HV103 - Nơi ở của các đại văn hào Pháp

Dumas (bố) vô cùng hào nhoáng

Alexandre Dumas (bố) là nhà văn nổi tiếng của Pháp, ông là tác giả của cuốn truyện Ba chàng ngự lâm pháo thủ rất quen thuộc đối với độc giả Việt Nam. Theo cuốn Bá tước Monte-Cristo thì nơi ở của Dumas (bố) là ở Port-Marly. Năm 1848, Dumas (bố) dùng tiền nhuận bút của cuốn sách trên xây một biệt thự mô phỏng theo lâu đài cổ. Ngôi nhà ấy gọi là “Lâu đài Monte-Cristo”, gồm có hai tầng, thiết kế rất độc đáo, nhìn bề ngoài rất tráng lệ.

Trong lâu đài bố trí rất đặc biệt, phản ánh cá tính thích hào nhoáng của chủ nhân. Khi xây xong, ông mời một chuyên gia thiết kế từ Tunisia đến trang trí một gian phòng làm việc theo phong cách gô-tích ở tầng một. Bốn bức tường của gian phòng làm việc treo những tranh dệt truyền thống của Tunisia, sàn nhà trải những tấm thảm Ba Tư có hoa văn sặc sỡ, cửa sổ gắn những tấm kính màu kiểu gô-tích. Khách vào nhà thấy toàn tranh dệt, sách vở rải rác khắp nơi, tựa như chủ nhân thường đọc sách dưới sàn nhà. Nhưng Dumas (bố) chưa bao giờ sáng tác ở đây; chỗ sáng tác của ông là một phòng nhỏ bài trí đơn giản ở trên tầng hai. Trong phòng, ngoài cái giường sắt ra, còn có một cái bàn, hai cái ghế, ngoài ra không có đồ vật khác. Dumas (bố) hằng ngày mặc áo lót, mặc quần vải chéo go ngồi ở bàn trong gian phòng đơn sơ viết từ sáng đến tối, hoặc từ tối đến sáng. Ông thường viết trên các loại giấy màu khác nhau: giấy màu lam nhạt thì viết tiểu thuyết, màu phấn hồng thì viết tản văn, những bài thơ nhỏ tỏ tình với phụ nữ thì viết trên giấy màu vàng.

George Sand viết trong lâu đài cổ

George Sand là nữ văn sĩ Pháp nổi tiếng với những cuốn tiểu thuyết như Mauprat, Người bạn đường, Horace v.v… Nơi ở của bà là một lâu đài cổ thế kỷ XVIII ở Lyon. Ngôi lâu đài cổ này do người bà của George Sand xây vào năm 1793. Bà thường ngồi viết trong gian phòng thời nhỏ của bà ở tầng dưới.

Cuộc sống hằng ngày của bà trong lâu đài dường như sắp đặt để sáng tác và để đón người tình. Ở bất cứ nơi nào trong lâu đài, chỉ cần có cảm hứng, George Sand có thể tìm thấy giấy và bút ngay. Thuốc lá Thổ Nhĩ Kỳ và nước đường cần uống sau khi viết xong vào lúc 6 giờ sáng là hai thứ không thể thiếu được.

Flaubert không bước chân ra khỏi phòng

Gustave Flaubert sống ở ngôi nhà sang trọng ở bên bờ sông Seine gần Lyon. Sau ngôi nhà là rừng và suối, bốn bề yên lặng và đẹp đẽ. Năm 1844 sau khi mua được ngôi nhà này, ông cho người dọn dẹp sạch sẽ sáng sủa. Trong nhà bài trí rất thanh nhã, ai vào đấy đều có cảm giác thoải mái, tiêu tan mọi phiền não nhọc nhằn.

Chủ nhân là nhà văn ít khi ra khỏi nhà, suốt ngày chỉ làm bạn với sách vở, tẩu thuốc lá và con chó cảnh. Phòng làm việc của ông bốn bề là giá sách. Trên giá, ngoài sách còn có những tấm ảnh chụp chung với bạn bè và những vật kỷ niệm ông sưu tập được từ những chuyến du lịch thời trẻ. Ví dụ chân một xác ướp thời cổ, mấy tấm da cá sấu châu Phi, một chuỗi tràng hạt màu nâu và một bức tượng Phật mạ vàng. Trong phòng còn có một cái sô pha Thổ Nhĩ Kỳ và một tấm da gấu trắng. Ở trong phòng này, Flaubert bắt đầu viết từ 9 hoặc 10 giờ sáng cho đến tận 3-4 giờ sáng hôm sau, trừ bữa ăn trưa và ngủ ít phút, ông làm việc không hề nghỉ ngơi. Ngôi nhà này có một cửa sổ lớn trông ra sông Seine, trước cửa sổ có một khu vườn bốn mùa hoa nở. Từ cửa sổ nhìn ra xa có thể trông thấy những con thuyền đi đi lại lại. Cảnh giao thông tấp nập trên sông tuy khá náo nhiệt nhưng vẫn không hề ảnh hưởng tới việc sáng tác cần yên lặng của Flaubert.

Balzac nghèo khổ cô đơn

Cuộc sống của văn hào Honoré de Balzac khá vất vả. Vì nợ nần nhiều quá, ngôi nhà của ông ở Zardies bị chủ nợ tịch thu. Năm 1840, ông phải đến Passy thuê một ngôi nhà tầng 1 gồm 4 phòng, sống một mình như Flaubert, nhưng nghèo khổ cô quạnh hơn nhiều. Ông hằng ngày phủ phục trên chiếc bàn đã dùng 10 năm để viết. Chiếc bàn viết như người bạn thân của ông, có một hôm ông cảm động và nói với cái bàn: “Bàn ơi bàn, mi đã mục kích những ngày long đong vất vả của ta, cũng quen thuộc với sáng tác của ta, có lẽ mi đã thấu hiểu lòng ta…”. Việc bài trí trên bàn lâu rồi không thay đổi, bên trái là tập bản thảo màu lam nhạt, bên phải là cuốn sổ chuyên dùng để ghi lại những ý tưởng linh diệu vừa lóe lên ở trong đầu; giữa bàn có một lọ mực từ thời học trò, một cái bút có cán làm bằng lông quạ, đầu bút lúc nào cũng nhọn. Trên bàn còn có ảnh phu nhân Augas, người tình yêu quý của ông; bên trái xa xa còn có chiếc ấm cà phê có nhiều giai thoại. Đêm khuya, mỗi khi Balzac viết đến nỗi tay phải tê dại, lưng mỏi nhừ thì ông đốt đèn cồn đặt ấm cà phê lên hâm nóng. Ấm cà phê này có ba tầng, hình dạng độc đáo, đó là dụng cụ không thể thiếu trong những đêm khuya của ông. Có người tính ông viết xong bộ Tấn trò đời thì phải dùng đến 50 ngàn cốc cà phê. Ông nhà văn thích viết thâu đêm này, thường viết đến 8 giờ sáng mới gác bút, đến lúc đó ông quản gia mới bưng bữa sáng lên cho Balzac và kéo tấm rèm cửa lên. Sau khi ăn sáng xong khoảng một tiếng đồng hồ, ông thường tắm nước nóng, sau đó nhân viên nhà xuất bản đến lấy bản thảo ông viết đêm trước về sắp chữ, đồng thời đưa bản in thử để ông sửa chữa.

Zola cẩn thận ngăn nắp

Nhà ở của Emile Zola ở Médan, ngoại ô thành phố Poissy. Năm 1878 ông viết xong tiểu thuyết Lò sát sinh, kiếm được món tiền lớn, ông liền mua một căn nhà độc lập gọi là “Chuồng thỏ”. Sau nhà là núi, trước nhà là sông, thật là nơi sơn thủy hữu tình, chim hót líu lo, hoa nở bốn mùa. Hằng năm từ đầu xuân đến cuối thu ông đều đến đây, thường cùng bạn hữu yêu thiên nhiên tổ chức dạ hội Médan bàn chuyện trên trời dưới đất và luận bàn thời sự. Vì bạn văn chương ngày một đông nên phải xây thêm hai phòng ở hai bên “Chuồng thỏ” và đằng trước dựng thêm một gác chuông. Qua hoạt động nhiều năm, “Chuồng thỏ” của Zola biến thành một ngôi nhà đồ sộ rất đẹp.

Thư phòng của Zola ở lầu hai bên phải mới xây. Phía trước có cửa sổ trông ra sông Seine. Ngoài cửa sổ có một lan can, từ đó nhìn ra xa thấy dòng sông xanh biếc. Trong nhà có nhiều giá sách xếp ngay ngắn, trên bàn giấy bút mực cũng được xếp rất gọn gàng, đủ thấy chủ nhân là người rất cẩn thận ngăn nắp. Ở chỗ làm việc của ông còn bày những đồ gia dụng khắc gỗ và mũ giáp thời Henri đệ nhị, dụng cụ uống trà, quạt giấy tinh tế truyền thống của Nhật Bản và một số bình gốm sứ Trung Quốc.

LÊ HUY TIÊU
Bình luận khác
sadsadsadsadsada
Từ: | Ngày: 27/07/2016 11:16 CH
sadsadsadsadsadsadsad
Từ: | Ngày: 27/07/2016 11:16 CH