Về sự phát triển của nhân loại qua nghìn năm văn minh, trong cuốn từ điển triết học Larousse - Paris, 2011, D. Julia nhận định như sau: tiến bộ vật chất nhảy vọt do khoa học kỹ thuật phát triển. Về sự tiến bộ của bản chất con người, phải xét về hai phương diện: 1) Về phương diện lịch sử nhân loại thì có sự tiến bộ của những cố gắng của các dân tộc xích lại gần nhau, cố tránh chiến tranh bằng giải quyết hòa bình mọi sự tranh chấp [thực ra từ Hội Quốc liên đến Liên hiệp quốc hiện nay, bóng ma chiến tranh, bạo lực, khủng bố vẫn in nét đậm]; 2) Về phương diện tiến bộ cá nhân của bản chất con người thì không có và sẽ không bao giờ có tiến bộ, vì ai sau khi sinh ra cũng đều có xung năng thiện và ác (theo Freud), phải tự học cách kiềm chế dục vọng theo lý trí, luôn luôn sẽ còn có kẻ tham lam, kẻ hung hăng, kẻ thích uy quyền v.v...
Các tác phẩm văn học cổ điển lớn trên thế giới đều minh họa cho sự không thay đổi của bản chất con người: từ xưa đến nay, ở khắp nơi nơi, con người không dứt bỏ được mối thất tình (theo Phật giáo), cho nên rất giống nhau. Đọc thơ ngụ ngôn của nhà văn Pháp La Fontaine thế kỷ XVII (Một tấn tuồng có trăm hồi khác nhau) và các tiểu thuyết của nhà văn Balzac thế kỷ XIX (Tấn trò đời) ta có cảm giác gặp những người bằng xương bằng thịt ở xã hội Việt Nam ngày nay.
Honoré de Balzac (1799-1850) là nhà văn Pháp viết tiểu thuyết hiện thực phê phán. Mẹ xuất thân từ một gia đình tiểu tư sản ở Paris. Cha từ tỉnh nhỏ lên Paris làm viên chức. Năm 20 tuổi, ông bỏ học luật và bắt đầu viết văn. Ông viết tiểu thuyết trữ tình, ký nhiều bút danh khác nhau. Năm 1825, ông có ý đồ làm giàu bằng nghề xuất bản và nghề in, do đó tìm hiểu các mánh khóe làm ăn của giới tư sản. Nhưng thất bại và nợ nần lại khiến ông trở về sáng tác văn học. Từ đó, trong khoảng 20 năm lao động nghệ thuật gian khổ, ông đã xây dựng được một văn nghiệp vĩ đại. Từ 1829, ông nổi tiếng với hai tác phẩm lớn đầu tiên Sinh lý học hôn nhân (La physiologie du mariage) và Những người Chouans (Les Chouans). Trong tác phẩm Lão Goriot (Le père Goriot, 1834), ông bắt đầu đưa ra một hệ thống nhân vật lặp đi lặp lại trong nhiều tiểu thuyết, khiến cho toàn bộ tác phẩm (kể cả các cuốn viết từ 1829) thành một bộ tổng hợp gồm khoảng 95 cuốn, dưới nhan đề chung là Nghiên cứu xã hội (Études sociales), sau đổi tên là Tấn trò đời (La comédie humaine). Tấn trò đời gồm những loại truyện: Nghiên cứu phân tích (Études analytiques), Nghiên cứu triết học (Études philosophiques) và Nghiên cứu phong tục (Études de moeurs). Loại thứ ba phong phú nhất, có những truyện về Cảnh đời sống riêng tư, Cảnh đời sống tỉnh nhỏ, Cảnh đời sống Paris, Cảnh đời sống nông thôn, Cảnh đời sống nhà binh... Đầu năm 1830, ông cho xuất bản Cảnh đời sống riêng tư (Scènes de la vie privée) gồm 6 truyện vừa, được coi là bộ phận đầu tiên của Tấn trò đời. Miếng da lừa (La peau de chagrin, 1831) khẳng định vị trí của ông trên văn đàn. Ông viết một loạt tác phẩm, đề tài đa dạng, nhằm thể hiện cuộc sống của giới quý tộc và tư sản ở Paris và tỉnh nhỏ, triển khai các chủ đề chính trị và xã hội: Quan năm Chabert (Le colonel Chabert), Ferragus, Cô gái mắt vàng (La fille aux yeux d’or), Thầy thuốc thôn quê (Le médecin de campagne), Eugénie Grandet v.v... Năm 1838, ông đến Sardegna ở Ý định tìm mỏ bạc thời cổ. Trong thời gian này, ông viết César Birotteau, Cô gái già (La vieille fille), phần đầu tác phẩm nổi tiếng Vỡ mộng (Illusions perdues) hoàn thành vào năm 1843. Các tác phẩm lớn cuối cùng của ông là Người chị em họ Bette (La cousine Bette, 1846) và Người anh em họ Pons (Le cousin Pons, 1847). Sau đó, sức khỏe và sáng tác của ông xuống dần.
Từ sinh thời đến nay, Balzac được ngưỡng mộ như một thiên tài có sức sáng tạo lớn. Ông là nhà văn sáng lập và là đại diện tiêu biểu cho chủ nghĩa hiện thực phê phán với quan niệm: hoàn cảnh xã hội tạo ra con người, và con người ảnh hưởng lại đến xã hội, xã hội tiến hóa theo quy luật. Thế giới quan của ông chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Một mặt, ông tin tưởng là trật tự xã hội tư bản chủ nghĩa nhất định thắng; nhưng mặt khác, ông không tán thành hẳn nó, không tin vào thắng lợi lâu dài của nó. Toàn bộ tác phẩm của ông là một bản tố cáo sâu sắc xã hội tư bản Pháp, ông miêu tả số phận con người thuộc các tầng lớp xã hội khi giai cấp tư sản Pháp đang vươn lên, nhất là từ 1789 đến 1848; đồng thời, ông lại lý tưởng hóa nhân vật quý tộc, và do cái nhìn bi quan, có những tư tưởng bảo thủ không tưởng, đề cao tôn giáo. Dù sao, ông cũng vẫn là nhà văn hiện thực lớn nhất của Pháp, một trong số nhà văn hiện thực lớn của thế giới, có một sự hiểu biết sâu rộng về con người và xã hội, có ảnh hưởng lớn đến văn học Pháp và thế giới.
Sau đây là một số tư duy của Balzac:
+ Ngẫu nhiên là nhà viết tiểu thuyết vĩ đại nhất thế giới: muốn được phong phú, chỉ cần nghiên cứu ngẫu nhiên.
+ Sự đam mê đánh dấu nhân loại. Không có đam mê, tôn giáo, lịch sử, tiểu thuyết, nghệ thuật sẽ trở thành vô dụng.
+ Biết được sự tàn ác của những con người duyên dáng ấy mà sự đam mê tăng cường bốc lên, thì ta phải thấy các bà, các cô quan hệ với nhau như thế nào.
+ Niềm vui chỉ có thể nảy nở giữa những người đồng cảm.
+ Tình yêu chân thật của người phụ nữ bắt đầu bằng họ cho là cái gì của người yêu cũng tốt đẹp.
+ Không có gì vụng về hơn khi đức ông chồng ca ngợi đức hạnh phu nhân của mình với tình nhân, hoặc với vợ về cái đẹp của tình nhân.
+ Lòng biết ơn là một món nợ mà con cái luôn luôn không chịu nhận.
+ Người già dễ dàng có khuynh hướng để lại những nỗi buồn của mình cho tương lai những người trẻ.
+ Đối với tình cảm thì lý tính luôn luôn tỏ ra ti tiện; lý tính thì hiển nhiên là hẹp hòi, như trong lĩnh vực cái gì là tích cực, còn tình cảm thì vô biên; lý luận khi mà cần đến cảm xúc, đó là bản chất của những tâm hồn nhỏ nhen.