Báo Tuổi Trẻ ngày 13-5-2016 đăng bài Bất thường trong kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh. Theo đó, vì “quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo: yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ A1, A2, B1 tiếng Anh thì mới được chuyển xếp lương, được duy trì vị trí dạy học, đảm bảo đầu vào học thạc sĩ” mà hàng vạn vạn giáo viên phải lo đi thi lấy chứng chỉ. Và nhân đó hàng loạt các lò luyện thi cấp tốc móc nối với các cơ sở đào tạo để bán chứng chỉ “học dỏm có bằng thật” qua việc gian lận trong các kỳ thi; bài báo chỉ đích danh một trong các “nhà máy chế bằng thật cho việc học dỏm” là Đại học Thái Nguyên.
Quy định mới này có góp phần làm cho nền giáo dục của ta tốt hơn không? Người viết khẳng định là “không”, chẳng những thế còn gây ra nhiều cái hại.
Tại sao lại “không”? Những giáo viên không dạy tiếng Anh được đào tạo ra từ các trường Sư phạm thì họ đã được trang bị những kiến thức kể cả tiếng Anh, dù họ không có các chứng chỉ A1, A2, B1 đủ để trở thành giáo viên đạt chuẩn giảng dạy và xếp lương… Còn giáo viên tiếng Anh thì trường Sư phạm đã có chuẩn của họ. Nền giáo dục của ta hiện nay đang có nhiều cái thiếu sót; nhiều người đã nêu ra, nhưng dứt khoát không phải vì họ không có các chứng chỉ tiếng Anh như Bộ GD-ĐT mới quy định đâu! Nếu không tin, xin mời các quan tại Bộ GD-ĐT “ra khỏi chốn quan liêu” làm cuộc điều tra theo đúng tinh thần khoa học xem sao? Phải chăng là 90%-100% những nhà giáo dạy tốt, giỏi, truyền cảm hứng cho học sinh đều là những người có các chứng chỉ tiếng Anh như Bộ quy định? Và những giáo viên dạy không tốt là những người không có các chứng chỉ tiếng Anh như Bộ quy định?
Quy định mới gây hại hơn lợi: Các giáo viên hiện nay bận túi bụi với bao công việc soạn bài, chấm bài, lên lớp, dạy bồi dưỡng, dạy thêm, việc hội họp ở trường, việc lo cho gia đình… không còn thời giờ để đi học thêm Anh văn cho đạt trình độ để thi, nhưng họ buộc phải có chứng chỉ. Các tổ chức luyện thi nắm được tình hình và yêu cầu này bèn “ra tay cứu độ” bằng cách tổ chức luyện thi “dỏm”, “thi gian”, bán bằng thật cho người học dỏm như bài báo nói. Cái khôi hài mà con nít cũng thấy: giáo viên ở Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh không luyện thi, dự thi do các trường đại học ở đó tổ chức mà lại luyện thi, dự thi với Đại học Thái Nguyên! Phải chăng Đại học Thái Nguyên có tầm tiếng Anh vượt xa các đại học ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh?! Trong năm 2015, Đại học Thái Nguyên đã tổ chức 53 kỳ thi (chưa tới 1 tuần 1 kỳ thi!) và phát chứng chỉ cho 12.453 giáo viên khắp nước! Mỗi chứng chỉ thu về từ 8-10 triệu đồng, tính sơ sơ trong năm 2015, Đại học Thái Nguyên thu về 8 triệu x 12.000 = 96 tỉ đồng chỉ riêng việc thi chứng chỉ tiếng Anh mà thôi! Xin mừng cho Đại học Thái Nguyên vì “trúng quả quá đậm” nhờ cái quy định “mới” của Bộ GD-ĐT! Thiên hạ đồn rằng 96 tỉ này không phải Thái Nguyên “ẵm” một mình đâu, mà chung chi cho các nơi và không loại trừ “lại quả” cho các “thầy dùi” đã “dùi” cho Bộ GD-ĐT ký cái quy định mới này! Các quan chức xét tăng lương khi thấy hồ sơ của giáo viên ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh mà “ngậm” chứng chỉ tiếng Anh do Đại học Thái Nguyên cấp thì cũng “bật cười”, biết tỏng là “có vấn đề”, nhưng cứ theo đúng thủ tục mà xét tăng lương!
Nhưng cái hại không phải chỉ là những thứ ấy, cũng không phải ở chỗ giáo viên tốn 8-10 triệu đồng, mà chính là ở chỗ các giáo viên được “huấn luyện” việc “học giả có bằng thật” trên phạm vi cả nước! Sau khi có các chứng chỉ “thật mà dỏm” ấy thì các giáo viên không thể nào “giỏi hơn” trước khi có các chứng chỉ “thật mà dỏm” ấy, họ cũng không thể dạy giỏi hơn trước. Nhưng cái nguy nhất là ở chỗ: họ là những người đứng trên bục, giảng dạy việc học tập cho học sinh trong đó có cái quan trọng nhất là dạy và làm gương về tính trung thực, tinh thần thực học mà bản thân họ lại là “sản phẩm” (dù là bất đắc dĩ) của việc học tập, thi cử gian lận, học giả có bằng thật thì làm sao họ dạy được học sinh? Nền giáo dục của nước ta sẽ về đâu với tình trạng này! Vậy phải chăng Bộ GD-ĐT ký quy định mới này, tưởng là đúng, là hay trên lý thuyết, nhưng không khả thi trong thực tế mà trở thành tiếp tay cho sự gian lận, sự học dỏm có bằng thật mà lâu nay nước ta đã “lặm bệnh quá nặng” với rất nhiều Tiến sĩ, Thạc sĩ, Giáo sư Tiến sĩ dỏm nhất trong khối ASEAN? Dỏm vì “bằng dỏm” đã nguy mà nguy nhất là “học dỏm” lại có “bằng thật”.
Một quy định khác: tất cả cán bộ giảng dạy Đại học Y Dược phải có chứng chỉ Sư phạm. Với quy định này, các trường Y phải hợp đồng với trường Sư phạm để cán bộ trường Sư phạm đến dạy tập trung cho các cán bộ trường Y. Trên lý thuyết thì quy định này nghe hay lắm, nhưng thực tế thì sao? Các giáo sư, giảng viên giỏi, có trình độ và có tâm huyết với nghề Y không phải do cái chứng chỉ Sư phạm này, mà trái lại họ thấy cái quy định này khiến họ “mất thời giờ” một cách vô bổ với những buổi giảng dạy trên trời dưới đất của các cán bộ Sư phạm được cử tới. Có chăng là chính những Giáo sư đầu ngành trường Y thỉnh thoảng làm một buổi chuyên đề về chuyên môn kết hợp với cách trình bày sao cho có hiệu quả, thì có lợi cho cán bộ giảng dạy trường Y, chứ mấy thầy ở Sư phạm chỉ nói chung chung mà nhiều người cho là nói “trạng” thì chỉ làm mất thời giờ của thiên hạ mà thôi! Thế nhưng, người ta vẫn phải “chung chi” để có cái chứng chỉ Sư phạm cho hợp pháp theo quy định mà nhiều người nói đùa là như nộp tiền mãi lộ qua cửa ải ấy!
Thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT cần rà soát lại để hủy bỏ các quy định mà những người ngồi trong phòng lạnh, đọc đâu đó thấy người ta như vậy như vậy thì bèn chộp ngay và ra quy định mà không biết thực tế, điều kiện của ta có khả thi hay không, vô hình trung biến tướng thành cơ hội làm tiền trên cơ sở gian lận của những kẻ xấu, trói buộc thầy cô giáo vào những điều khiến họ trở thành vừa là nạn nhân vừa là đồng lõa với việc “học dỏm, bằng thật”. Một cái nạn đang trực tiếp làm băng hoại đất nước.