Nói đến Phạm Văn Đồng, là nói đến một nhà chính trị lỗi lạc được cả thế giới biết đến, nể vì, kính trọng; một nhà văn hóa lớn của thời đại Hồ Chí Minh. Ông là người được Bác Hồ rèn luyện từ năm 1925, được Bác kết nạp Đảng, được Bác tin cậy giao cho những trọng trách đứng đầu Chính phủ…, và ông Đồng chịu ảnh hưởng của Bác sâu xa, khác nào ông là cái tôi thứ hai của Bác.
Chúng tôi quý trọng, yêu mến ông Đồng từ thời còn ở Liên khu 5, khi ông được Hồ Chủ tịch cử làm đại diện Chính phủ Trung ương ở miền Nam Trung bộ. Chỉ đạo cả miền vươn lên thành một căn cứ địa vững chắc của toàn bộ kháng chiến và để lại những dấu ấn không thể phai mờ, được cả Khu 5 kính trọng như người anh cả. Bài văn Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc của ông với lời văn sinh động, nhiều tình cảm, cuốn hút người đọc, đã đưa chúng tôi đến với Bác. Sau này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng còn viết nhiều bài văn nữa, “ý sâu, lời đẹp” - như lời của Hoài Thanh. Cả giới văn hóa văn nghệ coi Thủ tướng như người anh, người có tầm cao văn hóa Đông-Tây, người yêu văn nghệ chí tình, thông cảm với những khám phá sáng tạo của văn nghệ, luôn luôn động viên, cổ vũ và gỡ khó cho văn nghệ một cách hết sức chân tình, nhân văn, và cũng rất cụ thể. Tôi chỉ xin kể lại một câu chuyện được nghe:
Một lần, xe Thủ tướng đi qua một ngã tư thì gặp một nhà thơ… Đó là Đoàn Phú Tứ, nổi tiếng từ hồi trước Cách mạng với bài thơ Màu thời gian. Sau đi kháng chiến, làm đại biểu Quốc hội, ngoan cường chống lại vụ tham nhũng của đại tá quân nhu Trần Dụ Châu. Về thành, rồi sau năm 1954 ông ở lại, nhưng vướng vào vụ “Nhân Văn - Giai Phẩm”, ông hầu như thành người thất nghiệp. Thủ tướng nói: - Anh hãy về dịch sách! - Nhưng ai cho tôi dịch? - Tôi sẽ lo cho anh việc đó. Rồi NXB Văn Học đặt cụ Đoàn dịch các tác phẩm của nhà văn Pháp Stendhal và các nhà văn cổ kim khác (dưới tên dịch giả Tuấn Đô).
Đấy, ông Đồng là người như vậy. Không bao giờ ông gọi người này người kia là “bọn”, không bao giờ ông quên “giữ lễ” với người gởi sách tặng mình, bao giờ ông cũng “đáp lễ” bằng một lời cảm ơn viết trên danh thiếp.
Quan trọng nữa, ông Đồng là người hiểu nhân loại và thế giới, đọc nhiều, biết nhiều, thông tuệ, cởi mở, dân chủ… nên ông là một trong những người đầu tiên trong lãnh đạo tháo gỡ những nút thắt đầu tiên cho đổi mới (ở Hội nghị Đà Lạt - xem hồi ký Nguyễn Tiến Năng). Anh Năng còn cho biết đối với những vấn đề nhạy cảm như quản lý gái mại dâm, mở sòng bạc (casino) ở Việt Nam, ông Đồng cũng ủng hộ những kinh nghiệm của thế giới hiện đại, nhưng vấp phải một vài phản đối quyết liệt của những người không hiểu thế giới hiện đại. Chúng tôi nghĩ, trước sau rồi chúng ta cũng sẽ làm như ông Đồng chủ trương thôi.
Còn chúng tôi, những anh em văn nghệ miền Nam ở TP.Hồ Chí Minh, gồm Anh Đức, Bảo Định Giang, Viễn Phương, Trà Giang, Trần Thanh Đạm, Mai Quốc Liên… vốn dĩ đã là những “người hâm mộ” của ông Đồng từ lâu. Trong những năm 1990 và sau đó, ông Đồng thường vô Nam và lần nào ông cũng gặp chúng tôi, chuyện trò thân mật, có gì nói nấy, không cần giữ ý… Ông nhờ chúng tôi góp ý những quyển sách ông khởi thảo. Chúng tôi xiết bao cảm động và vinh hạnh làm việc ấy, cân nhắc từng chữ, từng câu, từng ý…, đóng góp cho ông, cũng là cho văn hóa. Cuốn sách Văn hóa và đổi mới (NXB Chính Trị Quốc Gia, 1994) của ông được chúng tôi đón nhận nồng nhiệt. Trung tâm Nghiên cứu Quốc học tổ chức một Hội thảo về cuốn sách tại 81 Trần Quốc Thảo, TP.Hồ Chí Minh. Đến dự và phát biểu có các nhà văn nghệ: Nguyễn Đình Thi, Diệp Minh Châu, Trần Hữu Nghiệp, Anh Đức, Bảo Định Giang, Viễn Phương, Trần Thanh Đạm, Trà Giang… và rất nhiều người khác, những người “tri âm tri kỷ” trong văn nghệ hơn nửa thế kỷ với ông Đồng. Cuộc hội thảo không những chỉ bàn quanh cuốn sách có những luận điểm quan trọng về văn hóa và đổi mới đó, mà còn là về chính tác giả cuốn sách. Những phát biểu đó đã làm ông Đồng xúc động đến nghẹn ngào…
Cú điện thoại mà tôi nhận được từ ông Đồng, là cú điện thoại từ Tam Đảo, Vĩnh Phú: “Anh ra nghe điện thoại của bác nhé” - giọng quen thuộc ở đầu dây bên kia của anh Nguyễn Tiến Năng, trợ lý của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
- Các anh còn chờ gì mà không tham gia chống tham nhũng? Các anh sợ cái gì?
Tôi thưa lại với bác, là anh em rất nhiệt tình, nhưng thực ra thì khó lắm, bởi đây phải là cuộc đấu tranh của toàn Đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị, dĩ nhiên văn nghệ sĩ là cái tai, cái mắt của nhân dân, phải nhanh nhạy góp phần…
Ông rất bức xúc trước những vấn đề tham nhũng mà càng ngày càng nghe thấy nhiều hơn. Bài báo cuối cùng của ông về Đảng viết lúc cuối đời: Nêu cao danh hiệu Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (19-5-1999) rất thẳng thắn, quá thẳng thắn, quyết liệt… có tác động sâu xa trong toàn xã hội.
Sau đó, ông nằm viện và giã từ nhân thế!
Chúng tôi đăng lại sau đây bức thư của đồng chí Phạm Văn Đồng năm 1994 gởi cho chúng tôi về công việc của Trung tâm Nghiên cứu Quốc học như một kỷ niệm ấm lòng khi nhớ đến ông.
Đón đọc kỳ sau:
Hồi ức của Nguyễn Tiến Năng (trợ lý Thủ tướng) về Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong đời thường.
