Nghệ sĩ Nhân dân Bảy Bá - soạn giả Viễn Châu tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21-10-1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Ông là con của cụ hương cả Huỳnh Văn Trạch vốn là người có kiến thức Nho học khá cao trong vùng.
Năm 10 tuổi ông đã học xong các sách Huấn mông, Tam tự kinh, Tam thiên tự, Minh tâm bửu giám. Năm 12 tuổi, ông vào chùa, cạo đầu thành chú tiểu và thọ giáo với sư Thiền Định và được học trọn bộ Ấu học tầm nguyên. Năm 16 tuổi được cha gởi qua Bến Tre theo học với một thầy thuốc Đông y. Ngoài học thuốc ông còn được thầy dạy cả Tứ thơ.
Trong một đời người, thành công trong một lãnh vực đã là khó vậy mà ông lại thành công song song cả hai lãnh vực, vừa là một danh cầm (được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân) vừa là một soạn giả nổi tiếng trong cả nước.
1. Với nghiệp đàn, ông đã tiếp xúc với một số nhạc cụ từ rất sớm. Đầu tiên là cây đàn kìm, ông tự tập đàn với cây đàn của người anh rể khi còn rất nhỏ, mỗi khi đàn ông phải để thùng đàn lên bàn chứ không ôm nổi vì nó quá khổ so với vóc dáng của ông.
Trong làng có anh Huỳnh Phú Cự - nhà giàu đúng như tên gọi của anh - và anh lại là bạn của người anh của ông có rước ông Hai Ngưu về nhà dạy đàn, nhưng anh Cự lại mê cờ bạc hơn mê đàn nên anh cho luôn cây đàn tranh và cả tiền thù lao của thầy Hai Ngưu cho anh Sáu. Vậy là anh Sáu học đàn với thầy còn ông núp ở ngoài nghe lóm, anh Sáu học được bản nào ông cũng thuộc làu bản đó.
Anh Sáu mua lại của người ta cây đàn guitar hiệu Harmonia và hai anh em lại mày mò nghe rồi học, tập đàn các bài bản từ các dĩa hát của các hãng Asia, Béka, Pathé qua tiếng đàn của các nhạc sĩ Ba Kéo, Ba Cậy… vậy mà mới 10 tuổi, ông đã biết chơi các nhạc cụ như: đàn kìm, guitar, violon và đặc biệt là đàn tranh rồi cùng với bạn bè và các bậc đàn anh, ông tham gia vào các cuộc đờn ca tài tử trong vùng. Nhờ trí thông minh và năng khiếu nên trình độ sử dụng các nhạc cụ ngày càng phát triển. Đến năm 19 tuổi, máu giang hồ, phiêu bạt nổi lên, ông một mình ôm cây đàn tranh xuống tàu âm thầm rời quê hương rồi quảy đàn bước lên bến Bạch Đằng giữa Sài thành phồn hoa đô hội.
Kỷ niệm đầu tiên của ông ở Sài Gòn thật đáng buồn mà cũng đáng nhớ. Sau mấy tháng ăn nhờ ở đậu tại nhà của một người đồng hương, chưa có việc làm, ông được nhạc sĩ Hai Thanh giới thiệu đi đờn giúp cho một gánh hát đang diễn trong một ngôi chợ nghèo nàn ở Giồng Ông Tố. Sau đêm diễn, không thấy ai trả tiền thù lao, cũng không ai hướng dẫn là sẽ ngủ ở đâu khi nghe tiếng đồng hồ trong nhà ai đó điểm 12 tiếng. Tiếng chuông đồng hồ lúc đó sao mà nghe buồn đến lạ lùng… Ông ôm đàn đi lang thang, thất thểu trên hè phố rồi bỗng gặp một anh đang giăng mùng chuẩn bị ngủ ngoài hàng ba của một cửa tiệm, có lẽ thấy ông có vẻ lạ nên gọi lại hỏi thăm. Ông thú thật là có nhận lời đi đờn “chầu” cho một gánh hát nhưng vãn hát rồi không được phát lương và vì không biết ngủ ở đâu nên có lẽ phải lang thang chờ sáng để kiếm xe về Sài Gòn. Anh này thấy ông có vẻ đói nên kêu cho một tô hủ tiếu giá 6 xu. Ăn xong ông trả ơn bằng cách đờn cho anh này nghe mấy câu vọng cổ rồi anh cho vô mùng ngủ chung cho tới khi có xe thổ mộ chạy ngang, ông lật đật ôm đàn lên xe mà quên hỏi tên người ơn của mình, vậy mà anh ấy còn nhét cho ông 1 đồng bạc giấy. Xe chạy vội nên cũng chẳng kịp nói một lời từ giã. Đồng bạc này ông giữ suốt đời không đụng tới mặc dù có lúc khó khăn gay gắt. Ông muốn giữ nó như một kỷ vật từ tấm lòng của một người có lòng thương người và đặc biệt là lòng yêu nghệ thuật, âm nhạc dân tộc.
Cũng trong năm 1943, ông gặp nghệ sĩ Jean Tịnh ở Đài phát thanh Radio Sài Gòn, ông ngỏ ý muốn tham gia vào chương trình cổ nhạc của đài, ông Tịnh nhận lời ngay và thế là lần đầu tiên ông được đờn chung với những nhạc sĩ tên tuổi như Hai Thanh, Chín Hòa… Đờn cho các danh ca như cô Ba Lắm, cô Tư Bé tức Kim Danh, cô Năm Cần Thơ… trình diễn. Nghiệp đàn của ông bắt đầu thay đổi từ sau câu giới thiệu của xướng ngôn viên Jean Tịnh trên đài:
“Đây là Đài Radio Sài Gòn. Mở đầu chương trình ca nhạc tài tử hôm nay, cô Kim Danh ca bài vọng cổ Khói tàu sóng nước. Nhạc sĩ Chín Hòa đờn kìm, nhạc sĩ Hai Thanh đờn cò, nhạc sĩ Bảy Bá đờn tranh”.
Sau đó ông nghe kể lại, mẹ và chị em của ông cùng bà con lối xóm đang cùng nghe chương trình cổ nhạc từ một chiếc radio của một nhà giàu trong xóm, bất ngờ khi nghe câu giới thiệu trên đây, tất cả đều rơi nước mắt. Từ đó, tên tuổi nhạc sĩ Bảy Bá đã bay xa và tiếp tục bay cao đến những năm cuối thập niên 50 và cả thập niên 60, ông được vinh danh trong bộ ba danh cầm của đất miền Nam là Năm Cơ (đờn kìm), Bảy Bá (đờn tranh) và Văn Vỹ (đờn guitar).
Đến năm 1988, ông được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, năm 2012, được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và năm 2014 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III.
2. Nghiệp văn chương. Thời trẻ, ngoài vốn Nho học khá căn cơ, ông thích tìm đọc thơ của Chế Lan Viên, Thế Lữ, Xuân Diệu, Phan Khắc Khoan, Huy Cận, Phạm Huy Thông, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Hàn Mặc Tử, Đông Hồ, Hồ Dzếnh, Trần Huyền Trân… Về văn, ông cũng say mê đọc các tác phẩm của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Lan Khai, Lê Văn Trương, Nam Cao, Ngô Tất Tố và đặc biệt là văn của Hồ Biểu Chánh rất bình dân lại mang đậm chất Nam bộ.
Ông tập tành làm thơ, viết văn và từ năm 1940 - 16 tuổi, ông đã có truyện ngắn đầu tay Chàng trẻ tuổi đăng ở nhật báo Dân Mới và bài thơ đầu tiên Thời mộng đăng trên tạp chí Tổng Xã Báo. Xin trích mấy câu:
Nước lũ giòng xanh, bọt nối hàng
Nghe như sóng vỗ Bạch Đằng Giang
Chiều nay trên nẻo về biên ải
Ai có ngồi mơ áo ngự hàn.
Cuối năm 1943, ông gia nhập đoàn Tố Như lưu diễn quanh vùng Sài Gòn, Chợ Lớn rồi ra tận Phan Thiết, sau khi về lại Sài Gòn ông được nhạc sĩ Mười Còn giới thiệu với đoàn Việt kịch Năm Châu. Được biết đoàn sắp lưu diễn ra Hà Nội, máu giang hồ lại nổi lên khi được ông Năm Châu chấp thuận, vậy là ông đã có dịp gắn bó với những tên tuổi lớn thời đó như: Năm Châu, Trần Hữu Trang, Lê Hoài Nở, Năm Phỉ, Thanh Loan, Bảy Nhiêu, Ba Du, Từ Anh, cô Thanh Tùng, cô Sáu Ngọc Sương… Và đoàn đã lưu diễn từ Nam ra Bắc rất thành công, đêm nào cũng đông nghẹt khán giả với các vở như: Con không cha, Hoa cuối mùa, Dân chúng trước pháp trường (của Năm Châu), Tô Ánh Nguyệt, Tấm lòng trinh, Lá ngọc cành vàng, Lan và Điệp (của Trần Hữu Trang), Vó ngựa truy phong (của Lê Hoài Nở) và Khi người điên biết yêu (của Trang Châu Nở).
Kết thúc chuyến lưu diễn, đoàn về lại Sài Gòn cũng là lúc người anh thứ sáu là Huỳnh Thanh Tòng lên Sài Gòn gọi ông về vì tết vừa qua mẹ ông khóc suốt vì nhớ đứa con lưu lạc. Vậy là ông phải ôm đàn trở về quê. Chính chuyến về lần này lại đúng vào lúc cuộc Cách mạng tháng Tám nổ ra, anh Sáu Huỳnh Thanh Tòng và ông cùng tham gia thành lập đoàn “Thanh niên Cứu quốc” của quận Trà Cú rồi ông lại được phân công thành lập “Đoàn ca kịch Cứu quốc” và trong vòng 10 hôm ông viết xong vở Hồn chiến sĩ. Trong đoàn ông làm đủ thứ vai trò từ soạn giả, đạo diễn, diễn viên (vì không có người thích hợp nên ông đảm nhận luôn vai kép chánh) và nhạc sĩ.
Hơn một năm sau, địch phản kích ác liệt, anh Sáu bị bắt rồi tự sát quyết không để kẻ thù giết mình trong khám. Trước khi chết anh có nhắn lại với ông là phải tìm cách thoát thân. Ông phải trốn ra vùng bờ biển, tới Cồn Trứng, Cồn Nhàn rồi lại lên Sài Gòn tá túc với mấy anh em đồng hương trong một căn phố ở đường Armand Rousseau (nay là đường Nguyễn Chí Thanh). Tạm ổn một thời gian đến đầu năm 1947, ông Năm Châu lại gom góp đào kép thành lập “Đoàn cải lương Con Tằm” nhưng vì cuộc sống ngày càng khó khổ, căng thẳng nên “Đoàn Con Tằm” cũng phải giải tán.
Họa vô đơn chí, một hôm cả nhóm đồng hương cùng đi trên một chiếc xe hướng về Chợ Lớn. Bọn lính Tây chận lại xét xe, một người trong nhóm là anh Sáu Thảo mở cửa xe bỏ chạy, một tên trung úy Pháp giơ súng tiểu liên bắn anh Sáu Thảo chết tại chỗ. Chúng lật anh lên khám xét thấy trong túi anh mang trên người có một xấp truyền đơn và sáu trái lựu đạn. Vậy là cả nhóm bị bắt về bót Chợ Lớn tra khảo mấy ngày rồi giải lên bót Catinat, sau cùng là đưa lên trại Cẩm Giang do quân đội giáo phái Cao Đài quản lý.
Tên trưởng trại giam vốn rất mê cải lương nên anh em vận động tổ chức hát cho tù và cho cả gia đình binh lính cùng xem. Ông và ông Vạn Lý cùng soạn vở Huyền Trân công chúa. Cũng có đủ y trang, hia, mão đều là đồ tự tạo bằng những thứ bỏ đi nhưng nhờ mua được mấy cây đàn cũ nên đêm khai trương thật nhộn nhịp, vui vẻ. Vở Huyền Trân công chúa được diễn lại nhiều lần và lần nào cũng đông “khán giả”. Có một đêm sau giờ diễn xong, bọn lính cho cả “đoàn hát” ra sông tắm giặt vì bờ sông cạnh con lộ lớn trước đồn. Ông tranh thủ mua một ly nước mía định uống nhanh rồi mới xuống sông. Bỗng từ trong chiếc xe tải đang đậu gần đó phát ra tiếng gọi nhỏ: “Anh Bá”. Ông giật mình rồi mừng rỡ nhận ra anh bạn nối khố của mình là Hải đang ngồi trước vô lăng nháy mắt ra hiệu rồi hé sẵn cửa xe, ông ngó quanh không thấy ai để ý lật đật nhào lẹ lên xe rồi ngồi thụp xuống ghế. Hải gài số xe dông thẳng.
Vậy là ông lại tái ngộ Sài Gòn. Ông Hải làm cho ông cái giấy giả tên Trương Văn Bảy và cái tên này đã theo ông cho đến hết cuộc đời.
Năm 1949, ông Năm Châu tái dựng lại bảng hiệu “Việt kịch Năm Châu”, ông cũng lại hợp tác với ông Năm Châu lần thứ ba. Thấy ông thỉnh thoảng có viết truyện, làm thơ (ông thường xuyên cộng tác với các báo Việt Bút, Tiếng Chuông, Tin Sớm, Tầm Nguyên, Tin Mai, Phụ Nữ Tân Tiến, Phụ Nữ Ngày Mai…) nên có hôm rảnh rỗi, ông Năm Châu gợi ý sao không thử viết tuồng coi sao, và chính nhờ sự khuyến khích thật lòng của ông Năm Châu mà ông đã thử sức với vở Nát cánh hoa rừng, từ nội dung cuốn tiểu thuyết Tiếng gọi của rừng thẳm của Lan Khai. Vở này được ông Năm Châu góp ý sửa chữa, cũng chính ông đứng ra dàn dựng và cho công diễn vào năm 1950. Thế là bút hiệu Viễn Châu không chỉ xuất hiện ở thơ, truyện ngắn mà đã chính thức có tên “soạn giả Viễn Châu” trong ngành sân khấu từ đó. Phấn khởi trước thành công bước đầu đó, tiếp theo là hàng loạt vở nữa ra đời như: Kho vàng trên núi Cấm, Đường ra biên ải, Bến đò ma và vở nào cũng được khán giả hoan nghênh. Sau “Việt kịch Năm Châu”, ông cộng tác với nhiều đoàn khác như: Hương Hoa, Kim Thanh (của bà bầu Kim Chưởng) rồi Kim Thanh - Út Trà Ôn, Thanh Tao, Thanh Minh - Thanh Nga, Dạ Lý Hương… Về tuồng tích, ông đã có trên 50 vở cải lương. Trong đó đặc biệt có một vở diễn trong kháng chiến và một vở diễn trong nhà tù.
Cũng trong năm 1950, ông bắt đầu viết bài ca vọng cổ cho các hãng dĩa nhựa. Bài đầu tiên là Chim họa mi do cô Năm Cần Thơ ca. Từ đó trở đi, các hãng dĩa hoạt động rất mạnh như: Tứ Hải, Hồng Hoa, Asia, Thăng Long, Kim Long, Việt Nam, Sóng Mới, Continental, Hồn Nước… nên việc sáng tác bài vọng cổ trở thành một nhu cầu lớn. Vì vậy ông sáng tác liên tục, ông khai thác đủ dạng đề tài, hay có thể nói bất cứ một sự kiện, hình ảnh nào trong cuộc sống cũng có thể trở thành đề tài cho bài vọng cổ của ông.
- Tình sử như: Hán đế biệt Chiêu quân, Tình sử An Lộc Sơn, Tình hận Dương Quý Phi, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài…
- Nghĩa tình, hiếu đạo: Nhớ mẹ, Ngày giỗ nhớ cha, Tình mẹ bao la, Nắng chiều quê mẹ…
- Những mối tình quê: Lá trầu xanh, Cô gái bán sầu riêng, Gánh bưởi Biên Hòa, Trái khổ qua, Gánh nước đêm trăng, Tình anh bán chiếu…
- Tình cảm người xa quê: Xuân đất khách, Xa cách muôn trùng, Mùa đông xa quê, Cali chiều khóc bạn…
Trong sáng tác, cái giỏi của ông là qua lời ca ông khai thác được đặc điểm, thế mạnh của từng nghệ sĩ nhằm làm cho khi trình diễn đem lại hiệu quả cao nhất (theo cách nói trong giới là sáng tác theo lối đo ni đóng giày). Ví dụ như với Út Trà Ôn thì có Tình anh bán chiếu, Út Bạch Lan có Hoa lan trắng, Ngọc Giàu có Lan và Điệp, Tình mẫu tử, Lệ Thủy có Cô gái bán sầu riêng, Phượng Liên có Lá trầu xanh, Hồng Nga và Hà Bửu Tân có Xuân đất khách, Diệu Hiền có Tần Quỳnh khóc bạn, Thanh Kim Huệ có Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Tấn Tài có Bông ô môi, Minh Cảnh có Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà… Tài năng đó cũng được đền bù xứng đáng, trong giới đã tặng ông danh hiệu là người tạo danh nghệ sĩ. Ngoài ra, ông còn rất nhạy cảm trong phát hiện tài năng. Như từ năm 1959 ông phát hiện giọng ca rất đặc biệt của nghệ sĩ Văn Hường, từ đó ông tạo ra một khuynh hướng mới (dù trước đó đã có người làm rồi nhưng không mấy thành công) đó là “vọng cổ hài”. Sau bản đầu tiên là Đêm tân hôn thì một loạt bài khác ra đời như: Văn Vỹ đại chiến Văn Hường, Tôi đi làm rể, Tôi đi nói vợ, Vợ tôi nói tiếng Tây… Vọng cổ hài đã đem đến cho người nghe tiếng cười châm biếm rất có duyên. Và thêm nữa là “tân cổ giao duyên”, đây là thể loại lắp ghép từ một trích đoạn của bản tân nhạc rồi ông viết thêm lời vọng cổ. Bản đầu tiên ông viết có nhan đề Chàng là ai (cùng nhan đề một bản nhạc của Nguyễn Hữu Thiết) do Lệ Thủy ca. Sáng tạo này cũng góp phần làm cho bản vọng cổ thêm nét tươi mới, bớt đơn điệu dễ gây nhàm chán.
Tài sản riêng về bài ca vọng cổ, ông đã sáng tác hơn 2.000 bài nên người ta tôn vinh ông là “vua viết bài vọng cổ” quả là quá đúng.
Ông mất đi, sân khấu cải lương mất một nghệ sĩ tài hoa và đầy tâm huyết. Sự nghiệp của ông với tay đàn - tay viết đều đạt đến đỉnh cao thuộc vào hàng hiếm có xưa nay. Còn nhiều điều muốn nói về ông nhưng chắc rằng khó có thể nói hết bằng một bài viết trong khuôn khổ hạn hẹp này, thôi thì xin viếng ông mấy câu sau đây thay cho nén nhang và chút lòng thành của người viết:
Gió đưa… Người đã xa rồi!
Tiếng đàn vang đọng bồi hồi nhớ nhau
Kinh Ngã Bảy, chiếu Cà Mau
Vườn xưa, bến nước thương chào
VIỄN CHÂU(1).
_____
* Bài viết này chủ yếu dựa vào “Hồi ức” của NSND Bảy Bá - soạn giả Viễn Châu thực hiện năm 2002.
(1) Những chữ in đậm là chữ trong bài Ghe chiếu Cà Mau do NSND Út Trà Ôn ca.