HV102 - Truyền thuyết dân gian Việt Nam

 LTS: Vừa qua, phóng viên tạp chí Hồn Việt đã có dịp trao đổi với PGS-TS Trần Thị An (Trưởng ban Quản lý khoa học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, tác giả cuốn Đặc trưng thể loại và việc văn bản hóa truyền thuyết dân gian Việt Nam, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 12-2014) một số vấn đề chung quanh việc nghiên cứu truyền thuyết dân gian Việt Nam.

* PV: Xin chị cho biết vị trí, ý nghĩa của truyền thuyết trong nền văn hóa, văn học Việt Nam?

- PGS-TS Trần Thị An: - Theo tôi, truyền thuyết có 3 vai trò sau:

Thứ nhất là vai trò lưu giữ ký ức lịch sử. Truyền thuyết là thể loại tự sự dân gian có cảm hứng đặc biệt về các đề tài liên quan đến sự kiện và nhân vật lịch sử. Vì thế, nhiều truyền thuyết dân gian đã được sử dụng như những tài liệu lịch sử xác thực. Tuy nhiên, xét một cách khách quan, điều mà truyền thuyết muốn phản ánh không phải là bản thân lịch sử (nhân vật và sự kiện) mà là cảm nhận và tri nhận của nhân dân về lịch sử, trong đó, cảm xúc bao trùm của cảm nhận về lịch sử là sự tôn vinh; nhu cầu cốt lõi của sự tri nhận về lịch sử là việc lý giải. Những cảm nhận/ cảm xúc/ niềm tin của người dân về lịch sử về các sự kiện và nhân vật được kể, cũng như cách lý giải lịch sử trong truyền thuyết, chắc chắn không phải là những gì đã diễn ra trong lịch sử nhưng nó có ý nghĩa gợi ý rất lớn, hay nói cách khác, là nguồn tài liệu tham chiếu cho nghiên cứu lịch sử.

Thứ hai, bằng việc ghi lại niềm tin và cảm hứng tôn vinh của người dân về các nhân vật được kể, niềm tự hào của người dân về các sự kiện lịch sử và bằng việc thể hiện niềm tin, cảm hứng tôn vinh, niềm tự hào đó qua phức thể niềm tin - tín ngưỡng - tục lệ thờ cúng…, truyền thuyết có vai trò lớn trong việc kiến tạo truyền thống cộng đồng. Truyền thống này luôn được bồi đắp trong thời gian thông qua các thực hành diễn xướng nghi lễ cũng như việc kể lại các truyền thuyết trong môi trường truyền miệng.

Thứ ba, truyền thuyết, với tư cách là một thể loại văn học dân gian, trước hết đã lưu lại các truyện kể về các nhân vật được người dân thờ cúng; qua đó, lưu giữ lại một hệ thống các cốt kể với những cấu trúc đặc định, những mô-típ được sử dụng để cấu tạo nên truyện, những biểu tượng mang chứa nhiều tầng nghĩa văn hóa của một cộng đồng. Chính vì thế, truyền thuyết góp phần xây dựng truyền thống tự sự cho văn học viết; đồng thời, lưu giữ các típ truyện, các mô-típ, các biểu tượng làm cảm hứng cho sáng tác văn học.