Lý Sơn mùa du lịch
Đến Lý Sơn bây giờ khá dễ dàng, từ cảng Sa Kỳ - Quảng Ngãi, đi trên chuyến tàu khách khá lịch sự với những chiếc ghế màu đỏ xếp đều tăm tắp, chỉ 1 tiếng đồng hồ là Lý Sơn đã hiện ra, hiền hòa, lặng lẽ. Dân gian có câu Tháng ba bà già đi biển thật quá đúng. Biển hiền hòa, xanh ngát và đẹp đến nao lòng. Lý Sơn bây giờ đang mùa du lịch, nên người dân ở đây không có vẻ gì ngạc nhiên khi tàu cập bến đổ lên bờ hầu hết là khách du lịch. Những cô gái váy ngắn, tóc nhuộm đủ màu, nói giọng Hà Nội, giọng Sài Gòn pha lẫn với giọng miền Trung tạo thành một âm sắc hội tụ của cả đất nước… Cái tên Cù lao Ré hoang sơ ngày xưa với những mảnh ruộng xanh mướt mùi tỏi, với những chiếc thuyền câu nhỏ chập chờn của những con người da cháy nắng xưa kia chỉ còn là kỷ niệm. Trên những con đường nhỏ vòng quanh màu xanh ngát của biển, các khách sạn, nhà nghỉ đã gần như tự phát mọc lên cho kịp với nhu cầu của khách du lịch. Gần như đi đâu cũng thấy bảng treo nhà nghỉ, khách sạn lớn nhỏ khắp nơi. Bên cạnh khách sạn lớn nhất thị trấn Central Hotel 3 sao, khách sạn Mường Thanh tiêu chuẩn 4 sao của tập đoàn Mường Thanh đang bắt đầu hoàn công chuẩn bị nhận khách…
Nhưng chính sự tự phát này đã khiến cho Lý Sơn bỗng trở nên quá ngổn ngang. Hòn đảo nhỏ với những con đường nhỏ chập chùng những mái nhà cổ 3 gian và cái sân trồng đầy hoa kiểng khi xưa tự dưng bị bới tung bởi xi măng cốt thép. Nhà nhà cơi nới lên lầu để làm nhà nghỉ đã làm thị trấn như đang nháo nhào lên bởi những công trình xây dựng…
Một Lý Sơn bắt đầu mùa du lịch với rất nhiều du khách trẻ đầy hiếu kỳ đã làm không khí biển đảo vốn xưa nay rất trầm lắng trở nên nhộn nhịp hẳn. Khuôn chợ nhỏ cũng lấp lánh đầy màu sắc với đủ kiểu thời trang đang mân mê từng chiếc vòng ốc, chiếc đèn ngủ thương hiệu Lý Sơn, chứ không phải là hàng Trung Quốc như ở đất liền. Và tỏi, tỏi tràn ra khắp các gian hàng, từ cửa hiệu lớn đến các gian hàng nhỏ xíu nằm bên lề đường đã thu hút du khách như thỏi nam châm. Gần như ai rời Lý Sơn cũng mang về vài ba ký tỏi làm quà, dù biết rằng tỏi giá gấp rưỡi năm rồi vì vụ tỏi Lý Sơn năm nay bị thất mùa do sương muối.
Một Lý Sơn xinh đẹp với biển trời xanh ngát, với Hang Câu huyền bí sừng sững vách đá cao vút màu nham thạch... Một Lý Sơn đang phát triển du lịch, như cô gái từ lâu không biết đến nhan sắc của mình, bây giờ bỗng dưng được hâm mộ và cố gắng làm đẹp hơn, nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu, và làm sao để được sánh cùng bạn đồng trang lứa. Người Lý Sơn lâu nay chỉ sống thuần phác bằng nghề đi biển và trồng tỏi, nên du lịch với họ khá là lạ lẫm, vì thế trong phút chốc trai thanh gái lịch tràn về đảo như luồng gió mới, thì với người dân, du lịch chỉ có nghĩa là có thêm phòng ốc cho người ta ở mà chưa biết sẽ làm gì để giữ chân khách… Và bởi vì Lý Sơn xưa nay gần như là tuyến đầu hướng ra Hoàng Sa, chính quyền vẫn xem đó là nhiệm vụ thiết yếu, nên đã bao bọc hòn đảo bằng hàng rào xi măng cốt sắt cao hơn 1 mét rưỡi, giống như bức trường thành vững chãi, để phòng khi có giặc đến, nhân dân có thể chiến đấu dưới bức tường ấy. Nhưng nếu bây giờ làm du lịch thì đó là điều tối kỵ, vì đảo đẹp nhờ biển, song những con đường vòng quanh biển đều bị che khuất tầm nhìn ra biển!!!
Lý Sơn, truyền thống bốn trăm năm với những ngôi mộ chiêu hồn…
“Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về”, “Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”.
Từ thế kỷ XVII, cứ đến mùa gió nồm, dân binh Lý Sơn vâng lệnh vua dong buồm ra Hoàng Sa đều tề tựu nơi đây để làm lễ Khao lề thế lính. Theo ông Phạm Thoại Tuyền, cháu 5 đời của Cai Phạm Hữu Nhật, một trong những cai đội nổi tiếng của thủy binh Hoàng Sa thì sử liệu ghi chép lại: Mỗi năm triều đình cắt cử 70 người có kinh nghiệm đi biển, thường là người của làng An Vĩnh mang theo lương thực đủ dùng trong sáu tháng và giăng buồm xuôi theo hướng gió để ra Hoàng Sa. Mỗi dân binh khi nhận lệnh triều đình ra Hoàng Sa phải chuẩn bị cho mình một đôi chiếu, bảy nẹp tre và bảy sợi dây mây cùng một thẻ bài ghi tên tuổi, quê quán. Bình thường, chiếc chiếu được các dân binh trải nằm, nhưng khi không may gặp chuyện chẳng lành giữa biển khơi, chiếc chiếu được dùng để bó xác, nẹp bằng nẹp tre và cột bằng dây mây, sau đó bó xác được kẹp thẻ tre và thả xuống biển. Đã có vô vàn người con Lý Sơn mãi mãi nằm lại giữa biển khơi trên hành trình vượt biển ra đảo Hoàng Sa. Câu ca dao “Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/ Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây” vẫn luôn trong tâm thức những người con dân đất Lý Sơn. Nơi đây mỗi năm, con cháu của 13 dòng tộc dân binh trong Đội hùng binh Hoàng Sa vẫn tiếp truyền nghi lễ mà cha ông đã làm cách đây mấy trăm năm.
Năm 1854, cai Phạm Hữu Nhật mất tích trên biển. Sau đó, gia đình và họ tộc đã an táng ông bằng một nấm mộ chiêu hồn không có hài cốt tại thôn Đông làng An Vĩnh, bên cạnh ngôi mộ của cụ thủy tổ họ Phạm Văn, một trong sáu vị tiền hiền khai cư làng An Vĩnh trên đảo Lý Sơn.
Năm nay, lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức ngày 22-4 (nhằm ngày 16-3 âm lịch) tại đình làng An Vĩnh, đây là nơi cách đây nhiều thế kỷ trước những dân binh khi vâng lệnh vua ra Hoàng Sa đều tề tựu về để làm lễ tế tự. Đó là truyền thống dân đảo từ mấy trăm năm trước. Trước khi vâng mệnh vua ra đi thì ở đình làng An Vĩnh này, người dân làm 5 chiếc thuyền giấy với hình nộm người dân binh cùng đầy đủ gạo, muối. Khi những hình nộm đã được pháp sư tế lễ xong thì thuyền được thả xuống biển cầu mong cho đội quân bằng giấy này sẽ thế mạng cho cha ông họ...
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được giữ gìn như truyền thống tâm linh của Lý Sơn. Bởi vì đó giống như ngày giỗ chung của đảo. Gần như nhà nào cũng có tổ tiên có mặt trong đội hùng binh, nhà nào cũng có những ngôi mộ chiêu hồn mà hài cốt chỉ là đất sét nặn thành hình người, quả trứng làm trái tim, cây dâu làm tứ chi. Đó là một cuộc tiễn đưa đầy nước mắt và vô vọng. Nhưng con người thời đó đã biết bấu víu vào một niềm hy vọng dù biết là rất mông lung, đó là lừa gạt thủy thần, mong họ nhận những hình nhân thế mạng này để cha anh họ được trở về. Dù là mông lung, nhưng đó là buổi lễ của niềm hy vọng, của sự đợi chờ mà chính những chiếc thuyền bằng giấy và các hình nhân thế mạng này là cái phao cứu sinh cho những người ở lại…
Và tôi hiểu buổi lễ Khao lề bây giờ chính là sự nối tiếp tinh thần bất khuất của tiền nhân. Thế hệ nối tiếp những đội hùng binh xưa đang tiếp nối tinh thần bất khuất của cha ông họ. Ngày nay, họ vẫn làm thuyền giấy và hình nhân thế mạng, nhưng tôi biết niềm tin của những ngư dân Lý Sơn bây giờ khi đưa tàu mình vào vùng biển Hoàng Sa đánh bắt cá không phải vào những hình nhân thế mạng này mà chính là niềm tin vào chính nghĩa. Người Lý Sơn đã bao lần bị hành hung, bị đâm chìm tàu, bị kẻ xâm chiếm đảo Hoàng Sa ngang ngược cho đó là vùng lãnh hải của họ, nhưng ngư dân vẫn không sợ, không sờn lòng. Ông Phạm Thoại Tuyền nói rõ: “Đó là vùng đánh bắt của ngư dân mình, là cuộc sống của mình, không ai có thể khuất phục được dân Lý Sơn đâu. Giờ ngư dân đã có chỗ dựa là cảnh sát biển của mình. Khi có biến thì gọi ngay vào Trạm Rada 550 sẽ có ngay tàu đến ứng cứu… Dân mình cũng đang bắt đầu sắm tàu sắt để chống lại tàu sắt của họ. Nhưng cái này nhà nước phải hỗ trợ thôi, bằng không họ có mấy chục tàu mà ta chỉ có vài tàu thì ta thua là chắc. Dân Lý Sơn không sợ thua cuộc, chỉ sợ thua buồn, chỉ sợ bị bỏ quên… Chứ nếu được cả nước đồng thuận cùng Lý Sơn chiến đấu thì ngư dân Lý Sơn vẫn cương quyết dong tàu đi, bám chặt chủ quyền của mình trên biển…”.
Lịch sử bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của dân tộc ta được viết bằng mồ hôi, xương máu và cả bằng sinh mạng của nhiều thế hệ dân binh Lý Sơn. Họ là những anh hùng vô danh, hy sinh thầm lặng và được lưu truyền trong tâm thức nhiều thế hệ của những người con đất Việt. Lý Sơn, đó là hình ảnh một thời bi hùng trong trang sử bảo vệ chủ quyền của dân tộc.