HV102 - Phạm Văn Đồng - lương tâm của người trí thức Việt Nam

Đồng chí Phạm Văn Đồng đã đi vào thế giới người hiền của dân tộc và nhân loại trong thế kỷ XX. Đồng chí xuất hiện trong lịch sử văn hóa và cách mạng Việt Nam như là một nhân cách toàn diện, hơn thường: người cộng sản lỗi lạc, nhà chính trị xuất sắc, nhà lãnh đạo kinh tế, nhà ngoại giao tầm cỡ, nhưng có lẽ đầy đủ và đúng đắn nhất, đồng chí là nhà văn hóa lớn của dân tộc.

Được trời phú cho một trí tuệ hơn người, từ tuổi thanh niên được hấp thụ một nền học vấn vững vàng, khi dấn thân vào con đường cách mạng, đồng chí Phạm Văn Đồng đã sớm nổi bật lên trong số những học trò lớp đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một chiến sĩ cách mạng lớp tiền bối có trình độ văn hóa cao. Những hội viên Thanh Niên dự lớp huấn luyện chính trị tại Quảng Châu không sao quên được và hết sức tự hào về người đồng chí của mình, khi được nghe bài diễn văn bằng tiếng Pháp do đồng chí Phạm Văn Đồng đọc tại buổi chào mừng phái viên của Quốc tế Cộng sản đến thăm lớp học. Lần đầu tiên, họ thấy một thanh niên Việt Nam sánh ngang về trí tuệ với một người lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp, khi cùng phát biểu về mối quan hệ cách mạng và tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Pháp.

Là người đọc rộng, biết nhiều, suy nghĩ sâu, luôn luôn lật đi lật lại mọi vấn đề lý luận và đem nó cọ xát với thực tế, vốn văn hóa - lý luận của đồng chí ngày càng mở rộng, trở nên vững vàng và sâu sắc. Đồng chí có hiểu biết sâu về văn hóa dân tộc, đồng thời cũng là người thâu hái được vốn kiến thức rộng rãi của văn hóa thế giới. Nhờ nắm được ngôn ngữ Pháp đến mức độ tinh tế, đồng chí đã sử dụng nó như cái chìa khóa để bước vào thế giới muôn màu của văn hóa phương Tây; ban đầu là các tác giả, tác phẩm tiêu biểu của văn học và triết học Pháp, sau đó là những tác phẩm kinh điển của Mác - Ăng-ghen.

Rất giỏi về lý luận, đồng chí sớm trở thành vị “giáo sư đỏ” nổi tiếng uyên bác của các chiến sĩ trong nhà tù Côn Đảo; rồi sau này thành giảng viên của lớp huấn luyện về “con đường giải phóng” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mở tại vùng biên giới Việt - Trung năm 1940-1941.

Cũng như Bác Hồ, đồng chí Phạm Văn Đồng đã sử dụng ngòi bút như một vũ khí đấu tranh sắc bén. Trong thời kỳ 1936-1939, hoạt động công khai tại Hà Nội, đồng chí Phạm Văn Đồng đã cộng tác với nhiều tờ báo của Đảng. Dưới bút hiệu Đông Tây, đồng chí viết nhiều bài báo giàu tính chiến đấu, đăng trên các báo tiếng Pháp xuất bản công khai tại Hà Nội lúc bấy giờ, như Le Travail, Notre Voix và nhiều tờ báo tiếng Pháp khác. Các bài báo do đồng chí viết, dù ký tên hay không, qua theo dõi, bọn mật thám đều biết và làm chúng lo ngại. Ngày 15-4-1937, chính quyền thực dân đã trục xuất đồng chí khỏi Hà Nội, buộc đồng chí phải về nguyên quán ở Trung kỳ.

Sau này, tại Khu giải phóng, đồng chí được Bác Hồ giao cho làm chủ bút báo Việt Nam Độc Lập do Người sáng lập tại Cao Bằng. Khi Bác Hồ ra nước ngoài công tác rồi bị bắt trái phép, đồng chí đã thay Bác phụ trách tờ báo cho đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Các bài xã luận, phổ biến chủ trương, chính sách của Mặt trận Việt Minh, tin tức trong nước và thế giới, khi Bác Hồ đi vắng, phần lớn đều do đồng chí chấp bút hoặc biên tập.

Ngày nay, đọc lại các bài ấy, dù không ký tên, ta vẫn thấy phảng phất hơi văn của đồng chí, một lối văn quán triệt phong cách Hồ Chí Minh: ngắn gọn, súc tích, giản dị, dễ hiểu mà gây xúc động, để lại ấn tượng sâu sắc trong người đọc.

Cách mạng thành công, những trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao phó đã tạo thêm điều kiện để đồng chí Phạm Văn Đồng mở rộng và nâng cao trí tuệ của mình lên tầm chiến lược quốc gia và quốc tế. Dù công việc hành chính bận rộn thế nào, đồng chí cũng không bỏ thói quen và niềm đam mê đọc sách báo, nhất là sách báo nước ngoài, để thu thập thông tin; đặc biệt là không bỏ nề nếp gặp gỡ, trao đổi, thảo luận một cách bình đẳng, thân ái với các văn nghệ sĩ, trí thức và các nhà khoa học tiêu biểu của đất nước. Vì thế, tư duy của đồng chí không xa rời, lạc hậu với cuộc sống mà vẫn luôn luôn tươi xanh với cây đời. Tuổi ngày càng cao, nhưng trí tuệ đồng chí không mòn đi, cứng lại, mà như đạt tới sự bừng nở một mùa xuân thứ hai của trí tuệ: mới mẻ, uyển chuyển, giàu có, lịch lãm…

Tất cả những ai đôi lần có may mắn được làm việc với đồng chí Phạm Văn Đồng, được nghe đồng chí nói, nhận xét, góp ý, hoặc mỗi lần được đọc bài viết mới của đồng chí, đều có chung một nhận xét giống nhau: bài của cụ plein d’idée, giàu ý tưởng mà phần nhiều là những ý tưởng mới mẻ, có sức khơi gợi, dẫn dắt, giúp cho người nghiên cứu có thể đi xa hơn trong công việc của mình. Mỗi người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học hay sáng tác văn nghệ, đều có thể trực tiếp hay gián tiếp nhận được ở đồng chí Phạm Văn Đồng những lời khuyên chân tình, mà không lời khuyên nào là sáo mòn, cũ kỹ.

Đầu những năm 70 thế kỷ trước, trong một lần nói chuyện với những người làm nghiên cứu triết học, đồng chí Phạm Văn Đồng có đưa ra nhận xét: do thiếu cọ xát, đấu tranh, triết học của ta bằng lặng quá! Đồng chí có so sánh triết học Liên Xô với triết học mác-xít hiện đại Pháp và cho rằng một bên thì đúng đắn, nhưng hơi kinh viện, một bên tuy không tránh khỏi có vấp váp, nhưng do phải thường xuyên đối mặt với triết học tư sản, nên có phần sắc sảo, sinh động và thực tiễn hơn. Từ đó, đồng chí khuyên anh em nên mạnh dạn mở ra các cuộc trao đổi học thuật với nhau một cách chân tình, không đao to búa lớn, cứ nói cho hết ý của mình và đừng có sợ bị truy chụp, có thế, triết học của ta mới khởi sắc lên được.

Từ tầm cao của trí tuệ, chiều sâu của sự suy nghĩ cùng vốn hiểu biết phong phú, đồng chí Phạm Văn Đồng trong nhiều trường hợp là người đề xuất việc nghiên cứu nhiều vấn đề mới của khoa học xã hội và giáo dục của nước ta. Tác phẩm Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc, viết từ tháng 8-1948, được coi là tác phẩm xuất sắc đầu tiên, mở đầu cho việc nghiên cứu hệ thống về Hồ Chí Minh. Sau khi nghỉ hưu, vào cuối đời, đồng chí vẫn tiếp tục cho ra đời những công trình nghiên cứu mới về Bác Hồ, có giá trị gợi mở và định hướng trong nghiên cứu Hồ Chí Minh học, được đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế đánh giá cao(1).

Đồng chí rất quan tâm đến việc nghiên cứu thời đại Hùng Vương. Vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra ác liệt, Mỹ ồ ạt đưa nửa triệu quân vào miền Nam và cho máy bay, tàu chiến đánh phá miền Bắc, đồng chí vẫn đến dự và nói chuyện với các hội nghị bàn về “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, bàn về “nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học tiếng nước ngoài”, thể hiện tinh thần ung dung tự tại của một dân tộc đang nắm chắc thắng lợi và tương lai trong tay mình.

Cho đến những năm 60 của thế kỷ XX, nói chung việc giảng dạy triết học vẫn chủ yếu dừng lại ở chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, các môn lịch sử triết học, mỹ học, đạo đức học, chủ nghĩa vô thần khoa học… vẫn còn xa lạ với số đông, chỉ mới là những chuyên đề bổ sung cho những đối tượng cần đến. Năm 1970, từ phân tích tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Văn Đồng nhấn mạnh phải đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và thanh niên, lần đầu tiên, đồng chí đặt vấn đề phải đưa môn đạo đức học vào nhà trường, làm cho môn học này “trở nên một ngành của khoa học xã hội,…một môn học không thể thiếu được trong các trường đại học và giáo dục phổ thông”(2).

Đồng chí cố Thủ tướng của chúng ta đặc biệt quan tâm đến vấn đề giáo dục, đã dành nhiều thời gian đi thăm các trường phổ thông ở nội ngoại thành Hà Nội. Thấy nhiều trường sở dột nát, bàn ghế xiêu vẹo, có lớp học sinh phải đứng học, đồng chí rất xót xa, đã nhắc nhở các cấp lãnh đạo địa phương phải chăm lo thay đổi tình hình này, “phải phấn đấu sao cho con em chúng ta được học trong các ngôi trường xứng đáng với tên gọi là những ngôi trường”.

Đồng chí đã vào lớp dự một số giờ dạy của giáo viên các môn văn, sử. Đã từng là nhà giáo giàu kinh nghiệm, ở tầm nhìn của người đứng đầu nhà nước, đồng chí sớm phát hiện ra những lệch lạc về nội dung và phương pháp giảng dạy trong nhà trường phổ thông, là dạy theo điệu “sáo”, học theo điệu “sáo”, “nghĩa là cho học sinh học nhiều, yêu cầu học sinh nhớ nhiều để bắt chước rồi làm văn”. Theo đồng chí, dạy như thế khác nào dạy học sinh “múa chữ”, vì học sinh không phải suy nghĩ nhiều, chỉ cần nhớ nhiều rồi lặp lại. Đồng chí tỏ ra vô cùng ngạc nhiên chỉ thấy thầy nói, trò chép trong gần một tiếng đồng hồ mà không thấy đối thoại giữa thầy và trò. Đồng chí đặt vấn đề: vậy chúng ta luyện bộ óc hay luyện trí nhớ? Và đồng chí trả lời: Chúng ta phải nhắc đi nhắc lại một trăm lần rằng “cái quan trọng nhất trong giảng dạy nói chung và trong giảng dạy văn học nói riêng là rèn luyện bộ óc, là rèn luyện phương pháp suy nghĩ, phương pháp nghiên cứu, phương pháp tìm tòi, phương pháp vận dụng kiến thức”(3).

Những điều này, đồng chí Phạm Văn Đồng nói với chúng ta cách đây đã hơn 40 năm, nay vẫn giữ nguyên tính cập nhật, tính hiện đại, nhất là ở thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, khi học sinh của chúng ta đã có hàng triệu, hàng triệu iPhone, iPad, laptop trong tay, làm chức năng ghi nhớ hộ con người, thì nhiệm vụ chính của giáo dục là phải khơi dậy tiềm năng vô tận của bộ não.

Anh chị em văn nghệ sĩ, trí thức ở nước ta tìm thấy ở đồng chí Phạm Văn Đồng một người anh lớn, một người bạn lớn, với tấm lòng khoan dung, đôn hậu, luôn luôn thông cảm, chia sẻ với họ cả thành công lẫn nỗi nhọc nhằn, vấp váp, những “tai nạn” khó tránh của nghề cầm bút. Đối với những trí thức lớn, có tài, chẳng may gặp điều oan khuất, chưa được giải tỏa, đồng chí chủ động đi lại thăm hỏi, kín đáo giúp đỡ về vật chất và tinh thần, một sự chu đáo mà có lẽ chỉ đồng chí mới làm được trong hoàn cảnh bấy giờ. Người ta nói: đồng chí Phạm Văn Đồng là lương tâm của người trí thức Việt Nam.

Các bài nói chuyện của đồng chí Phạm Văn Đồng với giới văn hóa-văn nghệ đều được thể hiện như là những lời tâm tình, giao cảm giữa đồng chí, đồng nghiệp. Những bài đó thường được viết trong sáng, đúc chuốt với rất nhiều chất “văn” và cũng không ít chất thơ, vẫn được xem như là những áng văn đẹp của văn chương hiện đại Việt Nam. Đồng chí có những ý kiến rất sớm, rất hay về văn nghệ, ví dụ đồng chí nói chức năng của văn nghệ là “hiểu biết, khám phá, sáng tạo”; một tác phẩm hay phải có giá trị cả về nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật, “ta đòi hỏi hai mặt đó đều phải tốt một trăm phần trăm”, muốn có tác phẩm lớn, văn nghệ sĩ phải có đủ ba loại vốn: vốn chính trị, vốn sống, vốn văn hóa-nghệ thuật, ngoài ra còn phải biết trau dồi tài năng, lại phải rất công phu, bởi tài năng là công phu. Đồng chí thường dẫn câu của Baudelaire, nhà thơ lớn của văn học Pháp: “Nghệ thuật là lâu dài mà thời gian thì ngắn ngủi” để nhắc nhở văn nghệ sĩ ta muốn có tác phẩm sống mãi với dân tộc, với thời đại thì phải khổ công dùi mài để biến hòn đá thành hòn ngọc. Khi đá đã thành ngọc, thì như đồng chí nói: “Một câu thơ hay là thuộc về vĩnh cửu”.

Đó là những ý tưởng rất mới vào thời điểm những năm 60 ở nước ta.

Văn nghệ sĩ, trí thức chân chính là bộ dây thần kinh nhạy cảm của dân tộc, là thước đo phản xạ tinh thần của nhân dân. Người được văn nghệ sĩ, trí thức tin yêu, kính trọng, cảm phục cũng là người được nhân dân, lịch sử thừa nhận. Đồng chí Phạm Văn Đồng giành được điều đó, không phải bằng quyền lực mà bằng sự chinh phục, sức thuyết phục của Tâm, Đức và Trí của mình.

Địa vị cao có thể làm hỏng nhiều vĩ nhân. Đồng chí Phạm Văn Đồng giữ cương vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước liên tục trong nhiều chục năm. Đó cũng là những năm tháng hạnh phúc đồng chí có vinh dự được trực tiếp sống, học tập, làm việc bên cạnh Bác Hồ. Như một học trò nhỏ bên người thầy vĩ đại, suốt đời mình, đồng chí ngưỡng mộ học tập, khép mình rèn luyện theo tấm gương tuyệt vời của người thầy vĩ đại, để từng bước hoàn thiện mình. Sau Bác Hồ, đồng chí Phạm Văn Đồng là một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam được nhân dân cả nước kính yêu, được bạn bè quốc tế, phương Đông và phương Tây hết lòng ngưỡng mộ, tin cậy. Đồng chí Phạm Văn Đồng là một nhà văn hóa lớn trước hết cũng vì đồng chí là một trí tuệ lớn, một tâm hồn lớn, một nhân cách Việt Nam hoàn hảo.

 

_____

*Giáo sư, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

(1) Hồ Chí Minh - một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, NXB Sự Thật, 1-1990; Hồ Chí Minh - quá khứ, hiện tại và tương lai, tập 1 và 2, NXB Sự Thật, 1991.

(2) Phạm Văn Đồng: Tuyển tập văn học, NXB Văn Học, Hà Nội, 1996, tr.542.

(3) Phạm Văn Đồng, sđd, tr.392.

SONG THÀNH*