Loài voọc chà vá sống ở rừng nguyên sinh nước ta có đàn lông màu nâu, đôi chân lông màu xám trông như đi bít tất; có đàn lông màu đen, cổ ngực lông màu đỏ trông như quàng khăn hồng; có đàn môi đỏ chót như đánh son, quanh vành mắt có lông màu trắng như đeo kính; lại có nhiều đàn lông màu ngũ sắc trông đẹp lộng lẫy như tranh vẽ…
Loài voọc chà vá đã được Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã thế giới tôn vinh là “nữ hoàng” của loài linh trưởng(*) bởi nó có vẻ đẹp khác thường. Voọc chà vá là loài động vật quý hiếm ở mức nguy cấp được xếp vào nhóm 1B trong Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ thế giới. Tổ chức bảo vệ thiên nhiên thế giới xếp voọc chà vá vào danh mục những con thú phải bảo vệ vô điều kiện. Nghị định 32/2006 của Chính phủ Việt Nam cũng ghi rõ loài voọc chà vá phải được ưu tiên bảo vệ, nghiêm cấm khai thác… Hiện trên thế giới chỉ còn khoảng 2.000 con sống trong rừng tự nhiên. Nó là loài linh trưởng đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất.
Ở nước ta loài thú đặc biệt quý hiếm này sinh trú trong các vùng rừng nguyên sinh: Thanh Hóa, Quảng Bình, Kon Tum, Hòa Bình, Ninh Bình, đảo Cát Bà, Đà Nẵng… Rừng Hà Tĩnh có loài voọc chà vá lông đen gáy trắng, đầu có mào lông màu xám nhạt trông như đội mũ ca lô, sống ở vùng rừng Nước Sốt - Khe Kẽm.
Thập niên 60 thế kỷ trước đã có nhiều nhà khoa học nước ngoài đến bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) nghiên cứu về “nữ hoàng”. Ông Jonathan, nhà nghiên cứu động vật hoang dã của nước Mỹ, và nhiều nhà nghiên cứu khác đã xác định rằng không ở nơi nào trên hành tinh này tìm thấy loài voọc chà vá lông mặt mọc dày tạo thành đĩa mặt, mũi hếch, lông màu đẹp rực rỡ… như ở Việt Nam.
Việt Nam đúng là “vương quốc” của loài “nữ hoàng” thiên nhiên đã ban cho. Họ ước tính rằng rừng nguyên sinh của Việt Nam chỉ còn gần 600 cá thể voọc chà vá. Tác động của thiên nhiên, tệ nạn phá rừng thu hẹp môi trường sinh sống, và sự triệt hạ tàn bạo của con người, có những lũ thợ săn ngông cuồng nói “ăn con Sách Đỏ chứng tỏ tay chơi” nên số lượng “nữ hoàng” trong những thập niên qua đã suy giảm ước tính trên 10%, có nơi đến 50%.
***
Vào một đêm cuối mùa thu của thập kỷ 60 thế kỷ trước, lúc trăng lên đầu núi, ánh vàng huyền ảo rải xuống cánh rừng biên cương hoang vắng thì một tình huống kỳ lạ chưa từng thấy xảy ra.
Tiếng hú hét, tiếng “kêu khóc” của các “nữ hoàng” làm xáo động sự bình yên. Trước tình huống đột biến đó, Đồn biên phòng 93 báo động chiến đấu. Các phương án bảo vệ vùng biên cương hiểm yếu này được triển khai. Cùng lúc ấy, dân quân các xóm, bản phi ngựa đến cấp báo có biến động lạ trong vùng rừng voọc chà vá sinh sống…
… Tài liệu của các nhà khoa học cho lính biên phòng biết rằng hành tinh chúng ta đang sống có 81 loài khỉ, 25 loài linh trưởng (Việt Nam có 15 loài họ khỉ trong đó có 4 loài linh trưởng). Voọc chà vá là loài linh trưởng có tập tính sống bầy đàn, không đi lẻ. Chúng sống “ấm cúng” theo từng “gia đình”. Mỗi bầy đàn có 4-5 “gia đình” sống quần tụ thành nhóm chừng 15-18 cá thể với nhau. Voọc chà vá sống ôn hòa, không tranh giành thức ăn, không xâm lấn lãnh thổ của nhau. Chúng chọn những cánh rừng nguyên sinh tĩnh lặng có nhiều cây to, cành lớn, có nhiều hốc cây, hang núi đá vôi ở gần rừng tre nứa, có suối khe để sinh trú. Mùa đông voọc chà vá ngủ trong hốc cây, hang đá. Mùa hè chúng ngủ trên cành cây. Đứng đầu đàn là con voọc đực già nhất. Nó là “ông bố” cả đàn. Hàng ngày “ông bố” dẫn đàn tìm đến các khu rừng hỗn giao, ra cả nương rẫy để kiếm ăn.
“Ông bố” thường trèo lên cành cây cao nhất để kiểm soát cả đàn. Và, lúc trở về, “ông” về sau cùng như để bảo vệ đàn. Đêm, “ông bố” thường ngủ ngoài cửa hang đá, hoặc cành cây ngoài cùng như để canh giấc ngủ cho cả đàn. Có ác thú xâm lấn đến vùng sinh trú, “ông” hú hét, rung cây, xô đá tạo tiếng động báo cho bầy đàn biết để bồng, cõng con “di tản”. Sống với tập tục hoang dã, loài voọc chà vá biết nhìn mây trời, sương núi, nghe tiếng gà gáy, tiếng chim hót… để phân định các hoạt động trong ngày, ví như sáng nghe khướu hót, chúng đi hái lượm kiếm ăn. Lúc mặt trời đứng bóng là khắc trời đất giao hòa cây yên gió lặng, chúng về nơi sinh trú “ngủ trưa” hoặc ngồi “rủ rỉ tâm tình” bắt chấy rận cho nhau trước cửa hang đá. Lúc nghe tiếng gà gáy chiều - chừng 3 giờ - rừng mát dịu, cả đàn lại chuyền cành tìm thức ăn. Đến lúc mây trời về lũng núi, sương bay ướt lá cành, chúng về nơi ở. Voọc chà vá biết lấy dây rừng quấn nhiều vòng quanh mình để cài dắt thức ăn kiếm được đưa về hang đá dự phòng ngày mưa gió. Voọc chà vá thuộc loài động vật răng yếu không cắn xé, gặm nhấm nên thức ăn của chúng chủ yếu là nõn cây, búp lá, rau xanh, quả sung, quả vải và các loại quả chín, chúng hầu như không ăn động vật và côn trùng.
Voọc chà vá là loài linh trưởng rất tinh khôn và có phản ứng cực kỳ nhanh nhạy. Nó nhảy nhót chuyền cành, leo trèo lanh lẹ như chim. Voọc chà vá ở tuổi trưởng thành có thân hình dài tới 58cm đến 62cm, có con đuôi dài 58cm đến 80cm, nặng gần 8kg. Con đực nặng tới 13kg. Các “nàng” voọc đến thì có dáng hình mảnh mai thon thả, có cặp chân dài, có bầu ngực đẫy đà lông màu rực rỡ và có tiếng hót thanh cao ngân nga rền vọng. Các “nàng” thường là nguy cơ làm bất ổn và xáo động những khu rừng có các đàn voọc chà vá sinh trú.
Tiết trời ấm áp - từ tháng 2 đến tháng 5 - là mùa voọc tìm bạn tình và cũng là mùa sinh nở. Mỗi năm voọc chà vá đẻ một lứa. Mỗi lứa một con. Voọc chà vá có tuổi thọ 20 năm, có tài liệu nói được gần 30 năm.
Điều đặc biệt về loài voọc chà vá là voọc mẹ thể hiện tình yêu thương voọc con, suốt cả ngày đêm không có lúc nào voọc mẹ rời con. Kể cả những khi leo trèo chuyền cành tìm hái thức ăn, voọc mẹ vẫn cõng con trên lưng và biết lấy dây rừng ràng buộc chặt con vào mình. Voọc biết cắn, nhai quả chín, búp lá non tơ đút, mớm cho con. Điều đặc biệt đến kỳ lạ tưởng khó tin nhưng là sự thật ở loài voọc chà vá, đó là voọc mẹ trong những đêm khuya ôm ấp con vào lòng biết ru, nựng con thành âm, thành tiếng. Trong dân gian còn lưu truyền câu thơ của những người thợ sơn tràng (thợ rừng): “Lặng nghe tiếng vượn ru con. Chạnh lòng nhớ đến nước non quê nhà” (có nhiều nơi gọi nhầm tên con voọc thành con vượn).
Ông bà ta từng đã kể cho con cháu nghe câu chuyện cổ tích thương tâm về tình mẹ con loài voọc. Chuyện rằng, một con voọc mẹ bị trúng đạn của thợ săn, biết mình không thể sống được để nuôi con, trước khi chết nó đã vắt sữa vào các tàu lá để lại cho con…
Từ xa xưa con người đã dùng xương và nội tạng của loài voọc chà vá làm thuốc chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Có không ít ông lang còn “bí truyền” bài thuốc “kỳ quặc”: “đuôi rắn lục, dái voọc già”. Hai vị thuốc hiếm ấy ngâm rượu nếp uống hàng ngày sẽ làm cho con người cường dương tráng khí không biết mệt mỏi… Loài voọc chà vá còn có ý nghĩa rất lớn trong việc nghiên cứu lịch sử và khoa học.
***
Tuyến đường số 8 ngược lên giáp biên, xuôi về Nước Sốt được lính biên phòng phong tỏa. Các hẻm núi vắng, các lối mòn thú đi từ thung lũng lên, các nhánh đường vào nội địa được dân quân, tự vệ lâm trường chốt chặt. Các đội trinh sát, đội truy lùng có chó nghiệp vụ giúp sức sục vào bờ khe mái núi. Toán gián điệp biệt kích có biệt danh Hắc Lây gồm 11 tên đã bị tóm gọn. Chúng được trực thăng thả xuống chân núi Pôn Xa Vay bên kia biên giới. Chờ trăng lên, chúng luồn rừng sang đất ta. Nhưng giặc cướp đã gặp voọc già. Chúng mò vào đúng lãnh địa của “nữ hoàng”. Vậy là đất lành nơi “nữ hoàng” ở là núi dữ của loài “ác thú” gian manh. Một trận đánh, lính biên phòng giành hai chiến thắng: bắt gọn lũ giặc và thu trọn vẹn các thiết bị thông tin, điện đài, mật mã… của toán gián điệp biệt kích.
Đội quân kỹ thuật “Sóng điện” xuất trận. “Cái bẫy’’ được giương lên đúng nơi đất lành “xóm nữ hoàng” sinh trú.
Rồi các toán gián điệp biệt kích mang những biệt danh ác ôn quái thú: Cọp điên, Sói đen, Hổ xám, Báo hoang, Rắn lục… hẹn nhau những đêm trăng sáng vượt biên sang chui vào “bẫy”. Mưu đen của lũ giặc ngày ấy định xâm nhập vào vùng đất tây Hà Tĩnh quấy rối sự bình yên, phá cầu cắt đường số tám, đánh phá các kho tàng cơ sở kinh tế của ta, đã bị chặn đứng.
Đến nay, những làn điệu hát dặm, hát ví phường vải, ví đò đưa, ví lên ngàn… trong đêm vui mừng công ở Đồn biên phòng 93, các thế hệ lính còn chuyền nhau, nhớ mãi:
…Ước gì đón được “nữ hoàng”
Về đây hát ví lên ngàn với ta
Núi gần lũng thẳm đèo xa
Biên cương bát ngát mùa hoa tặng “nữ hoàng”…
_____
(*) Linh trưởng là một bộ thuộc ngành động vật có xương sống, có vú. Linh trưởng chia hai nhánh: Strepsirrhini và Haplorhini. Trong nhánh Haplorhini có họ Người (Hominidae = khỉ dạng người, và Homo sapiens = loài người). Máu của linh trưởng cũng có chất “đỏ - đen” giống máu người. Theo dấu vết hóa thạch, tổ tiên loài linh trưởng tồn tại cách đây khoảng 65 triệu năm, có tài liệu nói khoảng 85 triệu năm (Bách khoa toàn thư mở).