Tao khang hay tào khang?
"Vợ chồng là nghĩa tao khang”. Câu nói này được truyền miệng trong dân gian từ lâu tuy không phổ biến lắm. Bẵng đi một thời gian dài, “tao khang” ít được nhắc đến dù là trong khẩu ngữ hằng ngày hay trên văn đàn mà dường như chỉ tồn tại trong mảng văn học xưa hoặc trong tâm thức những bậc cao niên, hoặc trong từ điển. Gần đây, hai từ này xuất hiện trở lại trong báo viết, báo nói cũng như báo hình. Có chỗ, có nơi lại viết hoặc đọc là “tào khang”.
Vậy hai chữ tao khang nguyên nghĩa là gì, xuất xứ từ đâu, vào thời điểm nào? Theo Hậu Hán thư của Trung Quốc, “tao khang” là lời nói của Tống Hoằng, làm quan dưới triều Hán Quang Vũ (6 TCN - 57). Tống Hoằng người đất Tràng An (thời Đông Hán) vốn là con nhà nghèo nhưng có chí học hành; thi cử đỗ đạt, được bổ làm quan đến chức Đại Tư Không, tước Thượng Khanh. Ông là một vị quan hiền lương. Không may, vợ mắc bệnh mù lòa; chẳng quản ngại ngày đêm, ông chăm sóc người vợ thân yêu của mình một cách tận tình, chu đáo, không có ý này nọ. Cảnh sống tuy đạm bạc nhưng họ vẫn quý nhau.
Hán Quang Vũ (Lưu Tú) có người chị gái là công chúa Hồ Dương. Nàng góa chồng sớm, nên còn khá trẻ và xinh đẹp, muốn đi bước nữa nhưng chưa biết gá nghĩa cùng ai, lòng riêng thì rất ái mộ Tống Hoằng. Một hôm, nàng thổ lộ nỗi niềm với anh mình rằng:
- Uy đức của Tống Hoằng, quần thần không ai bằng.
Quang Vũ hiểu ý chị gái, bèn triệu Tống Hoằng vào, ướm hỏi:
- Quý dịch giao, phú dịch thê, hữu chư 貴 易 交 富 易 妻 有 諸? (Sang đổi bạn, giàu đổi vợ, có chăng?).
Tống Hoằng trả lời:
Bần tiện chi tri bất khả vong. Tao khang chi thê bất khả hạ đường 貧賤之知不可忘. 糟 糠 之妻不可下堂 (Bạn bè quen biết nhau từ thuở nghèo khó, không thể quên. Người vợ cùng chung cảnh nghèo, không thể để xuống ở nhà dưới; ý nói ruồng rẫy). (Nghĩa gốc của tao糟: cặn rượu, khang 糠: cám; chỉ đồ ăn chữa đói của người nghèo).
Hán Quang Vũ biết Tống Hoằng chung thủy với vợ, liền từ bỏ ý định tác hợp cho chị mình.
Về sau người ta dùng “tao khang” để chỉ người vợ lúc còn nghèo khó.
Gần đây, hai chữ tao khang bị đọc chệch, nói chệch, viết chệch thành tào khang. Có người cho rằng, tao đọc là tào, cả hai âm đều đúng, không sai (?!). Nhưng theo tôi nghĩ, cặp từ đẳng lập này có xuất xứ rõ ràng với ý nghĩa đẹp, cần đọc chuẩn, không biến dạng để giữ được nguyên ý nghĩa, giá trị của nó. Do vậy, ta không nên đọc chệch, nói chệch, viết chệch làm lệch âm, sai nghĩa và mất vẻ đẹp của ngôn từ vốn có của nó.
LÊ HOÀI THAO
(P.Nghĩa Tân, Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội)
Hồn Việt: “Tao khang” được sử dụng phổ biến trong dân gian và văn học Việt Nam từ rất sớm. Trong quá trình sử dụng, đã xảy ra hiện tượng chuyển đổi theo lối dùng thuần Việt: từ “tao khang” chuyển thành “tào khang”. Vì vậy, chúng ta vẫn thường thấy xuất hiện không thống nhất trong các từ điển, bài báo… có chỗ dùng “tào khang”, có chỗ lại dùng “tao khang”. Thiển nghĩ, “tào khang” hay “tao khang” đều có thể chấp nhận, cũng như chúng ta đã từng chấp nhận sự chuyển đổi của các cặp từ: chúng cư 眾居 -> chung cư; trú sở 住所 -> trụ sở...