờ giải phóng dân nghèo bởi vì, lúc ấy, Giáo hội đã bị kẻ giàu cướp đoạt làm của riêng họ. Cho nên tôi không tiếc mà cũng không trách Cụ Hồ đã chọn con đường Cộng sản. Tôi chỉ khâm phục Cụ đã trung thành tuyệt đối với sự lựa chọn của mình. Và tôi có thể noi gương Cụ để đi tận cùng con đường của tôi, con đường mà tôi đã chọn trước lương tâm tôi, như Cụ đã làm 50 năm trước. Trong hoàn cảnh hiện tại của thế giới và của đất nước, tôi tin rằng chỉ còn một con đường để dân tộc Việt Nam tồn tại và phát triển, đó là con đường hòa giải: hòa giải các thành phần đối nghịch của dân tộc, chấp nhận cuộc sống chung lâu dài của các thành phần ấy trong khuôn khổ một nước Việt Nam thống nhứt nhưng đa dạng, cách mạng mà vẫn tôn trọng các quyền tự do căn bản của con người. Ðối với tôi, đó là con đường duy nhứt tôi có thể chọn mà không hỗ thẹn với lương tâm, mà không phản bội những gì tôi yêu quí nhứt, trong đó có những ngày hạnh phúc ngắn ngủi mà tôi được sống dưới bức chân dung Cụ. Vì không quên được những ngày ấy, không quên được cái hình ảnh tuyệt vời của dân tộc mà tôi đã cảm nhận từ những ngày ấy, tôi muốn cho con cái tôi, con cái của tất cả những người Việt Nam được sống những ngày tương tự, nhưng lâu bền hơn. Thống nhất về mặt pháp lý chưa phải là hiệp nhất trong tình nghĩa đồng bào. Giả thử có một phe toàn thắng trong cuộc chiến tranh này thì cũng không thể tiêu diệt hết phe bên kia, do đó vẫn phải hòa giải nếu muốn hiệp nhất thật sự dân tộc. Năm 1946, tôi có viết cho riêng tôi một bài bằng tiếng Pháp trong đó tôi so sánh Cụ Hồ với Moise, người đã giải thoát dân Do Thái khỏi kiếp nô lệ trên đất Ai Cập và đã dẫn dắt họ trong cuộc hành trình gian khổ vượt qua sa mạc, tiến về đất hứa Canaan. Tôi xin trích dịch lại đây vài đoạn, như một tràng hoa mà trong tuổi trinh nguyên mười tám, trong những giờ phút trinh nguyên của mùa kháng chiến, tôi đã kết sẵn cho người đã khuất: “Khi tên của Cụ được công bố và hình ảnh của Cụ được phát hành, người ta đã nói với nhau, như do một bản năng nào đó: “Ðó là một vị anh hùng, đó là người của chúng ta”. Cụ có một vừng trán thật rộng, thật cao, một vừng trán mênh mông, đôi mắt sáng và một chùm râu lơ thơ. Không ai biết tiểu sử của Cụ, tên tuổi Cụ hoàn toàn xa lạ, Cụ cũng chẳng nói gì về Cụ. Nhưng chỉ nhìn đến hình ảnh Cụ, người ta theo. Và cả một dân tộc theo một người. Cụ đi trước một mình, cô đơn, lưng khòm dưới gánh nặng của trách nhiệm, dưới sức nặng của tuổi già. Cụ cảm thấy vùng đất hứa đã gần kề nhưng sức sống trong người Cụ đã tiêu hao... Và Cụ bâng khuâng tự nhủ: “Ước gì ta sống được tới ngày ấy”. Cụ đã không sống tới ngày ấy. Như Moise đã về với Chúa trước khi thấy vùng đất hứa, Cụ đã qua đời trước khi hoàn thành sự nghiệp, một sự nghiệp mà đáng lý Cụ phải được sống để hoàn thành. Tôi xót xa cảm thấy lịch sử đã không công bằng đối với Cụ, cũng như đối với Moise…”.

LÝ CHÁNH TRUNG