Vào những năm đầu của thập niên 1920 thế kỷ trước, tại Paris xuất hiện một nhóm các nhà yêu nước và cách mạng Việt Nam có ảnh hưởng lớn tới phong trào cách mạng giải phóng dân tộc được kiều bào yêu mến gọi là nhóm Ngũ Long gồm Phan Châu Trinh (1872-1926), Phan Văn Trường (1876-1933), Nguyễn Ái Quốc (1890-1969), Nguyễn Thế Truyền (1898-1969, có tài liệu ghi sinh năm 1896), Nguyễn An Ninh (1900-1943). Trong nhóm có ba chàng thanh niên họ Nguyễn được đánh giá là thông minh bậc nhất, nghị lực phi thường, là những người bạn thân thiết cùng chí hướng cách mạng, thề nguyện suốt đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Gia thế và quê hương
Nguyễn Thế Truyền sinh ngày 17-12-1898 tại làng Hành Thiện, tỉnh Nam Định trong một gia đình khoa bảng nổi tiếng. Cha là Nguyễn Duy Nhạc, án sát Hà Nam, sau làm tri phủ ở Sơn Tây. Ông nội là Nguyễn Duy Hàn, tuần phủ Thái Bình bị hạ sát ngày 12-4-1913 vì bom của Phạm Văn Tráng trong Việt Nam Quang phục hội (do Phan Bội Châu tổ chức). Ông là con cả trong một gia đình có bốn anh chị em.
Hành Thiện là một làng cổ nổi tiếng khoa bảng và địa linh nhân kiệt. Thời phong kiến Nho học thường truyền tụng câu “Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện”, ý nói xứ Đông (Hải Dương) có làng Cổ Am (nay thuộc Vĩnh Bảo, Hải Phòng), Nam tức Sơn Nam có làng Hành Thiện có nhiều người học đỗ đạt cao.
Từ nhỏ Truyền đã bộc lộ tư chất thông minh, 7 tuổi đã được ông nội mang theo để đi học trường tiểu học Pháp Việt ở Thái Bình. Năm 1910, Truyền được ông nội gửi phó công sứ Thái Bình Dupuy đưa về Pháp du học. Năm 1915, Truyền đậu Brevet Supérieur, về nước một năm, học thêm Hán văn, rồi trở lại Pháp học tiếp kỹ sư hóa học và học thêm cử nhân vật lý ở Trường Đại học Toulouse. Năm 1920, sau khi tốt nghiệp đại học, ông về nước một năm, học tiếp Hán văn. Tháng 8-1921 trở lại Paris, học ban tiến sĩ khoa học ở Đại học Sorbonne, sửa soạn luận án tiến sĩ ngành vật lý thiên văn, học thêm triết học, đậu cử nhân triết năm 1922, nhưng ông không bảo vệ luận án tiến sĩ mà dấn thân vào hoạt động chính trị, sát cánh cùng Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh ở Paris, Pháp.
Từ năm 1918, qua nhiều lần thăm viếng hai cụ Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền gặp gỡ và kết thân với Nguyễn Sinh Cung (tức Nguyễn Tất Thành, sau là Nguyễn Ái Quốc) và Nguyễn An Ninh là những nhà yêu nước, sau này được đồng bào yêu quý gọi là nhóm Ngũ Long.
Cuối năm 1922 anh Truyền kết duyên với cô Madeleine Marie Clarisse La Tour là người Pháp, làm nghề y tá. Ông bà sinh được bốn người con: Nguyễn Trưng Trắc (tên Pháp là Christiane), Nguyễn Trưng Nhị (Niquette), Nguyễn Quốc Tuấn (Claude), Nguyễn Thế Hào (Jean).
Hoạt động yêu nước và cách mạng giải phóng dân tộc
Nguyễn Thế Truyền là một nhân vật lịch sử cần được đánh giá đúng trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Trong nhóm Ngũ Long, Phan Châu Trinh (1872-1926) và Phan Văn Trường (1876-1933) là hai nhà ái quốc thuộc thế hệ bản lề chuyển tiếp từ thế kỷ XIX sang thế kỷ XX, chứng kiến phong trào Cần Vương thất bại bị dìm trong bể máu, tiếp nhận luồng gió mới tư tưởng dân chủ tư sản, dấy lên phong trào Duy Tân (1905-1908) một thời nhưng cũng bị thực dân đàn áp. Còn ba người họ Nguyễn: Tất Thành, Thế Truyền và An Ninh thuộc thế hệ kế thừa, họ tiếp thu học hỏi những tư tưởng mới, nhạy bén trước thời cuộc.
Xuất thân trong một gia đình khoa bảng, được đào tạo trong các trường hàng đầu của nước Pháp nên Nguyễn Thế Truyền am hiểu sâu rộng văn hóa Việt Nam đồng thời am tường văn minh Pháp. Ông là một trong những người sống và hoạt động ở Pháp lâu nhất: thời kỳ đầu từ 1910 đến 1927, thời kỳ thứ hai từ 1934 đến 1938, tính ra hơn 20 năm.
Những năm từ 1920 đến 1927 là thời gian hoạt động cách mạng sôi nổi liên tục và có ý nghĩa nhất trong cuộc đời Nguyễn Thế Truyền. Ông cùng với Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn An Ninh là những người đầu tiên tích cực thành lập hệ thống báo chí yêu nước cách mạng, chống Pháp trên đất Pháp, đặc biệt trên tờ Le Paria (Người Cùng Khổ) do Nguyễn Ái Quốc làm chủ bút từ 1922 đến giữa năm 1923. Khi Nguyễn Ái Quốc đi rồi, từ tháng 6-1923 ông Truyền làm biên tập rồi chủ bút năm 1925. Năm 1926, Nguyễn Thế Truyền ra tờ Việt Nam Hồn bằng tiếng Việt, ra được 8 số đến tháng 8-1926; tiếp theo là tờ Hồn Việt Nam, Phục Quốc cũng do ông sáng lập năm 1926. Đó là những tờ báo được đông đảo bạn đọc hâm mộ. Cũng giống như báo Thanh Niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ở Quảng Châu từ 1925 đến 1927, tờ Chuông Rè (La Cloche Fêlée) và Nước Nam (L’Annam) do Nguyễn An Ninh sáng lập từ 1923 đến 1928 ở Sài Gòn, hình thành mặt trận báo chí chống chế độ thực dân Pháp. Điểm giống nhau của những tờ báo này là lên án quyết liệt chế độ cai trị của thực dân Pháp, khơi dậy lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam qua những áng văn hào hùng.
Nguyễn Thế Truyền gia nhập đảng Cộng sản Pháp năm 1922 khi biên tập cho báo Le Paria. Năm 1925, làm Phó tổng thư ký Hội Liên hiệp thuộc địa (Union intercoloniale).
Khi được tin Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt ở Trung Quốc rồi đưa về nước kết án khổ sai chung thân ngày 25-11-1925, Nguyễn Thế Truyền là người tích cực tổ chức phong trào đấu tranh của người Việt ở Pháp đòi thực dân Pháp ân xá cho Phan Bội Châu. Trước sự công phẫn của dư luận trong nước và quốc tế, Toàn quyền Đông Dương Varenne phải đề nghị chính quyền Pháp giảm án, đưa cụ Phan an trí ở Huế. Khi đó ông Truyền lại vận động quyên góp được 6.200 quan gửi về biếu cụ Phan. Nên nhớ rằng, như trên đã nói, năm 1913 một nghĩa sĩ của Việt Nam Quang phục hội đã đánh bom ám sát ông nội của ông Truyền lúc đó đang làm tuần phủ Thái Bình. Ông Truyền hẳn không quên nỗi đau mất mát của gia đình, nhưng đã đặt nghĩa lớn lên trên hết, dành cho Phan Bội Châu những gì có thể làm được trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy.
Đầu năm 1925, Nguyễn An Ninh sang Pháp lần thứ tư, mục đích chính là đón cụ Phan Châu Trinh về nước. Tháng 4, cuốn sách La France en L’Indochine (Nước Pháp ở Đông Dương) của ông Ninh, với sự giúp sức của Nguyễn Thế Truyền, được xuất bản tới 2.000 bản. Trong thời gian này ông Truyền cũng tất bật lo thủ tục giấy tờ xin Bộ thuộc địa, chuẩn bị hành trang cho cụ Phan về nước. Tháng 5, cụ Phan và Nguyễn An Ninh xuống tàu về nước sau 14 năm sống lưu vong trên đất Pháp. Cũng trong năm này, ông Truyền còn tập hợp những bài viết dưới bút danh của Nguyễn Ái Quốc, biên tập, viết Lời đề tựa và xuất bản, phát hành cuốn sách Bản án chế độ thực dân Pháp (Le procès de la colonisation française).
Từ giữa năm 1926 sau đám tang cụ Phan Châu Trinh đến giữa năm 1927, phong trào yêu nước của Việt kiều ở Pháp phát triển khá mạnh, có thêm nhiều thanh niên sang học nhưng thiếu một tổ chức chính trị để tập hợp lực lượng này. Vì thế Nguyễn Thế Truyền quyết định thành lập Đảng An Nam độc lập (Parti Annamite d’Indépendence) vào tháng 6-1926 với tôn chỉ là đấu tranh giành lại độc lập cho đất nước. Ông còn giới thiệu một số đảng viên ưu tú đi học trường Đại học phương Đông ở Mátxcơva.
Năm 1927, tình hình cách mạng Trung Quốc lâm vào tình thế khó khăn. Cánh hữu Quốc dân đảng do Tưởng Giới Thạch cầm đầu phản bội, đàn áp đảng Cộng sản Trung Quốc. Phái đoàn Liên Xô do Borodin đứng đầu ở Quảng Châu phải rút về nước. Tháng 5-1927 Nguyễn Ái Quốc từ Trung Quốc cũng về Liên Xô, sau đó sang Đức rồi sang Bỉ dự Hội nghị mở rộng Đại hội đồng Liên đoàn quốc tế chống chiến tranh đế quốc. Trước khi sang Bỉ, nhờ sự giúp đỡ của đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã sang Paris gặp Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn An Ninh. Đây là lần gặp nhau cuối cùng của ba người đồng chí, trước khi hai ông Truyền và Ninh về nước.
Do gặp nhiều khó khăn về tài chính và thiếu đoàn kết trong Đảng An Nam độc lập, Nguyễn Thế Truyền quyết định về nước sát cánh với Nguyễn An Ninh lo tờ báo L’Annam và xây dựng lực lượng tranh đấu của quần chúng tại quê hương, chuẩn bị cho ngày trở về của Nguyễn Ái Quốc khi cơ hội tới. Tháng 12-1927, Nguyễn Thế Truyền và gia đình cùng Nguyễn An Ninh lên tàu về nước, ngụ ở Hóc Môn.
Ngày 12-1-1928, báo L’Annam bộ mới tục bản với Ban biên tập gồm Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Khánh Toàn. Điều đó cho thấy lòng nhiệt huyết của Nguyễn Thế Truyền muốn về nước để cùng chia sẻ gánh nặng công việc cách mạng với người bạn tâm giao, người đồng chí của mình là Nguyễn An Ninh ở báo L’Annam và phát triển tổ chức Thanh niên Cao vọng ở Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ. Nhưng sau đó vì gánh nặng gia đình, ông Truyền phải trở ra Bắc, về sống ở quê Nam Định. Vì vậy bao dự tính của hai ông Nguyễn An Ninh và Nguyễn Thế Truyền không thực hiện được. Báo L’Annam phải tự đình bản.
Khi ông Truyền về Nam Định, do địa vị của gia đình và muốn mua chuộc ông nên chính quyền thực dân mời ông làm việc, hứa trả lương cao và cấp ruộng đất cho nhưng ông từ chối, về quê ở Hành Thiện sinh sống. Thời kỳ này người ta lưu truyền một giai thoại: Ông Truyền tát tai Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định ở bến phà Tân Đệ khi người này hống hách quát mắng người lái phà khiến dân Nam Định, Thái Bình rất hả lòng hả dạ.
Sau khi Nguyễn Ái Quốc rời Đức vào tháng 6-1928, từ tháng 7 Người đến Xiêm, Lào hoạt động và tìm cách liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và các tổ chức, cá nhân khác trong nước và các nước Đông Nam Á đến tháng 11-1929. Được tin “Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên bị tan rã, những người cộng sản chia thành nhiều phái...”, Nguyễn Ái Quốc lập tức đi sang Hương Cảng, và ngày 3-2-1930 Người chủ trì hội nghị hợp nhất hai tổ chức đảng cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của đảng. Nhưng Quốc tế Cộng sản lúc này đang hoạt động theo Nghị quyết Đại hội VI năm 1928 nên không chấp nhận tên Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như Chánh cương và Điều lệ vắn tắt của Nguyễn Ái Quốc dự thảo. Vào tháng 6-1931, Người bị nhà cầm quyền Anh bắt ở Hương Cảng, giam giữ đến năm 1933 mới được trả tự do. Sau đó Người tìm cách về được Liên Xô, tháng 10-1933.
Tháng 4-1934, biết chắc là Nguyễn Ái Quốc đã về Liên Xô, ông Ninh và ông Truyền bàn bạc để ông Truyền sang Pháp trở lại, tiếp tục hoạt động đấu tranh chống chính sách thực dân Pháp, tranh thủ sự giúp đỡ của những người bạn Pháp và tìm cách bắt liên lạc với Nguyễn Ái Quốc. Thời gian đầu ông Truyền gia nhập “Liên minh chống chính sách thuộc địa” của M. Moutet làm chỗ đứng vững chắc, sau đó ông sáng lập “Liên đoàn toàn dân các thuộc địa”, tập hợp đoàn kết những người cùng chí hướng từ các thuộc địa Pháp.
Đây là thời kỳ nguy cơ phát xít đã thắng thế ở Ý và Đức. Ở Pháp lúc này đảng Xã hội và đảng Cộng sản Pháp hoạt động mạnh mẽ, tập hợp các lực lượng dân chủ trong Mặt trận bình dân. Trong cuộc bầu cử năm 1936 Mặt trận bình dân Pháp thắng cử, lên cầm quyền. Chính phủ Mặt trận bình dân do Léon Blum làm thủ tướng đã thi hành nhiều chính sách tiến bộ, nới lỏng quyền tự do dân chủ ở thuộc địa. Thời kỳ 1936-1939 ở Đông Dương, Mặt trận dân chủ được thành lập, Đảng Cộng sản Đông Dương đã hồi phục, hoạt động mạnh mẽ dưới nhiều hình thức công khai, nửa công khai, bí mật ở cả thành thị và nông thôn, có cả mặt trận báo chí nhằm tập hợp quần chúng, được đánh giá là cuộc tập dượt lớn lần thứ hai chuẩn bị cho cao trào giải phóng dân tộc. Trong thời kỳ sôi nổi này Nguyễn An Ninh đưa ra sáng kiến đề nghị Đảng Cộng sản Đông Dương phát động phong trào Đông Dương Đại hội. Qua Đảng Cộng sản Pháp, các ông Truyền và Ninh cũng nhận được tin về Nguyễn Ái Quốc vào tháng 10-1938 đã rời Liên Xô sang Trung Quốc chuẩn bị về nước hoạt động. Đến cuối năm 1938 ông Truyền lại thu xếp về nước chuẩn bị tham gia cuộc đấu tranh đầy cam go. Nguy cơ chiến tranh thế giới càng đến gần…
Đầu năm 1939, Nguyễn Thế Truyền về đến Việt Nam. Khi về tới Nam Định ông bị nhà cầm quyền Pháp giám sát chặt chẽ và ông mới biết tin bà Madeleine cùng các con đã chuyển vào Đà Lạt sinh sống từ năm 1937. Ông Truyền xin đi thăm vợ con nhưng nhà cầm quyền không cho phép. Năm 1940, bà Madeleine lâm bệnh rồi mất ở Đà Lạt mà không được thấy mặt chồng lần cuối.
Tháng 9-1939, thế chiến II bùng nổ. Ở chính quốc, tháng 5-1940 Pháp thất bại, đầu hàng nước Đức phát xít. Còn ở Đông Dương, thực dân phản động một mặt đàn áp khủng bố các lực lượng dân chủ cách mạng, mặt khác đầu hàng quân phiệt Nhật. Tháng 5-1941, ông Truyền bị Pháp bắt cùng với người em trai Nguyễn Thế Song. Lúc này Pháp đã trở lại xâm lược lần thứ hai. Chúng còn tiếp tục giam lỏng ông Truyền một năm nữa ở Sài Gòn. Khi đó bà Nguyễn An Ninh (nhũ danh Trương Thị Sáu, 1899-1983) có đến thăm ông Truyền. Bà nhớ lại lúc đó ông Truyền sau 5 năm bị lưu đày người gầy yếu, mắc bệnh xơ gan nên da vàng ủng. Gặp lại bà Ninh, ông rất vui mừng, xúc động như gặp lại người thân lâu ngày xa cách. Bà nhớ như in lời ông Truyền: “Tôi bây giờ không còn gì, sự nghiệp, gia đình mất hết, anh em chẳng ai hiểu Nguyễn Thế Truyền. Chỉ có hai người biết rõ Truyền là Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn An Ninh. Ninh mất rồi, tôi chỉ còn chờ ngày gặp lại Quốc. Nếu Quốc không còn đến ngày gặp lại nhau thì Truyền cũng chẳng cần sống trên cõi đời này” (Nguyễn Thị Minh. Nguyễn An Ninh - “Tôi chỉ làm cơn gió thổi”. NXB Trẻ, TP.HCM, 2001, tr.63-64). Tuy sức yếu nhưng ông Truyền vẫn còn hăng hái nhiệt tình, hỏi thăm tình hình Sài Gòn và cuộc kháng chiến. Bà Ninh lúc đó là Hội trưởng Phụ nữ, Phó chủ tịch Hội Liên Việt khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Biết bà Ninh đang làm việc cho kháng chiến, ông Truyền đề nghị bà bố trí công việc. Nhưng ông Truyền còn đang bị quản thúc, Pháp vẫn cho người theo dõi và ông còn đau bệnh, cần điều trị nên bà Ninh khuyên ông cứ yên tâm trị bệnh cho khỏe…
Dò hỏi tin tức về các con, ông được biết sau khi bà Madeleine mất, các con không còn nơi nương tựa nên được một vị linh mục đưa về Pháp, gửi vào cô nhi viện. Đến năm 1949 ông Truyền sang Pháp với mục đích tìm lại những người con lưu lạc. Nhờ sự giúp đỡ của người em họ ở Pháp, cha con ông đã được đoàn viên tại Paris. Trưng Trắc đã là nữ tu sĩ, Trưng Nhị là giáo sư triết học tại Anh, Quốc Tuấn là giáo sư âm nhạc tại Tây Đức, Thế Hào là kỹ sư cơ khí tại Pháp. Gặp lại cha sau 15 năm, các con hiểu tấm lòng người cha đã gần trọn cuộc đời hy sinh chiến đấu cho lý tưởng, cho độc lập tự do của dân tộc và nỗi mất mát đau thương của riêng gia đình phải gánh chịu…
Năm 1950, ông Truyền về Việt Nam, sống ở Hà Nội. Ông ra báo Thân Dân ở Hà Nội. Nhưng ông cũng thường xuyên vào Sài Gòn vì ở đó ông có nhiều bạn bè, người thân. Ở Sài Gòn ông Truyền ra tờ báo chữ Pháp Ami du Peuple (Bạn Dân). Năm 1953 ông Truyền ra tranh cử và đắc cử nghị viên (như đại biểu) Hội đồng thành phố Hà Nội.
Năm 1954 sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève, có tin nói Cụ Hồ Chí Minh có viết thư cho ông Nguyễn Thế Truyền, lại có tin nói Cụ Hồ có gặp ông… Theo bà Mai Huỳnh Hoa (1910-1987, người từng hoạt động với Nguyễn An Ninh, đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương từ 1930, nữ văn sĩ, nhà báo ở Sài Gòn, là người thân thiết, gần và hiểu ông Truyền) kể lại với bà Nguyễn An Ninh: cuối năm 1954 khi ông Truyền từ Hà Nội vào Sài Gòn, bà Hoa đến thăm ông, hỏi ông có gặp Cụ Hồ không, thì ông cười và gật đầu xác nhận: “Tôi có gặp Người!” nhưng không nói rõ nội dung cuộc gặp ấy.
Trong suốt 15 năm, từ 1954 đến khi tạ thế (1969), ông Truyền từ chối tham gia chính trường theo những lời mời của chính quyền “đệ nhất” và “đệ nhị cộng hòa”. Ông sống thanh bạch bằng làm báo, kết thân với các nhân sĩ, trí thức, lãnh đạo các tôn giáo, các chính trị gia nổi tiếng, một số tướng lĩnh cao cấp v.v… Họ đều rất kính trọng ông vì ông là nhà cách mạng tiền bối, từng một thời là bạn thân thiết của Hồ Chí Minh, Nguyễn An Ninh, lại có kiến thức uyên bác, sâu rộng về văn hóa, chính trị, xã hội. Với người dân Sài Gòn, từ giới thượng lưu đến tầng lớp bình dân, Nguyễn Thế Truyền là nhà cách mạng, nhà yêu nước lớn được mọi người kính trọng, một nhà báo cách mạng tiên phong từ những năm 1920, và những bài báo thời sau này vẫn sắc sảo, thấu tình đạt lý. Những năm từ 1954 cho đến khi mất, ông vẫn sống bằng nghề báo, nghe kể rằng ông viết nhiều bài phê phán chế độ độc tài tay sai của Mỹ và nhận định chế độ đó tất yếu sụp đổ… Rất tiếc rằng không có đủ tài liệu nên khó có thể nhận xét, đánh giá cho thỏa đáng.
Năm 1961 ông Nguyễn Thế Truyền ra tranh cử tổng thống, liên danh Hồ Nhựt Tân - Nguyễn Thế Truyền, đối chọi với liên danh Ngô Đình Diệm - Nguyễn Ngọc Thơ. Trong cuộc bầu cử này còn liên danh Nguyễn Đình Quát - Nguyễn Thành Phương.
Năm 1967 ông Nguyễn Thế Truyền lại ra tranh cử tổng thống, liên danh Nguyễn Hòa Hiệp - Nguyễn Thế Truyền, đối chọi với liên danh Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ. Cuộc bầu cử này có tới 11 liên danh. Có lẽ hơn ai hết ông hiểu nền dân chủ giả hiệu dưới chế độ thực dân mới của Mỹ, ông không đại diện cho đảng phái chính trị thân Mỹ nào, trong trò bầu cử gian lận thì thất cử là đương nhiên.
Khi được tin từ Hà Nội Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần (2-9-1969), ông Truyền đã dám lập bàn thờ Cụ Hồ tại nhà mình! Có nhiều người ở Sài Gòn yêu kính Cụ Hồ đến nhà ông chứng kiến và thắp nhang tiễn đưa Người. Ông Truyền nói với mọi người, ý nói đây là lần cuối cùng gặp nhau, không ngờ sau đó ông nhịn ăn cho đến kiệt sức phải đưa vào cấp cứu ở bệnh viện Đồn Đất, để rồi ra đi gặp Cụ Hồ ở thế giới người hiền vào ngày 19-9-1969!
Sau khi ông Truyền tạ thế, linh cữu ông quàn tại nhà thờ cụ Phan Châu Trinh ở Đa Kao, quận 1, Sài Gòn. Các giới đồng bào Sài Gòn và miền Nam đến phúng viếng rất đông, từ ngày 20 đến 25- 9-1969, rồi di linh cữu về chùa Vĩnh Nghiêm làm lễ cầu siêu. Sau đó di quan đến nghĩa trang Gò Công an táng bên mộ phần nhà chí sĩ Phan Châu Trinh. Ông Phan Khắc Sửu, cựu Quốc trưởng Việt Nam Cộng hòa, đọc điếu văn tiễn đưa nhà yêu nước lớn về nơi yên nghỉ cuối cùng.
Theo bà Mai Huỳnh Hoa, trong đời bà chứng kiến ba đám tang lớn nhất ở Sài Gòn là đám tang cụ Phan Châu Trinh năm 1926, đám tang Trần Văn Ơn năm 1950 và đám tang Nguyễn Thế Truyền năm 1969. Giới cầm quyền cũng phải kính cẩn tiễn đưa, các giới đồng bào Sài Gòn, nhân sĩ, trí thức, chức sắc các tôn giáo, giới báo chí, hầu hết các trường đại học, nhiều trường trung học sinh viên học sinh đi đưa tang. Như vậy tháng 9 năm 1969, ở hai đầu đất nước đang trong khói lửa chiến tranh: ngày 10 ở Hà Nội có quốc tang Hồ Chí Minh, ngày 25 ở Sài Gòn có đại tang Nguyễn Thế Truyền - hai người bạn năm xưa đã cùng thề nguyện suốt đời đấu tranh cho Việt Nam độc lập.
Cổ nhân nói: “Cái quan định luận” (là khi người chết, đậy nắp quan tài rồi thì lời khen chê, luận công tội mới chính xác). Nguyễn Thế Truyền đã ra đi gần 47 năm. Đất nước đã độc lập, thống nhất 41 năm. Đó là thành quả đấu tranh của bao thế hệ, của hàng triệu con dân nước Việt đã hy sinh xương máu của mình cho nền Độc lập, Tự do của Tổ quốc. Chúng ta kính trọng Nguyễn Thế Truyền, một nhà cách mạng kiên định trên lập trường chủ nghĩa dân tộc.
_____
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí Minh - Toàn tập. Tập 1, tập 2, tập 3. NXB Chính trị Quốc gia, 2000.
2. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử. Tập 1 (Bộ 10 tập). Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - NXB Chính trị Quốc gia, 2013.
3. Nguyễn An Ninh - Tác phẩm. Mai Quốc Liên - Nguyễn Sơn (chủ biên). Trung tâm Nghiên cứu Quốc học - NXB Văn học, 2009.
4. Nguyễn An Ninh qua hồi ức của những người thân. Nhiều tác giả. Trung tâm Nghiên cứu Quốc học - NXB Văn học, 2009.
5. Tuyển tập Phan Châu Trinh. Nguyễn Văn Dương biên soạn. NXB Đà Nẵng, 1995.
6. Radicalism and Origins of the Vietnamese Revolution. Hue-Tam Ho Tai. Harvard University Press, 1992.
Và nhiều tài liệu của gia đình Nguyễn An Ninh cung cấp, nhiều tài liệu sách báo và các website trên Internet…