HV104 - Cảo thơm lần giở “Picasso nghĩ gì?”

Khi chàng trai Việt Nam Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc) đặt chân lên đất Pháp năm 21 tuổi thì họa sĩ Tây Ban Nha 30 tuổi Picasso đã nổi danh ở Paris do lập ra phái lập thể (cubisme).

Sau đó, hai tâm hồn yêu tự do ấy đã gặp nhau trên đất Pháp để rồi lại xa nhau.

Năm 1946, đi dự hội nghị Fontainebleau ở Pháp, Hồ Chí Minh (Nguyễn Ái Quốc) đã có dịp gặp lại “nghệ sĩ hiện đại danh tiếng nhất” ấy sau 35 năm xa cách; hai bên đều đã trên dưới lục tuần. Ông Vũ Đình Huỳnh, bí thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có kể lại cho nhà văn Sơn Tùng cuộc gặp của đôi bạn như sau:

“Một hôm, Bác gọi tôi đến, nói:

- Chú thay bộ quân phục “cô lô nhần” (colonel = quan năm) này, mặc thường phục đi với tôi ngay bây giờ.

Lúc lên xe đi được một quãng sang biên giới quận 8, gần Khải hoàn môn, Bác mới nói:

- Hôm nay chúng mình đến thăm nhà danh họa Picasso.

Tôi ngạc nhiên:

- Bác cũng quen họa sĩ Picasso à?

- Giả sử không quen biết từ trước thì đến thủ đô Paris này chúng ta vẫn phải đến chào một con người sáng tạo hội họa khó hiểu, mà nghệ thuật của tranh ông lại làm say lòng người.

Bác Hồ đến không báo trước. Lúc người giúp việc Picasso đưa Bác đến gần cửa, Picasso đã nhận ra Bác. Ông vội chạy tới:

- Chào anh Nguyễn!

Hai người ôm chầm lấy nhau. Rồi Picasso lùi lại một bước ngắm Bác:

- Anh già chóng quá, nhưng đôi mắt vẫn trẻ và như sáng hơn thời chúng ta gặp nhau ở trụ sở nhóm Clarté (Ánh sáng).

Picasso đưa Bác đi xem phòng tranh của ông, Bác đi qua từng bức tranh, im lặng tuyệt đối. Tôi thấy sự xúc động hiện rõ trên gương mặt trầm tư của Người. Lúc trở vào phòng trà, Picasso hỏi Bác:

- Anh cho tôi một lời khuyên.

Bác nói:

- Chúng tôi đến chiêm ngưỡng nghệ thuật của anh. Mọi lời bình tranh của Picasso chỉ là nét viền quanh cái khung của bức tranh. Anh miễn cho tôi, một người không am hiểu nghệ thuật hội họa cho lắm!

Picasso cười thoải mái, giọng vui hẳn lên:

- Tôi còn nhớ bức tranh anh vẽ trên báo Le Paria (Người Cùng Khổ), anh ký Nguyễn Ái Quốc bằng chữ Tàu và lời chú bức tranh: “Xe xích sắt một ngày kia sẽ thay những con lạc đà, nhưng chúng vẫn còn khá nhiều”. Bằng chứng ư? Ngày ấy tôi nói với Henri Barbusse: “Chỉ mấy nét vẽ này ta đã thấy một tư tưởng, một tâm hồn đẹp tàng ẩn bên trong”. Nếu như anh tiếp tục con đường hội họa, thì biết đâu đấy, cũng có thể sẽ có một Nguyễn Ái Quốc họa sĩ. Nhưng hôm nay, anh Nguyễn đã là Hồ Chủ tịch, người đi hàng đầu cuộc đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc mình và của các dân tộc bị áp bức khác.

Ông mời Bác uống nước, ông phác mấy nét chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng ông cất vào cặp giấy vẽ, đến lúc tiễn Bác ra cửa, ông mới trao tay cho Bác.

Sau đó, Bác giao lại cho tôi. Tôi giữ suốt thời kỳ ở thủ đô cho tới lúc kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Đó là một di sản quý về Bác, tôi có ý định khi có Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh thì trao lại… rồi tôi bị vướng vào cái vụ xét lại (…). Không rõ ai đã thu mất bức họa ấy…” (Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, tháng 5-1990).

***

Trở lại Picasso.

Đất lành chim đậu. Picasso thành danh cơ bản ắt không phải nhờ Paris. Nhưng chắc chắn là không khí nghệ thuật Paris và nước Pháp đóng góp không ít vào sự phát triển nghệ thuật của ông.

Picasso được coi là họa sĩ có ảnh hưởng nhất thế kỷ XX, người đã làm cuộc cách mạng mỹ học quan trọng nhất từ thời kỳ Phục hưng. Tài năng đa dạng của ông được thể hiện qua nhiều thể loại (họa, đồ họa, điêu khắc, đồ gốm, trang trí sân khấu) và nhiều giai đoạn; giai đoạn xanh lơ (vẽ những người cơ cực), giai đoạn hồng (vẽ diễn viên nhào lộn, trẻ con…), giai đoạn báo hiệu lập thể sau khi nghiên cứu Cézanne và nghệ thuật da đen (bức tranh Gái thanh lâu đường Avignon), giai đoạn lập thể… Bức Guernica nổi tiếng tố cáo chiến tranh khi không quân Đức quốc xã ném bom thành phố Guernica trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha (1937).

Sau đây là một số suy nghĩ của Picasso:

+ Tôi không thể sống thiếu tình yêu được. Nếu không còn có một con người nào nữa, tôi sẽ có thể yêu một cái cây, một quả đấm cửa.

+ Không ai có thể để tâm theo dõi một người, mắt chằm chằm nhìn xuống đất, hòng tìm xem vận may có đặt một chiếc ví trên đường đi không.

+ Nghệ thuật là một sự dối trá khiến cho ta có thể tìm ra sự thật.

+ Thanh niên là thời người ta ngụy trang, người ta che giấu cá tính. Đó là thời kỳ dối trá một cách chân thật.

+ Tôi bao giờ cũng thử làm cái tôi không biết làm. Và như vậy, tôi hy vọng học được làm cái đó.

+ Hoạt động nghệ thuật thực sự nằm trong lao động của cả một cuộc đời.

+ Hành động sáng tác nào bao giờ bắt đầu cũng là một hành động phá hủy.

+ Tôi đưa vào những bức họa của tôi tất cả những gì tôi thích, không cần tính đến các sự việc, chúng cứ tự thu xếp với nhau.

+ Nếu chỉ có một hiện thực duy nhất thì người ta không thể vẽ hàng trăm bức họa về cùng một đề tài.

+ Nghệ thuật hội họa sinh ra không phải để trang trí nhà cửa.

+ Trong nghệ thuật không có dĩ vãng và tương lai.

+ Cần phải cho thấy được nhiều bức họa đằng sau một bức.

+ Ai và cái gì nhìn mặt người đúng nhất? Nhà nhiếp ảnh, cái gương hay họa sĩ?

+ Do tuổi cao nên phải ngừng lại, nhưng vẫn còn lại cái thèm hút thuốc. Điều ấy cũng như làm tình: người ta đã ngừng nhưng vẫn thèm.

+ Tất cả những hình ảnh thiên nhiên mà chúng ta có được đều nhờ vào các họa sĩ.

+ Cần vẽ cái gì trên mặt con người? Vẽ những gì ở trên mặt? Hay vẽ cái gì ẩn giấu sau bộ mặt?

HỮU NGỌC