* HỒN VIỆT: - Xin ông cho độc giả Hồn Việt biết ý kiến của mình về chủ nghĩa hậu hiện đại là vấn đề có tính thời sự trong văn học nghệ thuật hiện nay, một vấn đề khó, còn khá mơ hồ và có những cách hiểu khác nhau…
- GS PHÙNG VĂN TỬU: - Vâng, đây là một vấn đề khó, tôi chỉ xin nêu ý kiến của riêng mình, đúng hay sai tùy mỗi người phán xét. Nhưng tôi không nghĩ đây là vấn đề còn có tính thời sự. Mở đầu bài Chủ nghĩa hậu hiện đại và vai trò của tư duy đăng trên tạp chí Nghiên cứu Văn học cuối năm ngoái, tôi đã viết: “Đến bây giờ mà còn đem ra bàn về chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn chương chắc không khỏi bị thiên hạ chê cười là lỗi thời, là tát nước theo mưa”.
* Tại sao có thể nói hiện nay bàn về chủ nghĩa hậu hiện đại lại có thể bị chê cười là “lỗi thời”, là “tát nước theo mưa”, thưa ông?
- Có người cho rằng trào lưu chủ nghĩa hậu hiện đại ở phương Tây “đã cáo chung” từ năm 2012, thực ra sớm hơn rất nhiều. Tại các nước Âu Mỹ, chẳng mấy ai còn xem trào lưu này là một hiện tượng thời sự hấp dẫn. Cụm từ “chủ nghĩa hậu hiện đại đã chết” xuất hiện ngày càng nhiều: Alan Kirby, người Mỹ, đăng bài Cái chết của chủ nghĩa hậu hiện đại và xa hơn” (The Death of Postmodernism and Beyond) trên tạp chí Philosophy Now số 58 năm 2006; Edward Docx, người Anh, tác giả bài Chủ nghĩa hậu hiện đại chết rồi (Postmodernism is dead) trên tạp chí Prospect Magazine ngày 20-7-2011. Đấy chỉ là mấy trường hợp tiêu biểu. Có ý kiến nhận định trào lưu ấy lụi tàn vào khoảng năm 2000, có người đẩy lên sớm hơn vào năm 1990.
* Vậy ta không nên bàn vấn đề ấy nữa hay sao?
- Có chứ. Bàn đến nó như một hiện tượng lịch sử, như ngày nay ta vẫn có thể nghiên cứu về các trào lưu văn học trong quá khứ từ điểm nhìn mới của chúng ta, góp tiếng nói để làm sáng tỏ thêm bản chất, những ưu điểm, nhược điểm, chứ không phải chỉ để tán dương như một cái gì hết sức mới mẻ. Công bằng mà nói, trong mấy năm sôi động vừa qua, cũng có những bài viết vừa chỉ ra cái mới, vừa nêu lên những mặt hạn chế của chủ nghĩa hậu hiện đại, chẳng hạn Chủ nghĩa hậu hiện đại hay là hiện tượng chồng chéo khái niệm (tạp chí Văn học Nước ngoài, số 3/2002), Hiệu ứng cảnh tỉnh của ngụy tạo văn hóa - khoa học (báo Văn nghệ, 22-5-2010) của Nguyễn Văn Dân, Sự kiện Sokal với mặt trái của lý thuyết hậu hiện đại (báo Văn nghệ, 17-4-2010) của Phương Lựu v.v…
* Nhưng dù thế nào thì “chủ nghĩa hậu hiện đại” cũng đã nghiễm nhiên tồn tại trong lịch sử văn học như một trào lưu…
- Đúng thế, và hoàn toàn chính đáng cho rằng phải hiểu khái niệm “chủ nghĩa hậu hiện đại” theo phạm trù quy ước. Lịch sử chia thành ba thời kỳ tiền hiện đại, hiện đại và hậu hiện đại. Ở châu Âu, thời kỳ hiện đại mở ra với phong trào Phục hưng giã biệt đêm trường Trung cổ (có người lấy mốc giữa thế kỷ XVIII khi “cái tôi” được khẳng định) và kéo dài đến giữa thế kỷ XX. Nhưng đấy là châu Âu chứ chẳng phải Bắc Mỹ; Hợp chủng quốc Hoa Kỳ mãi đến năm 1772 mới thành lập. Vận dụng công thức đó để xác định thời kỳ hiện đại ở Việt Nam cũng khiên cưỡng chẳng kém.
Mặt khác, ở Việt Nam những năm vừa qua, người ta thường nói “văn học hậu hiện đại” theo nghĩa trào lưu văn học hậu hiện đại chủ nghĩa; trong trường hợp này thuật ngữ “hậu hiện đại” không hoàn toàn chỉ tính chất thời gian. Cách dùng thuật ngữ ấy gần với Pháp: ta thường gặp cụm từ “littérature postmoderne” chứ ít khi “littérature postmoderniste”, trong khi ở Mỹ cụm từ “postmodernist literature” được dùng phổ biến.
* Vậy đứng ở góc độ ấy mà xét thì đâu là mối liên quan giữa chủ nghĩa hậu hiện đại và chủ nghĩa hiện đại, ý kiến ông thế nào vì hình như trong giới nghiên cứu có nhiều cách hiểu khác nhau?
- Giải quyết vấn đề khó khăn này là chạm tới đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa hậu hiện đại. Cho đến nay, cuộc tranh luận trên thế giới vẫn chưa ngã ngũ khi xác định chủ nghĩa hậu hiện đại. Theo tổng kết của Nguyễn Văn Dân, có ba cách hiểu chính: hoặc cho rằng chủ nghĩa hậu hiện đại là đỉnh cao của chủ nghĩa hiện đại (quan điểm của Lyotard, Hassan), nói một cách khác nó là “cơn kịch phát của chủ nghĩa hiện đại”; “hay là sự nối dài của chủ nghĩa hiện đại” (quan điểm của Robert Hughes); hoặc quan niệm chủ nghĩa hậu hiện đại như là “sự quay trở về với truyền thống để chống lại chủ nghĩa hiện đại” (Smith, Portoghesi, Lipovetsky...); hoặc xem “chủ nghĩa hậu hiện đại như là một sự vượt khỏi chủ nghĩa hiện đại”, “một phong trào lai tạp mới và tương phản với chủ nghĩa hiện đại” (Jencks, Koehler...). Trong một bài trên báo Văn nghệ, Ngô Tự Lập cũng nêu lên ba cách hiểu về khái niệm hậu hiện đại…
Chủ nghĩa hậu hiện đại mặc nhiên gợi ta nghĩ đến chủ nghĩa hiện đại (modernism), nên tôi xin phép được nói dài một chút về chủ nghĩa hiện đại theo cách nghĩ ít nhiều là riêng của tôi, chưa chắc đã được mọi người tán thành.
G. Apollinaire (1880-1918) là nhà thơ lớn, tiêu biểu cho thế hệ nhà thơ trẻ ở Pháp những năm đầu thế kỷ XX và thời kỳ đại chiến I: “Rút cục mi(1) chán ngấy thế giới cũ kỹ này”, “Hãy mở ra cho ta cánh cửa ta vừa khóc vừa đập”. Ông là bạn của P. Picasso (1881-1973), họa sĩ Tây Ban Nha, sống chủ yếu ở Pháp. Picasso đổi mới hội họa bằng chủ nghĩa lập thể. Apollinaire cũng muốn đưa chủ nghĩa lập thể vào trong thơ. Ông không diễn tả ý mình bằng ngôn từ lô gích theo trật tự hàng lối trước sau, mà nhiều khi các câu thơ sắp xếp ngẫu nhiên bên cạnh nhau. Đặc biệt ý thơ được trải ra thành những hình thù trên không gian trang giấy, như trong tập thơ Thư pháp (Calligrammes, 1918): Nỗi thất vọng và sự phản ứng của chủ nghĩa Dada (Dadaisme) thể hiện dưới một dạng khác. Trường phái này ra đời ở Thụy Sĩ tháng 2-1916, giữa thời kỳ đại chiến I, do Tristan Tzara (1896-1963) khởi xướng cùng với sự cộng tác của một số nghệ sĩ và trí thức khác. Rồi phong trào chuyển dịch sang Pháp, được sự giúp đỡ của Apollinaire, và có thêm nhiều nhà thơ trẻ tham gia như A. Breton (1896-1966), L. Aragon (1897-1982)… Phong trào lan sang Đức với R. Huelsenbeck (1892-1974), sang Ý với J. Evola (1898-1974), sang Hà Lan với G. Cantarelli (1899-1950), sang Mỹ với M. Ray (1890-1976)… Dada “nổi loạn” chống lại chiến tranh, chống lại nghệ thuật xu thời bằng thái độ phủ nhận sạch trơn, coi tất cả đều là vô nghĩa. Ngay cái tên của trường phái “Dada” cũng chỉ là một từ ngữ nhặt ra một cách ngẫu nhiên trong cuốn từ điển. “Đẹp là gì? Xấu là gì? To, khoẻ, yếu là gì? Carpentier, Renan, Foch là gì? Tôi chẳng biết. Tôi là gì? Tôi chẳng biết, chẳng biết, chẳng biết”. Những dòng đó của G. Ribemont-Dessaignes (1884-1974)(2) thể hiện sâu sắc tinh thần của chủ nghĩa Dada.
Chủ nghĩa Dada chỉ tồn tại một thời gian ngắn. Đến năm 1922, A. Breton cùng với một số thành viên khác như L. Aragon, P. Eluard (1895-1952) tách ra thành lập trường phái chủ nghĩa siêu thực (Surréalisme). Đây là một trường phái khi ra đời có tuyên ngôn hẳn hoi, chứ không như nhiều trường phái khác, kể cả chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa hậu hiện đại, tên của trường phái thường do các nhà nghiên cứu xác định về sau. Tuyên ngôn của chủ nghĩa siêu thực được nêu lên theo kiểu định nghĩa trong từ điển: chủ nghĩa siêu thực là danh từ chỉ “Tự động tâm linh thuần túy qua đó người ta chủ trương thể hiện, hoặc bằng lời, hoặc bằng viết, hoặc bằng mọi cách khác, sự vận hành thực sự của tư duy. Trực tiếp bật ra từ tư duy, chẳng hề bị sự kiểm soát nào của lý trí, chẳng có mối quan tâm nào về mỹ học hoặc đạo đức”.
Nổi loạn chống lại xã hội bất như ý chỉ bằng cách hướng tác phẩm vào những tìm tòi đổi mới nghệ thuật gây sốc, phủ nhận sạch trơn trừ niềm tin vào TƯ DUY và cuộc đời. Nếu xem đấy là những đặc trưng cơ bản của trào lưu chủ nghĩa hiện đại đầu thế kỷ XX ở phương Tây, thì thuật ngữ ấy chưa chắc đã hoàn toàn phù hợp với văn học Mỹ, văn học Mỹ Latinh… thời gian đó. Mặt khác, những đặc trưng ấy có thể là cơ sở để ta xác định chủ nghĩa hậu hiện đại xuất hiện mấy chục năm về sau.
* Chúng tôi đang chờ đợi sự phân biệt của ông…
- Từ sau đại chiến II, tình hình mọi mặt chính trị xã hội, kinh tế, khoa học ở phương Tây thay đổi nhanh chóng. Nỗi khủng khiếp của mấy cuộc đại chiến vừa qua đi, nhưng cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối đối địch tư sản và cộng sản, bóng ma của những cuộc chiến tranh hủy diệt bằng vũ khí hạt nhân vẫn còn treo lơ lửng trên đầu nhân loại khiến người ta lo lắng sẽ đến lúc cả loài người và trái đất này không còn tồn tại. Khoảng cách giữa giàu và nghèo ngày càng gia tăng theo với những bất công xã hội, tuy của cải vật chất nhờ khoa học, công nghệ, sản xuất ra ngày càng nhiều. Cuộc nổi dậy của sinh viên Pháp tháng 5-1968 tuy không dẫn đến đâu, nhưng là dấu hiệu tiêu biểu sức phản kháng vẫn luôn luôn âm ỉ của quần chúng.
Chưa bao giờ một bộ phận khá đông trí thức ở phương Tây lại bị khủng hoảng niềm tin như lúc này. Hồi đầu thế kỷ, họ mất niềm tin vào nền chính trị và văn hóa của xã hội công nghiệp tồn tại từ lâu. Không phải ngẫu nhiên sau Cách mạng tháng Mười Nga 1917, hàng loạt đảng cộng sản được thành lập ở các nước Âu - Mỹ, và nhiều trí thức từng tham gia chủ nghĩa Dada, chủ nghĩa siêu thực, kể cả những nhân vật chủ chốt như Tzara, Éluard, Aragon… đã gia nhập đảng cộng sản, hy vọng tìm thấy ở đấy niềm tin. Nhưng sang nửa sau thế kỷ XX, trước thực trạng khó khăn, trì trệ và sự xuất hiện của chủ nghĩa xét lại ở các nước xã hội chủ nghĩa, họ vỡ mộng, không tin vào chủ nghĩa tư bản, mà cũng chẳng tin vào chủ nghĩa cộng sản. Họ cũng chẳng còn hy vọng vào sự cứu rỗi của đức tin tôn giáo và nhớ lại từ lâu triết gia Đức F. Nietzsche (1844-1900) tuyên bố “Chúa đã chết”.
Thêm vào đó là sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật từ nửa sau thế kỷ XX. Vô tuyến truyền hình bắt đầu xuất hiện năm 1926, và bùng nổ từ 1949. Hai năm sau đã có ti vi màu. Chiếc máy tính gia đình đầu tiên là Apple II ra mắt tháng 1-1977, tức là hai năm trước khi Lyotard cho in Hoàn cảnh hậu hiện đại. Từ đây, thế giới như được thu hẹp lại, một trong những yếu tố dẫn tới xu hướng toàn cầu hóa. Tất nhiên, những thành tựu khoa học ấy là sản phẩm đầu óc sáng tạo của con người, là sản phẩm của TƯ DUY. Nhưng dưới góc nhìn nào đó, người ta lại đâm hoài nghi chính ngay TƯ DUY. Bộ nhớ của nhà bác học lẫy lừng nhất cũng không thể nào so sánh được với bộ nhớ của máy tính! Ti vi giúp cho con người nhìn thấy, nghe thấy trực tiếp những gì diễn ra ở nơi này nơi khác; nhưng người ta lại có thể hoài nghi đó chỉ là những “cái ảo”, những cái “thế vị” chẳng đáng tin cậy. Mở rộng ra, họ nghi ngờ cả lịch sử, coi sách vở chỉ là những cái “thế vị”! Niềm tin lâu nay “Tôi tư duy vậy tôi tồn tại” đến bây giờ dường như được thay thế bằng “Tôi mua sắm vậy tôi tồn tại” (I shop therefore I am)(3)!
Sự khủng hoảng tinh thần sâu sắc kể trên là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự ra đời của trào lưu chủ nghĩa hậu hiện đại. Những người mang “tâm thế” hậu hiện đại chủ nghĩa cho rằng “chân lý” ấy là thực trạng của thời đại, không thể nào thay đổi được. Chẳng phải là họ mất niềm tin vào cuộc đời, coi cuộc đời là vô nghĩa, cũng chẳng phải là họ bức xúc hay bi quan; vì tin hay không tin, hài lòng hay bất mãn, lạc quan hay bi quan… đều có gốc rễ TƯ DUY. Họ không tin ngay chính TƯ DUY. D. Barthelme (1931-1989), nhà văn Mỹ chẳng ai phủ nhận là tiêu biểu cho chủ nghĩa hậu hiện đại, năm 1987 có tiểu luận nhan đề độc đáo, tạm dịch là Chẳng biết (Not-Knowing) và định nghĩa nhà văn là “kẻ chẳng biết chuyên nghiệp” (a professional not-knower).
* Vậy theo ông, những tác phẩm nào sử dụng các biện pháp nghệ thuật mảnh vỡ, ghép dán, hỗn độn thời gian, hỗn độn không gian, nổi đậm các yếu tố kỳ ảo, ma quái, tình dục, trò chơi, tiểu tự sự… đều thuộc trào lưu hậu hiện đại?
- Tôi không nghĩ thế. Dù các nhà văn hậu hiện đại đích thực không muốn nói đến lý thuyết, đến ý thức hệ hay quan điểm xã hội chính trị thì tôi vẫn nghĩ rằng sự khủng hoảng niềm tin đối với chính TƯ DUY là đặc trưng phân biệt của trào lưu này. Chủ trương thay thế các đại tự sự bằng các tiểu tự sự là biểu hiện nghệ thuật của sự khủng hoảng ấy. Kiểu không né tránh tính dục hay đặc điểm “trò chơi” của văn chương suy cho cùng cũng là từ quan niệm đối lập tiểu tự sự với đại tự sự mà ra.
Tách riêng từng đặc điểm nghệ thuật của chủ nghĩa hậu hiện đại như tiểu tự sự, tính chất trò chơi, mảnh vụn, nhại, kỳ ảo, liên văn bản, ghép dán không gian, hỗn độn thời gian… thì không phải đến trào lưu văn học này mới sáng tạo ra. Nhưng dường như chúng được sử dụng khá đậm đặc ở văn chương hậu hiện đại và là hệ quả tất yếu của tâm thế nghệ thuật phủ nhận TƯ DUY. Nói như thế không có nghĩa bất cứ nhà văn nào sử dụng các biện pháp nghệ thuật ấy, dù ít dù nhiều, đều là những người khủng hoảng niềm tin và phủ nhận TƯ DUY. Các biện pháp nghệ thuật là sáng tạo của giới văn chương, ngày một phong phú thêm, và là tài sản chung ai cũng có quyền sử dụng. Các tài liệu sách báo liệt kê tên nhiều nhà văn “hậu hiện đại”: D. Barthelme, P. Auster, S. Basara, J.L. Borges, I. Calvino, M. Cunningham, T. Pynchon, S. Rushdie, J.M.G. Le Clezio… Ở Việt Nam có người cũng xếp tác phẩm này nọ vào trào lưu ấy. Rồi đây các nhà nghiên cứu sẽ phân biệt ai là những nhà văn hậu hiện đại đích thực.
* Xin cảm ơn ông.
_____
(1) Nhà thơ tự nói với mình.
(2) G. Ribemont-Dessaignes: Artichauds, 1920.
(3) Bức họa của nữ họa sĩ Mỹ Barbara Kruger.