HV102 - TRẢ LỜI BẠN ĐỌC

NGUYỄN THỊ BÍCH ĐÀO trả lời

* Hỏi: Xin Hồn Việt cho biết, “thù tạc” có ý nghĩa gì? (Nguyễn Thị Thanh Hoa, đường Nguyễn Văn Giai, P. Đa Kao, Q.1, TP.HCM)

- Đáp: Thù tạc 酬 酢 là từ gốc Hán. Nghĩa ban đầu: chủ nhà mời rượu khách là thù 酬 và khách rót rượu mời lại chủ là tạc 酢 ; thường nói “chén thù chén tạc” là vậy. Sau người ta dùng thù tạc với nghĩa rộng hơn. Chẳng hạn, hai bên đưa tặng lễ vật cho nhau để tỏ tình thân mến gọi là thù tạ 酬 謝. Các thi nhân mặc khách làm thơ tặng nhau gọi là thơ thù tạc. Thơ thù tạc là một nét văn hóa đẹp của thi nhân xưa.

* Hỏi: Trong từ đường nhà tôi có câu hoành “Thái Sơn kỳ đồi” nhưng gia đình không biết nó có từ thời nào và ý nghĩa như thế nào? Xin Hồn Việt hồi đáp. (Lê Văn Liêm, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội)

- Đáp: “Thái Sơn kỳ đồi 泰山其頹” vốn là câu nói của Khổng Tử vài ngày trước khi ngài qua đời. Sách Lễ ký 禮記, phần “Đàn cung” 檀弓 chép nguyên văn câu nói đó như sau:

“Thái sơn kỳ đồi hồ! Lương mộc kỳ hoại hồ! Triết nhân kỳ nuy hồ! 泰山其頹乎!梁木其壞乎!哲人其萎乎!”. Tạm dịch: “Núi Thái Sơn bị sụp đổ ư! Rường cột ngôi nhà bị gãy ư! Bậc hiền triết bị chết mất ư!”. Khổng Tử cho rằng, ông được trời giao cho sứ mệnh gìn giữ nền văn hóa Tây Chu (Trung Quốc). Đó là sứ mệnh lớn lao, vì vậy ông ví mình là Thái Sơn trong văn hóa Trung Quốc; là rường cột để chống đỡ cho cả nền văn hóa Trung Quốc. Sau người ta dùng thành ngữ “Thái Sơn kỳ đồi” để chỉ bậc thánh hiền, tài đức qua đời.

Từ đường nhà ông có câu hoành ấy, thì chắc cụ tổ nhà ông cũng là người có công đức lớn lắm!