Từ lâu, tên tuổi của Philippe đã quen thuộc với giới nghiên cứu về Việt Nam. Nếu tính từ cuối năm 1945, khi Philippe cùng một số bạn của ông lập ra tuần báo Paris - Saigon, cho đến năm 2010, khi ông cho xuất bản cuốn sách cuối cùng về Việt Nam, ông đã theo đuổi đề tài này một cách kiên trì trong suốt 65 năm. Tiến sĩ sử học Alain Ruscio gọi quãng đời gắn bó với Việt Nam đó bằng cụm từ “la vie vietnamienne de Philippe Devillers”. Cho đến nay, hiếm có một nhà nghiên cứu nước ngoài nào thể hiện tình nghĩa thủy chung với Việt Nam trong phần lớn cuộc đời như Philippe.
Ngày 15-2-2016, nhà sử học Philippe Devillers đã ra đi ở tuổi 96.
Nói tới Philippe, không thể không nhắc tới Jean Lacouture. Hai người - sinh trước sau một năm (Philippe - 1920, Jean - 1921), mất cũng trước sau một năm (Jean - 2015, Philippe - 2016) - có khá nhiều điểm chung: cùng tốt nghiệp trường Chính trị Paris nổi tiếng (Sciences Po), cùng đỗ Cử nhân Luật, cùng gặp nhau trên con tàu Orontes rời cảng Marseille đầu tháng 10-1945 chở quân Pháp sang Đông Dương. Đến Sài Gòn, cả hai cùng làm việc trong Ban Thông tin của Bộ tham mưu Đạo quân viễn chinh Pháp với chức danh tùy viên báo chí của tướng tổng chỉ huy Leclerc. Nhiệm vụ của họ là xuất bản báo Caravelle để động viên tinh thần binh sĩ Pháp.
- Tên thật: Philippe Mullender. - Bút danh: Philippe Devillers. - Ngày sinh: 11-11-1920. - Ngày mất: 15-2-2016. - Học vấn: Tốt nghiệp Trường Chính trị Paris (1939); Trường Cao cấp Tổ chức chuyên nghiệp (1943); Cử nhân Luật (1943). - Một năm ở Sài Gòn (từ tháng 10-1945 đến tháng 10-1946) giúp ông xác định hướng đi suốt cuộc đời: trở thành nhà nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á. - Từ 1946: viết báo (Caravelle, Paris - Saigon, Le Monde, Le Monde diplomatique, L’Express, Témoignage Chrétien, Paris - Normandie…), viết sách, nghiên cứu (tại Trung tâm Nghiên cứu quan hệ quốc tế CERI, Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học CNRS), giảng dạy (Trường Chính trị Paris, Đại học Cornell - Mỹ, Đại học Malaysia…). - 1972: Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học hải ngoại. - 1983: Tiến sĩ Sử học. - Đã viết hàng trăm bài báo và 7 cuốn sách về Việt Nam: + Histoire du Viêt-Nam de 1940 à 1952 (Lịch sử Việt Nam từ 1940 đến 1952), xuất bản năm 1952. + La fin d’une guerre - Indochine 1954 (Kết thúc một cuộc chiến tranh - Đông Dương 1954), viết chung với Jean Lacouture, xuất bản năm 1960. + Vietnam: de la guerre française à la guerre américaine (Việt Nam: từ chiến tranh của Pháp đến chiến tranh của Mỹ), viết chung với Jean Lacouture, xuất bản năm 1969. + Paris - Saigon - Hanoi: Les archives de la guerre, 1944-1947 (Paris - Sài Gòn - Hà Nội: Hồ sơ lưu trữ chiến tranh, 1944-1947), xuất bản năm 1988. + Les guerres d’Indochine de 1945 à 1975 (Các cuộc chiến tranh ở Đông Dương từ 1945 đến 1975), kỷ yếu hội thảo do Charles-Robert Ageron và Philippe Devillers chủ trì, xuất bản năm 1996. + Français et Annamites: Partenaires ou ennemis? 1856-1902 (Người Pháp và người An Nam: Đối tác hay đối địch? 1856-1902), xuất bản năm 1998. + Vingt ans, et plus, avec le Viet-Nam: Souvenirs et écrits, 1945-1969 (Hơn 20 năm với Việt Nam: Hồi ký và các bài viết, 1945-1969), xuất bản năm 2010. - 1974: cùng với Jean Lacouture, Jérôme Kanapa làm phim La république est morte à Diên-Biên-Phu (Nền cộng hòa chết ở Điện Biên Phủ). - Hội viên Hội Pháp - Việt (AFV), thành viên Ủy ban danh dự Hội Hữu nghị Pháp - Việt (AAFV). - Được Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Hữu nghị. |
Khi còn ở Pháp, họ đều biết 3 sự kiện mà sau này, Philippe có nhắc đến trong cuốn Paris - Saigon - Hanoi(1):
- Ngày 16-8-1945, tức một ngày sau khi Nhật Bản đầu hàng, tướng de Gaulle, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp, bổ nhiệm đô đốc d’Argenlieu làm Cao ủy Đông Dương với chỉ thị “sứ mệnh hàng đầu của ông là lập lại chủ quyền của Pháp trên các lãnh thổ của Liên bang Đông Dương”.
- Ngày 22-8, de Gaulle bay sang Washington gặp Tổng thống Mỹ Truman và “được Mỹ thừa nhận một cách rõ ràng chủ quyền của Pháp đối với Đông Dương”.
- Ngày 24-8, tại London, Pháp và Anh ký “hiệp ước về các nguyên tắc và cách thức khôi phục quyền lực của Pháp ở Đông Dương”.
Thế là đủ: tham vọng thực dân của Pháp được Mỹ ủng hộ và Anh giúp đỡ. Một tháng sau, ngày 23-9, quân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu chiến tranh tái chiếm thuộc địa.
Khi Philippe và Jean đến Việt Nam, họ chứng kiến cuộc kháng chiến ngoan cường của quân và dân Việt Nam nhằm bảo vệ nền độc lập và thống nhất vừa mới giành được. Qua một số trí thức Việt Nam và những người Pháp tiến bộ, họ dần hiểu được sự thật: Cách mạng tháng Tám đã giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách thống trị nước ngoài. Theo họ, người Pháp từng chiến đấu chống lại sự chiếm đóng của quân Đức quốc xã, không nên và không thể tái lập chế độ thực dân ở Việt Nam(2).
Chưa đầy 3 tháng ở Việt Nam, Philippe gửi bài viết đầu tiên về Việt Nam đăng trên báo Le Monde ngày 20-1-1946: “Nước Pháp phải nhận thức rằng ở Đông Dương lịch sử đã sang trang: không phải chế độ thuộc địa hay giám hộ sẽ hướng dẫn chính sách của Pháp ở đây nữa, mà là sự hợp tác theo kiểu mới với những dân tộc đang tiến hóa với nhịp độ nhanh chóng”(3). Rõ ràng đây là một quan điểm rất tiến bộ.
Philippe và Jean cùng một số bạn xuất bản tuần báo Paris - Saigon với chủ trương cổ vũ cho hòa giải và hòa thuận giữa hai dân tộc Pháp - Việt.
Philippe theo dõi các cuộc đàm phán giữa đại diện Chính phủ Việt Nam với Sainteny, ủy viên Cộng hòa Pháp tại Bắc bộ và vui mừng khi hay tin Hiệp định sơ bộ được ký ngày 6-3-1946 tại Hà Nội.
Trong khi Chính phủ Việt Nam thi hành nghiêm chỉnh các điều khoản của hiệp định thì phía Pháp nhanh chóng lật lọng. Mặc dầu hiệp định ghi rõ một trong hai bên ký là “Ông Sainteny, đại diện của Cao ủy Pháp, được ủy quyền một cách hợp thức bởi đô đốc d’Argenlieu, Cao ủy Pháp, người chấp chưởng các quyền hành của nước Cộng hòa Pháp”, nhưng trong các ngày 8 và 12-3, Cao ủy d’Argenlieu tuyên bố một cách tráo trở: “Hiệp định này (…) bị hạn chế trong không gian. Nó có tính chất địa phương. Nó được ký bởi ủy viên Cộng hòa [Pháp] ở Bắc bộ với chính phủ trên thực tế của An Nam đóng ở Hà Nội”, “Cho đến nay, quyền lực trên thực tế (de fait) của chính phủ ấy chỉ được thực thi ở phía bắc vĩ tuyến 16 [tức từ Đà Nẵng trở ra]. Vả lại, từ nay về sau, về mặt pháp lý (en droit), quyền lực đó chỉ có tính chất tạm thời ở Trung bộ”(4) và như vậy, hiệp định không có tác dụng gì ở Nam bộ vì Nam bộ đã bị Pháp chiếm đóng và tách khỏi lãnh thổ Việt Nam!
Chính lập trường thực dân ấy của Pháp đã khiến các hội nghị sau đó ở Đà Lạt và Fontainebleau đều rơi vào chỗ bế tắc và thất bại hoàn toàn.
Thất vọng, Philippe quay về Pháp ngày 9-10-1946.
Tình hình ngày càng căng thẳng, các cuộc xung đột thường xảy ra, nghiêm trọng nhất là vụ chiến hạm Suffren nã đại bác vào Hải Phòng ngày 23-11 khiến ít nhất 6.000 người Việt Nam thiệt mạng, hầu hết là dân thường. Để cứu vãn tình hình, phía Việt Nam yêu cầu quân Pháp trở về những vị trí mà họ chiếm đóng trước ngày 20-11, nhưng Pháp từ chối, tiếp tục gây ra nhiều vụ khiêu khích khác.
Qua phóng viên Bernard Dramber của báo Paris - Saigon, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn nói với chính phủ và nhân dân Pháp: “Chúng tôi không muốn chiến tranh… Cuộc chiến tranh này, chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách… Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm, thì chúng tôi sẽ làm… Cuộc chiến đấu sẽ khốc hại, nhưng dân tộc Việt Nam đã sẵn sàng chịu đựng tất cả, chứ không chịu mất tự do. Dù sao, chúng tôi mong rằng chúng ta sẽ không đi tới cách giải quyết ấy”(5).
Chiều 18-12, quân Pháp chiếm trụ sở Bộ Tài chính và Bộ Giao thông. Sáng 19-12, Pháp đòi tước khí giới của quân ta ở Hà Nội. Quả thật, Pháp đã đẩy dân tộc Việt Nam tới chỗ phải lựa chọn: trở lại kiếp nô lệ hay đứng lên chiến đấu.
20 giờ ngày 19-12, cuộc kháng chiến trên cả nước bắt đầu. Tướng Valluy, Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương, báo cáo về Paris: “Không còn nghi ngờ gì nữa, đối với mọi người quan sát Pháp và nước ngoài, họ [người Việt Nam] là kẻ tấn công trước”(6).
Không ít người tin lời Valluy. Điều khó hiểu là Jean Lacouture, người bạn thân thiết của Philippe cũng tin rằng “chính Việt Minh và đích danh Võ Nguyên Giáp phải chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ”(7) của quan hệ Pháp - Việt qua sự kiện ngày 19-12.
Nhưng Philippe không tin như thế. Ông tâm sự: “Tôi tự hứa với mình sẽ thu xếp sao cho mình đừng vội chết trước khi rọi được ánh sáng vào cái năm 1946 ấy”. Sau hơn 40 năm nghiên cứu “một cách kiên trì và nhẫn nại, lịch sử đã được tái hiện gần như trọn vẹn”(8) trong tác phẩm Paris - Saigon - Hanoi xuất bản năm 1988. Thủ phạm gây ra sự đổ vỡ đó, không phải là phía Việt Nam, mà là “bộ ba d’Argenlieu - Valluy - Pignon”(9). Theo bộ ba này, “phải nhanh chóng gây ra đổ vỡ, nhưng làm thế nào để quy trách nhiệm cho Việt Minh”. Họ tìm cách “quấy rối Việt Minh như thế nào để Việt Minh mất kiên nhẫn, lao vào một hành động bạo lực và như vậy cung cấp cái cớ [mà Pháp] mong muốn”(10).
Kết luận của Philippe về bộ ba d’Argenlieu - Valluy - Pignon là chính xác, nhưng theo người viết bài này, là chưa đầy đủ. Xét cho cùng, bộ ba ấy chỉ là những người thừa hành, nên dù cho họ hiếu chiến đến mấy, trách nhiệm của họ cũng chỉ là trách nhiệm của cấp dưới. Làm sao bỏ qua những mệnh lệnh của những cấp cao hơn ở Paris. Ở trên, tôi đã trích dẫn chỉ thị tái chiếm Đông Dương của tướng de Gaulle, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp, cho đô đốc Cao ủy d’Argenlieu. Đến lượt “viên tướng biên cương” này lặp lại tinh thần của chỉ thị đó trong mệnh lệnh cho tướng Valluy: “Mục đích số một của sứ mệnh chúng ta… là lập lại uy quyền của nước Pháp [ở Đông Dương] không chỉ về mặt luật pháp mà cả trong thực tế”(11).
Chiến tranh của Pháp ở Việt Nam bắt đầu như thế và chỉ kết thúc với thảm bại của quân viễn chinh tại thung lũng Điện Biên Phủ. Philippe gọi khoảng thời gian ấy là “bảy năm của những sai lầm và ảo mộng, tuy nhiên đã phải trả giá bằng hàng nghìn người chết”(12).
Không rút ra bài học từ trải nghiệm của Pháp ở Việt Nam, Mỹ lặp lại những sai lầm và ảo mộng tương tự. Để có cớ can thiệp quân sự trực tiếp vào Việt Nam, ngày 8-12-1961 Mỹ công bố trước dư luận thế giới Sách trắng Một đe dọa cho hòa bình: Bắc Việt Nam nỗ lực xâm lăng Nam Việt Nam. Ngay sau đó, Philippe viết trên tạp chí The China Quarterly số 9 quý I năm 1962 bài Cuộc đấu tranh vì thống nhất Việt Nam (The Struggle for Unification of Vietnam) bằng tiếng Anh, dài hơn 20 trang, chứng minh điều ngược lại. Chế độ Ngô Đình Diệm - được Mỹ viện trợ - từ chối tổ chức tổng tuyển cử để tái thống nhất đất nước, đàn áp những người cựu kháng chiến chống Pháp và những người đối lập, lấy ruộng của nông dân trả cho địa chủ… Do đó, “người dân [miền Nam] đúng là bị Diệm dồn vào thế phải cầm vũ khí để tự vệ”, “việc khởi xướng không phải bắt nguồn từ Hà Nội mà từ những người dân thường”. Philippe kết luận: “Mặt trận [Dân tộc Giải phóng miền Nam] chủ yếu là một phong trào của miền Nam”.
Nhận định của Philippe phù hợp với các văn kiện chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ. Bản tóm tắt tình hình (phát hành đầu tháng 10-1961) ghi nhận: “Đại đa số binh sĩ Việt Cộng có nguồn gốc tại địa phương [miền Nam]… Rõ ràng phần lớn vũ khí của họ do họ chiếm được hay lấy cắp từ các lực lượng [quân đội] của Chính phủ [Nam] Việt Nam hoặc vũ khí của Pháp hồi còn chiến tranh Đông Dương [trước 1954]”. Bản đánh giá tình báo quốc gia đặc biệt ngày 5-10-1961 cũng cho biết tương tự: “Từ 80% đến 90% của khoảng 17.000 Việt Cộng được tuyển mộ tại địa phương. Ít có bằng chứng cho thấy Việt Cộng dựa vào tiếp viện từ bên ngoài”(13).
Ở điểm này, Jean Lacouture hoàn toàn nhất trí với Philippe: “Tôi ở trong số những người nghĩ rằng có một cuộc nổi dậy từ bên trong chống lại Diệm… Tất cả xuất phát từ làn sóng cách mạng ở miền Nam, kể cả từ trào lưu chống Mỹ rõ ràng không phải của cánh tả”. Sau đó, “miền Bắc ủng hộ một cuộc nổi dậy từ bên trong được phát động tại miền Nam chống lại chế độ độc tài của Diệm… Sự chi viện mà cuộc nổi dậy [ở miền Nam] tiếp nhận không phải từ bên ngoài, mà từ phía bắc của một đất nước luôn còn tính thống nhất của nó cả về pháp lý lẫn tinh thần”(14).
Ngày 21-1-2010, ở tuổi 90, ông tập hợp những bài viết, những hồi ký về đề tài Việt Nam thành cuốn sách cuối cùng trong đời viết lách của mình, dày 475 trang, đặt nhan đề Vingt ans, et plus, avec le Viet-Nam: Souvenirs et écrits, 1945- 1969 (Hơn 20 năm với Việt Nam: Hồi ký và các bài viết 1945-1969). Nhân dịp ra mắt cuốn sách, ông tâm sự với giới báo chí rằng ông “luôn luôn ủng hộ chính nghĩa Độc lập và Thống nhất của nhân dân Việt Nam”. Theo ông, “dân tộc Việt Nam can trường, đã chọn con đường đấu tranh để khôi phục độc lập. Dân tộc ấy xứng đáng được sống trong tự do và hạnh phúc”(15).
Đánh giá cao tình nghĩa thủy chung của Philippe đối với dân tộc Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tặng thưởng ông Huân chương Hữu nghị.
_____
(1) Philippe Devillers, Paris - Saigon - Hanoi: Les archives de la guerre 1944- 1947, NXB Gallimard/ Julliard, Paris, 1988, tr.87, 68.
(2) Xem Jean Lacouture và duyên nợ với Việt Nam, tạp chí Hồn Việt số 97, tháng 10-2015.
(3), (15) fr.vietnamplus.vn
(4) Philippe Devillers, Paris - Saigon - Hanoi, sđd, tr.148, 163, 164. Các từ de fait và en droit viết chữ nghiêng trong nguyên văn.
(5) Báo Cứu Quốc (Hà Nội), số 434, ngày 13-12- 1946.
(6), (10) Philippe Devillers, Paris - Saigon - Hanoi, sđd, tr.300, 293.
(7), (14) Jean Lacouture, Un sang d’encre, NXB Stock/ Seuil, Paris, 1974, tr.90, 190, 209.
(8) Lời tựa của Philippe Devillers viết cho bản dịch Paris - Saigon - Hanoi của Hoàng Hữu Đản, NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, 1993, tr.9.
(9) Léon Pignon là cố vấn chính trị của d’Argenlieu. Sau đó làm Cao ủy Đông Dương từ tháng 10-1948 đến tháng 12-1950.
(11) Thierry d’Argenlieu, Chronique d’Indochine 1945-1947, NXB Albin Michel, Paris, 1985, tr.283.
(12) Philippe Devillers và Jean Lacouture, Vietnam: de la guerre française à la guerre américaine, NXB Seuil, Paris, 1969, tr.375.
(13) The Pentagon Papers (ấn bản của thượng nghị sĩ Gravel), NXB Beacon Press, Boston, 1971, tr.71, 72, 98.