HV105 - Thời sự & suy ngẫm

Nét nổi bật của thời sự vừa qua là chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama đến Việt Nam. Như đã được dự đoán, Tổng thống Obama tuyên bố bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, quan hệ hai nước bình thường hóa hoàn toàn. Ngoài ra, vấn đề kinh tế (mà quan trọng nhất là Hiệp định TPP do Mỹ chủ đạo), thương mại, văn hóa, giải quyết hậu quả chiến tranh, an ninh – quốc phòng (vấn đề biển Đông)… Mỹ bỏ cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam thì đó là một động thái chính trị, một biểu tượng nhiều hơn là động thái quân sự. Vì Việt Nam trang bị chủ yếu là vũ khí của Nga (90% là của Nga). Nay nếu mua của Mỹ thì cũng chỉ mua những trang thiết bị cần thiết cho phòng vệ (như máy bay săn tàu ngầm trên biển P-3 Orion, tàu tuần tra, radar ven biển…).

Mua rồi còn phải tập huấn sử dụng. Thêm nữa là vấn đề tiền. Vũ khí Mỹ rất đắt. Việt Nam cũng như nhiều nước Đông Nam Á khác, trước các động thái bồi đắp đảo, quân sự hóa đảo, đe dọa lập vùng nhận diện phòng không ADIZ…, phải tăng cường phòng vệ, mua vũ khí, trang bị phương tiện quốc phòng là lẽ đương nhiên. Còn về kinh tế thì Hiệp định TPP còn phải đợi Quốc hội Mỹ thông qua. Mà không phải dễ. Vì với chính quyền mới, chưa biết là Hillary Clinton, hay Donald Trump, thì họ cũng ngần ngại, cân nhắc… Thêm nữa, TPP tạo đà thuận lợi cho kinh tế Việt Nam, nhưng cạnh tranh khốc liệt, không phải là quà cho không. Có ngành cạnh tranh không lại, có khi trắng tay, đòi hỏi phải tổ chức lại, cố gắng lớn…, thì mới mong trong vòng 10 năm tới, kinh tế mới phát triển được mỗi năm 10%.

Nhân đây, xin nói về mối quan hệ Việt Mỹ. Chuyến thăm của ông Obama thành công tốt đẹp, ông Obama hài lòng, thân thiện, ông cũng tránh nói đến nhân quyền là vấn đề mà Mỹ muốn dùng nó như một thứ vũ khí áp đặt, mà trên thực chất là Mỹ đã thừa nhận thể chế chính trị của Việt nam khi mời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Nhà Trắng. Việt Nam cần Mỹ chứ Mỹ cũng rất cần Việt Nam, Việt Nam là nước quan trọng hàng đầu ở Đông Nam Á – châu Á mà Mỹ muốn “xoay trục” sang đây.

Nhưng Việt Nam, như báo chí quốc tế bình luận “Không nóng quá cũng không lạnh quá”. Cái vừa phải chính là cái đặc trưng cho nghệ thuật, cho giao tiếp của Việt Nam truyền thống. Việt Nam đón Mỹ với “một vũ điệu tinh tế”. Không kể những khác biệt về nhiều mặt giữa hai nước, về thể chế, về trình độ phát triển, về tham vọng riêng, không nói quá khứ chiến tranh thù địch giữa hai bên đã được Việt Nam chủ động gác qua một bên, thì cũng còn rất nhiều việc phải tính đến. Trước hết là chiến lược xoay trục về châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, Mỹ răn đe, cạnh tranh với Trung Quốc, tuyên bố nước lớn không được bắt nạt nước nhỏ, phải tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình mọi tranh chấp, không được dùng vũ lực và đe dọa vũ lực… bảo đảm tuyến hàng hóa – hàng không quan trọng bậc nhất của hành tinh theo thông lệ quốc tế… thì chúng ta hoan nghênh. Đó là quyền của Mỹ, của châu Âu, của tất cả các nước quanh vùng: Nhật Bản, Ấn Độ, Australia… Nhưng quyền lợi của Việt Nam thì tối thượng, bất biến: là toàn vẹn lãnh thổ (kể cả lãnh thổ biển), hòa bình, phát triển. Muốn thế, Việt Nam phải “cân bằng lực” giữa Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc là láng giềng siêu cường sát nách ta, mưu toan thế nào ta đã biết quá rõ, mà thế giới cũng đã biết quá rõ. Vấn đề là phải bảo đảm được những mục tiêu chiến lược mà ta đề ra, huy động toàn lực của ta, của thế giới tiến bộ để ngăn chặn. Ta phải buôn bán, giao lưu với Trung Quốc, chuyện tranh chấp trên biển thì giải quyết theo bài bản một cách linh hoạt, nhưng tiến độ buôn bán giao thương, như bán gạo, bán trái vải… thì cứ tự nhiên… Thương mại giữa ta và Trung Quốc lớn gấp hai lần với Mỹ. Cho nên, đối sách của Đảng, Chính phủ… về vấn đề này là đúng đắn, khôn ngoan, linh hoạt, thông minh… chứ không phải như có người hoặc hiểu lầm, hoặc nóng quá mất khôn, hoặc cố tình xuyên tạc.

Đối với Mỹ, ta phải biết rằng, nước Mỹ không phải sẽ cho không ta cái gì. Mỗi nước có quyền lợi quốc gia riêng. Chẳng hạn như Mỹ mở Đại học Fulbright ở ta, cân nhắc lợi hại, thì ta chấp nhận để đào tạo nhân lực khoa học. Nhưng đưa Bob Kerrey sang làm Chủ tịch Hội đồng tín thác của trường thì vừa không có lợi cho uy tín của Mỹ, mà cũng không có lợi cho Việt Nam, vì đây chính là sự khơi lại một quá khứ ác độc chưa xa, mà lẽ ra phải tìm mọi cách không gợi nhắc đến nó. Bộ Ngoại giao ta đã tỏ thái độ, nói Mỹ nên cân nhắc. Thái độ của ta qua ngôn từ ngoại giao, thế là rõ.

Trong bài trước, chúng tôi có hy vọng là mối quan hệ Việt – Mỹ sẽ như một bầu trời xanh trong không một gợn mây (nhân câu lẩy Kiều của Phó tổng thống Mỹ J. Biden “Tan sương đầu ngõ – vén mây giữa trời”). Đừng để những gợn mây đen như chuyện Bob Kerry làm vẩn đục bầu trời, không lợi gì cho cả hai bên. Một số người vì nhiều lý do, đã không được tỉnh táo trước việc này.

Một điều vui mừng nữa là Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc càng ngày càng được lòng dân. Thông qua hoạt động thiết thực, nhắm trúng những vấn đề dân quan tâm, Thủ tướng và các Phó thủ tướng đã có những hoạt động dày đặc trong khoảng 100 ngày cầm quyền đầu tiên. Chính vì thế mà cử tri tín nhiệm bầu tới 99,48% phiếu bầu vào Quốc hội cho ông Phúc (cử tri Hải Phòng), nhiều vị khác trong chính phủ như Đại tướng - Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (95,87%), Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng (95,44%), Phó thủ tướng Vương Đình Huệ (95,32%), Thượng tướng - Bộ trưởng Công an Tô Lâm (95,16%) cũng có phiếu rất cao (Nguồn: vnexpress.net). Sự lựa chọn, ủy thác của Trung ương, của Tổng bí thư, của Quốc hội là chính xác.

Hiện nay vấn đề nợ công, vấn đề mất cân đối thu chi, vấn đề 11 triệu người hưởng lương, trợ cấp… và nhiều vấn đề khắc phục khó khăn do thiên tai, do Chính phủ cũ để lại… để phát triển cho được kinh tế, đạt tăng trưởng GDP 6,8% năm nay là vấn đề then chốt. Cả núi công việc đặt ra cho Chính phủ, cho các Bộ, cho cả hệ thống chính trị… Đồng lòng, ra sức, tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng… chắc chắn chúng ta sẽ có triển vọng.

Bên cạnh đó, không thể không quan tâm đến giáo dục, văn hóa, đạo đức xã hội… Lo cái bụng, nhưng phải lo cái đầu, cái tâm. Chuyện ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa (cũ) bán xưởng phim truyện Thụy Khuê có 30 tỉ trên 500m2 ở hồ Tây cho một công ty tàu biển, mà các Nghệ sĩ nhân dân ta gặp Bộ Văn hóa (Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái) để kháng nghị xem xét, thực chất là sao? Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trong cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội có phát biểu về vấn đề này và có ý là Quốc hội sẽ xem xét. Liệu ta có còn một nền điện ảnh, một “ngành nghệ thuật quan trọng nhất” như Lênin từng chỉ rõ, khi ta bán các xưởng phim, khi ta phó mặc cho tư nhân lo và các rạp chiếu phim là trong tay tư nhân – nước ngoài (chiếm 60% rạp)? Cái nghịch lý là nước tư bản công nghiệp như Hàn Quốc có điện ảnh dân tộc quảng bá cho con người – văn hóa dân tộc họ ra châu Á, ra thế giới, còn ta là nước xã hội chủ nghĩa thì ta đầu hàng thị trường. Nhà văn Zinov’ev (Nga) diễn tả tình trạng văn hóa Nga, thốt lên: “Nó (cái nền văn minh ấy) bao quát tất cả các lãnh vực của cuộc sống con người. Cần phải bảo vệ những di tích của nó như bảo vệ con ngươi của mắt mình. Nhưng tôi có cảm tưởng là thế giới Tây Âu đã giao nộp tất cả những thành tựu vĩ đại nhất trong nền văn minh của mình mà không hề có một trận chiến đấu nào, giống như người Xô viết đã giao nộp một cách thật nhục nhã tất cả những thành quả cao nhất của lịch sử dân tộc mà không có một phát súng bắn trả nào” (Hồn Việt số 94, tháng 7-2015).

Ba mươi năm đổi mới (1986 – 2016) đã đem ít lại nhiều những quan niệm thẩm mỹ mới, rộng rãi, đề cao cái “tôi”, cái chủ thể nghệ thuật theo kiểu phương Tây, nhưng cũng nên nhớ bên ấy hoàng hôn đang xuống trong văn hóa. Có nhiều Nobel văn chương, nhưng đâu là kiệt tác? Còn nói về thay đổi “hệ hình” trong sáng tác, lý luận để hạ nhục văn chương, cách mạng – kháng chiến là “đồng phục” là hoàn toàn không đúng. Thời đó là thời khắc vàng, thời khắc của những cảm hứng lớn, và rất nhiều cá tính sáng tạo phong phú, đặc sắc, ai giống ai giữa Nguyễn Tuân và Chế Lan Viên, Văn Cao và Nguyễn Đình Thi? Bây giờ đây, sức sáng tạo, cảm hứng chủ đạo, sức bật dậy của nền văn hóa dân tộc có thể thấy ở đâu?

Giáo dục chúng tôi đã nói rồi. Làm chuyển biến nền giáo dục theo kiểu mấy thế hệ trước, không có những bứt phá kiên quyết, triệt để, cách mạng… thì e rằng sẽ không đạt được gì nhiều. Mà đây là vấn đề hệ trọng cho sự phát triển đất nước, cho văn hóa dân tộc, cho khoa học – kỹ thuật, cho con người, nhân lực cao, con người giỏi về chuyên môn, nồng nàn lòng yêu Tổ quốc như ta hằng mong đợi.

Làm thế nào? Ta đã nói nhiều quá rồi, nhưng rồi hình như chẳng ai nghe. Rồi mọi việc lại như cũ, theo chiều đi xuống thì thật buồn…

Có một vài tin tức thời sự sốt dẻo tưởng cũng nên nhắc đến luôn: Trung Quốc, nhìn từ một phía nào đó, đang có nhiều dấu hiệu u ám. Nợ doanh nghiệp tương đương 145% GDP (theo IMF), nợ các địa phương cũng rất cao, sản xuất thép dư thừa không bán được, bán qua Mỹ thì Mỹ áp thuế 550%; xí nghiệp ế hàng đóng cửa, công nhân thất nghiệp hàng ba, bốn triệu người. Ở các thành phố lớn của Trung Quốc tình hình kinh tế đi xuống, không khí của một “buổi sáng ảm đạm”.

Về quốc tế, trong mưu toan chiếm đoạt 80% biển Đông dựa cớ “đường lưỡi bò”, Trung Quốc hoàn toàn bị cô lập. Họ cố chạy cho được một số nước ở Thái Bình Dương, châu Phi, Trung Á ủng hộ. Họ tuyên bố có 40 nước ủng hộ họ, nhưng đó là nói vống lên không có căn cứ. Nhiều nước như Fiji, Campuchia… cải chính. Họ cố chia rẽ ASEAN. Họ cố chạy bạn Nga. Nga đang phụ thuộc Trung Quốc trong cảnh bị phương Tây cấm vận, bán được cho Trung Quốc 400 tỉ USD dầu theo giá rẻ là mừng. Nhưng Nga cũng e ngại sự bành trướng của Trung Quốc qua mình, qua Trung Á là sân sau nên cũng chiều lòng Trung Quốc mà nói rằng nên đàm phán song phương về biển Đông (song phương là cái bẫy của Trung Quốc). Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Nga lại tuyên bố là phải giải quyết hòa bình, tôn trọng luật quốc tế, thế là ổn thỏa. Ở đối thoại Shangri-La, Trung Quốc bí đến nỗi phải làm trò phát tờ rơi. Rồi Ngoại trưởng Trung Quốc cáu gắt với một nữ ký giả Canada khi cô này đặt câu hỏi không hợp ý Trung Quốc, nhiều người đòi ông ta phải xin lỗi. Lẽ nào Trung Quốc lại có thể nói truyền thống của Trung Quốc là “phụ nhân nan hóa” (đàn bà khó dạy) và không biết “nịnh đầm” (galant)?

Nhưng tình hình quốc tế đang diễn biến phức tạp. Bầu cử tháng 11 này ai thắng ai thua cũng sẽ có ảnh hưởng đến Việt Nam mà giữa bà Hillary Clinton và ông Donald Trump thì chưa biết “mèo nào cắn mỉu nào”, nhất là sau khi xảy ra vụ thảm sát ở hộp đêm Pulse, thành phố Orlando; ông Trump có thể triệt để lợi dụng cơ hội kích động chống IS, chống Hồi giáo cực đoan để hạ gục bà Clinton. Nhưng đến ngày 15-6 thì bà H. Clinton vẫn dẫn điểm trước D. Trump 12%. B. Obama triệt để ủng hộ bà H. Clinton, phê phán gay gắt luận điểm cấm nhập cư người Hồi giáo, đó cũng là sự ủng hộ vô giá.

Việc ra đi hay ở lại EU của Anh tuần tới cũng sẽ ảnh hưởng đến thế giới và đối với Việt Nam, Anh ra đi thì kim ngạch buôn bán của ta và Anh có thể giảm.

Việc Philippines, người có thể sắp thắng kiện trước tòa án trọng tài quốc tế La Hay, dưới thời tổng thống mới đang muốn “dàn hòa”, làm ăn với Trung Quốc, độc lập hơn với Mỹ, cũng là một việc ảnh hưởng đến tính thể chung. Ngoại trưởng Việt Nam vừa hội kiến với Ngoại trưởng Trung Quốc, ở hội nghị Ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc tại Vân Nam; hai bên nhất trí về tầm quan trọng của hòa bình ở biển Đông, khi Việt Nam bày tỏ quan ngại. Buôn bán giữa hai bên có dấu hiệu thông tuyến hơn: theo một thỏa thuận, cửa khẩu Bằng Tường Quảng Tây và Lào Cai có thể mở cửa đến 10 giờ đêm cho xe chở vải của ta qua. Quả vải thì Trung Quốc, mạn Quảng Đông cũng trồng được, chúng tôi có ăn vải tại chỗ rồi, nhưng ít lắm. Vải của Việt Nam ngon mà rẻ như thế, thì quả có tên “léchi” quốc tế này, là món tráng miệng sang trọng, tuyệt hảo (ngày xưa Dương Quý Phi rất thích, bắt chạy ngựa trạm lên tận Trường An, Thiểm Tây cống nạp như trong thơ Đường Đỗ Mục). Rồi đây cả thế giới thưởng thức quả vải, và cả quả măng cụt có lòng quả trắng tinh ngon ngọt… của ta. Cho bà con ta trồng cũng đỡ tủi vì giá rẻ, khó bán, bù công khó nhọc từ món quà thiên nhiên ban tặng.

HỒN VIỆT