HV104 - Câu chuyện về “Liên minh sai lầm”

LTS: Cuối tháng 3 vừa qua, khi trao Giải nghiên cứu năm 2016 cho ông Nguyễn Ngọc Lanh, ông Nguyên Ngọc ca ngợi tác giả này “có một loạt bài độc đáo, có tên Việt gian bán nước trong lịch sử, trong đó, bằng những tư liệu và phân tích công phu, chặt chẽ, ông bác bỏ một cách thuyết phục một số đánh giá không công bằng đối với nhiều nhân vật lịch sử”. Một trong những nhân vật lịch sử ấy là Ngô Đình Diệm, người được ông Nguyễn Ngọc Lanh “suy tôn” là người từng “bí mật chống Pháp”, “dứt khoát không bán nước” cho Mỹ, chỉ “chống Cộng” mà thôi! Báo Nhân Dân gọi đây là “hiện tượng lạ”, Hồn Việt thì coi đây là “hiện tượng độc hại” (“độc hại”, chứ không phải “độc đáo” như ông trưởng ban vận động Văn đoàn độc lập nhận xét).

Bước qua tháng 4 - tháng có nhiều dấu ấn sâu đậm trong lịch sử Việt Nam hiện đại - không phải ngẫu nhiên mà cùng lúc xuất bản hai bản dịch của hai cuốn sách có liên quan xa gần đến nhân vật nói trên: Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng(1) và Liên minh sai lầm: Ngô Đình Diệm, Mỹ và số phận Nam Việt Nam(2). Hồn Việt đã có bài điểm cuốn sách thứ nhất trên số 102, nay xin giới thiệu bài điểm cuốn sách thứ hai. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc.

Tác giả cuốn sách Liên minh sai lầm: Ngô Đình Diệm, Mỹ và số phận Nam Việt Nam (Misalliance - Ngo Dinh Diem, the United States, and the Fate of South Vietnam) là Edward Miller, giảng viên tại đại học Dartmouth (Mỹ).

Nội dung Miller nghiên cứu xoay quanh sự không dung hòa trong khái niệm về phát triển xã hội giữa Mỹ, Ngô Đình Diệm và những người mà tác giả gọi là những nhà chính trị dân tộc chủ nghĩa của Việt Nam. Đó là nguyên nhân chính gây ra sự đổ vỡ của cái gọi là “liên minh giữa Mỹ và Ngô Đình Diệm”, dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Đệ nhất Cộng hòa.

Miller viết: “Từ khi hình thành tới khi tan rã, liên minh giữa Ngô Đình Diệm và Mỹ được xác định bằng nền chính trị xây dựng quốc gia… được xác định bởi các cuộc tranh luận về phát triển, tức là bởi sự tương tác và xung đột giữa vô số tầm nhìn khác nhau của người Mỹ và người Việt về vận mệnh của miền Nam Việt Nam thời hậu thực dân” (Liên minh sai lầm: Ngô Đình Diệm, Mỹ và số phận Nam Việt Nam, bản dịch của NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.431).

Mỹ - Ngô Đình Diệm “liên minh” với nhau vào lúc nào? Theo Miller, đó là khoảng 9 năm, từ 1954 đến 1963, trong bối cảnh diễn ra cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam tiến hành trong 30 năm, từ 1945 đến 1975. Cuộc chiến tranh đó, theo cách gọi của tiến sĩ Daniel Ellsberg, đó là cuộc chiến tranh xâm lược Pháp - Mỹ ở Việt Nam. D. Ellsberg viết: “Không có hai cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và lần thứ hai, mà chỉ có một cuộc chiến tranh liên tục trong gần ¼ thế kỷ [đúng ra là gần 1/3 thế kỷ - HĐ]. Đó là cuộc chiến tranh của Mỹ hầu như ngay từ đầu. Trước tiên là chiến tranh của Pháp - Mỹ, sau đó là của Mỹ hoàn toàn” (Secrets: A memoir of Vietnam and the Pentagon Papers, tr.255).

Trong cuộc chiến tranh đó, sự thất bại của Mỹ không phải là “sự không thể dung hòa giữa các khái niệm về phát triển xã hội giữa Mỹ và những người quốc gia dân tộc Việt Nam” (Edward Miller, sđd, tr.431-434) mà chính là từ bản chất nó là cuộc chiến tranh xâm lược. Giai đoạn 9 năm Mỹ sử dụng Ngô Đình Diệm chỉ là một chặng trong cả quá trình tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ. Gọi nó là “sự không thể dung hòa giữa khái niệm phát triển xã hội” chỉ là thủ đoạn đánh tráo khái niệm, thực chất là nhằm bào chữa cho cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam trong thế kỷ XX.

Ngô Đình Diệm thời đắc sủng: Eisenhower và John Foster Dulles tiếp Diệm tại Mỹ (tháng 5-1957)

Từ góc nhìn lệch lạc của mình, Edward Miller diễn giải “Liên minh Mỹ - Ngô Đình Diệm” qua 9 chương sách; dưới đây là một số nét chính:

1. Đánh giá con người Ngô Đình Diệm, E. Miller xét từ gia đình có gốc Nho học, theo Công giáo, theo học trường Hậu bổ (trường đào tạo lớp quan lại), tốt nghiệp và trở thành công chức khá trẻ của bộ máy cai trị của Nam triều dưới sự “bảo hộ” của thực dân Pháp. Thăng tri huyện, rồi tuần phủ, có công trong cuộc đàn áp đẫm máu phong trào đấu tranh của nhân dân Phan Rang năm 1930. Nhanh chóng thăng chức Thượng thư Bộ Lại (hạng quan đầu triều). Sau đó tạo được vốn chính trị “chống Pháp” khi đệ đơn từ chức với lý do Pháp không đáp ứng đòi hỏi cải cách của Ngô Đình Diệm (thực chất là do mâu thuẫn quyền lợi với Phạm Quỳnh được Pháp tin cậy). Hoạt động trong nhóm thân Nhật những năm đầu thập kỷ 40 (thế kỷ XX), dựa thế của quân phiệt Nhật để tránh sự khủng bố của Pháp; nhưng sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945) không được Nhật sử dụng lập chính phủ bù nhìn; tìm cách gây thanh thế chính trị, lập đoàn thể xã hội để trở thành một thứ lãnh tụ phong trào, nhưng thực lực cũng chỉ quanh quẩn ở các tỉnh miền Trung, trong giới Công giáo. Tuy nhiên E. Miller vẫn đánh giá: giai đoạn này Ngô Đình Diệm đã chứng tỏ “có khả năng vượt qua những rào cản về phe phái, chính trị và vùng miền” (chương “Con người giàu đức tin”, sđd, tr.31).

2. Sau khi toàn quốc kháng chiến nổ ra (19-12-1946), Pháp vận động “Giải pháp Bảo Đại” để loại bỏ chính phủ hợp pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, Ngô Đình Diệm đã sang Hồng Kông gặp Bảo Đại. Nhưng sau đó, ngày 8-3-1949 Pháp lại ký với Bảo Đại Hiệp ước Élysée. Trong tuyên bố ngày 16-6-1949, Ngô Đình Diệm vừa phê phán Hiệp ước Élysée, vừa quảng bá cho cái mà tác giả Miller gọi là “tầm nhìn về việc chuyển hóa đời sống và xã hội Việt Nam”, coi đó là tuyên bố có tính “cách mạng”, đánh dấu sự cắt đứt quan hệ với Pháp - Bảo Đại và bắt đầu hướng tới Mỹ.

3. Khởi đầu với Mỹ: Năm 1950, khi cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đang giành thắng lợi lớn trong Chiến dịch biên giới, quân Pháp rơi vào thế bị động, nước Pháp bắt đầu kiệt quệ vì cuộc chiến tranh lâu dài ở Đông Dương, phải tìm viện trợ của Mỹ; Ngô Đình Diệm nhờ Wesley Fishel và hồng y Spellman giúp qua Mỹ, cư trú ở một số tu viện Công giáo. Thời điểm này là lúc cao trào chống cộng cuồng nhiệt của McCarthy ở Mỹ; cũng là lúc Mỹ chủ trương cung cấp viện trợ cho các nước Á, Phi và Mỹ latinh, qua đó phát động phong trào “phi thực dân hóa” (thoát khỏi chủ nghĩa thực dân cũ) nhằm thực hiện chủ nghĩa thực dân mới (trao độc lập chính trị nhưng khống chế bằng viện trợ kinh tế, quân sự). E. Miller mô tả chủ nghĩa thực dân mới với những từ đẹp đẽ sau: “Mỹ mở rộng viện trợ đến các nước đang phi thực dân hóa trong giai đoạn đầu thập niên 1950 diễn ra song hành với niềm tin ngày càng lớn của người Mỹ về khả năng của họ trong sử dụng công nghệ và kiến thức chuyên gia để chuyển hóa và nâng đỡ các xã hội nước ngoài”. Và ông nhận xét: “Diệm thừa đủ khôn ngoan để nhận ra bất kỳ mối liên minh nào giữa Việt Nam và Mỹ…” (sđd, tr.59). Theo Miller, thời gian này Diệm tìm đường hướng về Mỹ, “luôn điều chỉnh cách trình bày yêu cầu của mình theo hướng hợp với người Mỹ các ý tưởng về phát triển xã hội”. Miller ám chỉ lý luận phát triển xã hội của Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu, một loại lý thuyết được nhào nặn bằng hỗn hợp thuyết “Nhân vị” (Personnalisme) của Emmanuel Mounier (triết gia Công giáo Pháp) với triết lý Khổng - Mạnh (sau được Diệm - Nhu đặt là thuyết Cần lao - Nhân vị). Nhờ đó Diệm đã giành được sự giúp đỡ của một số chính trị gia tầm cỡ: Willam Douglas (thẩm phán tòa án tối cao Mỹ), Mike Mensfield, John F. Kennedy (cả hai là nghị sĩ) và nhất là Hồng y Francis Spellman.

4. Vận động Diệm vào chức vụ Thủ tướng quốc gia Việt Nam

Theo Miller, việc Diệm được Bảo Đại cử vào chức vụ Thủ tướng quốc gia Việt Nam thay Bửu Lộc năm 1954, không phải do áp lực của Mỹ, mà do tài vận động khéo của Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu với nhóm Đảng Cần lao, nhóm Trần Quốc Bửu (Tổng liên đoàn Lao công) với các tổ chức xã hội do Diệm - Nhu tạo ảnh hưởng ở Sài Gòn. Theo tác giả, Diệm giành được cơ hội là do “tính kiên trì, nhẫn nại, lập kế hoạch, tranh thủ thời cơ và có phần không nhỏ của may mắn”. E. Miller phản bác giả thuyết cho rằng cuộc vận động này do CIA tiến hành hay việc Bộ trưởng Ngoại giao Foster Dulles đề nghị Bảo Đại phải chọn Ngô Đình Diệm, nhấn mạnh: “Giả thuyết này không có đủ tài liệu làm bằng chứng để chứng minh”. Theo Miller, CIA đã cho lục tìm trong hồ sơ bảo mật thời kỳ này nhưng không có. Ông còn dẫn cả hồi ký của Bảo Đại nói về vấn đề này: “Ông [Diệm] được người Mỹ biết đến và họ đánh giá cao tính không khoan nhượng của ông. Trong con mắt họ, ông [Diệm] là người xứng đáng với chức vụ đó nhất, và Washington sẽ không dè xẻn trong việc ủng hộ ông” (sđd, tr.76).

Rất tiếc dường như E. Miller không biết câu nói của John F. Kennedy, lúc còn là nghị sĩ, nói về Diệm: “Nếu chúng ta không phải là cha mẹ của nước Việt Nam bé nhỏ [chỉ chế độ Việt Nam Cộng hòa của Diệm] thì chắc chắn chúng ta là cha mẹ đỡ đầu của nó. Chúng ta chủ tọa lúc nó ra đời, chúng ta viện trợ để nó sống, chúng ta giúp định hình tương lai của nó… Đó là con cái của chúng ta - chúng ta không thể bỏ rơi nó, chúng ta không thể không biết tới những nhu cầu của nó” (tuyên bố ngày 1-6-1956 tại Washington, D.C.). Kennedy đã gặp Ngô Đình Diệm từ đầu những năm 1950 khi Diệm sống lưu vong ở Mỹ, từ đó John F. Kennedy, Mike Mensfield (hai nghị sĩ này đều là người Công giáo) và một số người Mỹ thành lập một nhóm vận động (lobby) cho Diệm (sau thành Hội những người Mỹ bạn của Việt Nam - American Friends of Vietnam).

5. Kịch bản trước và sau Hiệp định Genève 1954

E. Miller trình bày các sự kiện trước và sau ngày ký Hiệp định Genève (21-7-1954) như một chuỗi sự kiện đầy “ngẫu hứng”, một kịch bản tô vẽ Ngô Đình Diệm như một lãnh tụ đầy bản lĩnh và bằng tài năng tổ chức, tính quyết đoán, sáng tạo, đã thực hiện một khối lượng công việc cực kỳ phức tạp, khó khăn, và đã thành công vượt mọi dự đoán, thuyết phục được những chính khách khó tính. Ông hoài nghi về kết quả “cuộc thử nghiệm Ngô Đình Diệm”:

- Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles bỏ về Mỹ, không dự Hội nghị Genève. Khi Hiệp định được ký kết, Tổng thống Mỹ Eisenhower tuyên bố: “Hoa Kỳ không bị các điều khoản của Hiệp định này ràng buộc”; Trần Văn Đỗ, Trưởng đoàn của chính quyền Diệm, ra tuyên bố phản đối Hiệp định chia đôi đất nước...

- Ngô Đình Diệm tập trung sức tiến hành củng cố chính quyền; trước hết gạt bỏ tướng Nguyễn Văn Hinh, người của Pháp, chỉ huy quân đội Quốc gia Việt Nam. Sau nhiều lần họp với Hinh, cuối cùng Diệm đạt được quyết định của chính Bảo Đại bãi chức Hinh ngày 29-11-1954, mặc dù Hinh dựa vào Pháp mưu lật đổ Diệm nhưng không thành.

- Ngô Đình Diệm nắm lại lực lượng cảnh sát quốc gia, lúc đó do Lê Văn Viễn (thuộc phe Bình Xuyên, người của Pháp) chỉ huy. Cuộc xung đột giữa quân của Diệm và quân Bình Xuyên ngay trong nội thành bắt đầu ngày 24-4-1955, chỉ sau 5 ngày Diệm đã đẩy lui quân của Bình Xuyên ra khỏi Sài Gòn, nhưng gây nhiều tang tóc, tàn phá cho nhân dân.

- Diệm từng bước vô hiệu hóa lực lượng vũ trang của các nhóm tôn giáo. Đối với Hòa Hảo, Diệm chiêu dụ Nguyễn Giác Ngộ, cô lập Trần Văn Soái (Năm Lửa), lừa gạt Lê Quang Vinh (Ba Cụt) để bắt sống, đem chém. Đối với Cao Đài, Diệm chiêu dụ Trịnh Minh Thế, Nguyễn Thành Phương… chống lại phe Phạm Công Tắc, Hồ Tấn Khoa (Tòa thánh Tây Ninh); sau đó ám muội diệt Trịnh Minh Thế để trừ hậu họa…

- Kích động phong trào “Cách mạng quốc gia” ủng hộ Diệm, truất phế Bảo Đại qua trưng cầu dân ý gian lận ngày 23-10-1955 (Diệm được 98% phiếu bầu), bầu Quốc hội, ban bố Hiến pháp, thành lập chế độ Việt Nam Cộng hòa do Ngô Đình Diệm làm Tổng thống (26-10-1956)...

- Ổn định cơ bản gần 1 triệu người di cư từ Bắc vào Nam; ban hành luật “Cải cách điền địa”, thực chất là cướp lại ruộng đất mà nông dân đã được chính quyền kháng chiến cấp, trả lại cho địa chủ. Tiến hành các chương trình “Khu dinh điền”, “Khu trù mật” và sau đó là quốc sách “Ấp chiến lược”, một loại trại tập trung trá hình.

Miller đánh giá: “Sự tồn tại của Nam Việt Nam với tư cách là một nhà nước chống cộng sản - một kết quả mà trước đó 18 tháng có vẻ như là điều khó có thể có được, thì nay dường như đã được bảo đảm” (sđd, tr.203).

Thật ra kịch bản này không hề “ngẫu hứng”, mà đã được Mỹ lên kế hoạch chi tiết từ trước. Trong hai ngày 8 và 12-8-1954 (tức chỉ 2, 3 tuần sau ngày ký Hiệp định Genève), Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã họp; và ngày 20-8-1954 thông qua Nghị quyết NSC 5429/2 đề ra các việc phải làm: “Ủng hộ một chính phủ bản xứ mạnh và xây dựng lực lượng quân sự bản xứ có thể bảo đảm an ninh nội địa”, đưa ra một loạt biện pháp như: “bầu cử một Quốc hội, soạn thảo một Hiến pháp, truất phế Bảo Đại một cách hợp pháp, gắn cải cách điền địa với tái định cư dân di cư, trao viện trợ trực tiếp cho người Việt Nam không thông qua Pháp nữa”… (The Pentagon Papers, ấn bản của thượng nghị sĩ Gravel, NXB Beacon Press, Boston, 1971, tập I, tr.204).

Kịch bản này được thực hiện với sự hỗ trợ đắc lực của Nhóm cố vấn Trường đại học bang Michigan, Mỹ (MSUG) do Wesley Fishel cầm đầu cùng với vai trò chi phối bên cạnh Diệm - Nhu của viên đại tá tình báo Edward Lansdale. Tổ chức MSUG đã đưa hơn 100 chuyên gia học thuật và chuyên ngành đến Nam Việt Nam. Viện trợ của Mỹ cho chính quyền Sài Gòn từ 1955 đến 1960 là 1.028,9 triệu đôla (tính theo thời giá lúc bấy giờ). Ngô Đình Diệm đã thực hiện trọn vẹn Nghị quyết NSC 5429/2 ngày 20-8-1954 nói trên của Washington.