Tôi rất thích bài viết Học văn ở Chicago của tác giả Kỳ Nam đăng trên tạp chí Hồn Việt số 101 (tháng 3-2016). Qua bài báo này, tác giả đã giúp người đọc hiểu thêm về cách học văn ở Mỹ. Với cách học này, học sinh buộc phải đọc nhiều, suy nghĩ nhiều, phát huy tính sáng tạo, rèn được khả năng lập luận và diễn đạt lưu loát (cả trong văn nói và văn viết). Tôi thiết nghĩ, học văn như thế mới đúng nghĩa là học văn chứ! Học sinh ở đó được khuyến khích đọc sách, viết nhật ký để nêu suy nghĩ về các cuốn sách và các sự kiện được tổ chức trong trường, trong thành phố, được viết luận văn, được tranh luận, trao đổi suy nghĩ của mình với người khác, suy nghĩ không giống nhau cũng không sao, chỉ cần suy nghĩ đó là của mình và mình có lý lẽ để bảo vệ suy nghĩ đó, điều quan trọng là ý tứ phải chặt chẽ, thuyết phục… Cách học này không chỉ áp dụng cho sinh viên đại học ở Mỹ mà ngay từ cấp tiểu học, học sinh ở đây cũng đã được tập luyện thói quen đọc sách và học văn theo kiểu này rồi. Vì vậy, học sinh, sinh viên ở Mỹ rất tự giác, chủ động trong việc tìm kiếm tri thức vì ý thức tự học đã được rèn luyện từ nhỏ.
Trông người mà ngẫm đến ta! Cách học văn của chúng ta thì sao? Hoàn toàn ngược lại với Mỹ. Vì sao học sinh nước ta hiện nay chán học văn? Theo tôi, những nguyên nhân sau đây đã khiến học sinh chán môn văn:
Cách dạy áp đặt (giáo viên thì nói theo sách hướng dẫn, học sinh thì chép lại lời giảng của giáo viên), cả giáo viên và học sinh đều lười đọc sách (có một số ít thích đọc sách thì lại không có thời gian để đọc, giáo viên thì bận chép giáo án và làm sổ sách, học sinh thì bận đi học cả ngày và còn phải học thêm).
Sách giáo khoa môn văn chẳng có gì hấp dẫn (nghèo nàn về nội dung, chỉ trích dẫn được dăm ba đoạn trong các tác phẩm văn học khiến học sinh đọc chẳng hiểu đầu đuôi gì cả nhưng cứ phải xem đó là tài liệu “chuẩn”, là cái “phao” để phục vụ cho kiểm tra, thi cử). Kiểu học văn của ta vẫn chịu ảnh hưởng của lối học thời phong kiến, tức là học thuộc những điều đã được ghi chép trong sách vở để đi thi, xem những cái “có sẵn” đó (ví dụ “văn mẫu” và “bài giảng” của thầy) là luôn luôn đúng, nhất thành bất biến, khi học phải cố gắng “nuốt” được những lời vàng ngọc đó để đi thi đạt điểm cao.
Khi dạy, giáo viên phải “bám sát” chương trình sách giáo khoa, phải dạy cho “kịp”, cho “đủ” để học sinh làm bài kiểm tra, bài thi theo quy định. Khi ra đề kiểm tra văn thì quanh đi quẩn lại cũng chỉ yêu cầu học sinh phân tích, cảm nhận về mấy đoạn trích của tác phẩm văn học nằm trong sách giáo khoa, giáo viên không dám đưa một tác phẩm “lạ hoắc” (không có trong sách giáo khoa) vào đề kiểm tra vì sợ học sinh không làm bài được thì điểm thấp, ảnh hưởng đến thành tích của cả thầy và trò. Khi ra đề kiểm tra, đề thi, giáo viên phải soạn luôn cả “Hướng dẫn chấm” (đáp án) để căn cứ vào đó mà cho điểm. Tuy chấm văn nhưng giáo viên bây giờ không chú trọng việc học sinh viết có đúng chính tả hay không, diễn đạt ra sao, lập luận thế nào… mà họ chỉ để ý xem học sinh viết có đúng theo “đáp án” không, có đủ các ý như đã “vạch ra” trong đáp án hay không. Thật là vô lý và nực cười! Chính cách thi cử “cổ hủ” này đã khiến giáo viên văn phải dạy học sinh theo lối “học vẹt” để phục vụ cho thi cử. Chấm văn mà yêu cầu học sinh phải làm giống “đáp án”, phải đầy đủ các ý đã nêu trong đáp án nên khi dạy, giáo viên phải ra sức nhồi nhét, cho học sinh ghi chép thật nhiều để không “sót” một ý nào cả, nếu thiếu mất một ý nào đó mà học sinh bị trừ điểm thì giáo viên sẽ bị phê bình là “dạy thiếu kiến thức”, chưa bám sát chương trình, nặng nề hơn là bị quy kết “vi phạm quy chế chuyên môn”… Với lối chấm văn như thế thì học sinh cũng chả dại gì mà đưa ra ý kiến riêng hoặc phát huy tính sáng tạo vì chỉ cần nói khác với những điều thầy giảng hoặc sách hướng dẫn đã viết thì xem như không đúng “đáp án”. Thi sao thì học vậy. Thôi thì cứ học thuộc những điều thầy đã đọc cho chép hoặc học thuộc văn mẫu là chắc ăn, đó là suy nghĩ của hầu hết học sinh hiện nay khi học môn văn. Những nguyên nhân này đã khiến cho giáo viên văn “chán dạy” và đa số học sinh thì “chán học” và rất sợ môn văn.
Chúng ta cứ hô khẩu hiệu là đổi mới căn bản bản toàn diện nền giáo dục, phát huy tính chủ động, sáng tạo của cả thầy và trò… nhưng xem ra rất khó thực hiện vì “sức ì” ở các trường phổ thông quá lớn. Đơn cử như trong đội ngũ giáo viên văn hiện nay thì những giáo viên có tư tưởng “bảo thủ” vẫn chiếm đa số, những người này vẫn cho rằng cách dạy văn theo kiểu truyền thống của ta từ trước đến nay (dạy theo kiểu áp đặt, một chiều, thầy đọc trò chép, học gì thi nấy, học bài nào thì chỉ biết bài đó…) là ưu việt, là số 1 vì cách dạy, cách học này sẽ giúp học sinh thi đậu, dễ đạt điểm cao. Còn cách dạy văn, học văn của Mỹ thì hoàn toàn xa lạ với họ vì bản thân những giáo viên đó cũng không đủ trình độ và khả năng để dạy học sinh theo kiểu của Mỹ. Thật đáng lo và đáng buồn! Tôi nghĩ, không phải cứ “hô hào” và viết lại sách giáo khoa là thay đổi được nền giáo dục mà trước tiên, những nhà quản lý giáo dục và giáo viên phải tự “đổi mới tư duy” đi rồi sau đó hãy nghĩ đến việc thay đổi những cái khác.
NGUYỄN THỊ HẠ
Giáo viên Trường THPT Phú Mỹ, Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu