HV104 - Đọc thơ dịch Đường thi của Đỗ Trung Lai

Nhà thơ Đỗ Trung Lai (ảnh) có một tình yêu lớn với thơ Đường. Anh bỏ công học tập, nghiên cứu thơ Đường và dịch thơ Đường trong nhiều năm. Dịch thơ Đường! Xưa nay chỉ nghe các bậc đại Nho như Phan Huy Thực, Tùng Vân, Tản Đà, Nhượng Tống, Nam Trân (Tương Như)… dịch thơ Đường và để lại thành tựu. Nhà thơ Khương Hữu Dụng tuy không thể xem là nhà Hán học, nhưng cũng rất sành thơ Đường và dịch thơ Đường nhiều bài có những tình điệu riêng, đáng quý…

Đỗ Trung Lai dòng dõi nhà Nho, yêu thơ Đường và dịch thơ Đường nhờ công phu tìm hiểu, học tập qua sách vở, qua các bản dịch nghĩa. Anh đã lập một kỷ lục: ba tập dịch thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị (NXB Giáo dục), và mới đây là 100 nhà thơ Đường (NXB Hội Nhà văn, 2014), Thơ của ba vị tổ Thiền phái Trúc Lâm (NXB Hội Nhà văn, 2016).

Phải nói rằng, bản dịch lần này của Đỗ Trung Lai nhiều bài không thẹn với nguyên tác và với các bản dịch hiện có. Dĩ nhiên cũng có rất nhiều bài bình thường, không vượt qua được “vũ môn” của những danh tác của các đại gia. Nhưng công phu tìm lời, đặt chữ, chọn vần…, và nhất là diễn đạt được cái hồn của nguyên tác thật đáng trân trọng!

Tôi đã đọc đi đọc lại các bản dịch của anh. Nói cho hết lẽ thì phải có một bài nghiên cứu so sánh dài lắm, mà hiện nay thì không có thời gian. Tôi chỉ muốn nói rằng: với một sự đam mê hiếm có đối với thơ Đường, đối với cổ thi, bản dịch của Đỗ Trung Lai nhiều lúc lóe lên ánh sáng của sự sáng tạo. Dịch khó lắm! Dịch còn khó hơn sáng tác, đó là ý của Lỗ Tấn. Nhiều khi dịch sát chữ sát nghĩa thì không hay. Mà dịch cho hay thì dễ xa rời nguyên tác! Như một người đàn bà đẹp, đã đẹp thì dễ không chung thủy, mà chung thủy thì lại không đẹp!

Dưới đây tôi thử chọn một vài bài, giới thiệu đến bạn đọc Hồn Việt. Gần đây, Đỗ Trung Lai có Kể chuyện những ngày có giặc, một bài thơ dài hơi, nhiều đoạn đáng đọc, chứa đựng những tâm huyết của anh về kháng chiến - cách mạng, về lịch sử dân tộc. Cộng cả sáng tác và dịch thơ, Đỗ Trung Lai là một nhà thơ có cống hiến trên thi đàn.

Bài 1:

古 意

沈 佺 期

盧 家 少 婦 鬱 金 香

海 燕 雙 棲 玳 瑁 梁

九 月 寒 砧 催 木 葉

十 年 征 戍 憶 遼 陽

白 狼 河 北 音 書 斷

丹 鳳 城 南 秋 夜 長

誰 為 含 愁 獨 不 見

更 教 明 月 照 流 黃

Phiên âm:

Cổ ý

THẨM THUYÊN KỲ

Lư gia thiếu phụ uất kim hương,

Hải yến song thê đại mạo lương.

Cửu nguyệt hàn châm thôi mộc diệp,

Thập niên chinh thú ức Liêu Dương.

Bạch Lang hà bắc âm thư đoạn,

Đan Phượng thành nam thu dạ trường.

Thùy vị hàm sầu độc bất kiến,

Cánh giao minh nguyệt chiếu lưu hoàng.

Bản dịch của Đỗ Trung Lai:

Phỏng thơ xưa

Vợ chàng Lư, nghĩ mà thương,

Đẹp như cây uất kim hương bên trời.

Én đôi rủ rỉ rường đôi,

Vợ chồng mắt mắt môi môi ngày ngày.

Thế rồi trời nổi heo may,

Tiếng cây rụng lá, tiếng chày ngẩn ngơ.

Chàng đi từ bấy đến giờ,

Mười thu dằng dặc bãi bờ Liêu Dương.

Quê nhà ngần ấy đêm trường,

Thư chàng không lại, dứt đường chim bay.

Vì đâu xa mắt cách mày?

Ai làm ra đến nỗi này người ơi!

Thế mà trăng cứ đầy trời,

Rắc vàng xuống khắp cõi người, đêm đêm!

* Bản dịch tuy có “diễn dịch” nhiều ý súc tích của nguyên tác, nhưng rất hay!

Bài 2:

人 日 寄 杜 二 拾 遺

高 適

人 日 題 詩 寄 草 堂

遙 憐 故 人 思 故 鄉

柳 條 弄 色 不 忍 見

梅 花 滿 枝 空 斷 腸

身 在 南 蕃 無 所 預

心 懷 百 憂 復 千 慮

今 年 人 日 空 相 憶

明 年 人 日 知 何 處

一 臥 東 山 三 十 春

豈 知 書 劍 老 風 塵

龍 鐘 還 忝 二 千 石

愧 爾 東 西 南 北 人

Phiên âm:

Nhân nhật ký Đỗ nhị Thập di

CAO THÍCH

Nhân nhật đề thi ký thảo đường,

Dao liên cố nhân tư cố hương.

Liễu điều lộng sắc bất nhẫn kiến,

Mai hoa mãn chi không đoạn trường.

Thân tại nam phiên vô sở dự,

Tâm hoài bách ưu phục thiên lự.

Kim niên nhân nhật không tương ức,

Minh niên nhân nhật tri hà xứ?

Nhất ngọa Đông Sơn tam thập xuân,

Khởi tri thư kiếm lão phong trần.

Long Chung hoàn thiểm nhị thiên thạch,

Quý nhĩ đông tây nam bắc nhân.

Bản dịch của Đỗ Trung Lai:

Ngày mồng bảy tháng giêng viết gửi Đỗ Phủ

Khai Hạ, làm thơ gửi thảo đường,

Xa quê như bạn, nghĩ càng thương.

Không nỡ trông lên màu liễu biếc,

Mai nở đầy cây giục tủi hờn.

Thân ở trời nam xa chính sự,

Mà lòng nặng nợ với giang sơn.

Hôm nay ngồi viết cho nhau được,

Khai Hạ sang năm biết có còn?

Ba thập niên rồi anh về núi,

Mà gươm với sách vẫn không mòn,

Tôi già vẫn lĩnh hai ngàn thạch,

Nghĩ thẹn cùng anh giữa nước non.

* Xin góp ý với anh: chữ Không 空 (Sūnyāta) là một khái niệm Thiền tông, du nhập thơ Đường; không trống không (empty), các cụ ta xưa dịch là luống, có ý than. Trong bài của Cao Thích, có hai lần dùng chữ không (không đoạn trường 空 斷 腸; không tương ức 空 相 憶); bản dịch không để ý, cho qua, đáng tiếc.

MAI QUỐC LIÊN