Hà Nội, ngày 2-6-2016
K/g Ban biên tập tạp chí Hồn Việt,
Tôi nhận được Hồn Việt số 104 hôm qua. Chưa xem được hết nhưng mấy bài đã đọc thì rất thú vị, tâm đắc nhất là Thời sự và suy ngẫm, Câu chuyện về “Liên minh sai lầm”… cũng muốn “nối điêu” mấy câu, song phải suy ngẫm thêm đã. Trước mắt hãy xin thuật lại một chuyện cũ tôi chợt nhớ ra khi đọc bài Mấy quy định lợi bất cập hại của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Xin thú thật, tôi cũng từng ở trong hàng ngũ những “thầy chữ” hay tự bốc là “quân sư quạt mo” giúp thủ trưởng soạn thảo những văn bản này khác, trong đó có những quy định chuyên ngành.
Đó là khoảng đầu năm 1962, tôi thuộc biên chế của Cục Phòng cháy và chữa cháy, trực thuộc Bộ Nội vụ do Phó thủ tướng Phan Kế Toại kiêm Bộ trưởng. Lúc này các văn bản pháp quy chính về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) đều đã được ban hành: Pháp lệnh quy định về việc quản lý của Nhà nước đối với công tác PCCC (4-10-1961). Nghị định của Hội đồng chính phủ về việc thi hành Pháp lệnh nói trên (31-12-1961) và Thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ (tôi không nhớ ngày, nhưng cũng chỉ vào đầu năm 1962), tôi được giao dự thảo mẫu “Nội quy PCCC của hợp tác xã nông nghiệp”. Do Cục trưởng xuống địa phương nên bản thảo được trực tiếp trình Thứ trưởng Nguyễn Văn Ngọc - một người rất kỹ tính cả về nội dung, câu, chữ… của văn bản. Ngay hôm sau, tôi đã được ông gọi lên. Lấy ngón tay gõ vào bản thảo của tôi đặt trên bàn, ông hỏi:
- Cậu đã tới một hợp tác xã nông nghiệp bao giờ chưa?
- Rồi ạ!
- Thế dụng cụ chữa cháy chuyên dùng như câu liêm, gầu vẩy, thang tre, thùng gánh nước… chỉ được dùng cho việc chữa cháy như cậu quy định thì ngày thường để vào đâu?
Không đợi tôi trả lời, ông nói tiếp:
- Thế thì chắc là phải làm một cái buồng để chứa, và sợ bị mất trộm nên phải khóa lại. Thế thì khi có cháy liệu lấy ra được kịp thời không? Với lại trừ vài thứ chỉ dùng để chữa cháy được thôi như ống thụt, bơm hai pít tông, còn các thứ khác như cái thùng, lúc thường để gánh nước ăn, cái gầu vẩy để hất bùn từ ao lên bờ, hất nước tưới rau… khi có cháy thì dùng để chữa cháy thì mới hợp lý, tiết kiệm.
Chừng thấy tôi đã “giác ngộ”, ông ngừng một chút rồi kể:
- Hồi trình Hồ Chủ tịch bản dự thảo Pháp lệnh về PCCC, có một điều đọc xong, Bác có vẻ suy nghĩ rồi hỏi: “Các chú thấy liệu điều này có thực hiện được không?”. Ai cũng ngớ ra, tự hỏi sao mình không nhận thấy! Bác lại ôn tồn nói: “Cũng chẳng tránh được là có khi quy định mình đề ra chưa sát, chưa đúng. Nhưng phát hiện ra thì phải sửa chữa, chứ biết rằng quy định không thể thực hiện được mà cứ đề ra thì sẽ làm mọi người coi thường luật pháp…”.
Hơn 40 năm đã trôi qua kể từ khi tôi được nghe kể lại lời dạy của Bác Hồ về việc soạn thảo các văn bản pháp quy. Nhưng trong tình hình hiện nay, khi vẫn có những quy định thuộc loại như tác giả Quảng Thanh nêu trong bài viết trên và nhiều quy định “kỳ cục” khác như điểm ưu tiên cho Bà mẹ anh hùng khi thi vào đại học, cách chức giám đốc bệnh viện nào để quá tải bệnh nhân, ô tô 4 chỗ trở lên phải có bình chữa cháy v.v… và v.v… thì xét ra ta chưa học Bác Hồ được bao nhiêu.